Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-08-2022 11:34am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Cái Thị Diệu Ánh – IVFVH
 
Leukocytospermia (LCS) được WHO định nghĩa là sự hiện diện của hơn một triệu bạch cầu trong 1 mL tinh dịch, được đề xuất như một chỉ điểm cho nhiễm trùng và viêm đường sinh dục. Mối liên hệ này vẫn còn gây tranh cãi vì nhiều nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên hệ giữa LCS và nhiễm trùng đường sinh dục đã được xác nhận. Tuy nhiên, có một báo cáo mạnh hơn cho rằng sự hiện diện của LCS là một yếu tố tiên lượng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, bất kể nó thực sự biểu hiện nhiễm trùng đường sinh dục cấp tính hay mãn tính. Yếu tố tăng sinh bạch cầu quá cao được báo cáo ở 10% –20% nam giới vô sinh (Wolff, 1995). Với sự tham gia của các cytokines tiền viêm bao gồm interleukin 6 (IL-6) và interleukin 8 (IL-8) là yếu tố chính gây ra viêm nhiễm.
 
LCS giải phóng các loại oxy phản ứng (ROS), dẫn đến stress oxy hóa gây ra quá trình peroxy hóa lipid màng sinh chất của tinh trùng và có liên quan đến SDF, ức chế hoạt động ti thể (phá hủy mtDNA). Một số nghiên cứu có đề cập đến vai trò của ty thể trong quá trình sinh tinh và đã chứng minh tác động đến biến đổi mtDNA (đột biến/mất đoạn) đối với khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mtDNA và LCS vẫn chưa được rõ ràng. Trước đây, một nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu thấy rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa bệnh nhân LCS và nhóm chứng liên quan đến tỷ lệ mất đoạn mtDNA 4977. Vì vậy mục đích bài nghiên cứu này là làm rõ hơn tác động của LCS với tính toàn vẹn DNA nhân tinh trùng và DNA ty thể (mtDNA).
 
Thiết kế nghiên cứu với sự tham gia 67 mẫu từ những bệnh nhân hiếm muộn tại Tunisia (bắc châu Phi) có mức độ bạch cầu thấp (Nhóm 1: n= 20) và tăng bạch cầu (Nhóm 2: n= 47). Loại trừ những mẫu Azoospermia và Oligozoospermia.
 
Đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng, phân tích DNA ty thể (mtDNA) về trình tự 5 gen liên quan đến quá trình phosphoryl hóa oxy hóa (COXI, COXII, COXIII, ATPase 6 và ATPase 8), đánh giá các thông số tiêu chuẩn của tinh trùng cũng như các biomarkers của stress oxy hóa (MDA và antioxidants) và tình trạng viêm (IL-6 và IL-8) ở bệnh nhân có bạch cầu cao và không bạch cầu.
 
Kết quả thu được:
  • Bệnh nhân Nhóm 2 có mức MDA cao hơn (32,56 ± 24,30 nmol/ml) so với bệnh nhân không tăng bạch cầu (17,59 ± 9,60 nmol/ml) ( p <0,018). 
  • Chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng (DFI) cao hơn đáng kể ở Nhóm 2 (33,05 ± 18,14%) so với Nhóm 1 (14,19 ± 9,50%) (p <0,001). 
  • Trình tự của mtDNA cho thấy có nhiều sự thay thế ở Nhóm 2 (n= 102) so với Nhóm 1 (n= 5). Những thay thế này chủ yếu được quan sát thấy ở gen COXI. Trong số các chất thay thế COXI được tìm thấy ở Nhóm 2, có 12 thay đổi đã được mô tả trước đây ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và sáu trong số đó có liên quan đến bệnh lý này. Những phát hiện này cho thấy sự tăng sinh bạch cầu có thể dẫn đến biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt thông qua việc sửa đổi DNA ty thể và điều này có thể được thúc đẩy bởi stress oxy hóa.
 
Tóm lại, sự tăng sinh bạch cầu có thể tạo một tổ hợp liên quan những yếu tố như sản xuất ROS và viêm nhiễm, gây ra sự thay đổi các thông số nhất định của tinh trùng. Trong nghiên cứu này, tác giả xác nhận stress oxy hóa tạo bởi LCS ảnh hưởng đến tính toàn vẹn DNA tinh trùng bằng việc gây phân mảnh DNA nhân và sửa đổi trình tự mtDNA. Một số sửa đổi này có thể được coi là dấu ấn sinh học mới để xác định trước phát triển của ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới vô sinh có lượng bạch cầu cao.
 
Nhóm tác giả còn đưa ra khuyến nghị nam giới có LCS và/hoặc viêm tuyến tiền liệt mãn tính nên được theo dõi thường xuyên lặp đi lặp lại định lượng kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Cuối cùng là thăm dò mtDNA lấy từ tinh trùng hoặc mẫu máu và/hoặc sinh thiết tuyến tiền liệt để phát hiện các thay thế liên quan trong tuyến tiền liệt và để đánh giá nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.
 
Nguồn tham khảo: Derbel, R., Sellami, H., Rebai, A., Gdoura, R., Mcelreavey, E., & Ammar‐Keskes, L. (2021). Can leukocytospermia predict prostate cancer via its effects on mitochondrial DNA? Andrologia, 53(8). doi:10.1111/and.14129 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TELOMERES – LÃO HÓA – SINH SẢN - Ngày đăng: 01-08-2022
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK