Theo nghiên cứu của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư thì 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV tuýp nguy cơ cao.
Theo ước tính, hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 270.000 người tử vong vì ung thư cổ tử cung. Như vậy, cứ mỗi hai phút, ở đâu đó trên trái đất này lại có một phụ nữ chết vì căn bệnh này.
Ở Việt Nam, theo số liệu năm 2005 của Bệnh viện ung bướu TP HCM, cả nước có hơn 4.470 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ trên 13% trong tổng số các trường hợp bị ung thư.
Đặc biệt ở miền nam, theo công bố gần đây nhất của Bệnh viện ung bướu, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ nhì trong các loại ung thư sinh dục nữ, chỉ sau ung thư vú. Như vậy, ung thư cổ tử cung thật sự là một gánh nặng chính đối với sức khỏe, tâm lý và xã hội của phụ nữ Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung. Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Nó tiến triển bằng cách có thể xâm lấn tại chỗ hay lan rộng đến những cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.
Nhiễm lâu dài virus papilloma (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến ung thư cổ tử cung. Theo nghiên cứu của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư thì 99,7 % các trường hợp ung thư này có sự hiện diện của HPV tuýp nguy cơ cao.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại HPV đều có thể gây ung thư. Trong số hơn một trăm tuýp HPV đã được định danh, chỉ có 15 tuýp có khả năng gây ung thư hay còn gọi là tuýp nguy cơ cao. Các tuýp khác được xem là nguy cơ thấp có thể gây các tổn thương vùng sinh dục lành tính. Trong số 15 tuýp có thể gây ung thư, 2 tuýp HPV-16 và HPV-18 là nguyên nhân của ít nhất 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Trong những tuýp HPV gây ung thư còn lại, 2 tuýp HPV-31 và 45 gây ra thêm ít nhất 10% nữa.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Thị Ngọc Phượng, HPV là loại virus lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da cũng đã có thể lây nhiễm. Vì vậy, hầu như bất cứ phụ nữ nào có quan hệ tình dục đều có thể nhiễm HPV.
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được bằng 2 cách: khám tầm soát định kỳ và tiêm văcxin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung.
Khám tầm soát bằng xét nghiệm thực hiện nhanh, đơn giản, không gây đau, để kịp thời phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này không ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung gây ra do nhiễm HPV.
Phương pháp văcxin phòng bệnh bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh. Văcxin hiện nay có thể ngừa nhiễm HPV tuýp 16 và 18 cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi. Mọi phụ nữ trong lứa tuổi này đều có thể chủng ngừa, bao gồm cả những người đã có gia đình. Văcxin đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ cao đối với những phụ nữ này. Giá một liều văcxin này khoảng 700 ngàn đồng, cần tiêm 3 liều để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh.
Việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi phụ nữ được chủng ngừa kết hợp với khám tầm soát định kỳ.
Minh Phương ( vnexpress.net)
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...