Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 19-11-2020 4:41pm
Viết bởi: Administrator

NHS Phạm Thị Mỹ Chi – IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức

Suy giáp là hội chứng đặc trưng bởi tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp. Cụ thể là, sự sản xuất hormone tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu cơ thể, gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hóa trên lâm sàng và xét nghiệm. Suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây sẩy thai, sinh non, trẻ sinh ra chậm phát triển về thể chất - tinh thần và nhiều kết cục bất lợi khác (ACOG, 2020). Vì vậy, tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cả trước và trong thai kỳ. Bài viết sau đây tập trung đánh giá các vấn đề cơ bản liên quan đến suy giáp và thai kỳ.

Nguyên nhân suy giáp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giáp ở phụ nữ (Sahay và cs., 2012), các nguyên nhân chính gồm:
  • Viêm giáp mạn tính tự miễn hay còn gọi là bệnh viêm giáp mạn tính Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất, bệnh đặc trưng với quá trình cơ thể sản xuất ra các kháng thể tấn công và phá hủy tế bào tuyến giáp.
  • Tiền căn phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ tuyến giáp do các nguyên nhân khác nhau. Sau xạ trị tuyến giáp vùng cổ.
  • Do thuốc: một số loại thuốc điều trị tim mạch, tâm thần và ung thư... có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nội tiết tuyến giáp như amiodarone (tên thương mại là Cordarone, Pacerone), interferon alpha và interleukin-2.
  • Do thai nghén: Thai phụ đối diện với nguy cơ thiếu hụt iod cao hơn so với người bình thường do nhu cầu iod tăng lên trên 50% (Glinoer và cs., 2004) vì những thay đổi khác nhau về mặt sinh lý – chuyển hoá bao gồm: (i) quá trình tổng hợp thyroxine (T4) tăng lên nhằm đảm bảo cho tình trạng bình giáp của cơ thể thai phụ cũng như cung cấp nội tiết tố tuyến giáp cho thai nhi ở giai đoạn sớm của tam cá nguyệt thứ nhất trước khi thai nhi có thể tự sản xuất được, (ii) nhu cầu iod tăng hơn so với bình thường nhằm cung cấp cho cơ thể thai nhi, (iii) độ thanh thải iod ở thận tăng.
  • Lối sống: quá trình sản sinh ra nội tiết tuyến giáp thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) cần có sự tham gia của iod. Hai nội tiết này đóng vai trò quan trọng chính trong quá trình tăng trưởng và phát triển của các mô và hệ thần kinh. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt iod trong chế độ ăn là ăn thực phẩm có chứa goitrigen, chất này làm giảm sự hấp thu iod cho cơ thể ví dụ như: bông cải xanh, cải xoăn, khoai lang, sắn,… những người ăn chay trường, thói quen không sử dụng iod trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Triệu chứng lâm sàng của suy giáp trong thai kỳ

Suy giáp trong thai kỳ thường không có triệu chứng, nhất là khi suy giáp dưới lâm sàng. Các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý suy giáp bao gồm (Sahay và cs, 2012): tăng cân không phù hợp, chịu lạnh kém, da khô và chậm giãn các nhóm cơ sâu, run cơ, yếu cơ. Các dấu hiệu khác như táo bón, mệt mỏi và buồn ngủ thường nhầm lẫn là do thai nghén gây ra.

Suy giáp ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào?

Nếu không được điều trị thích hợp, phụ nữ mang thai có suy giáp có thể gặp một số biến chứng trong thai kỳ (ACOG, 2020):
  • Sẩy thai
  • Tiền sản giật, sản giật
  • Sinh non
  • Nhau bong non
  • Thai lưu
  • Các bất thường về phát triển tâm thần kinh ở trẻ được sinh ra
Suy giáp ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Nội tiết tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với sự phát triển của não bộ nói riêng và sự phát triển của thai nhi nói chung (Alexander và cs., 2017). Trong vài tháng đầu thai kỳ, hoạt động chế tiết của tuyến giáp thai nhi chưa được hoàn chỉnh nên toàn bộ lượng nội tiết tuyến giáp thai nhận được là từ mẹ. Vì thế, khi mẹ suy giáp không điều trị sẽ gây ra suy giáp cho bào thai. Suy giáp bào thai mức độ nặng có thể gây tổn thương não thai nhi hoặc suy giáp bẩm sinh. Suy giáp bẩm sinh nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần và hệ thần kinh của trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu mẹ suy giáp được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể hạn chế được tổn thương đến não của trẻ (Pop và cs., 1999).

Phòng ngừa và điều trị:

Để phòng ngừa tình trạng suy giáp trong thai kỳ, thai phụ và phụ nữ chuẩn bị mang thai cần phải thực hiện một số biện pháp sau đây:
  • Bổ sung nhóm thực phẩm giàu iod trong chế độ ăn hằng ngày như rau dền, rau mồng tơi, sữa, muối iod, rong biển (Glinoer và cs., 2004). Các thực phẩm giàu chất xơ và đậu nành dường như làm giảm hấp thu iod từ thức ăn (Jonklass và cs., 2014).
  • Phụ nữ trước khi mang thai cần khám tiền sản để phát hiện sớm và điều trị những bệnh lý trước mang thai, đặc biệt là các rối loạn về tuyến giáp nếu có biểu hiện lâm sàng. Những bệnh nhân đã được chẩn đoán suy giáp cần tuân thủ theo lịch khám để điều chỉnh liều levothyroxine sao cho phù hợp với sự phát triển của thai (ACOG, 2020).
Tóm lại, suy giáp khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Việc xét nghiệm tầm soát chức năng tuyến giáp cho phụ nữ trước và trong khi mang thai là quan trọng nhằm đánh giá và quản lý tốt các bất thường liên quan đến suy giảm chức năng tuyến giáp.

Tài liệu tham khảo
  1. ACOG, Thyroid Disease in Pregnancy, Obstetrics & Gynecology: June 2020 - Volume 135 - Issue 6 - p e261-e274 doi: 10.1097/AOG.0000000000003893
  2. Alexander EK, Pearce EN, Brent GA, Brown RS, Chen H, Dosiou C, et al. 2017 guidelines of the American Thyroid Association for the diagnosis and management of thyroid disease during pregnancy and the postpartum [published erratum appears in Thyroid 2017;27:1212].Thyroid 2017;27:315–89. (Level III)
  3. Jonklaas J, et al. Guidelines for the treatment of hypothyroidism: Prepared by the American Thyroid Association Task Force on Thyroid Hormone Replacement. Thyroid. 2014; doi: 10.1089/thy.2014.0028.
  4. Glinoer D. The regulation of thyroid function during normal pregnancy: importance of the iodine nutrition status. Best Pract Res Clin Endocrinol Metab. 2004;18(2):133-152. 
  5. Pop VJ, Kuijpens JL, van Baar AL, et al. Low maternal free thyroxine concentrations during early pregnancy are associated with impaired psychomotor development in infancy. Clin Endocrinol (Oxf). 1999;50(2):149-155. 
  6. Sahay RK, Nagesh VS. Hypothyroidism in pregnancy. Indian J Endocrinol Metab. 2012;16(3):364-370.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Chảy máu cam trong thai kỳ - Ngày đăng: 25-09-2020
Táo bón trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-06-2020
Toxoplasmosis và thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK