Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-08-2022 10:32pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Minh Phượng, IVFMD Tân Bình
 
Cấy ghép tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic stem cell transplantation-HSCT) có sự tương hợp kháng nguyên bạch cầu người (Human leukocyte antigen-HLA) là phương pháp được lựa chọn để chữa các bệnh huyết sắc tố di truyền (hồng cầu hình liềm, β-thalassemia, …); rối loạn suy giảm miễn dịch (hội chứng suy giảm miễn dịch kết hợp, …) và cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định (bệnh dòng bạch cầu, thiếu máu bất sản, …). Việc tìm kiếm được một người có tương hợp HLA được nhận thấy là rất khó khăn. Vì vậy, cách tiếp cận trong trường hợp không tìm thấy người hiến phù hợp là thực hiện thụ tinh nhân tạo sau đó lựa chọn phôi không bị ảnh hưởng bởi bệnh lý di truyền và có tương hợp HLA thông qua xét nghiệm di truyền tiền làm tổ với mục đích tạo ra một đứa trẻ “cứu tinh”. Tế bào gốc tạo máu (HSCs) từ cuống rốn hoặc tủy xương của đứa trẻ này sẽ được dùng cấy ghép, chữa trị cho anh chị em mắc bệnh. Về mặt di truyền, cơ hội để một phôi có tương hợp HLA với anh/chị là 25%, tuy nhiên cơ hội này sẽ giảm xuống khi bệnh nhân thực hiện kết hợp xét nghiệm di truyền thể đơn gen (PGT-M), cụ thể 18,8% trong trường hợp đột biến gen lặn hoặc liên kết với NST X, 12,5% trong trường hợp di truyền trội trên NST thường. Sự thành công của phương pháp này được báo cáo lần đầu tiên năm 2001, em bé mắc bệnh thiếu máu Fanconi đã được điều trị thành công nhờ vào nguồn HSCs của người em sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm có thực hiện PGT-HLA.
 
Cho đến hiện tại, chọn phôi có tương hợp HLA vẫn còn gây nhiều tranh cãi về đạo đức. Đã có rất nhiều thảo luận về vấn đề này. Tại Bỉ, pháp luật đã thông qua xét nghiệm PGT-HLA với mục đích điều trị cho đứa trẻ mắc bệnh hiện tại. Tuy nhiên, vì sự phức tạp của xét nghiệm này, nên có một cuộc nghiên cứu về y tế, kỹ thuật, các khía cạnh đạo đức, tâm lý và tài chính chính. Về mặt kỹ thuất, phương pháp định type HLA dựa trên các vùng trình tự lặp lại ngắn (short tandem repeat markers-STRs) trên vùng HLA được coi là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực này trong một thời gian dài. Sau nhiều năm phát triển, đa hình đơn nucleotide (single-nucleotide polymorphism-SNP) trong bộ gen người dần thay thế cho PCR đa mục tiêu trước đây. Cùng với đó, giai đoạn sinh thiết phôi cũng dần thay đổi từ một hoặc hai phôi bào ngày thứ 3 đến vài tế bào lá nuôi phôi (TE) ở ngày 5/6.
 
Thông tin về chỉ định PGT-(M-)-HLA, kết quả chẩn đoán, tỷ lệ trẻ sinh sống và kết quả điều trị rất hạn chế. Nghiên cứu này (2020), trình bày tổng quan về kết quả PGT-(M-) HLA tại trung tâm nhóm thực hiện nghiên cứu bắt đầu từ nam 1998 cho đến năm 2017. Dữ liệu của nghiên cứu bao gồm từ lần tư vấn đầu tiên cho đến lúc chuyển phôi sau khi thực hiện PGT kết hợp tương hợp HLA và sức khỏe của anh chị bị bệnh trong gia đình sau khi điều trị.
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu kết hợp tiến cứu. Trước khi thực hiện cần phải có một số báo cáo từ bác sĩ điều trị cho trẻ điều trị: (1) Liệu pháp HSCTs là phù hợp nhất cho cá nhân đó, (2) một báo cáo y tế về tình trạng và tiên lượng của bệnh nhân (đủ thời gian để gia đình thực hiện PGT- (M-) HLA và mang thai), (3) Kết quả định type HLA của gia đình và đứa trẻ bị bệnh. Trong trường hợp rối loạn đơn gen, cần có kết quả di truyền mô tả đột biến ở các thành viên trong gia đình. Ít nhất gia đình bệnh nhân đã nhận được một lần tư vấn tâm lý trong quá trình thực hiện. Người mẹ sẽ tiến hành kích thích buồng trứng, thu nhận noãn, thụ tinh và nuôi cấy phôi. Phôi được phân tích di truyền, các phôi không mang bệnh cũng như có tương hợp HLA với bệnh nhân sẽ được lựa chọn và chuyển cho người mẹ.
 
Một số kết quả thu nhận được:
  • Trong 162 cặp vợ chồng đủ điều kiện tham gia vào nghiên cứu, chỉ định PGT-HLA chỉ chiếm 19% (31/162), trong khi đó chỉ đinh PGT-M-HLA chiếm 81% (131/162). 414 chu kỳ được thực hiện. Phân tích di truyền: sinh thiết giai đoạn phôi phân chia được áp dụng hầu hết trong nghiên cứu (98,7%) (định type dựa trên STR), chỉ có 5 trường hợp sinh thiết phôi nang sử dụng SNP.
  • 2038 phôi được sinh thiết, 337 phôi có sự tương hợp HLA với anh/chị bị bệnh (16,5%).
  • Sau chuyển phôi, tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống lần lượt là 32,2% (67/208); 30,3% (63/208) trên lần chuyển phôi. Trên một chu kỳ điều trị, tỷ lệ trẻ sinh sống đạt 15,2% (63/414). 63 ca sinh với 74 trẻ khỏe mạnh, trong đó 60 trẻ có tương hợp HLA với anh chị.
  • Kết quả điều trị: 25 trường hợp nguồn HSCs được sử dụng để điều trị cho anh/chị. 1 trường hợp không thành công và 1 trường hợp khác điều trị được một thời gian ngắn thì bệnh nhân qua đời. 3 trường hợp bệnh nhân mất trước khi có nguồn HSCs để điều trị.
 
Các cặp vợ chồng tham gia điều trị PGT-M-HLA với hi vọng cứu được đứa con đang bị bệnh của họ. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp không thành công, vấn đề này cần được tư vấn kỹ để tránh những kỳ vọng không thực tế của bệnh nhân. Một vấn đề cần được quan tâm là chi phí điều trị. Ở Bỉ, chi phí điều trị để tìm ra phôi có tương hợp HLA dao động khoảng từ 4000-7000 EUR. Việc điều trị cũng nên cân nhắc tới thời gian còn lại của đứa trẻ bị bệnh.
 
Tóm lại, từ nguồn dữ liệu lớn của nghiên cứu có thể thấy PGT-M-HLA đem lại một giá trị lớn. Hiệu quả chuẩn đoán cũng như tỷ lệ trẻ sinh sống đã dần được cải thiện trong những năm qua. Những đứa trẻ sinh ra cho kết quả HSCTs thành công và có tác động tích cực đến gia đình của họ.
 
Nguồn: De Rycke, M., De Vos, A., Belva, F., Berckmoes, V., Bonduelle, M., Buysse, A., ... & Verpoest, W. (2020). Preimplantation genetic testing with HLA matching: From counseling to birth and beyond. Journal of Human Genetics65(5), 445-454.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TELOMERES – LÃO HÓA – SINH SẢN - Ngày đăng: 01-08-2022
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK