Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 06-06-2014 7:07am
Viết bởi: Administrator

20140224165112-pstw

 

ThS. Nguyễn Thị Minh

 


ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau 12 năm, từ khi em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 1978 (Dale và Elder, 1997), đến năm 1990, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có một bước phát triển mới với sự thành công của kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (pre-implantation genetic diagnosis – PGD) (Handyside và cs., 1992). Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ là một kỹ thuật chủ động sàng lọc các bất thường di truyền của phôi trước khi chuyển phôi vào buồng tử cung, do đó, tránh được phá thai vì lý do bất thường, làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người mẹ. Kỹ thuật PGD còn mang ý nghĩa nhân đạo khi góp phần giảm thiểu trẻ dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển của lĩnh vực di truyền, kỹ thuật PGD cho phép phân tích sâu hơn về di truyền của phôi, noãn bằng các kỹ thuật di truyền như FISH (fluorescent in situ hybridization – FISH), phát hiện dị bội hoặc bất thường của một số nhiễm sắc thể, PCR (polymerase chain reaction – PCR) phát hiện một số gen gây bệnh, CGH (comparative genomic hybridization – CGH) phát hiện bất thường về số lượng hoặc cấu trúc của bộ nhiễm sắc thể (NST). Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy kỹ thuật PGD kết hợp với lựa chọn hình thái phôi giúp lựa chọn được phôi tốt có di truyền bình thường, từ đó làm tăng tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ có thai và tỉ lệ trẻ sinh sống trong thụ tinh trong ống nghiệm (Opitz và Gilbert-Barness, 1990; Chen và Harold, 2008). Hiện nay, một số trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên thế giới thực hiện kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ thường qui cho các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm. Tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật này. Mặc dù, trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện qui trình trong năm 2012 nhưng đến tháng 10/2013 mới ứng dụng trên bệnh nhân. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này bước đầu đánh giá kết quả kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ áp dụng trên phôi của các bệnh nhân thụ tinh trong ống tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Có 37 phôi của 11 bệnh nhân được làm thụ tinh trong ống nghiệm, áp dụng phương pháp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Địa điểm nghiên cứu

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Thời gian nghiên cứu

Từ tháng 10/2013 đến tháng 02/2014.

Phương pháp tiến hành

- Bệnh nhân dùng thuốc kích thích buồng trứng, theo dõi sự phát triển của nang noãn bằng siêu âm và tiêm thuốc kích thích phóng noãn, chọc hút noãn.

- Noãn sau khi thu hoạch được ủ trong tủ nuôi cấy 6% CO2, nhiệt độ 370C; sau 2-4 giờ thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).

- Nuôi phôi đến ngày thứ 3 sau ICSI (62-67 giờ); lựa chọn các phôi: có 6, 8 phôi bào, các phôi bào đồng đều, mảnh vỡ bào tương <20%, độ chiết quang sáng.

- Tiến hành sinh thiết phôi bằng môi trường PGD pha với HAS đã chuẩn bị sẵn:

  • Lựa chọn phôi bào có nhân, giữ phôi bào cần sinh thiết ở vị trí 1-5 giờ.
  • Tạo lỗ thủng trên màng zona 40mm cạnh phôi bào cần sinh thiết.
  • Kim sinh thiết tiếp cận phôi bào cần sinh thiết qua lỗ thủng, hút phôi bào từ từ, tránh bị vỡ phôi bào.

- Phôi sau khi sinh thiết được cho vào môi trường nuôi phôi nang đã chuẩn bị sẵn có đánh số thứ tự phôi theo số thứ tự phôi bào được sinh thiết từ phôi đó.

- Phôi bào sau khi sinh thiết sẽ được cố định trên lame kính có ghi tên mã số bệnh nhân và số thứ tự khớp với số thứ tự của giọt nuôi phôi.

- Áp dụng kỹ thuật FISH với kit lai MultiVysion, trong đó, tín hiệu huỳnh quang màu xanh (green) hiển thị cho NST 21; đỏ (red) hiển thị cho NST 13; màu xanh dương (Aqua) hiển thị cho NST 18; màu xanh nước biển (blue) hiển thị cho NST X và màu vàng (gold) hiển thị cho NST Y.

- Ngày thứ 5 sau chọc hút noãn, khi có kết quả phân tích di truyền của các phôi bào và dựa vào hình thái của phôi tương ứng sẽ lựa chọn 2 phôi tốt để chuyển phôi.

- Đánh giá hình thái phôi ngày 5 dựa vào số lượng tế bào nụ phôi, số lượng tế bào lá nuôi phôi, độ lớn khoang dịch và độ nở rộng của phôi.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Tổng số 11 bệnh nhân thực hiện kỹ thuật PGD tại trung tâm chúng tôi đều có tiền sử sẩy thai, thai lưu nhiều lần không rõ nguyên nhân hoặc bệnh nhân lớn tuổi. Đặc điểm của các bệnh nhân được trình bày theo bảng 1.

Bảng 1. Nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Đặc điểm

Chỉ số

Tuổi trung bình

32,14

Thai sẩy, lưu nhiều lần

8 (8/11)

IVF thất bại nhiều lần

1(1/11)

Tiền sử sinh con dị tật

1(1/11)

Lớn tuổi (>40 tuổi)

1(1/11)

Tổng

11

Tổng cộng có 37 phôi của 11 bệnh nhân tiến hành làm PGD được phân tích di truyền bằng kỹ thuật FISH với 5 NST 13, 18, 21 X và Y. Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ phôi lệch bội khá cao chiếm tới 45,9% trong tổng số các phôi được chẩn đoán (Bảng 2). Kết quả nghiên cứu này tương đương với nghiên cứu của Munné và cộng sự (2007) thực hiện trên 6.000 phôi cho thấy tỉ lệ các phôi có hình thái tốt ở giai đoạn phân chia có tỉ lệ bất thường về NST là 56% đối với bệnh nhân nữ dưới 35 tuổi. Tác giả cũng nhận thấy tỉ lệ phôi bất thường tăng dần theo độ tuổi của người phụ nữ (Munné và cs., 2007).

Bảng 2. Kết quả phân tích di truyền

Kết quả di truyền

Số phôi

Tỉ lệ (%)

Bất thường

17

45,9

Bình thường

20

51,1

Tổng

37

100

Trong 17 phôi bất thường dị bội về 4 NST thể nói trên, xuất hiện nhiều nhất ở NST 21, sau đó là NST 18 và ít xuất hiện hơn ở nhiễm sắc thể 13 và NST giới tính. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy một phôi có thể xuất hiện nhiều đột biến dị bội ở các cặp NST khác nhau và các cặp NST đó có thể ở dạng tam bội hoặc đơn bội (Bảng 3). Nghiên cứu của Munne và cộng sự thực hiện trên 1.600 phôi cho thấy hầu hết các dị bội NST thường xuất hiện ở các cặp NST 21, 22, 16, 15 trong khi các cặp NST giới tính, 13, 18 thì ít gặp hơn (Munne và cs., 2001).

Bảng 3. Tỉ lệ bất thường dị bội ở các cặp NST

Cặp NST

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Cặp NST 13

3

13,63

Cặp NST 18

7

31,81

Cặp NST 21

9

40,93

Cặp NST giới tính

3

13,63

Tổng

22

100

Tỉ lệ phôi phát triển thành phôi nang trong số các phôi bình thường trong nghiên cứu chúng tôi tương đối cao, chiếm 86,49% tổng số phôi (Bảng 4). Tuy nhiên, cỡ mẫu còn ít nên cần tiến hành nghiên cứu thêm để có số liệu đánh giá chính xác hơn. Theo Jones và cộng sự, tỉ lệ phát triển thành phôi nang là 51% khi nghiên cứu các bệnh nhân dưới 40 tuổi (Jones và cs., 1998).

Bảng 4. Tỉ lệ phôi phát triển thành phôi nang

Hình thái phôi

Chỉ số

Phôi nang

32 (86,49%)

Phôi không hình thành phôi nang

5 (13,51%)

Tổng

37 (100%)

Trong số 11 bệnh nhân được chẩn đoán PGD, có 2 bệnh nhân phôi bất thường hoàn toàn, do đó không chuyển phôi. Tỉ lệ thai lâm sàng trong nghiên cứu này đạt 66,7%, tỉ lệ làm tổ đạt 40,9% (Bảng 5). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Jones (Jones và cs., 1998). Munne và cộng sự (2003) cho thấy tỉ lệ làm tổ trong nhóm bệnh nhân PGD tăng có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (Munne và cs., 2003).

Bảng 5. Tỉ lệ có thai và làm tổ

Chỉ số

Số lượng

Tổng

Số phôi chuyển trung bình

2,4

22

β-hCG dương tính

7 (77,78%)

9 (100%)

Có thai lâm sàng

6 (66,67%)

9 (100%)

Làm tổ

9 (40,9%)

22 (100%)

KẾT LUẬN

Bước đầu nghiên cứu 37 phôi của 11 bệnh nhân có tiền sử hướng tới nguy cơ bất thường NST, chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:

- Tỉ lệ bất thường phôi khá cao (45,9%) trong số các phôi được chẩn đoán.

- Tỉ lệ β-hCG, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ có thai đạt được khá cao khi chuyển các phôi bình thường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chen MD, Harold (2008). Introduction to Trisomy 18. E Medicine Retrieved; 7-24.

2. Dale Brian and Elder Kay (1997). Preface. In text book of Invitro Fertilization, printed in the United Kingdom at the University Press. Cambridge Typeset in 11/14 Monotype Times.

3. Gardner DK, Weissman A, Howles CM and Shoham Z. Laboratory and Clinical Perspectives. Human Preimplantation Embryo Selection; 297-318. (Eds). London: Martin Dunitz Ltd.

4. Handyside AH, Lesko JG, Tarín JJ et al. (1992). Birth of a normal girl after in vitro fertilization and preimplantation diagnostic testing for cystic fibrosis. N Engl J Med; 327(13):905-909.

5. Jones GM, Trounson AO, Lolatgis N et al. (1998). Factors affecting the success of human blastocyst development and pregnancy following in vitro fertilization and embryo transfer.

6. Munne, Sandalinas M and Cohen J (2001). Chromosome abnormalities in human embryos. In textbook of Assited Reprodutive Techniques.

7. Munne, Sandalinas M, Escudero T et al. (2003). Improved implantation after preimplantation genetic diagnosis of aneuploidy. Reprod Biomed Online in pres.

8. Munné, Serena C, Colls P et al. (2007). Maternalage, morphology, development and chromosomeabnor-malities in over 6000 cleavage-stage embryos. Reprod Biomed Online; 14:628-634.

9. Opitz John M, Gilbert-Barness Enid F (1990). Reflections on the Pathogenesis of Down Syndrome. American Journal of Medical Genetics; 7:38-51.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK