Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 06-04-2015 12:50pm
Viết bởi: Administrator
I. Giới thiệu

Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực hệ gen, với điểm nhấn dự án hệ gen người, đã giúp đưa những kỹ thuật gen hiện đại vào ứng dụng trong các nghiên cứu về cộng đồng vi sinh vật (VSV) một cách trực tiếp trong môi trường sống tự nhiên của chúng.

Hệ VSV ở người là một cộng đồng bao gồm “ tất cả các VSV sống trên hoặc trong cơ thể người”. Đây là một thực thể có nhiều ảnh hưởng trên hệ miễn dịch, dinh dưỡng, chuyển hóa của cơ thể người, cũng chính vì thế đã tạo ra một mối quan tâm đáng kể trong cộng đồng nghiên cứu y sinh. Hệ VSV phát triển liên tục bên trong một cơ thể chủ khỏe mạnh kể từ khi chào đời cho tới lúc chết đi, với những vi điều chỉnh liên tục để duy trì cân bằng nội môi cho hệ thống miễn dịch cơ thể chủ. Sự phát triển liên tục này được điều khiển bởi nhiều yếu tố nội tại chẳng hạn như hệ thống miễn dịch không đặc hiệu (còn gọi là miễn dịch tự nhiên, miễn dịch bẩm sinh), miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu được, miễn dịch thích nghi), cũng như những yếu tố từ bên ngoài bao gồm chế độ ăn, thuốc men, độc chất, và bệnh tật. Trong số các hệ VSV ở người, hệ khuẩn ruột (còn gọi là hệ VSV ruột) là một trong những mối quan tâm hàng đầu với nhiều câu hỏi xoay quanh tiến trình phát triển của hệ khuẩn này từ lúc trẻ còn trong tử cung của mẹ và kéo dài suốt cả cuộc đời, các ảnh hưởng lên sức khỏe, vai trò của hệ khuẩn ruột trong tiến triển của bệnh tật.

Mục đích của bài tổng quan này nhằm giới thiệu với người đọc những khái niệm về hệ VSV ở người cũng như  đúc kết những điểm quan trọng trong y văn gần đây liên quan đến hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh, tính từ lúc mới thành lập ở thời điểm chu sinh, thậm chí trước sinh, và kéo dài trong suốt thời kỳ nhũ nhi.

II. Sự hình thành và phát triển của hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh

Điểm đầu tiên, và quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự hình thành hệ VSV ở trẻ chính là sự truyền theo chiều dọc từ hệ VSV của mẹ. Sự hiện diện của vi khuẩn ở niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu-sinh dục, cũng như da của trẻ bắt đầu từ khi, thậm chí có thể từ trước khi, trẻ được sinh ra và tiếp xúc với hệ VSV của mẹ. Quan niệm trước đây cho rằng môi trường tử cung phần lớn là vô trùng và rằng hệ VSV sẽ không hiện diện ở thai nhi cho đến khi trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại cho thấy hệ VSV đã xuất hiện bên trong nhau thai cũng như trong phân su của trẻ sơ sinh, chứng tỏ sự cư trú của VSV đã bắt đầu từ trước khi sinh. Aagaard và cs. đã có những mô tả về hệ VSV nhau thai bao gồm những tác nhân hội sinh không gây bệnh thuộc các ngành Firmicutes, Tenericutes, Proteobacteria, Bacteroidetes, Fusobacteria và, rất thú vị, có những điểm tương đồng với hệ VSV cư trú ở khoang miệng người. Các tác giả đã quan sát thấy trong suốt tuần đầu sau sinh, hệ khuẩn ruột ở trẻ đủ tháng phần lớn bao gồm các thành viên thuộc ngành Actinobacteria, Proteobacteria, Bacteroidetes, và với số lượng ít hơn các chủng thuộc ngành Firmicutes (Hình 1). Kết quả này trái ngược với một số mô tả trước đây vốn cho thấy hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh với cân nặng < 1200 gr chủ yếu bao gồm các thành viên thuộc cả ngành Firmicutes và Tenericutes. Bằng chứng về sự cư trú sớm của hệ VSV ruột ở trẻ sơ sinh gần thời điểm sinh đến nỗi chúng gợi ý đến một sự tiếp xúc với nguồn vi khuẩn hội sinh từ trước khi sinh, chẳng hạn như qua nhau thai, và nguồn gốc này có thể thay đồi tùy theo độ dài của thai kỳ. Chúng ta cũng đã biết rằng khi trưởng thành hơn về mặt thần kinh, thai nhi bắt đầu nuốt một lượng lớn nước ối, đặc biệt trong suốt tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Nếu bản thân môi trường tử cung có sự hiện diện của các VSV như đã được chỉ ra trong những nghiên cứu gần đây, thì đường tiêu hóa của thai có thể được cư trú bởi những VSV này. Những bằng chứng cho thấy phân su không vô trùng đã hỗ trợ cho giả thuyết này. Ardisonne và cs. đã đánh giá các mẫu phân su từ trẻ sơ sinh và tìm thấy các chủng vi khuẩn trong phân su giống với các chủng được tìm thấy trong dịch ối.

So với các vị trí khác, hệ VSV đường tiêu hóa có tính đa dạng và tính phong phú hơn hẳn và ngày càng nhiều các bằng chứng cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn ở ruột từ trước khi trẻ được sinh ra. Có khoảng 1014 VSV, gấp khoảng 10 lần tổng số tế bào của một cơ thể người, hiện diện trong ruột và phần lớn tập trung ở hồi tràng và đại tràng. Hơn 99% VSV ở ruột là kỵ khí. Khá thú vị khi hệ VSV của mỗi cá thể chỉ bao gồm khoảng 15% trong số hơn 1.000 chủng vi khuẩn ruột đã được mô tả, dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa các cá thể người về hệ khuẩn ruột.

Những trẻ được sinh qua ngã âm đạo có các chủng vi khuẩn cư trú ở ruột phản chiếu hệ khuẩn âm đạo của mẹ, với các chủng thuộc chi Lactobacillus Prevotella. Trong khi đó, trẻ sinh mổ lại có sự hiện diện của các chủng liên quan thượng bì da hơn là đường âm đạo, chẳng hạn như Clostridium, Staphylococcus, Propionobacterium, và Corynebacterium, đồng thời các trẻ này cũng thiếu hụt các chủng kỵ khí thuộc chi BacteroidesBifidobacterium khi so sánh với trẻ sinh ngã âm đạo. Vì vậy, phương pháp sinh dường như có ảnh hưởng đến tính đa dạng và chức năng của hệ vi sinh vật ở trẻ sơ sinh. Ảnh hưởng này có thể kéo dài đến nhiều tháng, và thậm chí có thể lâu hơn nữa. Nghiên cứu của Jakobsson và cs. đã chứng tỏ những trẻ đủ tháng sinh mổ có tình trạng thiếu hụt hoặc chậm xuất hiện các chủng vi khuẩn thuộc ngành Bacteroides ở ruột tính cho đến 1 tuổi, với tính đa dạng VSV nhìn chung thấp hơn. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy sự khác biệt này có thể kéo dài đến tận 7 tuổi.

Sự phát triển của hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh, không kể đến khác biệt về phương pháp sinh, còn được chi phối bởi tương tác giữa hệ VSV và hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ. Diễn biến của tiến trình này hiện vẫn chưa được hiểu tường tận với nhiều câu hỏi xoay quanh nguồn gốc thực sự của những vi khuẩn hiện diện trong đường tiêu hóa trẻ sơ sinh cũng như những yếu tố nào ẩn dưới sự khác biệt trong hệ khuẩn ruột giữa các trẻ khác nhau. Palmer và cs. đã đánh giá mẫu phân thu được từ 14 trẻ sinh đủ tháng khỏe mạnh bằng kỹ thuật vi chuỗi ADN ribosome (rDNA microarray technology) nhằm xác định thông tin về hệ khuẩn ruột trong suốt 1 năm đầu đời ở các trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về các chủng VSV trong các mẫu phân chủ yếu giới hạn ở các chi Flexibacter-Cytophaga-Bacteroides, ngành Proteobacteria, Firmicutes, và Actinobacteria; mặt khác còn có một sự khác biệt đáng kể xảy ra trong từng trẻ qua suốt thời gian nghiên cứu . Các chủng vi khuẩn hiếu khí thuộc các chi như Staphylococcus, Streptococcus, và Enterobacteria thường xuất hiện sớm hơn, trong khi các chủng kỵ khí thuộc các chi EubacteriaClostridium xuất hiện trễ hơn. Thời gian xuất hiện của chi Bacteroides khá thay đổi, tuy nhiên, chi này  hiện diện ở hầu hết các trẻ tại thời điểm 1 tuổi. Sự cư trú tạm thời cũng được lưu ý ở những mốc thời gian thay đổi với nhiều VSV khác thuộc các chi Prevotella, Actinetobacter, Desufovibrio, Veillonella, và chủng Clostridium perfrigens. Sự hình thành hệ khuẩn ruột trong tuần đầu tiên của cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến thành phần của hệ này trong tương lai của trẻ thông qua nhiều yếu tố. Hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ trải qua sự trưởng thành nhanh trong suốt năm đầu tiên và được thành lập vững chắc như ở cá thể trưởng thành vào khoảng năm tuổi thứ ba.   

Một khi đã thành lập, hệ khuẩn ruột sẽ sống cộng sinh với cơ thể trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng trưởng thành dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố như hệ VSV, chế độ ăn, tiếp xúc với VSV mới, các chất lạ sinh học (xenobiotic, ví dụ như kháng sinh), và những sự tiếp xúc với môi trường lạ. Các VSV bao gồm cả hệ khuẩn ruột hưởng lợi từ môi trường giàu dinh dưỡng và ấm ở ruột. Điều này giúp hệ khuẩn phát triển tối ưu bên trong 1 hệ sinh thái ổn định. Cơ thể trẻ, đến lượt mình, cũng hưởng lợi từ các hoạt động của VSV chẳng hạn như gia tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Cai sữa và tập ăn thức ăn rắn sẽ gây ra một sự chuyển dịch trong thành phần hệ khuẩn ruột ở trẻ, đưa đến gia tăng số lượng một số chi như Bacteroides, Clostridium và các chủng kỵ khí thuộc chi Streptococcus nhưng mặt khác lại giảm số lượng chi Bifidobacterium. Ngoài các ảnh hưởng trên, hệ khuẩn ruột còn có thể hạn chế các nguồn dinh dưỡng sẵn có dành cho các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là cạnh tranh với các vi khuẩn hại để sử dụng các nguồn chuyển hóa cũng như cạnh tranh không gian sống. Hệ khuẩn ruột cũng giúp phát triển chức năng hàng rào bảo vệ, tính toàn vẹn, chức năng miễn dịch hệ thống. Nhìn chung, hệ thống miễn dịch đặc hiệu/không đặc hiệu sẽ tương tác với VSV để hình thành và duy trì trong giới hạn bình thường khả năng tiêu hóa, nhu động ruột, khả năng dung nạp miễn dịch với thức ăn và một số kháng nguyên VSV nhất định, bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh.

III. Vai trò của dinh dưỡng trong sự phát triển hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh đủ tháng

Dinh dưỡng, cụ thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức, đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ khuẩn ruột ở giai đoạn sớm sau sinh. Một trẻ đủ tháng khỏe mạnh được bú mẹ sẽ nhận một hỗn hợp chất dinh dưỡng, vi khuẩn, các protein kháng khuẩn, chẳng hạn như các carbonhydrate, acid béo, và lactoferrin cùng với IgA từ sữa mẹ. Các yếu tố này ảnh hưởng đến môi trường phát triển của VSV bên trong cơ thể trẻ. Oligosaccharide, glycoconjugate, và các thành phần tự nhiên trong sữa mẹ cũng có khả năng ngăn ngừa sự tấn công của các tác nhân gây bệnh ở ruột đồng thời kích thích sự phát triển của Bifidobacterium. Các oligosaccharide trong sữa mẹ sẽ tương tác trực tiếp với với bề mặt các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời còn có khả năng ức chế  sự gắn kết các tác nhân gây bệnh và độc tố lên các thụ thể tế bào cơ thể chủ. Các thành phần khác trong sữa mẹ như interleukin-10, yếu tố tăng trưởng chuyển dạng, erythropoietin, là những chất trung gian quan trọng trong đáp ứng viêm chống lại các tác nhân vi khuẩn gây bệnh ở ruột.

Vi khuẩn sống cũng được tìm thấy trong sữa mẹ bao gồm các chủng thuộc chi Staphylococcus, Streptococcus, Bifidobacterium, và Lactobacillus. Một số yếu tố liên quan khác có thể ảnh hưởng trên thành phần hệ VSV trong sữa mẹ, bao gồm sức khỏe của mẹ và phương cách sinh. Ít nhất một vài vi khuẩn hiện diện trong ruột mẹ có thể di chuyển đến tuyến vú qua một con đường nội sinh, còn được gọi là con đường ruột-vú (enteromammary pathway) và chi phối thành phần vi khuẩn trong sữa mẹ. Một số carbonhydrate không thể tiêu hóa được tìm thấy trong trong sữa mẹ sẽ lên men ở đại tràng và giúp thúc đẩy các chủng probiotic thuộc chi Bifidobacterium Bacteroides tăng trưởng. Điều thú vị là, trong quá trình tạo sữa, tế bào từ mô dạng lympho ở ruột mẹ sẽ di chuyển theo đường bạch huyết và mạch máu để đến vú, tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các VSV ở da vùng vú và ruột của mẹ sang trẻ sơ sinh bú mẹ.

Không như trẻ bú mẹ, trẻ bú sữa công thức sẽ tiếp xúc với một chuỗi khác các carbohydrate, vi khuẩn, và các chất dinh dưỡng, đưa đến những khác biệt về kiểu cư trú và về những điều chỉnh miễn dịch trên hệ khuẩn ruột đang phát triển của trẻ. Ngược với các oligosaccharide trong sữa mẹ đã được trình bày ở trên, các oligosaccharide được cho vào sữa công thức hiện nay có cấu trúc khác và do đó, không có khả năng bắt chước các tác động chuyên biệt ở ruột như sữa mẹ. Đã có những bằng chứng cho thấy trẻ đủ tháng bú mẹ có hệ khuẩn ruột được chiếm ưu thế bởi Bifidobacterium nhưng lại giảm các chủng thuộc chi Enterobacteria. Ngược lại, trẻ bú sữa công thức, bất chấp là sữa nguồn gốc từ động vật hay thực vật, sẽ có hệ khuẩn ruột bao gồm những chủng như Escherichia coli, Clostridium difficile, Bacteroides, Prevotella, và Lactobacillus (Bảng 1). Một số nghiên cứu còn cho thấy thậm chí chỉ cần một lượng tương đối ít sữa công thức được sử dụng kèm theo bú mẹ cũng sẽ gây sự chuyển dịch của hệ khuẩn ruột từ kiểu bú sữa mẹ sang kiểu bú sữa công thức. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2011 của Hascoet và cs. đã cho thấy trẻ bú sữa công thức chứa chủ yếu protein whey với hàm lượng protein và phosphat thấp, nhằm cố gắng giả cho giống sữa mẹ hơn, đã phát triển một hệ VSV trong phân tương tự thành phần Bifidobacterium ở trẻ bú mẹ. Điều này gợi ý rằng thậm chí ở trẻ nhũ nhi không bú mẹ hoàn toàn, một hệ khuẩn ruột tương tự như ở trẻ bú mẹ vẫn có thể đạt được, ít nhất là một phần, bằng cách sử dụng một kiểu sữa công thức có thành phần tương tự sữa mẹ.

Ở trẻ bú mẹ, sự truyền IgA từ mẹ sẽ phản ánh hệ VSV của mẹ đồng thời trao cho trẻ một khả năng bảo vệ chống lại tác nhân gây bệnh. IgA cũng bảo vệ hệ thống miễn dịch trẻ sơ sinh khỏi chính hệ VSV của trẻ trong giai đoạn khả năng đề kháng của trẻ vẫn còn chưa trưởng thành. Điều này được giải thích do IgA gắn vào kháng nguyên vi khuẩn và hoạt hóa hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ theo kiểu “dễ dung nạp” hơn dựa trên sự tiếp xúc với kháng nguyên.

Sự khác biệt về kiểu hệ khuẩn ruột và về sự truyền các yếu tố điều hòa miễn dịch giữa trẻ bú mẹ và bú sữa công thức sẽ đưa đến những ảnh hưởng khác xa nhau trong giai đoạn sau của cuộc đời, xuất phát từ những ảnh hưởng của chúng trên nguy cơ mắc một số bệnh lý. Hoạt động chuyển hóa của hệ khuẩn ruột, đặc biệt là khả năng hỗ trợ cơ thể chủ hấp thụ thức ăn, có thể rất khác nhau tùy thuộc vào thành phần và tính đa dạng của các chủng vi khuẩn. Điều này đưa đến những khác biệt trong khả năng dự trữ và sử dụng năng lượng hiệu quả của trẻ. Một ví dụ quan trọng chính là tình trạng béo phì, vốn có thể bắt đầu từ rất sớm trong giai đoạn chu sinh. Trong khi tình trạng này được quy chủ yếu do tiêu thụ quá nhiều carbohydrate và chất béo cùng với việc giảm hoạt động thể chất, béo phì ở giai đoạn ấu thơ một phần bị chi phối bởi sự tiếp xúc của bào thai với các điều kiện bất lợi (như rối loạn chức năng hormon và rối loạn chức năng dinh dưỡng) trong môi trường tử cung, đưa đến một tác động mạnh mẽ trên phát triển, trên cấu trúc, và trên chức năng các cơ quan của trẻ. Hiện tượng này có thể kéo dài đến chu sinh và sau sinh.

Như đã lưu ý từ trước, hệ khuẩn ruột cung cấp một chức năng chuyển hóa then chốt cho cơ thể chủ. Đặc biệt, nó cho phép tiêu hóa những carbohydrate không thể tiêu hóa cũng như gây kích hoạt lipoprotein lipase, đưa đến hấp thu glucose và dự trữ chất béo và vì vậy sẽ gây tăng cân quá mức. Gia tăng số lượng các chủng thuộc ngành Firmicutes và giảm số lượng Bacteroidetes trong hệ khuẩn ruột cũng gây tăng dự trữ năng lượng quá mức và gây béo phì trong những nghiên cứu với mô hình động vật.

IV. Hệ VSV ruột ở trẻ non tháng

Trẻ sơ sinh non tháng, đặc biệt là những trẻ cân nặng lúc sinh rất thấp, sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hình thành một hệ VSV khỏe mạnh. Các yếu tố cản trở không chỉ giới hạn ở sự kém trưởng thành của đường tiêu hóa, mà còn bao gồm vỡ ối sớm, nhiễm trùng ở mẹ, sinh mổ, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng trong giai đoạn chu sinh và sau sinh, tiếp xúc với các thuốc có ảnh hưởng tới đường tiêu hóa như các thuốc chặn H2, thay đổi nhu động ruột, bú không đủ nhu cầu, nhiễm các tác nhân kháng thuốc, chậm bú sữa mẹ. Do những yếu tố này, hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh chẳng những kém đa dạng mà còn gia tăng hiện diện các chủng gây bệnh. Thêm vào đó, hệ khuẩn  ruột ở trẻ sinh non kém ổn định so với trẻ đủ tháng và cũng chậm chuyển tiếp sang kiểu hệ khuẩn ruột ở người trưởng thành. Một nghiên cứu năm 2007 của Butel và cs. đã cho thấy, ở trẻ đủ tháng bú mẹ, Bifidobacterium hiện diện vào ngày thứ 7 sau sinh trong khi trẻ sinh non thì không như vậy. Nghiên cứu cũng chỉ ra ngưỡng tuổi thai 33 tuần có vẻ là mốc cho sự xuất hiện của các chủng thuộc chi Bifidobacterium.

Bên cạnh việc thay đổi tính đa dạng của hệ VSV như trên, trẻ non tháng còn khiếm khuyết khả năng miễn dịch cả về số lượng lẫn chất lượng. Chức năng hàng rào của tế bào biểu mô kém đưa đến việc trẻ dễ bị xâm lấn bởi các tác nhân bệnh vốn có khả năng khởi phát những đáp ứng viêm quá mức bằng một hệ miễn dịch vẫn chưa phát triển hoàn thiện của trẻ và dẫn đến các bệnh lý tiến triển đe dọa tử vong như viêm ruột hoại tử (necrotizing enterocolitis, NEC), nhiễm trùng Staphylococcus coagulase âm hay Enterobacter.

V. Rối loạn hệ khuẩn ruột

Thậm chí ngay cả khi trẻ sơ sinh đã thiết lập được một hệ VSV khỏe mạnh, tình trạng rối loạn hệ khuẩn ruột vẫn có thể xảy ra do thay đổi chế độ ăn, điều trị kháng sinh, hay nhiễm trùng. Rối loạn hệ khuẩn ruột sẽ tạo thuận lợi cho các chủng vi khuẩn gây bệnh xâm lấn và tăng trưởng, gây gián đoạn các điều hòa tinh vi của hệ thống miễn dịch vốn nhằm mục đích duy trì sự cân bằng giữa các yếu tố tiền viêm và kháng viêm. Lưu ý rằng hệ VSV ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, có bản chất là một cân bằng động và rất dễ tổn thương. NEC là một trong những bệnh lý liên quan với rối loạn hệ khuẩn ruột. Sự xuất hiện và tiến triển của NEC ở trẻ sinh non có diễn tiến nặng nề, bị ảnh hưởng bởi đa yếu tố và hiện vẫn chưa được hiểu biết tường tận

VI. Vai trò của prebiotic và probiotic trong sự phát triển của hệ khuẩn ruột trẻ sơ sinh

Các prebiotic là những thành phần không tiêu hóa được trong thức ăn và có khả năng kích thích chọn lọc đối với sự tăng trưởng hay hoạt động của một số chủng vi khuẩn hiếm khí/vi hiếu khí có lợi cho cơ thể thuộc các chi như Bifidobacterium, Lactobacillus bên trong đại tràng. Một số bằng chứng còn cho thấy prebiotic giúp tăng nhu động ruột và làm trống dạ dày. Các thành phần này hiện diện trong một số loại thực phẩm, bao gồm cả sữa mẹ và một số sữa công thức trên thị trường. Lactoferrin, một prebiotic hiện diện trong sữa mẹ, có khả năng kháng khuẩn, kích thích miễn dịch, điều hòa miễn dịch và đẩy mạnh hình thành hệ VSV ruột ở trẻ sơ sinh với các vi khuẩn có lợi như các chủng thuộc BifidobacteriumLactobacillus. Inulin, alctulose, fructo-oligosaccharides (FOS) và galacto-oligosaccharides (GOS) chuỗi ngắn là một số các prebiotic khác ở người, tuy nhiên việc sử dụng, hiệu quả, độ an toàn đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ sơ sinh non tháng vẫn chưa được biết rõ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, probiotic là các vi sinh vật sống mà khi được sử dụng với số lượng vừa phải sẽ mang lại những lợi ích về sức khỏe cho cơ thể chủ. Cơ chế hoạt động của probiotic ở biểu mô ruột bao gồm tăng cường chức năng hàng rào biểu mô, tăng cường các đáp ứng IgA, trực tiếp đối kháng với tác nhân gây bệnh, cạnh tranh với tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa tế bào chết theo chương trình, tạo các cytokine kháng viêm, điều hòa giảm các con đường  tiền viêm chẳng hạn  như hoạt hóa yếu tố nhân κB.

Một số thử nghiệm lâm sàng và phân tích tổng hợp (meta-analysis) gần đây đã cho thấy sử dụng probiotic trong ngăn ngừa NEC nhìn chung an toàn và hiệu quả.Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những khác biệt đáng kể giữa các nghiên cứu được đánh giá trong những phân tích tổng hợp đã gây ra nhiều tranh cãi về hiệu quả và độ an toàn của probiotic đối với trẻ sinh non. Mặc dù vậy, cũng đã có những bằng chứng mạnh mẽ cho việc dùng probiotic trong điều trị ở trẻ sinh non. Một số nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của probiotic trong việc giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong của NEC. Mặt khác các thử nghiệm cũng báo cáo không ghi nhận thấy tác dụng phụ nặng như nhiễmg trùng hệ thống do tác nhân probiotic. Những probiotic thường dùng cho trẻ sơ sinh bao gồm các chủng vi khuẩn thuộc chi Lactobacillus Bifidobacterium.

Một điểm quan trọng khác cần được đánh giá khi xem xét sử dụng probiotic cho trẻ sơ sinh chính là liều sử dụng và thời gian điều trị. Để tạo ra hiệu quả tốt cho sức khỏe, probiotic cần có khả năng sống được bên trong đường tiêu hóa và tồn tại ở nồng độ cao trong ruột, nhưng liều dùng tối thiểu để có thể thỏa những điều trên hiện vẫn đang được xác định. Câu hỏi về độ an toàn khi sử dụng probiotic như 1 trị liệu để làm giảm hoặc ngăn ngừa bệnh cũng là một vấn đề hiện vẫn còn gây tranh cãi.

Lời kết

Với sự phát triển mạnh mẽ những nghiên cứu xung quanh hệ VSV ở người, chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về sự phát triển và chức năng của hệ khuẩn ruột trẻ sơ sinh, từ đó hiểu biết thêm về những tiến trình bệnh lý liên quan cũng như làm thề nào để kiểm soát được chúng. Những hiểu biết này sẽ giúp ích trong nỗ lực tác động lên sự  cân bằng giữa sức khỏe và bệnh tật từ giai đoạn rất sớm, ngay sau sinh hoặc thậm chí trước lúc sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, những can thiệp đầy tiềm năng dựa trên pre- và probiotic có thể cho phép ngăn ngừa và/hoặc can thiệp chống lại các bệnh lý miễn dịch và nhiễm trùng từ ngay giai đoạn sơ sinh.

 
Tài liệu tham khảo:
Gritz E.C. and Bhandari V., 2015. The human neonatal gut microbiome: a brief review. Frontiers in Pediatrics 3(17)
Berrington J.E., Stewart C.J, Cummings S.P., Embleton N.D., 2014. The neonatal bowel microbiome in health and infection. Current Opinion in Infectious Disease 27, 236-243

 
Bảng 1. Những khác biệt chính yếu trong hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh tùy theo cách nuôi ăn
Nuôi bằng sữa mẹ Nuôi bằng sữa công thức
Bifidobacteriaa Các chủng thuộc chi Bifidobacteria
Các chủng thuộc chi Enterobacteria Escherichia coli
  Clostridium difficile
  Các chủng thuộc chi Bacteroides
  Các chủng thuộc chi Prevotella
  Các chủng thuộc chi Lactobacillus
a Trẻ sơ sinh bú mẹ có nhiều chủng vi khuẩn thuộc chi Bifidobacteria hơn so với trẻ bú sữa công thức.

Hình 1. Phân loại các vi khuẩn thường gặp trong hệ khuẩn ruột ở trẻ sơ sinh
 
BS. Nguyễn An Nghĩa

Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuốc chống đông và thai kỳ - Ngày đăng: 09-11-2014
Liệu pháp CORTICOSTEROIDS trước sinh - Ngày đăng: 06-10-2014
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK