Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 28-10-2009 6:52pm
Viết bởi: Administrator

h1n1 1

 

BS. Phan Thị Ngọc Minh

HOSREM


Virus cúm A H1N1 có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người được ghi nhận đầu tiên vào tháng 4 năm 2009. Nhiều trường hợp bệnh nặng ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được báo cáo trong đợt bùng phát này mặc dù dịch tễ học và phổ virus trên phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh chưa được biết rõ và đang được nghiên cứu.

Tuy nhiên, đã có bằng chứng từ những quan sát trong suốt đợt dịch trước đó và từ những nghiên cứu trên phụ nữ mang thai nhiễm dịch cúm theo mùa cho thấy bệnh cúm thường có khuynh hướng nặng hơn ở phụ nữ mang thai. Số ca chết do cúm ở phụ nữ mang thai được ghi nhận khá nhiều trong những đợt dịch vào năm 1918-1919 và 1957-1958. Ảnh hưởng xấu trên thai kỳ được báo cáo trong những đợt dịch cúm trước đó, kèm theo đó là tỷ lệ sẩy thai tự nhiên và sinh non gia tăng, đặc biệt là ở những phụ nữ bị viêm phổi. Báo cáo các trường hợp bệnh và một số các nghiên cứu dịch tễ học thực hiện giữa các đợt dịch cho thấy thai kỳ làm gia tăng nguy cơ biến chứng cúm cho mẹ và có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng khi sinh cũng như các hậu quả không tốt trong giai đoạn chu sinh.

Biểu hiện lâm sàng

Thai phụ nhiễm virus cúm A H1N1 có thể có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp giống bệnh cúm (ví dụ: ho, đau họng, chảy nước mũi) và sốt. Các triệu chứng khác có thể gặp là nhức mình, nhức đầu, mệt mỏi, nôn ói và tiêu chảy. Một số thai phụ sẽ trải qua đợt cúm không biến chứng. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và có thể kèm biến chứng do nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi. Suy thai kèm với những biểu hiện bệnh lý nghiêm trọng ở mẹ có thể xuất hiện. Báo cáo các trường hợp ghi nhận kết cục không tốt cho thai kỳ thậm chí có thể tử vong mẹ xảy ra cùng với một số bệnh lý trầm trọng. Do đó, một khi nghi ngờ thai phụ nhiễm virus H1N1 thì nên xét nghiệm sớm để chẩn đoán cúm. Tuy nhiên, không nên trì hoãn việc điều trị cho đến khi có kết quả xét nghiệm và không nên từ chối việc điều trị một khi không có xét nghiệm chẩn đoán, bởi lẽ điều trị kháng virus sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi bắt đầu càng sớm càng tốt ngay khi có triệu chứng (trong vòng 2 ngày đầu). Một số cơ sở y tế có thể chưa có xét nghiệm để chẩn đoán cúm, còn những nơi có xét nghiệm thì cũng phải mất vài ngày mới có kết quả. Bác sĩ cần nhận biết tình hình lưu hành virus cúm H1N1 tại địa phương mình và đừng đợi tới khi có kết quả xét nghiệm mới bắt đầu điều trị ở những phụ nữ có triệu chứng phù hợp với chẩn đoán cúm.

Điều trị và điều trị dự phòng

Điều trị sớm thuốc kháng virus cúm được khuyến cáo ở những phụ nữ mang thai bị nghi ngờ bệnh cúm. Các bác sĩ không nên đợi có kết quả xét nghiệm rồi mới bắt đầu điều trị bởi vì thuốc tác dụng tốt nhất khi được dùng càng sớm càng tốt ngay sau khởi bệnh. Virus cúm A H1N1 đang lưu hành hiện nay nhạy với các thuốc kháng virus ức chế men neuraminidase như Zanamivir (Relenza ®) và Oseltamivir (Tamiflu ®) nhưng lại kháng với thuốc kháng virus dạng adamantane như Amantadine (Symmetrel ®) và Rimantadine (Flumadine ®). Oseltamivir sử dụng và hấp thu qua đường uống nên có tác dụng toàn thân, trái lại Zanamivir được sử dụng bằng đường hít nên có tác dụng toàn thân ít hơn. Điều trị Oseltamivir và Zanamivir cùng chế độ điều trị dự phòng được khuyến cáo cho những phụ nữ mang thai tương tự như chế độ được khuyến cáo cho những người bình thường nhiễm cúm theo mùa. Thai kỳ không được xem là một chống chỉ định sử dụng Oseltamivir và Zanamivir. Phụ nữ mang thai dường như có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng nghiêm trọng do cúm A H1N1 và lợi ích của việc điều trị hay điều trị dự phòng với Oseltamivir hay Zanamivir vượt xa những nguy cơ về mặt lý thuyết của việc sử dụng thuốc kháng virus. Mặc dù có một vài tác dụng phụ được ghi nhận ở phụ nữ mang thai sử dụng thuốc này nhưng không có mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc trên và các tác dụng phụ của chúng.

Khuyến cáo điều trị

Thai phụ có biểu hiện bệnh giống cúm nên được điều trị chống virus theo kinh nghiệm. Do có tác động toàn thân nên Oseltamivir được lựa chọn để sử dụng cho phụ nữ mang thai. Thời gian điều trị khuyến cáo là 5 ngày. Không nên trì hoãn điều trị trong khi chờ kết quả xét nghiệm virus. Giống như những khuyến cáo về điều trị cho những người không mang thai, việc điều trị kháng virus nên được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi khởi phát triệu chứng của cúm, hiệu quả tốt nhất đạt được là dùng thuốc trong vòng 48 giờ khởi phát bệnh. Tuy nhiên dữ liệu của các nghiên cứu về dịch cúm theo mùa cho thấy việc sử dụng thuốc kháng virus vẫn có lợi ở những bệnh nhân đã nhập viện quá 48 giờ sau khi bệnh đã khởi phát. Vì vậy, thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao, trong đó có phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những bệnh nhân cần phải nhập viện.

Khuyến cáo điều trị dự phòng

Điều trị dự phòng cho lần tiếp xúc với virus có thể được xem xét cho phụ nữ mang thai có tiếp xúc gần với người bị nghi ngờ hay xét nghiệm khẳng định cúm A H1N1. Thuốc sử dụng để điều trị dự phòng có thể là Zanamivir do đặc tính hấp thụ toàn thân hạn chế. Tuy nhiên, việc sử dụng Zanamivir đường hô hấp có thể đi kèm biến chứng hô hấp, do vậy cần xem xét thận trọng đối với những phụ nữ có nguy cơ về hô hấp. Ở những phụ nữ này, Oseltamivir là lựa chọn thay thế hợp lý. Thời gian khuyến cáo điều trị dự phòng là khoảng 10 ngày sau lần tiếp xúc với virus cúm A H1N1. Trong những trường hợp có khả năng xảy ra việc tiếp xúc nhiều lần như trong gia đình, tổng cộng thời gian điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai sẽ dựa vào cân nhắc trên lâm sàng. Khuyến cáo nên ghi nhận chặt chẽ các triệu chứng giống cúm ở những phụ nữ có tiếp xúc với virus cúm A H1N1.

Điều trị sốt

Một trong những ảnh hưởng xấu của cúm được nghiên cứu chính là tăng thân nhiệt. Vài nghiên cứu cho thấy tăng thân nhiệt ở mẹ trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất làm gia tăng gấp đôi nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh và có thể đi kèm với các dị tật khác của thai, đồng thời có kết cục xấu lên thai kỳ. Dữ liệu cho thấy nguy cơ dị tật thai kèm với sốt có thể giảm đi phần nào nhờ sử dụng thuốc hạ sốt và/hoặc đa vitamin chứa acid folic. Tình trạng sốt ở mẹ trong khi sinh là một yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng xấu lên trẻ sơ sinh và sự phát triển tâm thần về sau bao gồm động kinh sơ sinh, bệnh não, liệt não và tử vong sơ sinh. Acetaminophen dường như là lựa chọn tốt nhất điều trị sốt ở thai phụ.

Khuyến cáo về liều thuốc kháng virus và liều điều trị dự phòng

Nhóm

Điều trị

Dự phòng

Oseltamivir

Người lớn

75 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày

75 mg/ngày

Zanamivir

Người lớn

10 mg xịt x 2 lần/ngày x 5 ngày

10 mg xịt/ngày

Dự phòng

Các biện pháp dự phòng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm H1N1 đường hô hấp:

· Rửa tay thường xuyên.

· Hạn chế tiếp xúc với những người bệnh.

· Ở nhà khi bệnh.

· Che miệng khi ho.

· Tránh nơi công cộng đông người, những nơi có dịch cúm H1N1 bùng phát.

· Đeo khẩu trang.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Những sơ sinh không được bú sữa mẹ dễ bị lây nhiễm và nhập viện vì những biến chứng đường hô hấp hơn những trẻ được bú sữa mẹ. Những phụ nữ khỏe mạnh được khuyến khích bắt đầu cho bú sớm và thường xuyên. Lý tưởng là trẻ phải được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.

Trẻ sơ sinh được cho là có nguy cơ cao bị biến chứng nặng khi nhiễm cúm, tuy nhiên hiện không có nhiều thông tin về cách ngăn ngừa lây truyền cúm ở trẻ sơ sinh. Nếu có thể, chỉ những người lớn khỏe mạnh mới được chăm sóc cho trẻ, kể cả việc cho bú thay cho mẹ trong trường hợp mẹ nhiễm cúm. Nguy cơ lây truyền cúm H1N1 qua sữa mẹ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên báo cáo những đợt cúm theo mùa cho thấy tình trạng nhiễm virus máu rất hiếm, điều này gợi ý rằng nguy cơ virus qua sữa mẹ là rất hiếm. Những phụ nữ nhiễm cúm được khuyến khích vắt sữa ra bình cho bé bú. Điều trị kháng virus và điều trị dự phòng không phải là chống chỉ định của bú mẹ. Những phụ nữ có các triệu chứng giống bệnh cúm được khuyến cáo đeo khẩu trang khi chăm sóc và cho trẻ bú.

Nguồn: Centers for Disease Control and Prevention H1N1: Pregnant Women and Novel Influenza Consideration.
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY – THỰC QUẢN - Ngày đăng: 09-02-2009
CHẨN ĐOÁN SẨY THAI LIÊN TIẾP - Ngày đăng: 30-06-2010
DẬY THÌ SỚM (phần 1) - Ngày đăng: 12-06-2010
ĐIỀU TRỊ BỆNH KAWASAKI Ở TRẺ EM - Ngày đăng: 02-05-2010
KHÁI QUÁT VỀ BỆNH SỞI Ở TRẺ EM - Ngày đăng: 30-04-2010
CHẨN ĐOÁN BỆNH KAWASAKI Ở TRẺ EM - Ngày đăng: 27-04-2010
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK