Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 25-08-2006 7:56am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

Hơn 2.000 thắc mắc đã được gửi đến các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) trong buổi tư vấn trực tuyến về vô sinh và hiếm muộn trên VnExpress chiều 24/8. Tuy nhiên, thời gian 2 tiếng rưỡi chỉ đáp ứng được một phần mong mỏi của bạn đọc.

- Chào bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó trưởng khoa. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân chính khiến thai nhi bị chứng Cystich Hygroma. Cháu bị 2 lần liên tiếp thai lưu vì bệnh này. Xin bác sĩ cho biết tình trạng này có lặp lại nhiều lần không? Và cách chữa trị. Cháu cám ơn bác sĩ rất nhiều. (Thuỳ Linh, 27 tuổi, Ha Noi)

- Bác sĩ Lan: Cystich Hygroma là một dị tật bẩm sinh về thần kinh của thai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị tật này, thiếu axit folic trong thai kỳ có thể là một trong những nguyên nhân có liên quan khá phổ biến. Do đó, khi bắt đầu mang thai, các thai phụ thường được khuyên sử dụng thuốc bổ có thành phần axit folic và sắt cũng như cần phải bổ sung các thực phẩm có chất này. Còn việc thai lưu vì bệnh này không phải lúc nào cũng lặp lại. Có thể lần thứ 3 sẽ có thai bình thường nhưng bạn cần chú ý theo dõi thai tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc thai một cách tốt nhất.

- Thưa bác sĩ, có phải vợ chồng gần nhau liên tục sẽ rất khó có con; nếu vài ngày mới gần nhau một lần thì dễ có con hơn không ạ? (Nguyễn Ngọc Anh, 25 tuổi, Ha Nội)

- Bác sĩ Lan: Không phải lúc nào cũng như vậy, tần suất giao hợp của vợ chồng tùy theo sức khỏe và sự hòa hợp của hai vợ chồng chứ không liên quan khả năng sinh con của hai vợ chồng.

- Thưa bác sĩ Lan, em đã đến tuổi lấy chồng mà chưa có kinh nguyệt. Vậy em có thể mang thai bằng cách thụ tinh bằng trứng của người khác và tinh trùng của chồng em không? (Xuân An, 23 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp của bạn trong chuyên môn gọi là vô kinh. Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là kinh rất thưa trên 6 tháng mới có kinh một lần). Vô kinh có thể do rất nhiều lý do như: dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm ở phụ nữ còn trẻ nguyên phát hay sau điều trị có mổ cắt buồng trứng hay hóa trị xạ trị do ung thư. Trường hợp của bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để tìm lý do vô kinh. Nếu vô kinh do không rụng trứng có thể kích thích buồng trứng của bạn để có con. Nếu do suy buồng trứng thì mới cần xin trứng của người khác.

- Tôi cưới gần 3 năm chưa có con. Tinh trùng chồng tôi rất kém, mật độ 14, hình dạng bình thường 15%, tất cả đều di chuyển chậm hoặc không di chuyển. Anh ấy còn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vậy chúng tôi có khả năng có con bằng đường tự nhiên không? (Vũ Thu Hằng, 29 tuổi, Nghệ An)

- Bác sĩ Tường: Nói chung, trong đa số các trường hợp, khi một cặp vợ chồng hiếm muộn thì nguyên nhân thường đến từ cả hai người. Nghĩa là nếu chỉ một người giảm khả năng sinh sản, người còn lại khả năng sinh sản vẫn bình thường hoặc tốt hơn mức bình thường thì cả hai vợ chồng vẫn có thể có thai tự nhiên.

Trong trường hợp của anh chị, nhiều khả năng nguyên nhân chính là ở người chồng. Như đã nói ở trên, có những trường hợp chất lượng và số lượng tinh trùng thấp hơn như vậy nhưng người ta vẫn có thai bình thường.

Trường hợp của anh, nguyên nhân làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng có thể do giãn tĩnh mạch thừng tinh. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới. Bệnh lý này có thể điều trị bằng phẫu thuật. Đa số các trường hợp chất lượng và số lượng tinh trùng sẽ cải thiện một thời gian sau điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng tinh trùng có thể không hồi phục lại bằng trị số bình thường ở người khỏe mạnh. Do đó, trước mắt, anh có thể đi khám và điều trị ở các cơ sở chuyên về niệu khoa để phẫu thuật thắt giãn tĩnh mạch thừng tinh.

- Cổ tử cung bị lệch về bên trái thì có ảnh hưởng đến việc có con không? (Vũ Phi Giao, 28 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lan: Trục và hướng của tử cung và cổ tử cung không liên quan đến khả năng thụ thai.

- Tôi lấy chồng 5 năm mới có con, sau khi uống thuốc nội tiết (trước đó đã khám cả hai vợ chồng nhưng không xác định được nguyên nhân). Hiện cháu đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa có đứa thứ hai. Vậy chúng tôi phải có chế độ ăn uống và khám chữa bệnh như thế nào để có em bé nữa? (Lê Thanh, Láng Thượng, Hà Nội)

- Bác sĩ Tường: Hiếm muộn được định nghĩa là không thể có con sau một năm mong con và đã giao hợp thường xuyên. Trường hợp của anh chị đã đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là hiếm muộn. Anh chị nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa về khám và điều trị hiếm muộn để được tư vấn và điều trị phù hợp.

- Hai tháng gần đây , thỉnh thoảng tôi ra dịch mầu đục có lẫn máu. Vậy tôi bị bệnh gì, có ảnh hưởng đến việc sinh nở không? Nên đi khám ở đâu và cần làm những xét nghiệm gì? (Dương Trà My, 28 tuổi, Cần Thơ)

- Bác sĩ Lan: Ra dịch đục có lẫn máu từ âm đạo có thể là triệu chứng của một bệnh lý phụ khoa, có thể liên quan hoặc không liên quan đến khả năng thụ thai. Vì vậy, bạn cần đi khám phụ khoa tại các cơ sở y tế có khoa sản để được chẩn đoán và điều trị.

- Hiện nay, nam giới hay có thói quen cho điện thoại di động vào túi quần. Điều này có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới hay không, nếu có thì mức độ như thế nào? (Nguyễn Phương Anh, 29 tuổi, Hưng Yên)

- Bác sĩ Tường: Đối với chức năng sinh sản của nam giới, có nhiều yếu tố vật lý, hóa học có thể có ảnh hưởng. Gần đây có một nghiên cứu ở châu Âu, những người sử dụng điện thoại di động thì sau một thời gian số lượng, chất lượng tinh trùng có giảm ít so với người không sử dụng điện thoại di động.

Như vậy chỉ mới có một nghiên cứu, người ta sẽ tiếp tục nghiên cứu lớn hơn, theo dõi nhiều người hơn để khẳng định có ảnh hưởng thật như vậy không.

Nếu có, có lẽ ảnh hưởng nhẹ, không thể biến một người có khả năng sinh sản bình thường thành vô sinh được. Ngoài sóng của điện thoại di động, người ta có những nghiên cứu cho thấy sóng của rada và từ trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

- Em đã lập gia đình được 6 tháng, nhưng vẫn chưa có con, kinh nguyệt rất đều đặn. Nếu em bị u nang buồng trứng thì có thể có con được không? Muốn đi khám vô sinh thì khám ở đâu? (Nguyễn Thị Thanh Vân)

- Bác sĩ Lan: Nếu chị chưa đến 30 tuổi, có thể đến gặp bác sĩ phụ khoa để được kiểm tra và tư vấn và hướng dẫn theo dõi tự nhiên khoảng 6 tháng nữa. Nếu đã hơn 30 tuổi, anh và chị nên đến một bệnh viện có chuyên khoa về khám và điều trị hiếm muộn để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị phù hợp.

Nếu chị đang bị u nang buồng trứng, nên đến bác sĩ phụ khoa để khám và theo dõi. Trong đa số trường hợp nếu u buồng trứng vẫn có thể có con được. Tuy nhiên chị nên đi khám để chẩn đoán rõ ràng về u nang buồng trứng trước khi bắt đầu điều trị hiếm muộn.

- Thưa bác sĩ, em từng hút điều hòa, sau đó nhiều lần khám và siêu âm lại đều bình thường nhưng không có thai lại dù đã cố gắng 7 tháng nay. Nếu em bị thủng, dính tử cung hay biến chứng nào khác thì khi siêu âm có nhìn thấy được không hay phải chụp X-quang? Chụp như vậy có hại cho buồng trứng không? Chúng em nên chữa vô sinh ngay hay cố gắng thêm vài tháng nữa? (Lương Cẩm Tú, 28 tuổi, Huế)

- Bác sĩ Lan: Điều hòa kinh nguyệt không phải luôn luôn gây vô sinh. Nhưng có một số nghiên cứu cho thấy, sau hút điều hòa kinh nguyệt mà điều kiện vô trùng không đảm bảo có thể gây tình trạng viêm nhiễm dẫn đến tắc vòi trứng và như vậy sẽ gây vô sinh. Dính buồng tử cung hay tắc vòi trứng cần phải được chụp X-quang tử cung vòi trứng có cản quang để chẩn đoán. Trường hợp của bạn còn trẻ và mới mong con 7 tháng nên chờ đợi tự nhiên thêm khoảng 5-6 tháng nữa. Nếu sau thời gian này vẫn chưa có con mới cần đi điều trị.

- Tôi 27 tuổi, hồi bé mắc quai bị, tinh hoàn bên trái sưng to. Nếu bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh con thì tôi có thể làm thụ tinh nhân tạo không? (Đặng Quang Huy, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Người bệnh quai bị trong tuổi sinh sản mà có biến chứng viêm tinh hoàn có thể bị teo các ống sinh tinh gây tình trạng không tinh trùng hay tinh trùng yếu nặng. Trường hợp bạn cần đến cơ sở chuyên khoa điều trị vô sinh để được xét nghiệm tinh trùng và có hướng điều trị phù hợp.

- Tôi lấy vợ gần 2 năm; hơn một năm nay khi gần gũi vợ tôi không thể xuất tinh được. Điều này có ảnh hưởng đến việc sinh con? (Ngô Đức Quang, 32 tuổi, Phan Thiết)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp của bạn được chẩn đoán là rối loạn xuất tinh. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Rối loạn xuất tinh có dẫn đến vô sinh. Điều trị rối loạn xuất tinh cần đến phòng khám nam khoa, còn điều trị vô sinh do rối loạn xuất tinh bạn cần đến khoa hiếm muộn các bệnh viện có làm thụ tinh trong ống nghiệm để được điều trị bằng phương pháp mổ lấy tinh trùng từ tinh hoàn. Có thể sau điều trị hiếm muộn bạn đã có con nhưng tình trạng rối loạn xuất tinh vẫn chưa hồi phục.

- Cháu chào chú! Năm nay cháu 24 tuổi, cuối năm nay cháu xây dựng gia đình. Cháu và vợ tương lai đang băn khoăn tìm biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp. Vì cháu nghe nói nếu dùng thuốc tránh thai hằng ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này ạ? (Nguyễn Minh Phương)

- Bác sĩ Tường: Thuốc tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất hiện nay. Cho đến nay, chưa bằng chứng nào cho thấy viên thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này. Có một số chuyên gia cho rằng nếu sử dụng thuốc ngừa thai kéo dài (nhiều năm), có thể hưởng đến khả năng có thai sau đó. Tuy nhiên, cho dù không sử dụng thuốc tránh thai, thì càng lớn tuổi, khả năng có thai càng giảm.

- Thưa chị Lan, em tôi 28 tuổi, tử cung có vách ngăn, mang thai 3 lần nhưng đều sinh non, không nuôi được. Nghe nói trường hợp này có thể phẫu thuật cắt vách ngăn tử cung, vậy bệnh viện Từ Dũ có làm được không? (Nguyễn Ngọc Kiều, 30 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp em bạn có thể mổ cắt vách ngăn tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ.

- Làm ơn cho hỏi, một người phụ nữ tuổi 40 chưa sinh con bao giờ, đang chữa vô sinh vì không rõ nguyên nhân thì khả năng đậu thai bằng phương pháp nào đạt hiệu quả cao nhất. (NGO XUAN TRUNG)

- Bác sĩ Tường: Nếu người phụ nữ đã 40 tuổi và hiếm muộn đã nhiều năm, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nên thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Thống kê cho thấy gần 1/3 phụ nữ trên 40 tuổi, buồng trứng đã hết khả năng sinh sản.

- Nếu thụ tinh trong ống nghiệm thì có bị thai ngoài tử cung? Thời gian bao lâu thì có thể phát hiện là có thai ngoài tử cung? Các triệu chứng để nhận biết là gì ? (Trần Mạnh Quang, 32 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị thai ngoài tử cung nhưng tỷ lệ thấp hơn so với dân số tự nhiên. Vì bệnh nhân phải điều trị thụ tinh trong ống nghiệm thường có vấn đề về vòi trứng, hơn nữa khi đưa phôi vào buồng tử cung, phôi chưa đến giai đoạn làm tổ nên còn di chuyển từ tử cung lên vòi trứng và ngược lại. Do đó vẫn có nguy cơ thai ngoài tử cung với thụ tinh trong ống nghiệm. Các dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung gồm: thử thai dương tính, trễ kinh, đau bụng và ra huyết âm đạo. Thai ngoài tử cung có thể được phát hiện bất kỳ khi nào bạn có những dấu hiệu trên hay khi làm siêu âm chẩn đoán thai sớm.

- Em 26 tuổi, kinh nguyệt không đều đặn và 1 năm nay tắt hẳn. Bác sĩ bảo em bị tử cung nhi hóa, suy giảm buồng trứng, cần uống thuốc nội tiết trong 3 mới có con được. Nhưng bác sĩ ở Từ Dũ nói khi lập gia đình mới cần chữa. Vậy em nên làm sao? Thuốc nội tiết có gây ung thư cho em không? (Phạm Đức Long, 26 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Câu hỏi của bạn không rõ ràng, nhưng tôi nghĩ bạn có thể bị suy buồng trứng sớm. Nếu bạn chưa có gia đình thì có thể sử dụng nội tiết để có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hằng tháng, giữ cho tử cung bình thường. Khi bạn lập gia đình, cần đến ngay cơ sở điều trị hiếm muộn để được khám, chẩn đoán và điều trị

- Tôi 37 tuổi, vô sinh thứ phát. Nếu niêm mạc tử cung của tôi quá mỏng, hành kinh ít thì có cách nào làm niêm mạc tử cung dày lên không? (Trần Diệu Hà, 37 tuổi, Quảng Ninh)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp của bạn cần được khảo sát xem có dính buồng tử cung hay không. Nếu không dính buồng tử cung, bạn có thể được sử dụng một số thuốc nội tiết để làm dày niêm mạc tử cung.

- Con dâu tôi bị thiếu nội tiết tố, được dùng thuốc nội tiết để kích thích trứng phát triển. Vậy bệnh của nó có được coi là vô sinh không, có khó điều trị không? Việc uống thuốc trên có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nó và sức khỏe thai nhi sau này không? (Lê Thị Minh, 53 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp con dâu bác được chẩn đoán là rối loạn phóng noãn. Tình trạng này gây khó có thai. Điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và cũng không gây ảnh hưởng lên sức khỏe thai nhi.

- Tôi 32 tuổi, chu kỳ kinh nguyệt 40 ngày, có khi tới 80 ngày. Bác sĩ nói trứng rất nhiều nhưng không chịu rụng. Vậy tôi cần làm gì để có con? (Nguyễn Huyền Thanh Việt, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Tường: Trường hợp bạn có thể là hội chứng buồng trứng đa nang. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán mới được thống nhất trên toàn thế giới, hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2 trong 3 nhóm triệu chứng sau đây:

1- Triệu chứng lâm sàng: Rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa, hay vô kinh), béo phì, rậm lông.

2- Triệu chứng nội tiết: tăng nội tiết tố nam và LH.

3- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

Như vậy, bạn nên đến khám ở các cơ sở điều trị hiếm muộn để biết mình có bị hội chứng buồng trứng đa nang hay không và có hướng điều trị phù hợp.

- Một người đã cắt một bên buồng trứng cách đây 16 năm thì có thể sinh con không? Làm sao để biết là người này vẫn có thể sinh con? (Quyên, 32 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Có thể sinh con được. Phải lập gia đình và khi hai vợ chồng sống với nhau, giao hợp bình thường, không áp dụng biện pháp ngừa thai nào mà không có con sau một năm thì được chẩn đoán là hiếm muộn. Cần được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị.

- Em gái tôi 27 tuổi, ngực lép như đàn ông, núm vú cũng nhỏ. Tôi có đọc một vài bài báo, được biết đó là dấu hiệu buồng trứng không hoặc kém hoạt động? Vậy khả năng sinh con của em tôi như thế nào? Có điều trị được không? Muốn biết cơ quan, tuyến nội tiết nào kém hoạt động thì cần xét nghiệm các chỉ số nào? (Đào Vũ Ngọc Lan, 28 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp em gái bạn do thiếu nội tiết tố nữ (Estradiol). Có thể là dấu hiệu của buồng trứng không hoạt động. Em gái bạn cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm nội tiết: FSH, Estradiol và được khám phụ khoa đề chẩn đoán.

- Trước khi lập gia đình, em có thể đi kiểm tra mình có bị mắc chứng bệnh vô sinh được không? Thủ tục như thế nào? Và có tốn nhiều tiền không? (Lưu Duy Hà, 23 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Bạn có vẻ là người rất cẩn thận và chắc chắn là bạn đã tìm hiểu nhiều về vấn đề vô sinh. Nếu bạn là nam, bạn có thể đến bệnh viện để được xét nghiệm tinh trùng. Nếu bạn là nữ, có kinh nguyệt đều đặn hằng tháng và không có tiền căn viêm nhiễm đường sinh dục thì chưa cần làm xét nghiệm gì đặc biệt, cứ tự tin lập gia đình. Chúc bạn may mắn.

- Tôi được biết Học viện quân y thử nghiệm thành công việc thụ tinh nhân tạo thông qua nuôi cấy tinh tử lấy từ mào tinh. Xin bác sĩ giải thích cụ thể hơn về phương pháp này. Chúng tôi đã vài lần làm thụ tinh nhân tạo không thành công do loãng tinh. Vậy phương pháp nuôi cấy tinh tử có triển vọng hơn với trường hợp chúng tôi không? (Trần Hoài Anh, 35 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tường: Theo tôi được biết, hiện tại Học viện Quân y, các nhà nghiên cứu đang cố gắng nuôi trưởng thành các tinh trùng non (tinh tử) thành các tinh trùng trưởng thành ở bên ngoài cơ thể. Đây là một hướng nghiên cứu lớn trên thế giới được bắt đầu nghiên cứu từ thập niên 60. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được phương pháp nuôi cấy hiệu quả để tạo ra tinh trùng trưởng thành có khả năng thụ tinh tương đương với tinh trùng bình thường. Hiện tại, các chuyên gia tại Học viện Quân y cũng đang nghiên cứu để tìm một phác đồ nuôi cấy hiệu quả.

Kỹ thuật này, nếu thành công, chỉ có thể áp dụng cho các trường hợp hoàn toàn không có tinh trùng, do quá trình sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn không hoàn chỉnh. Do đó, trường hợp của anh, nếu không thuộc nhóm nguyên nhân trên thì không nên áp dụng kỹ thuật này.

- Thưa bác sĩ Tường và Lan, hai vợ chồng cùng là bác sĩ, làm cùng chuyên khoa tại một đơn vị, phải gặp nhau 24 giờ ngày thì cảm xúc anh chị dành cho nhau có "bị làm sao" không? (Thuý Hà, 30 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Tuy cùng làm việc chung khoa, chung phòng, nhưng chúng tôi có khi cả ngày không có cơ hội nói chuyện với nhau. Bởi vì chúng tôi dành thời gian tiếp xúc bệnh nhân, với trứng và tinh trùng không à. Do đó, cảm xúc của chúng tôi vẫn chưa bị làm sao. Cảm ơn bạn đã quan tâm.

- Chào bác sĩ, tôi sinh em bé vào năm 2003 và gặp sự cố nên bị cắt bán phần tử cung, xin hỏi trường hợp như tôi có cách nào để sinh thêm nữa không? (Phạm Tuyết Vân, 32 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lan: Trường hợp bạn không thể mang thai do tử cung không còn đảm bảo chức năng mang thai. Chỉ còn cách mang thai hộ nhưng Luật pháp Việt Nam không cho phép thực hiện kỹ thuật này.

- Theo em được biết thì để chữa vô sinh do rối loạn rụng trứng, cần dùng thuốc có đuôi là oesteron, dùng cả trong những tháng đầu có thai để đề phòng sảy thai. Nhưng một số sách báo nói rằng thuốc này sẽ gây dị tật ở bộ phận sinh dục cho bé gái và nhiều trường hợp còn gây ung thư. Vậy điều này có đúng không? (Lê Thu Hằng, 28 tuổi, Vĩnh Phúc)

- Bác sĩ Lan: Rối loạn rụng trứng thường được điều trị bằng cách kích thích buồng trứng với các loại thuốc như: clomiphene citrate, FSH (Puregon hay Gonal F), HMG... Để điều trị dọa sẩy thai, bệnh nhân thường được sử dụng các loại thuốc progesterone bằng đường đặt âm đạo, uống hoặc tiêm bắp. Các loại thuốc dưới dạng thiên nhiên thường không gây dị tật cho thai nhi.

- Tôi không có tinh trùng thì có thể sinh con được không? (Nguyễn Hoàng Lạc, 31 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tường: Nếu sau khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ, kết quả là không có tinh trùng, anh nên thử lại tinh dịch đồ trong ít nhất 2 tuần sau để xác định chắc chắn là không có tinh trùng.

Trong các trường hợp không có tinh trùng, có hai khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, do tinh hoàn hoàn toàn không sản xuất tinh trùng. Trường hợp này, muốn có con, anh cần phải đến ngân hàng tinh trùng để xin tinh trùng và điều trị.

Trường hợp thứ hai, tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng do số lượng quá ít nên không ra được bên ngoài hoặc tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng do tắc nghẽn đường dẫn tinh nên dẫn đến tinh trùng không xuất hiện trong tinh dịch sau khi xuất tinh. Với trường hợp này, hiện ở Việt Nam có nhiều trung tâm có thể thực hiện phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn để điều trị. Sau đó, cần phải thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để có thể thụ thai. Sau khi thụ thai, thai nhi vẫn phát triển một cách bình thường như những trường hợp có thai tự nhiên khác.

- Thưa bác sĩ, tôi có người quen ở nước ngoài, người vợ bị hiếm muộn do buồng trứng không có trứng đủ điều kiện thụ tinh. Ở Việt Nam có luật nào cho xin trứng không, nếu có thì giá cả thế nào, chi phí cho cả đợt điều trị tại Việt Nam là bao nhiêu? Ở Việt Nam có ngân hàng trứng không? Người xin trứng có được biết sơ lược về màu mắt, màu da, hình dáng, trình độ... của trứng cho không? (Đặng Danh, 36 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Tường: Ở Việt Nam, theo Nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học, người Việt Nam sống tại nước ngoài được phép xin trứng để điều trị hiếm muộn, nếu buồng trứng không còn khả năng có thai. Giá cả cho cả đợt điều trị tại Việt Nam khoảng 30 đến 40 triệu đồng Việt Nam.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều không có ngân hàng trứng bởi vì khả năng thành công với trứng trữ lạnh rất thấp. Do đó, bệnh nhân nếu có nhu cầu xin trứng phải tự tìm người cho trứng và người cho trứng phải là những phụ nữ dưới 35 tuổi, có gia đình và có thể đã có con.

- Xin bác sĩ cho biết trong giai đoạn lọc rửa tinh trùng, có thể lọc được tinh trùng X, Y để sinh con theo ý muốn không ? (Nguyễn Văn Hòa, 38 tuổi, P4, Q8)

- Bác sĩ Lan: Lọc rửa tinh trùng không thể phân loại tinh trùng X và Y để sinh con theo ý muốn.

- Chào chị Lan, em rất ngưỡng mộ công việc của chị và định theo học ngành này. Chị hay gặp những khó khăn gì trong công việc của mình? Chị có lúc nào nản lòng chưa? (Phạm Thị Thắm, 18 tuổi, Hải Dương)

- Bác sĩ Lan: Cám ơn tình cảm của bạn đã dành cho tôi. Lĩnh vực điều trị vô sinh là một lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam và không ngừng tiến bộ trên thế giới. Được tham gia trong công tác điều trị vô sinh tại Bệnh viện Từ Dũ - Trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á là một may mắn và hạnh phúc cho tôi. Vì là lĩnh vực mới do đó vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với lòng say mê nghề nghiệp chúng tôi luôn cố gắng để vượt qua. Công việc của chúng tôi gặp nhiều trường hợp thất bại sau điều trị hơn là thành công nên cũng có những lúc chúng tôi có cảm giác buồn và căng thẳng nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.

- Thưa bác sĩ, vô sinh không rõ nguyên nhân nghĩa là sao? Có cách nào chữa trị không? Nếu tử cung, vòi, buồng trứng hoạt động bình thường mà vẫn bị kết luận vô sinh không rõ nguyên nhân thì có thể làm thụ tinh nhân tạo được không? Những người bị cắt mất buồng trứng, nhưng tử cung vẫn hoạt động tốt thì có quyền hy vọng sinh con chứ ạ? (Hữu Quang, 29 tuổi, Thái Nguyên)

- Bác sĩ Lan: Vô sinh không rõ nguyên nhân nghĩa là cả vợ lẫn chồng đều bình thường về mặt sinh sản qua khám và xét nghiệm nhưng không có con được, sau một năm chung sống không áp dụng biện pháp ngừa thai nào. 10% các cặp vợ chồng bị vô sinh được chẩn đoán là chưa rõ nguyên nhân. Các trường hợp này vẫn cần được điều trị để có con.

Những người bị cắt một buồng trứng mà tử cung bình thường thì vẫn có quyền hy vọng có con.

- Vòng kinh của em khoảng 28-30 ngày, sát ngày rụng trứng siêu âm thì trứng đạt kích thước 16mm x 10mm. Thầy thuốc Đông y nói trứng bé khó thụ tinh? Như vậy có phải là nhỏ không? Có ảnh hưởng đến việc thụ tinh hay không? Kích thước trứng trung bình của phụ nữ Việt Nam là bao nhiêu? (Bùi Thị Kim Nhung)

- Bác sĩ Lan: Hình ảnh thấy được trên siêu âm là nang noãn, tế bào trứng nằm bên trong nang noãn. Người ta không thể nhìn thấy được trứng qua siêu âm vì kích thước của tế bào trứng chỉ khoảng 1/10 của 1 mm (khoảng bằng đầu cây kim). Kích thước nang noãn trước khi rụng trứng đo được trên siêu âm thường giới hạn từ 14 mm đến 22 mm. Chị nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể hơn.

- Thưa bác sĩ, tôi 40 tuổi, đã mổ u nang buồng trứng 5 năm, hiện lấy chồng mấy năm rồi mà chưa có con. Bệnh án của tôi ghi: “Vòi trứng phải bị mờ, vòi trứng trái không rõ nét”. Tôi có thể thông vòi trứng để thụ thai được không? Sẽ mất bao nhiêu thời gian, qua những quy trình nào? (Dương Thị Dung, 40 tuổi, Phú Thọ)

- Bác sĩ Lan: Khả năng có thai giảm, đặc biệt giảm nhiều khi người phụ nữ trên 35 tuổi. Khi người phụ nữ đến 40 tuổi, khả năng có thai tự nhiên rất thấp. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân 40 tuổi trở lên nếu điều trị bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng), tỷ lệ có thai khoảng 5%. Nếu điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ có thai khoảng 17%.

Do đó, chị nên đến bệnh viện sớm để được hướng dẫn và điều trị.

- Tôi năm nay 29 tuổi, lập gia đình đã 3 năm và có bầu 2 lần, lần nào cũng bị thai lưu. Cứ khoảng 6-8 tuần thì thai bị hỏng. Lần thứ 2 có bầu, tôi có chích thuốc dưỡng thai nhưng vẫn không thành công. Đặc biệt là cả 2 lần thai đều không có phôi. Trước khi có ý định mang bầu, tôi đều đi khám phụ khoa. Bác sĩ bảo bình thường, sức khoẻ không có vấn đề gì. Lần thứ hai bị thai lưu đến bây giờ đã gần một năm. Xin cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Thị Hà)

- Bác sĩ Tường: Anh chị nên thử để có thai tự nhiên và khi có thai lại nên đến khám thai và theo dõi với một bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm. Nếu vẫn tiếp tục sẩy thai, nên đi khám và tìm nguyên nhân sẩy thai. Nếu vẫn không thể có thai tiếp, anh chị nên đến bệnh viên có chuyên khoa điều trị hiếm muộn để được chẩn đoán và điều trị.

- Em năm nay 27 tuổi, chưa có gia đình. Em dùng thuốc Tây chữa bệnh về thần kinh đã 5 năm nay. Khoảng nửa năm trở lại đây hành kinh của em thất thường, chỉ ra ít máu màu nâu thôi. Đã 4 tháng nay em không có kinh. Bác sỹ điều trị bảo là do tác dụng phụ của thuốc, không hành kinh nhưng vẫn có thể rụng trứng nên vẫn có con được. Có đúng vậy không? Bây giờ em nên làm gì ạ? (Hà Huyền Phương)

- Bác sĩ Tường: Chị nên điều trị ổn định về bệnh lý thần kinh trước khi bắt đầu điều trị hiếm muộn. Một số thuốc điều trị bệnh lý thần kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong đa số các trường hợp, nếu có rụng trứng bình thường, thì sẽ hành kinh đều. Chị nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa về khám và điều trị hiếm muộn để được tư vấn cụ thể.

- Hiện nay ở Việt Nam có ngân hàng tinh trùng không, và quy trình hiến và xin tinh trùng ở đây như thế nào? (Nikolai K, 28 tuổi, Moscow, Russia)

- Bác sĩ Lan: Hiện Việt Nam có ngân hàng tinh trùng, ở các trung tâm điều trị vô sinh lớn như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tuy nhiên, ngân hàng tinh trùng chỉ cho và nhận tinh trùng của người Việt Nam hoặc người Việt Nam sống tại nước ngoài.

Quy trình hiến tinh trùng: Trước hết, người hiến tinh trùng tự nguyện, không có mắc bệnh tâm thần, di truyền, truyền nhiễm. Ngoài các tiêu chuẩn trên, Bệnh viện Từ Dũ còn yêu cầu người cho tinh trùng phải tốt nghiệp THCS trở lên. Người cho sẽ được khám, xét nghiệm, thử tinh trùng. Nếu kết quả đạt yêu cầu sẽ được lấy mẫu để trữ lạnh. thông thường người cho được yêu cầu trữ 3 mẫu tinh trùng. Người cho không được tìm hiểu và biết thông tin về người nhận tinh trùng.

Quy trình xin tinh trùng: Cặp vợ chồng tự nguyện và phải cam kết đều đồng ý xin tinh trùng. Nếu độc thân thì người phụ nữ phải có xác nhận của địa phương là độc thân. Những người này cần đến bệnh viện để được tư vấn về việc xin tinh trùng. Tuy nhiên, tại ngân hàng tinh trùng Bệnh viện Từ Dũ, hiện rất hiếm người tự nguyện đến cho tinh trùng vào ngân hàng. Do đó, chúng tôi tạm vận hành ngân hàng tinh trùng dựa trên nguyên tắc trao đổi, nghĩa là một cặp vợ chồng có nhu cầu xin tinh trùng từ ngân hàng sẽ cố gắng vận động một người đến cho tinh trùng vào ngân hàng. Sau đó, cặp vợ chồng sẽ được điều trị bằng một mẫu vô danh khác từ ngân hàng. Với nguyên tắc vận hành như vậy, ngân hàng tinh trùng đã hoạt động được hơn 2 năm và đã có hàng chục trường hợp có thai với tinh trùng xin từ ngân hàng.

- Vợ em bị buồng trứng đa nang, nghe nói sẽ khó có con. Vậy người bị bệnh này thì có bao nhiêu phần trăm khả năng làm mẹ? Có cách nào chữa không? Phòng tránh bệnh này như thế nào? (Hà Nguyễn, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Bạn có thể đọc lại câu trả lời về trường hợp hội chứng buồng trứng đa nang đã trả lời. Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra ở khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghĩa là có những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang nhưng vẫn có con bình thường. Nếu vợ của bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang và không có con nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được điều trị bằng cách sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Cơ chế bệnh sinh của hội chứng này chưa được tìm ra nên không có cách phòng tránh. Tuy nhiên, trong hội chứng buồng trứng đa nang trên 50% bệnh nhân có tình trạng béo phì và béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng bệnh. Do đó, vợ bạn nên có chế độ ăn uống và thể dục để tránh béo phì gây khó khăn trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.

- Số lần làm thụ tinh ống nghiệm tối đa bao nhiêu lần nếu không muốn ảnh hưởng sức khoẻ (Trịnh Thị Thu Hà, 29 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Thông thường, một bệnh nhân được làm thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của mình đến 6 chu kỳ. Nếu sau 6 chu kỳ vẫn không có thai, bệnh nhân được khuyên chuyển sang phương pháp điều trị khác như thụ tinh trong ống nghiệm với trứng người cho. Lý do chuyển phương pháp điều trị chủ yếu là vì xét đến hiệu quả của phương pháp điều trị hơn là lý do sức khỏe. Một số trung tâm ở các nước mà tôi có dịp đến thăm như Australia, một bệnh nhân có thể được điều trị tới 11-12 chu kỳ.

- Tôi 36 tuổi. Xin Bác Sĩ cho biết ở độ tuổi nầy có cần thiết phải dự trữ tinh trùng không khi chưa có điều kiện lập gia đình vì tôi nghe nói càng lớn tuổi thì chất lượng tinh trùng càng giảm rất khó có con và nếu đúng thì việc nầy có thể thực hiện ở đâu ? Thời gian và chi phí ra sao ? Xin cám ơn bác sĩ ! (Minh Quang, 36 tuổi, Cần Thơ)

- Bác sĩ Lan: Có lẽ phương án tốt nhất là anh cố gắng lập gia đình sớm để có con. Thông thường chỉ những người có bệnh lý như vừa bị quai bị xong hay trước khi điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị đến các trung tâm điều trị vô sinh trữ lạnh tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản của mình. Thật ra chúng tôi vẫn có thể nhận trữ lạnh tinh trùng cho những trường hợp như anh nhưng điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện có hạn nên không thể áp dụng biện pháp này cho số đông nhưng chưa đến mức thật cần thiết. Chi phí trữ tinh trùng là 150.000 đồng, phí lưu trữ là 50.000 đồng/tháng/mẫu.

- Tôi 32 tuổi, không có tinh hoàn, còn dương vật thì bình thường, sinh lý rất mạnh, giao hợp có xuất tinh và cực khoái, tinh dịch không phải là quá ít và cũng đặc sánh như dầu gội đầu. Vậy tôi có sinh con được không ? (Hà Phong, 32 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Tường: Tinh hoàn có 2 chức năng chính. Chức năng thứ nhất là sản xuất ra tinh trùng để duy trì nòi giống. Chức năng thứ 2 là sản xuất nội tiết tố nam giới (testosterone). Nội tiết tố này giúp hình thành các đặc tính cơ thể nam giới và cũng có vai trò quan trọng trong hoạt động sinh hoạt tình dục của nam giới.

Để biết chắc chắn có tinh hoàn hay không, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Khả năng sinh sản của nam giới phụ thuộc nhiều vào số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch. Do đó, để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới cần phải thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ.

Như vậy trường hợp của anh nên đi khám lại bác sĩ chuyên khoa để xác định chức năng của tinh hoàn cũng như khả năng sinh sản.

- Tôi bị viêm gan B, vợ tôi đã đi tiêm phòng gần được 1 năm, bây giờ chúng tôi muốn có con, xin hỏi, nếu có con thì con có bị lây nhiễm viên gan B không? (Nguyen Anh Khoa, 27 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Thai nhi có thể bị lây nhiễm siêu vi viêm gan B từ mẹ trong lúc sinh nở. Cho nên ở những trường hợp này em bé khi vừa ra đời sẽ được tiêm phòng ngay tại bệnh viện. Vợ anh không mắc bệnh và đã tiêm phòng nên không có gì phải lo lắng.

- Những cơ sở nào ở Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng...? (Bích Hà, 33 tuổi, Phú Thọ)

- Bác sĩ Lan: Hiện nay, có 6 trung tâm hỗ trợ sinh sản, là nơi có thể thực hiện các kỹ thuật cao như: thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng... Tại TP HCM có: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện phụ sản quốc tế. Khu vực phía bắc có: Bệnh viện phụ sản Trung ương, Học viện Quân y 103, Bệnh viện phụ sản Hải Phòng. Kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung được thực hiện rộng rãi hơn ở các bệnh viện có khoa sản hay trung tâm sức khỏe sinh sản của cả nước.

- Tổng chi phí cho một ca thụ tinh nhân tạo là bao nhiêu; quy trình đó diễn ra như thế nào? (Phạm Phương Linh, 33 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lan: Thụ tinh nhân tạo là kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Kỹ thuật này thường được kết hợp với kích thích buồng trứng từ ngày thứ 2 của vòng kinh, kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, tinh trùng được lọc rửa và bơm vào tử cung bằng một ống bơm chuyên dụng. Chi phí cho kỹ thuật này khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Còn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật phức tạp hơn gồm 5 bước thực hiện chính: kích thích buồng trứng, chọc hút lấy trứng qua ngả âm đạo, cấy phôi từ trứng và tinh trùng, chuyển phôi vào buồng tử cung và hỗ trợ phôi làm tổ. Kỹ thuật này thường kéo dài khoảng 2 tháng với chi phí từ 30 đến 35 triệu đồng cho một lần thực hiện.

- Thưa bác sĩ người chồng có HIV nhưng vợ không bị nhiễm thì có thể có con hay không? Và có cách nào để người vợ có con mà vẫn đảm bảo an toàn không bị nhiễm không ạ? (Nguyen Mai Ha, 27 tuổi, Ha Nam)

- Bác sĩ Tường: Các nghiên cứu về HIV/AIDS cho thấy trong trường hợp nam giới bị nhiễm HIV, virus chỉ xuất hiện trong tinh dịch chứ không có ở trong tế bào tinh trùng. Với các phương pháp lọc, rửa tinh trùng phổ biến hiện nay, người ta có thể tách tinh trùng ra khỏi tinh dịch mà xác suất còn sót virus rất thấp.

Ngoài ra, với các thuốc điều trị HIV/AIDS hiện nay, người ta có thể làm giảm tối thiểu mật độ virus trong tinh dịch. Do đó, nếu phối hợp cả 2 phương pháp trên để xử lý tinh dịch và tinh trùng, sau đó sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc sử dụng tinh trùng từ người chồng nhiễm HIV để điều trị cho người vợ là rất an toàn. Đặc biệt, trong kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, người ta tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng. Nhờ đó, tế bào trứng không phải tiếp xúc với nhiều tinh trùng của người chồng một lúc. Khả năng lây nhiễm virus từ người chồng sang người vợ lúc này gần như không có và rất an toàn cho người vợ.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện các kỹ thuật này để giúp các cặp vợ chồng, trong đó chỉ có người chồng nhiễm HIV, có thể có con bình thường mà không sợ nguy cơ lây nhiễm. Cho đến nay, chưa có báo cáo nào ghi nhận trường hợp người vợ bị nhiễm HIV do điều trị với tinh trùng người chồng đã bị nhiễm HIV, nếu thực hiện đúng phương pháp. Với các tiến bộ trong việc điều trị HIV/AIDS, khả năng sống của người bị nhiễm trên 10-15 năm là rất cao. Do đó, nhu cầu có con của các cặp vợ chồng là rất lớn.

Hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc điều trị cho các cặp vợ chồng có tình trạng như trên.

- Thưa bác sĩ , mỗi lần vợ chồng cháu gần nhau thì tinh trùng đều chảy ra ngoài hết, có cách nào giữ lại được không ạ, tử cung của cháu ngả trước. Cháu xin cám ơn bác sĩ nhiều (Đông Nghi, 30 tuổi, Bình Dương)

- Bác sĩ Tường: Bình thường, sau khi giao hợp khoảng 2ml tinh dịch sẽ được phóng vào âm đạo của người phụ nữ. Khoảng 10-15 phút sau đó, tinh trùng sẽ di động, qua cổ tử cung đi vào buồng tử cung, vòi trứng và thụ tinh với trứng. Ngoài lượng dịch trên, trong khi giao hợp, đường sinh dục của người phụ nữ cũng tiết ra một lượng dịch đáng kể. Do đó, rất khó xác định là tinh trùng có bị chảy ra ngoài hết hay không sau khi giao hợp. Dù vậy, trong một số trường hợp, do cấu trúc của âm đạo và tinh dịch loãng hơn bình thường thì khả năng chảy ngược của tinh dịch và tinh trùng ra ngoài là có thể. Trong trường hợp, sau một năm quan hệ bình thường mà hai vợ chồng vẫn không có con, anh chị có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để được khám và tư vấn. Nếu thật sự do tinh dịch và tinh trùng chảy ngược ra ngoài âm đạo sau khi giao hợp, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung để điều trị.

- Em có thói quen thủ dâm từ khi học lớp 10, nay đã giảm dần. Bây giờ em sắp lập gia đình và rất lo không biết thủ dâm có ảnh hưởng đến thiên chức làm bố không? (Nguyễn Phú Thanh, 24 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Tường: Theo nhiều khảo sát trên thế giới, hiện tượng thủ dâm ở thanh thiếu niên sau dậy thì là một hiện tượng bình thường và phổ biến. Thường thì sau khi lập gia đình thì mọi việc sẽ trở về bình thường. người ta cũng thấy rằng, việc thủ dâm cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, thanh thiếu niên và gia đình nên tự tạo những thói quen cho các sinh hoạt lành mạnh về văn hóa, thể dục, thể thao, hạn chế tiếp xúc với các nguồn thông tin không lành mạnh. Các nghiên cứu đều cho thấy, những hoạt động trên sẽ làm giảm việc thủ dâm ở thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì.

- Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều qua buổi giao lưu trực tiếp như thế này, tuy nhiên tôi nghĩ còn rất nhiều người có thắc mắc nhưng chưa đến lượt hỏi, không biết chúng tôi có thể liên hệ với các bác sĩ bằng cách nào tiện lợi nhất? Chúc các bác sĩ luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc. (Thuỳ Dương, 26 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lan: Cám ơn bạn đã quan tâm đến buổi giao lưu trực tuyến hôm nay. Mọi người có thể liên hệ địa chỉ Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ: Email: hiemuontudu@hcm.vnn.vnivftudu@vnn.vn. Hoặc tìm thông tin trên địa chỉ Web: www.ivftudu.com.vn hay www.hosrem.org.vn.

Do việc điều trị hiếm muộn, vô sinh chỉ mới được chú ý và phát triển ở Việt Nam trong thời gian gần đây nên thông tin về lĩnh vực này, còn rất thiếu và hạn chế. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trao đổi và cung cấp nhiều thông tin hơn cho những người có nhu cầu nói riêng và cộng đồng nói chung.

Theo Vn Express

Từ khóa:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK