Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 30-07-2015 12:09am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

 

 
Béo phì ở mẹ làm gia tăng nguy cơ rất nhiều bệnh lý ở trẻ và các bệnh lý này có thể tồn tại lâu dài cho tới khi trẻ trưởng thành, bao gồm bệnh lý tim mạch và hen suyễn. Gần đây, một nghiên cứu đã gợi ý lý do tại sao điều này lại xảy ra, đó là do béo phì ở mẹ làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ từ khi mới sinh ra, làm gia tăng độ nhạy cảm của trẻ đối với bệnh tật.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Ilhem Messaoudi, từ đại học California – Riverside, Hoa Kỳ cùng các đồng nghiệp công bố những phát hiện của họ trên tạp chí “Pediatric Allergy and Immunology”.

Béo phì ở mẹ đã được chứng minh làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và sinh non ở mẹ, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, đái tháo đường type 2, hen suyễn và bệnh lý tim mạch ở trẻ.
Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy béo phì ở mẹ gây rối loạn điều hoà hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và làm trẻ dễ mắc bệnh hơn, Messaoudi và các đồng nghiệp cho rằng những cơ chế đằng sau vấn đề này còn chưa được hiểu rõ. Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát những tác động của trọng lượng mẹ lên hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh.

Các nhà nghiên cứu tuyển chọn 39 bà mẹ và con họ vào nghiên cứu. Mỗi bà mẹ được tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI) – dựa trên cân nặng và chiều cao của họ - sau đó phân thành 3 nhóm: gầy, thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân được định nghĩa khi BMI từ 25 đến 29,9; trong khi đó béo phì được định nghĩa khi BMI bằng hoặc lớn hơn 30.
11 bà mẹ trong tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu được phân vào nhóm gầy, 14 thừa cân và 14 béo phì. Tất cả các bà mẹ đều không hút thuốc và không có bất cứ biến chứng nào trong quá trình mang thai.  Nhóm nghiên cứu thu thập các mẫu máu cuống rốn từ trẻ sơ sinh của các bà mẹ trên, từ đó đánh giá các quần thể cũng như sự lưu hành trong hệ tuần hoàn của các tế bào miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch đặc hiệu – tế bào đơn nhân và sao bào – ở những trẻ sinh ra từ các bà mẹ béo phì đáp ứng với các kháng nguyên vi khuẩn kém hơn nhiều so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ gầy . Messaoudi bổ sung thêm: “Những trẻ sơ sinh này cũng có số lượng tế bào lympho T CD4 giảm thấp. Tất cả những thay đổi này đều có thể làm suy giảm các đáp ứng đối với nhiễm khuẩn và chủng ngừa”.

Các mẫu máu cuống rốn cũng cho thấy nồng độ thấp hơn của tế bào eosinophil (tế bào liên quan tới đáp ứng dị ứng và phát triển hen suyễn) ở những trẻ sinh ra từ các bà mẹ béo phì. Các nhà nghiên cứu cho rằng các tế bào này đã di chuyển đến phổi của các trẻ sơ sinh và điều này có thể giải thích tại sao những trẻ sinh ra từ các bà mẹ béo phì có nguy cơ gia tăng hen suyễn về sau. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy béo phì ở mẹ có thể gây ra các biến đổi trên hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh, những biến đổi này có thể phát hiện ngay từ khi trẻ mới sinh ra và có thể kéo dài đến suốt cuộc đời trẻ.

Messaoudi cho rằng những phát hiện này làm dấy lên một số câu hỏi về cách mà trẻ nên được tiêm chủng: “Điều này có thể thay đổi cách mà chúng ta đáp ứng với chủng ngừa và các kháng nguyên môi trường gây ra hen suyễn. Như chúng ta đã biết, trong 2 năm đầu tiên sau khi sinh, trẻ thường được tiêm chủng rất nhiều mũi vắcxin. Những câu hỏi được đặt ra là: Liệu kh3 năng đáp ứng với vắcxin ở những trẻ sinh ra từ các bà mẹ béo phì có bị suy giảm trong 2 năm đầu sau sinh hay không? Liệu chúng ta có nên thay đổi lịch tiêm chủng cho các trẻ này? Liệu chúng ta có nên thay đổi số lượng và tần suất tiêm chủng?”

Mặc dù còn cần thêm nữa các nghiên cứu để đánh giá mối liên hệ giữa béo phì ở mẹ với hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh, Messaoudi tin tưởng rằng các phát hiện từ nghiên cứu trên cho thấy nên tập trung vào vấn đề tăng cân trước và trong suốt thai kỳ ở mẹ.

“Khi một bà mẹ tới các phòng khám trước sinh, các bác sĩ dặn dò họ về hút thuốc lá, sử dụng thuốc bổ và rượu. Nhưng họ nên được tư vấn về vấn đề cân nặng và kiểm soát cân nặng. Béo phì có rất nhiều ảnh hưởng nặng nề lên sức khoẻ bà mẹ. Béo phì liên quan tới khả năng thụ thai thấp. Tỉ lệ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, nhau bong non – tất cả các nguy cơ trên đều gia tăng rõ rệt với tăng cân và béo phì. Chính vì vậy việc thảo luận với bác sĩ về cân nặng lý tưởng cần đạt được khi mang thai và trong suốt thai kỳ là hết sức quan trọng” – Messaoudi kết luận.
 
(Nguồn: medicalnewstoday 6/2015)
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Lợi ích của kẹp dây rốn trễ - Ngày đăng: 27-07-2015
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK