Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 27-07-2010 7:28am
Viết bởi: Administrator

SXH

 

ThS. BS Vũ Thiên Ân

 


1.   Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt Dengue và sốt suất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 type, đánh số từ 1 đến 4. Virus này được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

muoi van Virus Dengue
Muỗi vằn Virus Dengue

2.   Giai đoạn dễ bị sốt xuất huyết trong năm?

Việt Nam, đặc biệt là miền nam Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm có muỗi nên thuộc vùng dịch tễ cao của bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, đỉnh cao của bệnh vào những tháng mùa mưa khi muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh sản và phát triển.

ban do luu hanh benh sot suat huyet

3.   Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh? Chẩn đoán bệnh?

*     Về mặt lâm sàng, thường người bệnh có các triệu chứng sau:

-     Sốt cao liên tục từ 2 – 7 ngày kèm ít nhất 2 triệu chứng sau:

  • Đau đầu
  • Đau sau hốc mắt
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Phát ban
  • Dấu dây thắt dương tính (do nhân viên y tế làm)
  • Xuất huyết tự nhiên: có chấm xuất huyết trên da hoặc chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng hoặc ói ra máu hoặchoặc kinh nguyệt kéo dài (ở trẻ nữ đã dậy thì)… tiêu ra máu

-     Ăn uống kém

-     Trong một số trường hợp, sốc thường xảy ra từ đầu ngày thứ 4 đến cuối ngày thứ 5 của bệnh.

*     Theo WHO, chẩn đoán nhanh sốt xuất huyết khi bệnh nhân có:

-     Lâm sàng: sốt và xuất huyết (kể cả dấu dây thắt dương tính)

-     Cận lâm sàng:

  • Cô đặc máu (thường biểu hiện bằng Hct tăng ≥ 20% so với bình thường), hoặc có triệu chứng thoát huyết tương (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng hay protein máu giảm)
  • Số lượng tiểu cầu giảm (< 100.000 tế bào/mm3)

*     Chẩn đoán căn nguyên của sốt xuất huyết bằng các xét nghiệm như huyết thanh chẩn đoán MAC Elisa tìm kháng thể IgM, IgG; xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên NS1 hoặc PCR hay nuôi cấy virus. Các xét nghiệm này thường ít có giá trị về mặt thực hành vì không phải cơ sở y tế nào cũng làm được và cần thời gian.

4.   Phân độ sốt xuất huyết?

Độ 1: sốt liên tục 2 – 7 ngày kèm dấu dây thắt dương tính.

Độ 2: triệu chứng như độ 1 kèm ít nhất một dấu hiệu xuất huyết tự nhiên.

Độ 3: có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyệt áp kẹp hay hạ huyết áp, vật vã, bứt rức hoặc li bì.

Độ 4: sốc sâu, huyết áp và mạch không đo được.

5.   Vì sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?

Bệnh sốt xuất huyết có những biến chứng có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời và thích hợp: như sốc giảm thể tích, xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, suy hô hấp trong giai đoạn tái hấp thu dịch.

6.   Các dấu hiện trở nặng của bệnh:

Cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng sau để đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức (dấu hiệu lâm ang):

-     Vật vã, lừ đừ, lì bì

-     Đau bụng vùng gan (vùng dười xương sườn bên phải)

-     Chân tay không còn ấm mà mát dù bé không sốt cao

-     Tiểu ít

-     Nôn ói nhiều, không chịu uống nước

-     Xuất huyết nhiều (ví dụ như: ói ra máu, chảy máu mũi nhiều không tự cầm, kinh nguyệt ra ồ ạt, tiểu ra máu…)

7.   Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

Chỉ định nhập viện ở trẻ bị sốt xuất huyết do bác sĩ trực tiếp thăm khám và quyết định cho từng trường hợp cụ thể. Thường sốt xuất huyết độ 1 có thể điều trị tại nhà và theo dõi sát, tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt 2 ngày. Nhìn chung, cần cho trẻ nhập viện khi:

-     Trẻ ói nhiều, không ăn uống được

-     Mệt lã, bứt rứt, tay chân lạnh, vã mồ hôi

-     Đau bụng nhiều, gan to đau

-     Xuất huyết nhiều

-     Cô đặc máu nhiều, Hct tăng cao hoặc tăng nhanh

-     Ngoài ra, có thể cho trẻ nhập viện khi gia đình trẻ ở xa cơ sở y tế hoặc không có người chăm sóc và theo dõi trẻ sát.

8.   Nếu không cần nhập viện, chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?

-     Hạ sốt bằng paracetamol theo cữ và lau mát. Không được hạ sốt bằng aspirin hay ibuprofen vì có nguy cơ gây xuất huyết.

-     Cho trẻ uống nhiều nước: nước hin, nước suối, nước pha ORS, nước trái cây (cam chanh, dừa,…). Không nên cho trẻ uống nước có màu nâu, đỏ hay đen vì sẽ khó phân biệt các loại nước này với chất ói là máu.

-     Ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu. Không ăn kiêng. Chế độ ăn có thể là sữa, cháo thịt, súp, phở, cơm mềm, canh…tùy nhu cầu và sở thích của trẻ.

-     Luôn theo dõi sát trẻ để phát hiện các dấu hiệu trở nặng cần đưa trẻ đi tái khám ngay (đã nêu ở trên).

9.   Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết:

Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cách phòng chống sốt xuất huyết tốt nhất là cắt đứt vòng lây truyền bệnh bằng cách diệt muỗi và tránh không để trẻ bị muỗi đốt. Muỗi vằn thường sống trong nhà, ở xó tối và đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, nước mưa.

  1. Các biện pháp cụ thể:

-     Muỗi vằn đốt người vào cả ban ngày nên phải ngủ mùng ban ngày. Không cho trẻ chơi ở chỗ tối có nhiều muỗi

-     Mặc quần áo dài tay

-     Dùng kem thoa chống muỗi

-     Diệt muỗi bằng nhang muỗi, thuốc diệt muỗi ở những chỗ tối, những chỗ muỗi hay đậu

-     Diệt lăng quăng bằng cách súc rửa thường xuyên các vât dụng chứa nước (như lu, chậu, thau, thùng chứa nước, lọ hoa, …). Đậy nắm các vật dụng chứa nước. Dọn dẹp các vật dụng có thể là nơi muỗi sinh đẻ như các lốp xe đọng nước mưa…

-     Thả cá bảy màu ăn lăng quăng.

Tài liệu tham khảo:

1.     Bộ Y Tế Việt Nam. Hướng dẫn điều trị sốt Dengue và sốt xuất huyết. Nhà xuất bản Y học. 2009

2.     CDC. Dengue. http://www.cdc.gov/dengue/

3.     WHO. Dengue. http://www.who.int/topics/dengue/en/

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
DẬY THÌ SỚM (phần 2) - Ngày đăng: 21-06-2010
VIÊM ÂM HỘ - ÂM ĐẠO - Ngày đăng: 07-05-2007
THAI CHẾT LƯU ĐỦ THÁNG - Ngày đăng: 20-04-2007
SANH NGÃ ÂM ĐẠO SAU MỔ LẤY THAI - Ngày đăng: 12-05-2007
THAI CHẾT LƯU ĐỦ THÁNG (TT) - Ngày đăng: 16-05-2007
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK