Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 01-08-2019 9:55am
Viết bởi: Administrator
Việc tăng hiệu quả và an toàn trong điều trị đang được đẩy mạnh tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Trong đó, việc lựa chọn đúng phôi chuyển nhằm tăng tỉ lệ thai, đồng thời giảm số phôi chuyển, giảm tỉ lệ đa thai là một trong những hướng tiếp cận. Hiện nay, phần lớn việc chọn phôi chủ yếu dựa vào hình thái học. Tuy nhiên, phương pháp này có giá trị dự đoán thấp. Có nhiều phương pháp mới giúp cải thiện việc lựa chọn phôi có tiềm năng nhằm tăng tỉ lệ thành công trong điều trị IVF. Trong đó, hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (TLM: time-lapse monitoring) cho phép đánh giá chi tiết hình thái phôi, cung cấp các thông số động học và công cụ lựa chọn phôi. Nuôi phôi kết hợp với TLM được nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả qua những nghiên cứu đoàn hệ, tổng quan của nhiều tác giả trên thế giới.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống là hình ảnh của phôi được quan sát bởi kính hiển vi đảo ngược kỹ thuật số và ghi nhận khoảng thời gian (tần số chụp ảnh=10-20 phút/ ảnh) bằng camera kỹ thuật số. Sau đó, nhà chuyên viên phôi học sẽ phân tích những giá trị khoảng thời gian của từng phôi/ mỗi bệnh nhân dựa vào các giá trị tối ưu của các mô hình tiên lượng TLM để phân loại chất lượng phôi hoặc chọn theo phân loại của phần mềm phân tích tự động.

Một trong những lợi ích của TLM là sử dụng các thông số động học để xây dựng các mô hình tiên lượng hay những thuật toán dự đoán tiềm năng của phôi như: hình thành phôi nang, khả năng làm tổ, phôi nguyên bội hoặc lệch bội, trẻ sinh sống… [1–4].  TLM giúp lựa chọn phôi tiềm năng làm tổ tốt hơn, dẫn đến tỉ lệ trẻ sinh cao hơn so với nuôi cấy tủ thông thường [5]. Tuy nhiên, giá trị lâm sàng của time-lapse chỉ được công nhận ở một vài nghiên cứu.   

     

Cho đến nay, đã có một vài nghiên cứu tổng quan phân tích hiệu quả lâm sàng của TML. Như theo bài tổng quan của Racowsky và cs, 2015 gồm 4 nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT), cho thấy TLM giúp tỉ lệ thai diễn tiến tăng cao hơn nuôi cấy phôi tủ cấy thường kết hợp đánh giá phôi bằng hình thái học (RR 1,2; CI 95% 1,05- 1,37) [6].
 
Phân tích cộng gộp 5 bài RCT với 1.637 bệnh nhân (2017) đã khẳng định lựa chọn phôi bằng time-lapse sẽ cải thiện tỉ lệ thai (51% so với 39,9%, OR = 1,542; P < 0,001), trẻ sinh sống (44,2% so với 31,3%; OR 1,668; P = 0,009) so sánh với lựa chọn phôi bằng đánh giá hình thái phôi. Đồng thời cũng giảm tỉ lệ sẩy thai sớm đáng kể (15,3% so với 21,3%; OR: 0,662; P = 0,019), còn không có sự khác biệt về tỉ lệ sinh non (4,7% so với 2,4%). Mặc dù, time-lapse cải thiện đáng kể kết cục lâm sàng nhưng chất lượng chứng cứ để khẳng định vẫn còn thấp[7].

Phân tích cộng gộp và tổng quan hệ thống (2017) gồm 10 RCT chia 2 nhóm: nuôi cấy kết hợp time lapse (nhóm 1) so với nuôi cấy thường kết hợp lựa chọn phôi bằng hình thái (nhóm 2); trong đó có 4 bài RCT ngẫu nhiên chia đôi noãn của mỗi bệnh nhân (noãn được chia nuôi ở nhóm 1 hoặc 2) và 6 bài RCT ngẫu nhiên trên bệnh nhân (chia bệnh nhân theo nhóm 1 hoặc 2). Theo số liệu từ 2 nghiên cứu ngẫu nhiên chia noãn với 1154 phôi, time lapse không cải thiện tỉ lệ tạo phôi nang (RR = 1,08; CI 95% 0,94–1,25, I2 = 0%) và chất lượng chứng cứ này ở mức chấp nhận được. Đối với nghiên cứu RCT chia bệnh nhân, chỉ có 1 nghiên cứu thể hiện có tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn ở nhóm time lapse (RR = 1,23; CI 95% 1,06-1,44; 842 bệnh nhân), và không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ thai diễn tiến (RR = 1,04; CI 95% 0,8 - 1,36; 4 RCT 1403 bệnh nhân) giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, chất lượng chứng cứ về ý nghĩa lâm sàng của time lapse là thấp và rất thấp khi dựa trên số liệu từ nghiên cứu ngẫu nhiên trên bệnh nhân [8].

Theo bài tổng quan mới nhất năm 2018 đăng trên Cochrane gồm 8 RCT với 2303 bệnh nhân với 3 thiết kế nghiên cứu đoàn hệ: (1) Nuôi cấy TLM + đánh giá hình thái của phôi ghi nhận bằng TLM so với nuôi cấy thường + lựa chọn phôi bằng hình thái, (2) TLM sử dụng phần mềm lựa chọn phôi so với TLM + đánh giá hình thái của phôi ghi nhận bằng TLM, (3) TLM sử dụng phần mềm lựa chọn phôi so với nuôi cấy thường + lựa chọn phôi bằng hình thái. Theo thiết kế 1, không có sự khác biệt về tỉ lệ trẻ sinh sống (OR = 0,73; CI 95% 0,47 -1,13, 2 RCT, N = 440, I2 = 11%, chất lượng chứng cứ chấp nhận được), tỉ lệ sẩy thai (OR 2,25; CI 95% 0,84 - 6,02; 2 RCTs, N = 440, I2 = 44%, chất lượng chứng cứ thấp), tỉ lệ sinh non (OR = 1,00; CI 95% 0,13 – 7,49, 1 RCT, N = 76, chất lượng chứng cứ thấp) và thai lâm sàng (OR =0,88; CI 95% 0,58 -1,33, 3 RCTs, N = 489, I2 = 0%, chất lượng chứng cứ chấp nhận được). Theo thiết kế 2, không có số liệu về trẻ sinh sống hoặc sinh non và không có sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai (OR 1,39; CI 95% 0,64 - 3,01, 2 RCTs, N = 463, I2 = 0%, chất lượng chứng cứ rất thấp) và tỉ lệ thai lâm sàng (OR 0,97; CI 95% 0,67-1,42, 2 RCTs, N = 463, I2 = 0%, chất lượng chứng cứ thấp). Còn theo thiết kế 3, cũng không có sự khác biệt về tỉ lệ trẻ sinh sống (OR 1,21; CI 95% 0,96 -1,54, 2 RCTs, N = 1017, I2 = 0%, chất lượng chứng cứ rất thấp), tỉ lệ sẩy thai (OR 0,73; CI 95% 0,49- 1,08, 3 RCTs, N = 1351, I2 = 0%, chất lượng chứng cứ rất thấp), thai lâm sàng (OR 1,17; 95% CI 0,94 - 1,45, 3 RCTs, N = 1351, I2 = 42%, chất lượng chứng cứ rất thấp). Chất lượng chứng cứ ở trong khoảng từ rất thấp đến chấp nhận được. Vẫn chưa có dữ liệu về tỉ lệ thai cộng dồn [9].

Như vậy, TLM chưa làm cải thiện kết cục lâm sàng: thai diễn tiến, trẻ sinh sống, giảm tỉ lệ sẩy thai, sinh non, mặc dù giúp chọn lọc phôi có khả năng tạo phôi nang, làm tổ cao hơn. Tuy nhiên, các chứng cứ hiện tại khẳng định về tính hiệu quả và an toàn lâm sàng của hệ thống time lapse lâm sàng có chất lượng trong khoảng từ rất thấp đến chấp nhận được. Cần thêm các nghiên cứu RCT trong tương lai nhằm cải thiện chất lượng chứng cứ để có thể khẳng định về hiệu quả lâm sàng của TLM.
Tài liêụ tham khảo

[1]      N. Basile et al., “The use of morphokinetics as a predictor of implantation: a multicentric study to define and validate an algorithm for embryo selection,” Hum. Reprod., 2015.
[2]      Y. Motato et al., “Morphokinetic analysis and embryonic prediction for blastocyst formation through an integrated time-lapse system,” Fertil Steril, 2016.
[3]      N. Del Carmen et al., “Type of chromosome abnormality affects embryo morphology dynamics,” Fertil. Steril., 2016.
[4]      S. Fishel et al., “Time-lapse imaging algorithms rank human preimplantation embryos according to the probability of live birth,” Reprod. Biomed. Online, 2018.
[5]      N. Basile et al., “The difference in delivery rates and number of neonates between time-lapse systems and standard incubators changes depending on the number and the stage of the embryos being transferred,” Fertil. Steril., 2017.
[6]      C. Racowsky et al., “A critical appraisal of time-lapse imaging for embryo selection : where are we and where do we need to go ?,” J Assist Reprod Genet., 2015.
[7]      C. Pribenszky et al., “Time-lapse culture with morphokinetic embryo selection improves pregnancy and live birth chances and reduces early pregnancy loss : a meta-analysis,” Reprod. Biomed. Online, 2017.
[8]      M. Chen et al., “Does time-lapse imaging have favorable results for embryo incubation and selection compared with conventional methods in clinical in vitro fertilization ? A meta-analysis and systematic review of randomized controlled trials,” PLoS One, 2017.
[9]      S. Armstrong et al., “Time-lapse systems for embryo incubation and assessment in assisted reproduction ( Review ),” Cochrane Database Syst. Rev., 2018.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Quản trị nguy cơ trong IVF là gì? - Ngày đăng: 29-07-2019
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK