Nhiễm virut mụn rộp có thể xảy ra ở nhiều thời điểm mang thai, khi cơ thể người mẹ lần đầu tiên phơi nhiễm với virut gây bệnh mụn rộp và virut xâm nhập máu mẹ và có thể đi đến thai nhi - khi đẻ, do virut có trong dịch tiết của âm đạo và lây truyền cho thai nhi đi qua đường sinh dục. Sau khi sinh, có khi chỉ đơn giản do người hôn trẻ bị chốc mép (mụn rộp ở môi).
Lây nhiễm virut mụn rộp khi mang thai và khi đẻ: Những nguy cơ lây nhiễm cho thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm người mẹ bị nhiễm virut lần đầu - tần suất các đợt bùng phát, người phụ nữ mang thai có biết mình đã nhiễm virut mụn rộp hay không vì không thấy có biểu hiện gì.
Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virut mụn rộp từ trước khi có thai: Trong trường hợp này, nguy cơ thai bị nhiễm virut thực sự đáng ngại. Có thể hạn chế được nguy cơ nếu thầy thuốc sản khoa biết rõ tiền sử bệnh của cha mẹ để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị cần thiết ngay từ khi có thai và khi chuyển dạ. Cũng có khi cần chỉ định mổ lấy thai.
Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virut mụn rộp trong thời gian mang thai: Dù rất hiếm nhưng trong trường hợp này thì nguy cơ lây nhiễm cho con khi chuyển dạ rất lớn và có thể nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Cần nhận biết đợt bùng phát đầu tiên khi đang mang thai để báo cho thầy thuốc biết. Thực hành mọi biện pháp thận trọng khi đẻ và trẻ sơ sinh có thể phải được điều trị ngay từ khi đẻ ra.
Nếu không bao giờ có đợt bùng phát mụn rộp: Cũng chưa thể loại trừ nguy cơ vì một số người tuy đã bị nhiễm virut mụn rộp nhưng không bao giờ bộc lộ triệu chứng. Vẫn có những đợt virut phát tán nhưng không có dấu hiệu nào; dù không có triệu chứng nhưng nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con vẫn có thể xảy ra. Trẻ sơ sinh có tổn thương của bệnh mụn rộp có nghĩa là mẹ đã bị mụn rộp sinh dục. Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị bệnh mụn rộp được tiến hành rất nhanh và trẻ cần được điều trị ngay.
Làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đang mang thai?
Nếu như đã có những đợt bùng phát bệnh mụn rộp ở vợ và chồng: Cần để ý và báo cho thầy thuốc mọi hiện tượng đau dù ít ở cơ quan sinh dục (ngứa, cảm giác bỏng rát, nhoi nhói như kim châm, hay chỉ thấy khó chịu nhưng dễ tái diễn). Ngừng quan hệ tình dục trong thời gian có bùng phát, nhất là theo đường miệng nếu một trong hai bạn tình có nốt ngứa nghi ngờ. Ngay cả khi sờ vào nốt ngứa cũng có thể làm lây nhiễm sang các bộ phận khác của cơ thể.
Nên bảo vệ cho bản thân và bạn tình bằng cách mang bao cao su ngay cả khi không có đợt bùng phát.
Nếu không bao giờ có đợt bùng phát ở cặp vợ chồng: Nên nhớ rằng luôn có nguy cơ mặc dù một trong hai người không bao giờ có biểu hiện bị mụn rộp sinh dục. Khi không có tiền sử và hoặc không có dấu hiệu mụn rộp sinh dục cũng chưa thể yên tâm vì ngày nay chưa có các phương tiện phát hiện bệnh có hiệu quả. Cách phòng ngừa duy nhất để ngăn chặn sự lây nhiễm virut có thể xảy ra là dùng bao cao su khi quan hệ tình dục trong 2 tháng cuối của thai nghén.
Mụn rộp, ngay cả khi sờ vào nốt ngứa cũng có thể làm lây nhiễm sang các bộ phận khác.
Cách nhận biết đợt bùng phát bệnh mụn rộp? Dù thai nghén ở giai đoạn nào mà thấy ngứa, bỏng rát, cảm giác nhoi nhói như kim châm ở vùng âm hộ và âm đạo cũng cần đi khám bác sĩ. Vùng nhiễm khuẩn có màu đỏ, sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ tụ thành đám. Chính những mụn nước này chứa đầy virut khi vỡ ra sẽ tạo nên tổn thương hở, đôi khi rất đau. Sau khoảng 10 ngày mới lành sẹo, tạo thành vẩy và bong. Mọi dấu hiệu này có thể kèm với sốt, đau lưng, nhức đầu và đau bụng. Các dấu hiệu cũng giống nhau ở nam nữ và phụ nữ có thai hay không.
Khi nào cần gặp ngay thầy thuốc? Khi có đợt bùng phát mới, khi có các tổn thương đau, dễ kích thích hay khi chỉ khó chịu ở cơ quan sinh dục.
Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sau khi sinh
Vài tháng đầu sau khi sinh, trẻ rất dễ bị bệnh vì hệ miễn dịch còn non trẻ, chưa có khả năng chống lại một số bệnh, ở giai đoạn này, lây nhiễm virut mụn rộp có thể xảy ra khi người lớn bị chốc mép hôn hít trẻ và hậu quả có thể nghiêm trọng với trẻ. Trong khi tiền sử ở bố mẹ có mắc bệnh mụn rộp, cần báo cho thầy thuốc để có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho trẻ.
Vệ sinh cho trẻ cần được tăng cường: Tiếp xúc với trẻ phải rửa tay sạch, khăn, tã của trẻ phải để riêng. Tuyệt đối không hôn hít trẻ khi có chốc mép. Gặp thầy thuốc ngay khi trẻ có những mụn nước trong trên da, khi mắt trẻ đỏ và khóc nhiều, bỏ bú, ngủ cả khi tắm hay khi ăn, dễ kích thích... Có khi sốt kéo dài và co giật.
Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...