Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 26-06-2020 12:56pm
Viết bởi: Administrator

CNHS. Lê Thị Thu Thảo
IVFMD Phú Nhuận

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là đái tháo đường (ĐTĐ) được chẩn đoán lần đầu tiên trong quá trình mang thai. Giống như những dạng ĐTĐ khác, ĐTĐTK gây rối loạn dung nạp đường. ĐTĐTK gây đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn và sức khoẻ của thai nhi.
Phụ nữ bị ĐTĐTK, đường huyết thường trở lại bình thường sau khi sinh. Nhưng nếu bạn có ĐTĐTK, bạn có nguy cơ cao bị ĐTĐ type II. Bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.

Triệu chứng:

ĐTĐ thai kỳ thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Đôi khi, khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn là triệu chứng có thể xảy ra.

Nguyên nhân:

Bình thường, nhiều loại hormone có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng khi mang thai, nồng độ hormone thay đổi khiến cơ thể bạn khó xử lý lượng đường trong máu hiệu quả. Điều này làm lượng đường trong máu tăng lên.

Những yếu tố nguy cơ:
  • Thừa cân và béo phì
  • Ít vận động
  • Tiền sử ĐTĐTK hoặc bất thường dung nạp glucose
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ
  • Tiền sử sinh con  4.1 kg
  • Chủng tộc: Phụ nữ da đen, người Mỹ da đỏ, người Mỹ gốc Á và Thái bình dương và người gốc Tây ban nha có nguy cơ bị ĐTĐTK cao hơn.
Biến chứng:

ĐTĐTK nếu không được quản lý tốt có thể làm tăng lượng đường trong máu. Việc này có thể gây ra những vấn đề cho bạn và thai nhi, bao gồm tăng khả năng mổ lấy thai.

Nếu bạn bị ĐTĐTK, thai nhi của bạn có thể tăng một số nguy cơ:
  • Thai to: Lượng đường trong máu mẹ cao hơn bình thường có thể làm thai nhi phát triển quá lớn. Nhiều trẻ nặng > 4.1 kg có nhiều khả năng khó sinh hoặc sinh mổ.
  • Sinh non: Đường huyết cao có thể tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh trước ngày dự sinh hoặc được đề nghị sinh sớm vì thai nhi to.
  • Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh non do mẹ bị ĐTĐTK có thể bị suy hô hấp cấp.
  • Hạ đường huyết: Một vài em bé của mẹ bị ĐTĐTK có hạ đường huyết ngắn sau sinh. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật ở trẻ. Cho ăn lập tức hoặc truyền glucose tĩnh mạch có thể giúp đường huyết của trẻ trở lại bình thường.
  • Béo phì và ĐTĐ type II: Trẻ có mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ cao bị béo phì và ĐTĐ type II trong cuộc sống sau này.
  • Thai lưu: ĐTĐTK không điều trị có thể khiến thai nhi chết trước hoặc ngay sau sinh.
Những biến chứng ảnh hưởng đến bạn:
  • Huyết áp cao và tiền sản giật: ĐTĐTK tăng nguy cơ tăng huyết áp cũng như tiền sản giật, một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ do huyết áp cao và những triệu chứng khác có thể đe doạ mạng sống của mẹ và bé.
  • Mổ lấy thai: Nhiều khả năng mổ lấy thai nếu bạn bị ĐTĐTK.
  • ĐTĐ trong tương lai: Nếu bạn bị ĐTĐTK, bạn có nhiều khả năng bị ĐTĐ trong lần mang thai tiếp theo. Bạn cũng có nguy cơ cao bị ĐTĐ type II sau này.
Phòng ngừa:

Không có gì đảm bảo phòng ngừa được ĐTĐTK. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện những thói quen lành mạnh trước khi mang thai. Nếu bạn đã từng bị ĐTĐTK, những thói quen lành mạnh cũng có thể giảm nguy cơ lặp lại ở lần mang thai tiếp theo hoặc phát triển thành ĐTĐ type II trong tương lai (1).

Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn nhiều chất xơ: tăng 10g / ngày trong tổng lượng chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ĐTĐ thai kỳ 26%, tăng 5g / ngày trong ngũ cốc hoặc chất xơ trái cây có liên quan đến việc giảm 23% nguy cơ ĐTĐTK hoặc 26% ĐTĐTK (2).

Vitamin D

Trong phân tích gộp gần đây nhất của 20 nghiên cứu quan sát, nồng độ vitamin D thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐTK ở 45% số người tham gia (3). Vì vậy bạn có thể bổ sung thêm vitamin D để giảm nguy cơ ĐTĐTK.

Myo-inositol

Mặc dù bằng chứng vẫn còn hạn chế và chủ yếu dựa trên 3 thử nghiệm nhỏ được thực hiện ở những phụ nữ khỏe mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐTK, liều 2 gram myo-inositol hai lần mỗi ngày đã được chứng minh giúp giảm khoảng 60% - 70% nguy cơ phát triển ĐTĐTK và có tác động tích cực đến cân nặng khi sinh (4).

Theo một nghiên cứu khác của Haifeng Zhang và CS, bổ sung Myo-inositol có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ĐTĐTK và sinh non ở phụ nữ mang thai (5).

Bắt đầu mang thai ở cân nặng lý tưởng

Nếu bạn có kế hoạch mang thai, giảm cân có thể giúp bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh; tập trung vào thay đổi lâu dài thói quen ăn uống của bạn giúp bạn vượt qua thai kỳ an toàn, như ăn nhiều rau củ, trái cây.

Đừng tăng cân nhiều hơn mức khuyến nghị. Tăng cân trong suốt thai kỳ là bình thường và khoẻ mạnh. Nhưng nếu tăng cân quá nhanh có thể tăng nguy cơ ĐTĐTK.

Hai mươi nghiên cứu đã được đưa vào một phân tích gộp. Nguy cơ diễn tiến thành ĐTĐTK tăng gấp 2,14 lần trong số những người thừa cân và 3,56 lần trong số những người béo phì so với phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường (6).

Tăng cường vận động

Theo nghiên cứu của Daniele Di Mascio và cs, tập thể dục nhịp điệu trong 35-90 phút 3-4 lần mỗi tuần trong khi mang thai có thể được thực hiện một cách an toàn bởi những phụ nữ có cân nặng bình thường, thai kỳ không biến chứng vì điều này không liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non hoặc giảm tuổi thai trung bình khi sinh. Tập thể dục có liên quan đến tỷ lệ sinh ngả âm đạo cao hơn và tỷ lệ sinh mổ thấp hơn đáng kể, với tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ và rối loạn tăng huyết áp thấp hơn đáng kể và do đó nên được khuyến khích (7).

Một nghiên cứu khác của Mijatovic-Vukas cho thấy so với không có hoạt động thể chất, bất kỳ hoạt động thể chất nào trước khi mang thai hoặc trong giai đoạn thai sớm cũng có liên quan đến tỷ lệ giảm ĐTĐTK tương ứng là 30% và 21%. Hoạt động thể chất > 90 phút / tuần trước khi mang thai có liên quan đến việc giảm 46% tỷ lệ ĐTĐTK (8).

Ngoài ra, bạn nên khám thai đúng lịch hẹn, kiểm tra đường huyết để có biện pháp can thiệp kịp thời, một thai kỳ an toàn và khoẻ mạnh.

Tài liệu tham khảo
  1. Mayo clinic. Gestational diabetes. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339, xem ngày 25/05/2020.
  2. Zhang, C., Liu, S., Solomon, C. G., & Hu, F. B. (2006). Dietary fiber intake, dietary glycemic load, and the risk for gestational diabetes mellitus. Diabetes care29(10), 2223-2230.
  3. Lu M, Xu Y, Lv L, et al. Association between vitamin D status and the risk of gestational diabetes mellitus: a meta-analysis. Arch Gynecol Obstet. 2016; 293:959–966.
 
  1. Tahir, F., & Majid, Z. (2019). Inositol Supplementation in the Prevention of Gestational Diabetes Mellitus. Cureus11(9).
  2. Zhang, H., Lv, Y., Li, Z., Sun, L., & Guo, W. (2019). The efficacy of myo-inositol supplementation to prevent gestational diabetes onset: a meta-analysis of randomized controlled trials. The Journal of Maternal-Fetal & Neonatal Medicine32(13), 2249-2255.
  3. Chu, S. Y., Callaghan, W. M., Kim, S. Y., Schmid, C. H., Lau, J., England, L. J., & Dietz, P. M. (2007). Maternal obesity and risk of gestational diabetes mellitus. Diabetes care30(8), 2070-2076.
  4. Di Mascio, D., Magro-Malosso, E. R., Saccone, G., Marhefka, G. D., & Berghella, V. (2016). Exercise during pregnancy in normal-weight women and risk of preterm birth: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials. American journal of obstetrics and gynecology215(5), 561-571.
  5. Mijatovic-Vukas, J., Capling, L., Cheng, S., Stamatakis, E., Louie, J., Cheung, N. W., ... & Flood, V. M. (2018). Associations of diet and physical activity with risk for gestational diabetes mellitus: a systematic review and meta-analysis. Nutrients10(6), 698.
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Táo bón trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-06-2020
Toxoplasmosis và thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2020
Cảm – Cúm trong thai kỳ - Ngày đăng: 11-11-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK