Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 03-02-2015 1:14pm
Viết bởi: Administrator
ĐẶT VẤN ĐỀ

Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ là một tình trạng bệnh lý toàn thân rất phức tạp, thường gặp 5-10% trong các thai kỳ và là nguyên nhân nghiêm trọng gây nên những bệnh tật và tử vong trong thai kỳ. Có khoảng 30% trường hợp tăng huyết áp trong thai kỳ là do tình trạng tăng huyết áp mạn tính của thai phụ và 70% là do thai. Đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu trên nhóm bệnh rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ, cũng như đã tìm ra tỉ lệ mắc mới của bệnh và các yếu tố liên quan tới các nhóm bệnh nói trên. Trong đó, tiền sản giật (TSG) và sản giật (SG) là bệnh rất thường gặp trong nhóm rối loạn tăng huyết áp thai kỳ và là bệnh gây nên những biến chứng rất nặng nề cho mẹ như: tình trạng nhau bong non, lên cơn co giật, hội chứng HELLP, suy thận… thậm chí gây tử vong cho mẹ; đồng thời cũng gây biến chứng đối với thai nhi như: thai chết lưu, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non tháng và tử vong chu sinh. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm, quản lý thai kỳ chặt chẽ và điều trị tích cực thì có thể phòng được những biến chứng nặng nề cho mẹ và con.

Trên thế giới, hàng năm có khoảng 50.000 phụ nữ mang thai tử vong vì TSG-SG, là bệnh thường xảy ra ở các phụ nữ có mẹ từng bị TSG-SG hơn là những phụ nữ không có yếu tố này. Tại Hoa Kỳ, tăng huyết áp được chẩn đoán trong 12-22% thai kỳ và là nguyên nhân tử vong trực tiếp trong 17,6% trường hợp tử vong mẹ, trong đó, TSG chiếm tỉ lệ rất cao khoảng 70%. Tại Việt Nam, có sự dao động rất lớn trong tỉ lệ mắc bệnh ở các khu vực khác nhau như: trong nghiên cứu 488 thai phụ con so ở Quận 8, TP. Hồ Chí Minh (2003) thì tỉ lệ mắc mới của tăng huyết áp do thai là 4,35%. Còn nghiên cứu tại Bệnh viện Tiền Giang (2002) trên 215 sản phụ con so dưới 25 tuổi, tỉ lệ mắc của nhóm tăng huyết áp do thai là 25,6%. Tuy nhiên, TSG-SG rất thấp khoảng 2,97%, trong nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương (2002) trên 273 trường hợp. Tỉ lệ mắc bệnh không đồng đều giữa các khu vực tùy theo cỡ mẫu, dân số mà tác giả chọn.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh TSG-SG đến nay vẫn còn chưa rõ, do đó, việc phòng và điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc chẩn đoán TSG-SG không khó khăn lắm. Tuy nhiên, vấn đề quản lý thai sản để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Việc phân tích đánh giá các đặc điểm về lâm sàng, cận lâm sàng cần được lưu ý trong quá trình chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi và điều trị. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài ”Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị TSG ở Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ”, nhằm các mục tiêu:

(1)    Khảo sát các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở những bệnh nhân TSG và các biến chứng liên quan do bệnh lý này gây ra.
(2)   Đánh giá kết quả điều trị TSG tại Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Có 70 trường hợp được chẩn đoán TSG điều trị tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/08/2013.
Tiêu chuẩn chọn bệnh

-         Thai phụ có tuổi thai trên 20 tuần, có huyết áp cao kèm theo hoặc phù hoặc protein niệu hoặc cả hai. 
-         Đồng ý tham gia nghiên cứu.                
                                                                     
Tiêu chuẩn loại trừ

-         Cao huyết áp bản chất (tiền sử đã có cao huyết áp hoặc huyết áp cao trước tuần thứ 20 của thai kỳ).
-         Bệnh tim.
-         Bệnh thận mạn tính.
-         Bệnh động kinh.
-         Bệnh hysterie.
-         Hôn mê do các nguyên nhân khác

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tỉ lệ tiền sản giật

Trong thời gian nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận được 70 trường hợp bị TSG trong tổng số 4.326 trường hợp vào sinh, chiếm tỉ lệ TSG là 1,6% và SG chiếm 0,1%. Trong 70 ca TSG-SG, có 6 trường hợp bị SG, chiếm tỉ lệ 8,6%.

KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 70 trường hợp bị TSG, chúng tôi có kết luận như sau:

1.      TSG là một bệnh lý thường gặp vào 3 tháng cuối của thai kỳ.
2.     Tỉ lệ TSG là 1,618% (61,43% TSG nhẹ và 38,57% TSG nặng); SG là 5,71%. Tỉ lệ SG/TSG là 6,06%.
3.     Đối tượng thường gặp là con so đặc biệt là con so lớn tuổi (trên 35 tuổi), làm nghề nông và nội trợ.
4.     Chẩn đoán bệnh gồm bộ ba triệu chứng: huyết áp cao, phù và protein niệu. Trong đó, huyết áp cao đóng vai trò quyết định.
5.     Nhức đầu vùng chẩm là triệu chứng gặp thường xuyên ở bệnh nhân TSG nặng (94,24%).
6.     Nghiên cứu có 22,85% trường hợp acid uric máu ≥360 mmol/l; 38,1% bệnh nhân tăng SGOT và 24,29% bệnh nhân tăng SGPT. Đây là những xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán, tiên lượng cho cả mẹ và con.
7.     Biến chứng mẹ còn cao, khoảng 51,43%. Trong đó, biến chứng thiểu niệu - vô niệu thường gặp nhất (83,33%), kế đến là SG (11,11%). Quản lý thai nghén tốt có thể phòng ngừa được các biến chứng này.
8.     Biến chứng con thường gặp là sinh non (73,91%). Đây là biến chứng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về thể chất và tâm thần của trẻ.
9.     Điều trị kéo dài tuổi thai còn gặp nhiều khó khăn. Sử dụng tổ hợp an thần, hạ huyết áp và magnesium sulfate có kết quả tốt trong điều trị TSG nặng.
10.   Chấm dứt thai kỳ sớm là điều quyết định trong trường hợp TSG nặng, đe doạ SG hoặc có biến chứng mẹ và con, bất chấp tuổi thai.
11.    Nghiên cứu có 64,29% mổ lấy thai, 35,71% sinh đường âm đạo (92% sinh thường và 8% sinh Forceps). Trong TSG nặng hoặc SG, phương pháp chấm dứt thai kỳ an toàn nhất là mổ lấy thai.

Kiến nghị

Qua nghiên cứu về bệnh lý TSG tại Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1.      Cần giảm tỉ lệ TSG trong thời gian tới thông qua việc vận động, tuyên truyền các thai phụ nên khám thai định kỳ nhằm phát hiện các rối loạn của cơ thể trong thời gian mang thai, đặc biệt là TSG-SG; cần phát huy công tác khám thai và quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế.
2.     Tuyên truyền các dấu hiệu lâm sàng, các yếu tố nguy cơ và các biến chứng của bệnh lý THA trong thai kỳ tại các kênh thông tin truyền thông trong khu vực, nhằm giúp cho thai phụ hiểu rõ về bệnh lý rối loạn THA trong thai kỳ để được chăm sóc và quản lý thai nghén tốt hơn, nhất là khi có dấu hiệu bất thường nên đến cơ sở y tế nhanh hơn để giảm các biến chứng của bệnh lý này gây nên.
3.     Nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về dịch tễ học của các rối loạn THA trong thai kỳ tại các vùng khác nhau trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng trong nước Việt Nam.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuốc chống đông và thai kỳ - Ngày đăng: 09-11-2014
Liệu pháp CORTICOSTEROIDS trước sinh - Ngày đăng: 06-10-2014
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK