Thai kỳ dài, nhiều bất trắc chực chờ cướp mất đứa con trong bụng. Vì thế, giữ thai trọn vẹn đến ngày chào đời là điều mà bất cứ thai phụ nào cũng ao ước…
Những quyết định kịp thời
Một thai phụ va quẹt với xe taxi và… té nhẹ, không một vết thương, nhưng khi đi khám thai, phát hiện cổ tử cung bị hở 1cm, chiều dài cổ tử cung ngắn lại, bác sĩ (BS) đề nghị khâu. Chị về nhà suy nghĩ, có lẽ không sao, chỉ cần không đi lại nhiều thì vẫn giữ được thai. Thế nhưng, khi biết chuyện, chồng chị đã chở đến bệnh viện và BS điều trị đề nghị cần có biện pháp giữ thai. Trường hợp bị hở cổ tử cung cũng có nhiều nguyên nhân như dị tật bẩm sinh, cổ tử cung không toàn vẹn, chấn thương, té, phẫu thuật bóc nhân xơ, nong nạo… nhất là những trường hợp phá thai to. Khi bị hở cần khâu sớm vào đầu ba tháng giữa thai kỳ.
Một trường hợp khác, mang thai gần ngày sinh thì phát hiện bé đạp rất đau, nhưng mẹ cứ nghĩ do bé trong bụng đạp mạnh. Đến khi người nhà thấy bất ổn mới đưa vào bệnh viện, BS siêu âm thấy nước ối của thai phụ đã tụt rất thấp buộc phải mổ cấp cứu. Sau khi mổ xong, bé được đưa xuống khoa dưỡng nhi để kiểm tra sức khỏe cả buổi mới được về với mẹ. Lúc đó mới biết, nếu không kịp thời nhập viện thì thai phụ đã mất đứa con. Vì thế, cần đi khám thai định kỳ theo lời dặn của BS. Khi thấy nước ối tụt xuống mức báo động, BS sẽ giữ lại để làm xét nghiệm đánh giá sức khỏe của bé, kiểm tra và cho mẹ uống nước, uống sữa (loại trừ nguyên nhân thiếu nước), siêu âm lại.
Khi thai to gần ngày sinh, nước ối tụt, bà bầu sẽ cảm thấy bé đạp nhiều hơn, đau và mệt mỏi... Nặng hơn, một số bà bầu thấy thai đạp yếu dần. Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Đại học Y Dược, các bà mẹ khi đến gần ngày sinh cần theo dõi thai máy. Bình thường, thai máy đều mỗi ngày và thông thường, trong vòng một giờ sau ăn (sáng - trưa - tối), thai đạp tối thiểu bốn lần. Nếu thai đạp không được bốn lần trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ này, thai phụ nên đi khám thai để được BS chuyên khoa sản đánh giá sức khỏe của thai. Thai phụ có thể đến khám trước hẹn của BS, không cần đúng hẹn, sự tuân thủ nghiêm túc, cứng nhắc nhiều lúc đã là quá muộn… Khi phát hiện thai suy, người thầy thuốc sẽ đưa em bé ra ngoài…
Nhiều nguyên nhân gây mất thai
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người mẹ mất đi núm ruột của mình như: tử cung có tật, bất đồng di truyền… Ngoài những nguyên nhân này còn có các trường hợp thai đang phát triển bình thường lại dọa sẩy. Theo BS Huỳnh Thị Thu Thủy - PGĐ BV Từ Dũ TP.HCM, mẹ lao động nặng nhọc, kiệt sức hoặc mắc bệnh nội khoa cũng có thể bị sẩy thai. Có trường hợp cổ tử cung không toàn vẹn, hở eo phần tiếp giáp giữa cổ và thân tử cung cũng gây sẩy thai, sinh non… Ngoài ra, còn có những trường hợp sẩy thai không triệu chứng, chỉ phát hiện qua siêu âm (túi thai bị bóc tách 5 - 10%, máu tụ sau bánh nhau…). Còn sẩy thai có các triệu chứng: đau bụng ra huyết hoặc tự nhiên ra huyết… sẽ nhìn thấy rõ khi siêu âm, tỷ lệ túi thai bị bóc tách trên 10%...
Một nguyên nhân thường gặp cũng gây sẩy thai là siêu âm sớm ngay sau khi mất kinh. BS Huỳnh Thị Thu Thủy giải thích: “Đã có một số nghiên cứu cho thấy, siêu âm sớm quá không tốt cho thai vì đây là thời điểm phôi đang di chuyển làm tổ. Chỉ siêu âm khi trễ kinh trên hai tuần để kiểm tra tim thai, có mấy túi thai, tính tuổi thai, hẹn ngày đo độ mờ da gáy (phát hiện sớm dị tật và bệnh down). Trong trường hợp thai bị bóc tách sẽ được bổ sung progesterol để dưỡng thai.
Tuy nhiên, ngoài những trường hợp dọa sẩy, dọa sinh non có thể giữ được còn có các trường hợp sẩy thai tự nhiên. Đó là do thai bị dị tật nặng nề: vô sọ, não úng thủy… Vì thế, cũng đừng quá đau buồn khi không thể giữ được thai. Hãy bồi dưỡng sức khỏe để lần sau có con khỏe mạnh, thông minh.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Online
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...