Tôi đã có thai một lần nhưng bị sảy, đã hai năm nay vợ chồng chúng tôi muốn có con mà chưa có thai; đi khám được thầy thuốc chẩn đoán là “vô sinh thứ phát”. Xin hỏi tại sao tôi chưa đẻ được lần nào mà lại là vô sinh thứ phát ?
Trần Thị Hiên (Hà Tây)
Theo quan niệm của y học hiện nay, những trường hợp hai vợ chồng chung sống liên tục bên nhau, mong muốn có con, không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong một năm trở lên, người vợ không thụ thai thì trường hợp đó gọi là vô sinh.
Như vậy vô sinh là những trường hợp không thể có thai chứ không phải chỉ không có con.Về mặt nguyên nhân, nếu vô sinh này do người chồng (tinh trùng yếu, tinh trùng ít, không có tinh trùng...) gọi là vô sinh nam; nếu do người vợ (rối loạn nội tiết, tắc ống dẫn trứng...) gọi là vô sinh nữ; cũng có khi trên một cặp vợ chồng vừa có cả nguyên nhân do chồng, vừa có cả nguyên nhân do vợ. Nhưng cũng có cặp vợ chồng đã được khám và thăm dò đủ hết các xét nghiệm cần thiết vẫn không tìm thấy nguyên nhân nào gây vô sinh ở vợ hay chồng, người ta gọi là “vô sinh không rõ nguyên nhân”.
Một cách phân biệt khác với các loại vô sinh là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát để chỉ những cặp vợ chồng chưa hề có thai một lần nào mặc dầu họ mong muốn có con; còn vô sinh thứ phát là những trường hợp đã từng có thai ít nhất một lần (những lần có thai này có thể bị sảy như trường hợp của chị, có thể đã đẻ con) nay muốn sinh đẻ nữa không thể thụ thai được.
Vô sinh thứ phát thường có nguyên nhân ở phần người vợ. Điều này dễ hiểu vì người chồng đã được chứng minh là có khả năng sinh đẻ khi người này đã thành công trong lần có thai trước đó của người vợ; tất nhiên cũng phải loại trừ những trường hợp ngoại lệ.
Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát ở người vợ thường gặp nhất là tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục sau lần sảy hoặc đẻ trước đây. Cụ thể là:
Viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc hai ống dẫn trứng: Muốn thụ thai, tinh trùng của người chồng phải đi qua tử cung, lên ống dẫn trứng để gặp noãn của người vợ phóng ra và thụ tinh tại 1/3 ngoài của ống dẫn trứng.
Từ nơi thụ tinh này, phôi sẽ di chuyển dần vào trong buồng tử cung để phát triển tại đó. Nếu bị viêm nhiễm, tổn thương do vi khuẩn gây ra ở ống dẫn trứng sẽ làm chít hẹp lòng ống và ống này có thể bị tắc hoàn toàn. Khi ấy đường di chuyển của tinh trùng bị cản lại nên noãn có phóng ra cũng không thể có thụ tinh. Noãn và tinh trùng như vợ chồng ngâu, chỉ “đứng nhìn nhau ở hai đầu cầu Ô Thước”.
Nếu ống dẫn trứng không bị tắc hẳn, tinh trùng do khối lượng nhỏ có thể đi qua đoạn bị chít hẹp đó và có thể thụ tinh với noãn nhưng khi noãn thụ tinh thành phôi di chuyển về tử cung sẽ bị ách tắc lại vì khối phôi to không thể đi qua nơi bị chít hẹp đó gây nên tình trạng thai phát triển ngoài tử cung và ống dẫn trứng cứ dãn to dần ra đến một mức nào đó, khối thai nằm trong ống này bị vỡ gây ra tình trạng vỡ chửa ngoài tử cung có thể làm thai phụ tử vong do mất máu nặng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm nhiễm ở tử cung: Khi tử cung bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc phủ bên trong buồng tử cung bị tổn thương không thuận lợi cho việc phôi làm tổ tại đó sau khi được di chuyển vào. Điều này diễn ra trong trường hợp viêm niêm mạc tử cung không được điều trị tích cực từ ban đầu trở nên mạn tính. Nếu lớp niêm mạc này bị tổn hại nhiều hơn làm cho lớp tử cung ít nhiều không còn được niêm mạc bao bọc nên hai mặt tử cung dính vào nhau và khi đó phôi cũng không thể làm tổ trong tử cung bị dính như vậy được nữa.
Ngoài ra các nguyên nhân gây vô sinh nguyên phát như tình trạng rối loạn nội tiết, các bệnh toàn thân ảnh hưởng đến thụ thai... cũng có thể tham gia là nguyên nhân của vô sinh thứ phát nhưng ít gặp hơn.
Theo BS. Phó Đức Nhuận - báo sức khỏe và đời sống.
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...