Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 19-09-2013 9:22am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

h15 Theo văn bản vừa ban hành của Bộ Y tế về việc các cơ sở y tế phải làm xét nghiệm cho phụ nữ mang thai nghi nhiễm Rubella, ThS-BS Lê Văn Hiền, Phó giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (TP.HCM) đã tư vấn thêm về các xét nghiệm chẩn đoán Rubella cho thai phụ.


Là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, Rubella đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì gây ra nhiều dị tật nghiêm trọng cho thai nhi. Cụ thể, thai nhi có thể bị dị tật trên tim như hở/hẹp van tim, thông liên thất/liên nhĩ; tật trên tai như điếc bẩm sinh; mù mắt vì đục thủy tinh thể; suy dinh dưỡng bào thai; nhiễm trùng sơ sinh…

Khi bị nhiễm Rubella, người bệnh có những triệu chứng sốt, phát ban tương tự các loại virus gây cúm khác, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào thể trạng từng người và nồng độ virus trong máu. Do đó, nhiều khả năng thai phụ không biết mình mắc bệnh Rubella.

Phụ nữ có thai đã bị sốt, phát ban mà không xác định rõ nguyên nhân cần được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán Rubella IgM và IgG. Nhiều trường hợp có thể xảy ra dựa trên kết quả chẩn đoán, cụ thể như sau:

IgM âm tính, IgG âm tính: Thai phụ chưa từng nhiễm Rubella, đồng nghĩa với việc có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh trong thời gian sắp tới nếu không có sự phòng ngừa, đặc biệt với người đi qua hoặc sinh sống trong vùng có dịch. Do đó, cần phải hạn chế tối đa việc đến chỗ đông người, đến những vùng dịch bệnh; nếu buộc phải đến, nên đeo khẩu trang, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

IgM dương tính, IgG dương tính: Kết quả này chứng tỏ thai phụ đang nhiễm Rubella cấp. Nếu thai trong giai đoạn ba tháng đầu, thai phụ sẽ được bác sĩ tư vấn bỏ thai, vì tỷ lệ mẹ có thể truyền virus sang thai nhi lên đến trên 90%. Hậu quả là thai nhi bị chết hoặc mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật. Nếu tuổi thai từ 12-18 tuần, tỷ lệ gây dị tật thai thấp hơn, khoảng 40-60%, bác sĩ không tư vấn bỏ thai, nhưng sẽ cùng thai phụ cân nhắc tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu thai trên 18 tuần: bác sĩ sẽ không tư vấn bỏ thai, vì khả năng thai bị dị tật rất hiếm, song có thể có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, thai còi hoặc nhiễm trùng sơ sinh.

IgM âm tính, IgG dương tính: Có thể xảy ra nhiều khả năng, khi đó, cần xét thêm về tiền sử bệnh. Nếu thai phụ đã chích ngừa trước khi mang thai; hoặc từng bị Rubella đã được chẩn đoán thì có thể yên tâm tiếp tục dưỡng thai vì thai phụ đã có kháng thể. Nếu không nằm trong hai diện trên và đã từng có sốt, phát ban, thai phụ cần được thử lại chỉ số IgG một tuần sau đó. Kết quả chỉ số IgG tăng dưới bốn lần biểu hiện thai phụ đã bị nhiễm IgG từ lâu, có thể yên tâm giữ thai; song chỉ số này tăng trên bốn lần đồng nghĩa với việc thai phụ mới bị nhiễm Rubella, cách xử lý tương tự với tình huống IgM dương tính, IgG dương tính.

Nếu IgM âm tính, IgG dương tính: Nếu có kết quả này và thai phụ không nhớ thời điểm sốt phát ban, hoặc thời điểm bị sốt, phát ban đã trên một tháng, việc thử IgG không còn giá trị, cần phải chọc ối để tầm soát Rubella. Nếu kết quả là dương tính, nên bỏ thai, nếu âm tính có thể giữ thai.

IgM và IgG cùng dương tính nhưng IgM dương tính với nồng độ thấp (chỉ một-năm đơn vị): Trường hợp này ít gặp, cần chẩn đoán phức tạp hơn. Nhiều khả năng dương tính giả do thai phụ mới bị nhiễm một loại siêu vi nào đó hoặc mới bị tái nhiễm. Khi đó, cần theo dõi và xét nghiệm IgM, IgG sau mỗi một-hai tuần. Sau hai-ba lần liên tiếp nếu các chỉ số vẫn giữ nguyên, không đổi thì thai phụ có thể yên tâm.

Quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh bằng cách chích ngừa trước khi mang thai tối thiểu một tháng, tốt hơn là từ trên ba tháng để đảm bảo nồng độ kháng thể cao nhất. Nhiều người lo lắng “nếu vừa chích ngừa Rubella mà lỡ mang thai thì có khả năng bị dị tật thai nhi không?”. Đến nay, chưa bằng chứng nào cho thấy tình huống này có thể gây dị tật cho thai nhi. Tuy nhiên, khi đó, cơ thể thai phụ vẫn chưa có kháng thể nên cần phải giữ gìn sức khỏe và phòng tránh để không bị nhiễm bệnh.

Một số phụ nữ đã từng chích ngừa Rubella nhiều năm, đến khi chuẩn bị mang thai muốn xét nghiệm để biết nồng độ kháng thể có còn đủ để phòng ngừa bệnh hay không, nếu bị giảm nhiều, họ sẽ chích nhắc thêm. Điều đó là không cần thiết, nếu cảm thấy không yên tâm, chị em có thể yêu cầu được chích nhắc mà không cần phải xét nghiệm thử nồng độ. Việc chích thêm không gây ảnh hưởng gì đến cơ thể mà còn giúp tăng nồng độ kháng thể.

Cần chích ngừa Rubella cho trẻ khi còn bé, từ trên một tuổi. Bệnh Rubella không gây ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản của bé gái, kể cả khi có biến chứng.

Nguồn: Báo Phụ Nữ Online

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thủ phạm gây ngứa 'vùng kín' - Ngày đăng: 19-09-2013
Thai phụ và vấn đề ăn uống - Ngày đăng: 13-09-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK