Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 03-04-2009 8:13am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

 

sexprob

 

Xuất tinh sớm là một trong các rối loạn tình dục phổ biến ở nam giới. Theo nhiều nghiên cứu thì tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 3 - 30%, tùy theo từng nghiên cứu


Theo Hội Y học tình dục thế giới (2008): “Xuất tinh sớm là một trong các rối loạn tình dục được đặc trưng bởi sự xuất tinh sớm trước khi hay ngay sau khi đưa dương vật vào âm đạo và mất khả năng kéo dài thời gian xuất tinh mỗi khi đưa dương vật vào âm đạo. Tình trạng này xảy ra thường xuyên gây nên những tác động không tốt đến người bị bệnh cũng như đối tác của họ như stress, chán nản hay không còn hào hứng với chuyện tình dục”.

Định nghĩa này chỉ giới hạn cho những người nam giới có quan hệ tình dục đều đặn, thường xuyên. Do tính phổ biến của bệnh mà trong lịch sử người ta đã áp dụng rất nhiều biện pháp cũng như thủ thuật để điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên những tiến bộ mới trong việc điều trị bệnh lại tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điều trị nội khoa. Có 3 nhóm thuốc chính đã được nghiên cứu áp dụng vào điều trị.

Việc áp dụng các thuốc gây tê tại chỗ vào điều trị xuất tinh sớm được xem là các biện pháp nội khoa đầu tiên trong lịch sử điều trị bệnh. Tác dụng của thuốc này là làm giảm độ nhạy cảm của quy đầu dương vật. Vào đầu những năm 1943, Bernard Schapiro đã thông báo về tác dụng của các thuốc này đối với việc duy trì và kéo dài thời gian xuất tinh. Sau đó rất nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành và cho biết thuốc gây tê tại chỗ có thể làm tăng thời gian xuất tinh lên 6 - 8 lần. Các thuốc này là những thuốc được Hội Y học tình dục thế giới thống nhất cho điểm A trong việc ưu tiên lựa chọn các thuốc điều trị xuất tinh sớm. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của các loại thuốc gây tê tại chỗ này là làm giảm độ nhạy cảm của quy đầu dương vật và âm đạo. Để loại trừ bớt tác dụng không mong muốn này, có thể sử dụng bao cao su.

Loại thuốc thứ hai được áp dụng để điều trị xuất tinh sớm là các thuốc chống trầm cảm, bao gồm các thuốc như chất ức chế monoamine oxidase (MAO), thuốc chống trầm cảm loại ba vòng và sau này là các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Trong quá trình theo dõi sự an toàn của các thuốc, người ta thấy rằng một số bệnh nhân bị trầm cảm sau khi dùng thuốc này các triệu chứng trầm cảm cải thiện rõ rệt nhưng lại xuất hiện hiện tượng chậm xuất tinh và nặng hơn là giao hợp không xuất tinh. Điều này đã gây nên sự chú ý của các nhà tình dục học và nam học. Ngay lập tức rất nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu đánh giá tác dụng của các thuốc chống trầm cảm trong việc điều trị xuất tinh sớm.

Dựa trên các nghiên cứu cơ bản người ta thấy rằng serotonin, loại 5-hydroxytryptamine (5-HT) có tác động lưỡng cực. Điều này có nghĩa là khi nó tác động lên các receptor ở hậu synap trong não, chúng sẽ làm kìm hãm quá trình xuất tinh. Nhưng ngược lại, khi tác động lên các receptor tự động ở sợi trục của thần kinh bản thể (5-HT1A subtype) chúng lại có tác dụng làm cho quá trình xuất tinh xảy ra dễ dàng hơn. Cơ chế điều khiển hoạt động bài tiết của các serotonin (5-HT) là cơ chế điều khiển ngược âm tính. Cơ chế này được bắt đầu từ các kích thích ở các receptor tự động của sợi trục của các dây thần kinh bản thể (5-HT1A) làm giải phóng ra 5-HT, làm cho nồng độ 5-HT tăng lên. Sau khi các receptor của các sợi thần kinh bản thể được kích thích thì tại các đầu tận cùng thần kinh, các receptor tự động (5-HT1B) cũng được hoạt hóa, khi các receptor này được hoạt hóa sẽ làm cho nồng độ của các 5 HT ở synap bị giảm đi. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng đóng góp vào quá trình điều khiển hoạt động của 5-HT đó là các protein vận chuyển. Loại protein này nằm trong màng bào tương của các tế bào thần kinh soma, chuyên vận chuyển 5- HT từ đầu tận cùng thần kinh và môi trường ngoại bào về khe synap.

Cơ chế tác động của các SSRIs là ức chế các protein vận chuyển nói trên, SSRIs làm cho nồng độ 5- HT tích lũy ở khoang dịch ngoại bào tăng lên, điều này làm cho các kích thích của receptor tiền synap, hậu synap và 5-HT tăng lên.

Vào năm 1973, nghiên cứu lâm sàng đầu tiên đánh giá tác dụng của clomipramine, một loại thuốc chống trầm cảm, trong việc kéo dài thời gian xuất tinh đã được công bố. Sau đó nhiều tác giả khác cũng chứng minh tác dụng của các thuốc SSRIs đối với việc duy trì thời gian xuất tinh. Tuy nhiên, việc sử dụng những thuốc này hàng ngày, trong thời gian dài có thể gây một số tác dụng không mong muốn như khi điều trị trầm cảm. Gần đây, để giảm bớt tác dụng không mong muốn của thuốc người ta đã sử dụng thuốc theo nhu cầu nghĩa là chỉ sử dụng khi có quan hệ tình dục. Điều này hạn chế tối đa sự có mặt của thuốc trong cơ thể nên đồng nghĩa với việc các tác dụng không mong muốn của thuốc sẽ giảm đi.

Theo kết quả của các nghiên cứu nói trên thì thời gian xuất tinh tăng lên từ 4-7 lần sau khi dùng các thuốc SSRIs. Dựa trên các nghiên cứu về lâm sàng cũng như tiền lâm sàng, Hội Y học tình dục thế giới cũng đã xếp các thuốc SSRIs vào thang điểm A trong việc lựa chọn thuốc điều trị xuất tinh sớm.

Các loại thuốc ức chế men Phosphodiesterase-5, được biết đến là các thuốc chống rối loạn cương dương, cũng đã được thử nghiệm để điều trị xuất tinh sớm. Một vài nghiên cứu với số người tham gia nghiên cứu còn ít cho thấy các thuốc này cũng có vai trò nhất định trong việc điều trị xuất tinh sớm, đặc biệt là khi phối hợp với các thuốc chống trầm cảm loại SSRIs. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau lại không khẳng định điều này, đặc biệt là khi phối hợp với các thuốc gây tê tại chỗ. Chính vì chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu về tác dụng của thuốc đối với việc duy trì thời gian xuất tinh nên Hội Y học tình dục thế giới mới chỉ xếp thuốc này vào thang điểm C trong việc lựa chọn thuốc điều trị.

Mặc dù cả ba loại thuốc trên đã được nghiên cứu rất nhiều về tác dụng của nó trong việc điều trị xuất tinh sớm nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có thuốc nào được đăng ký cho chỉ định này.

BS. Nguyễn Hoài Bắc  (theo Khoẻ 24)

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Axit folic và Phụ nữ mang thai - Ngày đăng: 20-04-2009
Trẻ bú mẹ thuần tính hơn - Ngày đăng: 14-05-2011
Thêm tin vui cho người hiếm muộn - Ngày đăng: 14-05-2011
Đề phòng ung thư nhau thai - Ngày đăng: 22-07-2010
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK