Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 16-03-2023 8:39am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin trong nước
Thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng
 
 
Việt Nam hiện đi đầu thế giới về kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) không cần kích thích buồng trứng bằng hormone. Bệnh viện Mỹ Đức là trung tâm ứng dụng thành công đầu tiên trên thế giới kỹ thuật CAPA-IVM, có thể thực hiện điều trị TTTON, mà không cần phải kích thích buồng trứng. Các kết quả và phác đồ thực hiện phác đồ mới này tại Bệnh viện Mỹ Đức đã được công bố trên nhiều tạp chí chuyên ngành có chỉ số ảnh hưởng cao và được mời báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành uy tín trên thế giới. Kỹ thuật mới này giúp tăng sự an toàn, giảm chi phí và đơn giản quá trình điều trị cho bệnh nhân khi thực hiện TTTON.
 
Ca thành công đầu tiên trên thế giới khi làm Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) ở người là không cần có kích thích buồng trứng (KTBT)
 
Trường hợp TTTON thành công đầu tiên trên thế giới vào năm 1978 là không có  KTBT . Thành công này được ghi nhận là công trình của 2 nhà khoa học người Anh, bác sĩ Patrick Steptoe và tiến sĩ Robert Edwards. Sau đó, Giáo sư Robert Edwards nhận được giải thưởng Nobel vào năm 2010 nhờ công trình khoa học này.
 
Các nghiên cứu cơ bản về TTTON trên người thực tế đã được thực hiện từ hơn 10 năm trước đó, với trứng lấy từ buồng trứng người mà không kích thích bằng hormone. Trứng được chọc hút từ các nang có kích thước khác nhau trên buồng trứng, sau đó trứng được nuôi trưởng thành trong phòng thí nghiệm và cho thụ tinh với tinh trùng. TS. Edwards cũng từng tiên đoán vào những năm cuối thập niên 60 rằng, TTTON ở người sẽ dựa trên nền tảng trứng lấy từ buồng trứng và nuôi trưởng thành trong phòng thí nghiệm, gọi là “in-vitro maturation”, viết tắt là IVM.
 
Các vấn đề của kích thích buồng trứng
 
TTTON ở người thành công hơn 40 năm trước, diễn ra đồng thời với các hiểu biết về nội tiết và việc sản xuất các hormone có tác dụng KTBT, nhờ đó có thể lấy được nhiều trứng trong một chu kỳ kinh của phụ nữ.  Vì vậy, việc áp dụng KTBT vào TTTON sau đó ngày càng phổ biến và trở thành phác đồ thường qui trong TTTON. Tuy nhiên, việc KTBT cũng gây ra nhiều vấn đề trong TTTON:
 
(1) Hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT): KTBT dẫn đến nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng ở khoảng 5-10% phụ nữ và khoảng 1-2% ở mức độ nặng, có thể dẫn đến các biến chứng rất nặng nề, một số ít trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc hai buồng trứng to, đau, nguy cơ xoắn… khi KTBT cũng là những tác dụng phụ cần theo dõi. Biến chứng này có nguy cơ cao nhất ở nhóm phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.
 
(2) Qui trình TTTON trở nên phức tạp: KTBT mất thời gian, cần tiêm nhiều hormone trong thời gian dài. Phụ nữ làm TTTON phải tiêm hàng chục mũi thuốc, trong thời gian từ 2-4 tuần. Ngoài ra, cần phải mất thời gian thực hiện siêu âm, thử máu nhiều lần… khi theo dõi KTBT.
 
(3) Tăng chi phí: Các hormone sử dụng KTBT thường đắt, phải tiêm nhiều hormone, trong thời gian dài, nên góp phần làm tăng đáng kể chi phí thực hiện TTTON. Ở Việt Nam, chi phí cho các hormone sử dụng khi KTBT chiếm gần 50% chi phí điều trị TTTON.
 
Có thể làm TTTON hiệu quả mà không cần KTBT ?
 
Xu hướng này đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và phát triển từ đầu thập niên 90, sau khi các nhà khoa học ở Hàn Quốc và Úc đã chứng minh việc TTTON bằng cách chọc hút trứng qua siêu âm từ buồng trứng các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là đơn giản, an toàn, dễ thực hiện và có thể lấy đủ trứng để làm TTTON mà không cần phải KTBT.
 
Kể từ đó, nhiều trung tâm TTTON trên thế giới đã tập trung nghiên cứu, phát triển và ứng dụng kỹ thuật TTTON không cần KTBT, bằng cách hút trứng từ các nang noãn nhỏ, sau đó trứng sẽ được nuôi trưởng thành (IVM) và thụ tinh với tinh trùng để  tạo phôi. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, kỹ thuật IVM  mặc dù có nhiều ưu điểm, vẫn khó phát triển, do qui trình xử lý và nuôi cấy trứng sau khi chọc hút từ các nang noãn nhỏ chưa cho hiệu quả cao, dẫn đến số phôi có được không nhiều và chất lượng phôi chưa tốt.
 
Kể từ năm 2016, dựa trên các hiểu biết về sự phát triển của trứng người và phát kiến về các phác đồ xử lý và nuôi cấy trứng mới, kỹ thuật IVM ngày càng được hoàn thiện, giúp cải thiện chất lượng trứng và phôi. Phác đồ mới này được gọi là CAPA-IVM. Phôi từ CAPA-IVM được chứng minh là có khả năng có thai gần tương đương với phôi lấy từ trứng sau KTBT. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả ở những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)  .
 
Việt Nam đi đầu về kỹ thuật xử lý và nuôi cấy trứng mới (CAPA-IVM) trên thế giới
 
Kỹ thuật IVM theo kiểu cũ thành công ở Việt Nam từ năm 2007 và được áp dụng trong suốt 15 năm qua cho hành nghìn trường hợp. Sau khi ý tưởng cải tiến của CAPA-IVM được báo cáo thành công đầu tiên tại đại học VUB của Bỉ, nhóm chuyên gia về IVM ở Bệnh viện Mỹ Đức đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của VUB để triển khai phác đồ CAPA-IVM cải tiến tại Việt Nam. Đây là đề tài hợp tác quốc tế được tài trợ bởi Quỹ FLANDER (Bỉ) và NAFOSTED (Việt Nam) được nghiệm thu xuất sắc.
 
Các trường hợp thành công đầu tiên trên thế giới với phác đồ này do nhóm nghiên cứu Việt-Bỉ báo cáo. Sau đó, hàng loạt các công bố khoa học quan trọng về hiệu quả của CAPA-IVM, TTTON không KTBT ở Việt Nam được đăng tải trên các tập san khoa học uy tín và báo cáo tại nhiều hội nghị chuyên ngành quốc tế uy tín. Hiện nay, CAPA-IVM đã được áp dụng tại gần 10 nước trên thế giới, trong đó, các phác đồ áp dụng CAPA-IVM ở Việt Nam là cho kết quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đến Việt Nam nhằm tìm hiểu phác đồ áp dụng CAPA-IVM  hiệu quả của Việt Nam.
 
CAPA-IVM có thể áp dụng cho đối tượng nào?
 
CAPA-IVM hay TTTON không KTBT có hiệu quả điều trị tốt nhất cho các trường hợp phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng là đối tượng có nhiều nguy cơ biến chứng khi phải KTBT. Các lợi ích với phụ nữ PCOS khi áp dụng TTTON không KTBT bao gồm: loại trừ nguy cơ bị quá kích buồng trứng, không cần KTBT nên qui trình TTTON được rút ngắn chỉ còn vài ngày, giảm được gần 50% chi phí khi làm TTTON.
 
Do đó, các trường hợp phụ nữ có buồng trứng đa nang, nếu cần phải làm TTTON, thì không cần thiết và không nên KTBT. Các cặp vợ chồng này nên đến các trung tâm có thực hiện kỹ thuật CAPA-IVM để làm TTTON, giảm nguy cơ QKBT, qui trình đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
 
Ngoài ra, các trường hợp có hội chứng đề kháng gonadotropin và bảo tồn sinh sản do ung thư cũng là những đối tượng của kỹ thuật này.
 
Phác đồ thực hiện TTTON không KTBT với kỹ thuật CAPA-IVM
 
Nếu một cặp vợ chồng có chỉ định TTTON và người vợ có buồng trứng đa nang, đã khám kiểm tra đầy đủ các xét nghhiệm, cho thấy đủ điều kiện làm TTTON không KTBT, thì có thể bắt đầu điều trị ngay, không cần chờ.
 
Người vợ có thể chỉ tiêm 2 mũi thuốc chuẩn bị hoặc không cần tiêm mũi thuốc nào, sau đó được hẹn ngày đến bệnh viện để chọc hút trứng. Hai ngày sau, chồng đến bệnh viện để lấy tinh trùng. Hai vợ chồng sau đó, chỉ cần đến bệnh viện để được thông báo kết quả phôi và hẹn ngày chuẩn bị chuyển phôi. Phác đồ TTTON chỉ kéo dài trong vài ngày, với hiệu quả gần tương đương với phác đồ TTTON cổ điển.




 
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Lịch nghỉ Tết Âm lịch - Ngày đăng: 05-02-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK