Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-03-2013 2:41pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

New_Picture_18 Tử cung là bộ phận sinh dục quan trọng nhất đối với việc mang thai và sinh đẻ ở người phụ nữ. Một phụ nữ có tử cung bệnh lý, bất thường, thậm chí bẩm sinh không có tử cung vẫn có thể có hình dáng cơ thể và thực hiện được các hoạt động tình dục như mọi phụ nữ bình thường khác nhưng có điều họ không thể có thai và sinh đẻ.


Theo tài liệu của Bộ Y tế mới đây nhất, hiện nay ở nước ta có khoảng gần 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh và có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây.

Nguyên nhân đứng hàng đầu gây vô sinh hiện nay ở phụ nữ nước ta qua theo dõi và thống kê của các trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em từ trung ương tới địa phương là do tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và bộ môn Sản - Phụ Đại học Y Hà Nội với 14.000 cặp vợ chồng ở 8 vùng sinh thái trong cả nước thì tỷ lệ vô sinh trong toàn quốc là 7,7%, trong đó 3,9% là vô sinh nguyên phát (chưa hề có thai lần nào) và 3,8% là vô sinh thứ phát (đã từng có thai ít nhất 1 lần). Như vậy tỷ lệ vô sinh nguyên phát và thứ phát xấp xỉ ngang nhau.

Viêm dính buồng tử cung và phần phụ

Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát thường gặp nhất là do tắc vòi tử cung và viêm dính buồng tử cung vì các bệnh lây qua đường tình dục, do nạo phá thai hoặc do đặt dụng cụ tử cung để tránh thai trước đó không được vô trùng. Vòi tử cung bị tắc hoặc buồng tử cung bị dính sẽ ngăn cản tinh trùng không tiếp cận được với trứng đã rụng khỏi buồng trứng để thụ tinh. Trường hợp vòi tử cung không bị tắc hoàn toàn, nếu tinh trùng từ tử cung vẫn lên được ống dẫn trứng để thụ tinh sẽ làm cho phôi thai sau khi thụ tinh bị giữ lại tại đó không trở về buồng tử cung được gây nên chửa ngoài tử cung (thai phát triển ngay tại ống dẫn trứng).

Trường hợp buồng tử cung bị viêm dính sẽ làm cho tinh trùng không có đường đi lên vòi tử cung để thụ thai với trứng. Nếu tinh trùng len lách lên để thụ tinh được với trứng mới rụng thì phôi sau khi thụ tinh cũng không có nơi làm tổ vì hai mặt tử cung đã dính lại với nhau (dính toàn bộ hay dính một phần). Với trường hợp tử cung dính ít, thầy thuốc chuyên khoa có thể dùng biện pháp chuyên môn tách phần dính và chọn biện pháp thích hợp giúp cho hai mặt tử cung không bị dính trở lại; nhưng nếu tử cung đã bị dính toàn bộ thì người phụ nữ không còn khả năng sinh sản và ngay kinh nguyệt hàng tháng cũng không có nữa.

Phần phụ trong bộ phận sinh dục nữ là danh từ chỉ các phần khác của bộ phận sinh dục không phải tử cung như: buồng trứng, vòi trứng và các dây chằng. Gọi là “phần phụ” nhưng chỉ trừ các dây chằng là không liên quan đến thụ thai, còn lại đều rất quan trọng, không thể thiếu được trong việc thụ thai và sinh đẻ. Vì thế các phần phụ này nếu bị viêm nhiễm thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng có thai và sinh đẻ của người phụ nữ.

Làm thế nào để phát hiện phụ nữ bị vô sinh?

Với một phụ nữ bình thường, chưa sinh đẻ lần nào, khi đã có quan hệ tình dục với chồng và cả vợ lẫn chồng luôn sống bên nhau trong vòng một năm, đều mong muốn có con nhưng người vợ không có thai thì có thể đã có nguyên nhân vô sinh nguyên phát. Với cặp vợ chồng đã từng có con, nhưng kể từ khi muốn có thai tiếp đã 6 tháng trở lên không thụ thai được thì cũng phải nghĩ đến khả năng vô sinh thứ phát.

Mọi trường hợp nghi ngờ vô sinh cần được đi khám tại các cơ sở sản- phụ khoa để được thầy thuốc tư vấn, thăm khám, cho làm các xét nghiệm cần thiết và lựa chọn cách điều trị thích hợp. Trường hợp vô sinh nguyên phát có thể lý do không phải chỉ ở người vợ mà có đến gần 50% là do người chồng. Vì thế khi khám vô sinh thầy thuốc cần phải khám và xét nghiệm cho cả người chồng; trong khi nguyên nhân vô sinh thứ phát nhiều khả năng chỉ do người vợ. Tuy thế, ngay cả trường hợp vô sinh thứ phát cũng nên khám và xét nghiệm cho người chồng vì trong quá trình sinh sống, cơ thể ngườì đàn ông có thể đã có những bất thường không có lợi cho việc sinh sản.

Trường hợp nghi ngờ vô sinh cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt, không nên để kéo dài vài ba năm hoặc nhiều hơn. Khi tuổi người phụ nữ đã cao mới đi khám thì chức năng sinh sản lúc này cũng đã giảm sút khiến các biện pháp hỗ trợ sinh sản cho họ lúc đó sẽ ít kết quả hơn so với lứa tuổi dưới 30. Một tài liệu theo dõi số phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm cho thấy những chị em ở lứa tuổi 35 - 38 chỉ có khoảng 25 - 30% đạt kết quả trong khi ở lứa tuổi dưới 30, tỷ lệ này từ 35 - 40%.

Xử trí giúp một cặp vợ chồng bị vô sinh hiện nay đã có nhiều tiến bộ và không phải chỉ ở các bệnh viện tuyến trung ương mà đã có thể thực hiện được tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc các khoa sản nhiều bệnh viện tỉnh trong cả nước và đã giúp cho hàng vạn cặp vợ chồng đạt niềm hạnh phúc.

Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Chân to do mang thai - Ngày đăng: 06-03-2013
Biến chứng đa thai - Ngày đăng: 08-05-2013
IVF không tăng nguy cơ ung thư - Ngày đăng: 20-02-2013
Mở cửa sổ để tránh sinh non - Ngày đăng: 20-02-2013
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK