Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 04-10-2019 9:51am
Viết bởi: Administrator
Xã hội hiện đại, phụ nữ có xu hướng lập gia đình muộn hơn để tập trung phát triển bản thân, sự nghiệp, học vấn, … Tuy nhiên, khả năng sinh sản của phụ nữ tỉ lệ nghịch với tuổi của họ vì vậy việc trì hoãn sinh con làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ lớn tuổi.

Phương pháp đông lạnh noãn được sử dụng để bảo tồn khả năng sinh sản bằng cách đông lạnh noãn trưởng thành cho phép phụ nữ trì hoãn việc có con mà không lo lắng về những tác động của tuổi tác lên khả năng sinh sản của họ (1). Kỹ thuật đông lạnh noãn giúp phụ nữ linh động hơn trong việc quyết định thời gian thực hiện IVF và có con của mình mà không cần có đối tác hoặc phải tìm kiếm nguồn tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Kiến thức về kỹ thuật này nên được phổ biến trong kiến thức sinh sản ở những người trẻ, hiểu được rủi ro cũng như lợi ích của việc đông lạnh noãn sẽ giúp cho phụ nữ trẻ tuổi chưa có kế hoạch cụ thể về lập gia đình, sinh con có thêm sự lựa chọn để bảo tồn khả năng sinh sản của mình.

Kỹ thuật đông lạnh noãn bắt đầu từ năm 1970 và cho đến nay đã được cải tiến rất nhiều (2). Hiện nay có hai kỹ thuật trữ lạnh được thực hiện phổ biến là đông lạnh chậm và thuỷ tinh hoá. Những năm đầu tiên khi đông lạnh noãn xuất hiện, kỹ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp phụ nữ mắc các bệnh lý liên quan đến ung thư, thực hiện hoá trị, xạ trị, phẫu thuật nhằm duy trì khả năng sinh sản của họ. Tuy nhiên hiện nay, kỹ thuật này được thực hiện trên cả những phụ nữ khoẻ mạnh muốn đông lạnh noãn vì mục đích xã hội (3).



Nhiều nghiên cứu về lối sống cho thấy đa số phụ nữ trưởng thành có nhiều kiến thức về sinh sản cũng như biết được ảnh hưởng của tuổi tác lên khả năng sinh sản của họ. Hầu hết phụ nữ tin rằng IVF và các công nghệ hỗ trợ sinh sản khác cho phép họ vượt qua các vấn đề liên quan đến tuổi tác (4). Tuy nhiên nghiên cứu trên những cô gái có độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi cho thấy họ có ít kiến thức về sinh sản, bảo tồn khả năng sinh sản và những yếu tố tác động lên khả năng sinh sản của phụ nữ. Ở Đức, có rất ít sinh viên biết đến chương trình đông lạnh noãn vì mục đích xã hội và chỉ một vài sinh viên có dự định thực hiện kỹ thuật này.

Kỹ thuật đông lạnh noãn là một kỹ thuật mới và kiến thức của cộng đồng về kỹ thuật này còn rất thấp, mọi người đặc biệt là phụ nữ vẫn chưa hiểu rõ về quy trình cũng như những lợi ích, rủi ro, chi phí thực hiện. Vì vậy, đã có một số nghiên cứu đánh giá kiến thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về kỹ thuật đông lạnh noãn cũng như xem xét dự định sử dụng của họ trong tương lai.

Nghiên cứu của Eleanor L. Stevenson và cộng sự  (2018) thực hiện với mục đích xác định mức độ hiểu biết về sinh sản và bảo tồn khả năng sinh sản thông qua đông lạnh noãn của 278 sinh viên nữ đang theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Tiêu chuẩn nhận bao gồm sinh viên dưới 35 tuổi, chưa có con và chưa dự định có thai hay nhận con nuôi. Gần như tất cả những người tham gia đều đã nghe về kỹ thuật đông lạnh noãn nhưng chỉ có khoảng 7,2% trong số đó tích cực tìm hiểu thông tin cho việc sử dụng kỹ thuật này. Dựa trên điểm đánh giá của khảo sát, nghiên cứu cho thấy những người tham gia khảo sát có mức kiến thức trung bình về khả năng sinh sản và bảo tồn khả năng sinh sản. Đa số đều trả lời đúng về ảnh hưởng của tuổi tác lên khả năng sinh sản. Nghiên cứu này công bố có khoảng 83% người tham gia khảo sát cân nhắc hoãn việc lập gia đình cho đến khi có công việc ổn định. Khoảng một nửa người tham gia cho rằng có sự kỳ thị của xã hội về việc đông lạnh noãn và 70% người tham gia nhận thấy rằng việc làm mẹ sau 40 tuổi là khả thi.

Đánh giá về nguồn cung cấp thông tin, nghiên cứu này cho thấy 87,1% nguồn thông tin về kiến thức sinh sản của người tham gia là từ giáo dục, thông tin về kỹ thuật đông lạnh noãn chủ yếu từ các phương tiện truyền thông và hầu hết những phụ nữ tham gia khảo sát từ nghiên cứu này cho thấy đông lạnh noãn để bảo tồn khả năng sinh sản cần phổ biến hơn. Có khoảng 35,3% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ đang cân nhắc về việc đông lạnh noãn của họ (5).

Một nghiên cứu khác của Yvonne O’Brien và cộng sự (2017) thực hiện khảo sát trên 663 phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 18 đến 44 tuổi nhằm đánh giá kiến thức về đông lạnh noãn của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 90% phụ nữ tham gia khảo sát biết về đông lạnh noãn và khoảng 72% phụ nữ xem xét sử dụng kỹ thuật này. Đa số người tham gia nghiên cứu này cho rằng đông lạnh noãn vì mục đích xã hội là quyền của phụ nữ (6).

Hiện nay ở Việt Nam, kỹ thuật đông lạnh noãn vì mục đích xã hội vẫn chưa trở nên phổ biến. Những phụ nữ cần tập trung phát triển bản thân và sự nghiệp nên muốn trì hoãn việc kết hôn và có con vẫn ít khi chọn đông lạnh noãn là biện pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bản thân mình. Tuy xã hội ngày càng hiện đại nhưng quan điểm về một người phụ nữ truyền thống vẫn ăn sâu vào trong tiềm thức của những người phụ nữ Việt Nam. Kỹ thuật hiện đại như đông lạnh noãn vẫn là một điều mới lạ và kiến thức về nó vẫn chưa được phổ cập rộng rãi. Thêm vào đó, những phụ nữ thực hiện đông lạnh noãn vẫn chưa xác định được khoảng thời gian mà họ sẽ sử dụng những noãn đã đông lạnh, điều này một phần gây lãng phí khi phải tốn chi phí đông lạnh mà không biết khi nào sẽ sử dụng cũng như không đảm bảo được tính hữu dụng của những noãn này. Và cuối cùng, vẫn chưa có nhiều y văn so sánh về đặc điểm phôi học cũng như kết cục lâm sàng sau điều trị của những bệnh nhân có và không có đông lạnh noãn. Mặc dù các kỹ thuật đông lạnh noãn đã được tối ưu hoá nhưng tác động của quá trình trữ rã lên tiềm năng phát triển của noãn trữ lạnh vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Đông lạnh noãn là giải pháp cho những phụ nữ trẻ muốn bảo tồn khả năng sinh sản của họ vô thời hạn. Mặc dù chi phí cao và chưa xác định được dự định sử dụng noãn đông lạnh nhưng số lượng phụ nữ cân nhắc thực hiện kỹ thuật này ngày càng nhiều. Vì đây là một kỹ thuật còn mới nên kiến thức về đông lạnh noãn cũng như lợi ích, rủi ro về kỹ thuật này vẫn chưa được nhiều phụ nữ biết đến. Cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này để có nhiều hướng dẫn dựa trên y văn cho phụ nữ cũng như cung cấp thêm kiến thức về giới hạn sinh sản, lợi ích, rủi ro liên quan đến bảo tồn khả năng sinh sản.

CVPH. Lê Thị Bích Phượng - IVFMD Phú Nhuận
 
Tài liệu tham khảo
1.        Balasch J, Gratacos E. Delayed childbearing: effects on fertility and the outcome of pregnancy. Curr Opin Obstet Gynecol. 2012 Jun;24(3):187–93.
2.        Hosseini SM, Nasr-Esfahani MH. What does the cryopreserved oocyte look like? A fresh look at the characteristic  oocyte features following cryopreservation. Reprod Biomed Online. 2016 Apr;32(4):377–87.
3.        Waldby C. “Banking time”: egg freezing and the negotiation of future fertility. Cult Health Sex. 2015;17(4):470–82.
4.        Maheshwari A, Porter M, Shetty A, Bhattacharya S. Women’s awareness and perceptions of delay in childbearing. Fertil Steril. 2008 Oct;90(4):1036–42.
5.        Stevenson EL, Gispanski L, Fields K, Cappadora M, Hurt M. Knowledge and decision making about future fertility and oocyte cryopreservation among young women. Hum Fertil [Internet]. 2018;0(0):1–10. Available from: https://doi.org/10.1080/14647273.2018.1546411
6.        O’Brien Y, Martyn F, Glover LE, Wingfield MB. What women want? A scoping survey on women’s knowledge, attitudes and behaviours towards ovarian reserve testing and egg freezing. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol [Internet]. 2017;217:71–6. Available from: http://dx.doi.org/10.1016/j.ejogrb.2017.08.024
Các tin khác cùng chuyên mục:
Quản trị nguy cơ trong IVF là gì? - Ngày đăng: 29-07-2019
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK