Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 20-10-2020 9:43am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Đa thai là vấn đề thường gặp trong IVF, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mẹ và bé. Giải pháp giảm thiểu vấn đề này là lựa chọn chuyển một phôi có tiềm năng làm tổ tốt nhất. Xu hướng chuyển đơn phôi nang ngày càng trở nên phổ biến nhưng theo các báo cáo gần đây thì việc chuyển nhiều hơn một phôi được thực hiện thường qui và phổ biến. Chuyển nhiều hơn một phôi thường được thực hiện trên những bệnh nhân có tiên lượng kém như bệnh nhân lớn tuổi, thất bại nhiều chu kỳ. Thông thường phôi có chất lượng tốt sẽ được chuyển nhằm tối đa hoá khả năng thành công cho bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp chuyển một phôi chất lượng tốt kèm một phôi chất lượng xấu. Điều này đặt ra lo ngại rằng những tín hiệu phát từ phôi chất lượng xấu sẽ làm cho nội mạc tử cung không chấp nhận cả 2 phôi. Cho đến nay, các đánh giá tác động của việc chuyển cả hai phôi có chất lượng tốt và xấu lên kết quả điều trị của bệnh nhân vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy Wenjie Wang và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của chuyển hai phôi nang chất lượng tốt và chất lượng xấu lên kết quả điều trị trong chu kỳ chuyển phôi trữ của bệnh nhân có tiên lượng kém.

Nghiên cứu hồi cứu thực hiện từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2019 trên 5037 chu kỳ chuyển phôi nang trữ lạnh. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: G (chuyển đơn phôi chất lượng tốt) và GP (chuyển 2 phôi chất lượng tốt và chất lượng xấu).

Có sự khác biệt đáng kể ở tuổi bố, AFC, thời gian vô sinh, qui trình kích thích buồng trứng, qui trình chuẩn bị nội mạc tử cung… giữa 2 nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm GP có tỉ lệ thai, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ đa thai cao hơn nhóm G đáng kể. Tỉ lệ sẩy thai tương đương giữa hai nhóm. Chia nhóm dựa trên tuổi của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân <35 tuổi ở nhóm GP có tỉ lệ thai và tỉ lệ đa thai cao hơn. Ở nhóm  35 tuổi, cả tỉ lệ thai, tỉ lệ đa thai và tỉ lệ sẩy thai ở nhóm GP cao hơn nhóm G. So sánh dựa trên số chu kỳ chuyển phôi trước đó của bệnh nhân cho thấy ở những bệnh nhân có số lần chuyển phôi dưới 3 chu kỳ thì tỉ lệ thai, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ sinh sống giữa 2 nhóm GP và G là tương đương nhau. Tuy nhiên, cả tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống ở nhóm GP cao hơn so với nhóm G khi bệnh nhân có ít nhất 3 lần chuyển phôi trước đó.

Như vậy nghiên cứu này cho thấy chuyển phôi nang chất lượng xấu kèm phôi nang chất lượng tốt không tác động tiêu cực đến tiềm năng làm tổ của phôi. Tuy nhiên việc chuyển 2 phôi sẽ làm tăng nguy cơ đa thai vì vậy vẫn nên cân nhắc trước khi quyết định chuyển 2 phôi cho bệnh nhân.

Nguồn: Does the transfer of a poor quality embryo with a good quality embryo benefit poor prognosis patients? Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-020-00656-2 2020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Trẻ nhiễm virus CMV bẩm sinh - Ngày đăng: 20-10-2020
Khuyến cáo tẩy giun và thai kỳ - Ngày đăng: 20-10-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK