Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-02-2019 8:46am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Hữu Duy – Chuyên viên phôi học – IVF Vạn Hạnh

Sự phát triển của nuôi cấy phôi dài ngày và kỹ thuật trữ phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa đã giúp cho việc nuôi cấy phôi nang và chuyển đơn phôi trở nên phổ biến. Phần lớn các dữ liệu hiện tại về thành công của chuyển phôi nang đều từ các nghiên cứu về chuyển phôi nang ngày 5 phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng giống như trong một hệ thống sinh học bất kỳ, không phải tất cả các phôi trong quần thể đều có tốc độ phát triển giống nhau, và như vậy trong quá trình phát triển lên phôi nang, sẽ có một số phôi hoặc không tạo được khoang ở ngày 5, hoặc tạo được khoang nhưng không đạt đến độ nở rộng khoang phôi hoàn toàn. Việc chuyển phôi tươi các phôi nang phát triển chậm thường cho kết quả về tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng thấp hơn so với chuyển các phôi nang nở rộng hoàn toàn. Lý do cho sự khác biệt này có thể là do sự không đồng bộ giữa phôi và niêm mạc tử cung.

Việc hoãn chuyển phôi tươi để chuyển sang chuyển phôi trữ có tiềm năng cải thiện kết cục thụ tinh trong ống nghiệm do cải thiện sự đồng bộ giữa phôi và niêm mạc tử cung. Cách tối ưu để kiểm chứng điều này là khảo sát các ca mà trong đó toàn bộ các phôi đều phát triển chậm và được chuyển phôi tươi ngày 5, và đem so sánh với các chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo nhưng chuyển các phôi nang nở rộng hoàn toàn ở ngày 6 của cùng một chu kỳ chọc hút trứng ban đầu. Điều này sẽ giúp đồng bộ tốt hơn các đặc điểm nền khi so sánh các phôi đem chuyển do đều cùng 1 chu kỳ. Do vậy, tác giả Tannus và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu với mục tiêu so sánh các kết cục của việc chuyển phôi tươi các phôi phát triển chậm ở ngày 5 với chuyển phôi trữ các phôi ngày 6 nở rộng hoàn toàn ở các chu kỳ tiếp theo của cùng một quần thể phôi ban đầu.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 477 phụ nữ ở độ tuổi < 40 đã trải qua quá trình chuyển phôi đơn ngày 5 phát triển chậm và tiếp tục chuyển phôi trữ các phôi nang ngày 6 nở rộng hoàn toàn từ cùng chu kỳ IVF trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2016. Nghiên cứu bao gồm các chu kỳ trong đó phôi bắt đầu nở (tạo khoang độ I và II) vào ngày 5 nhưng không đạt đến giai đoạn nở rộng hoàn toàn (độ III), hoặc chỉ mới ở giai đoạn phôi dâu vào ngày thứ 5 của quá trình nuôi cấy. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều trải qua quá trình chuyển đơn phôi chọn lọc (elective, single embryo transfer) (phôi nang chậm hoặc phôi dâu) vào ngày 5 và có ít nhất một phôi phát triển thành phôi nang nở rộng hoàn toàn vào ngày 6 đủ tiêu chuẩn để trữ lạnh. Tất cả các bệnh nhân, bất kể kết quả của chuyển phôi tươi như thế nào, được nhận vào nghiên cứu nếu quay lại chuyển phôi trữ ngày 6 ít nhất một chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo.

Tổng cộng có 1.070 chu kỳ chuyển phôi (tươi + trữ) được nhận vào nghiên cứu. Trong số đó, 365 phụ nữ được chuyển đơn phôi chọn lọc phôi nang phát triển chậm (Nhóm I) và 112 phụ nữ được chuyển đơn phôi chọn lọc phôi dâu (Nhóm II). Các nhóm I và II lần lượt trải qua 457 và 136 chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo. Tuổi trung bình của nhóm I là 33,8 ± 2,9 tuổi, tỷ lệ phôi ngày 5 phát triển thành phôi nang nở rộng hoàn toàn vào ngày 6 là 92% và số lượng phôi nang đông lạnh là 627 (trung bình 1,71 phôi nang mỗi chu kỳ). Kết quả của chu kỳ tươi và trữ tương đương nhau về tỷ lệ thai lâm sàng (31,0 so với 30,4%, p = 0,86) và tỷ lệ trẻ sinh sống (23,3 so với 20,3%, p = 0,15). Ở nhóm II, tuổi trung bình là 35,8 ± 3,4 tuổi và tỷ lệ phôi dâu phát triển thành phôi nang nở rộng hoàn toàn vào ngày 6 là 72%. Số lượng phôi nang đông lạnh vào ngày 6 là 155 (1,38 mỗi chu kỳ). Việc chuyển phôi tươi trong nhóm II dẫn đến tỷ lệ thai lâm sàng (5,3 so với 30,1%, p < 0,001) và tỷ lệ trẻ sinh sống (1,8 so với 20,5%, P < 0,001) thấp hơn đáng kể so với chuyển phôi trữ ngày 6. Các kết quả vẫn không thay đổi sau khi đã loại bỏ các yếu tố có thể gây nhiễu.

Thiết kế hồi cứu của nghiên cứu là một hạn chế lớn. Mặc dù các tác giả đã so sánh kết quả của phôi có nguồn gốc từ cùng một đoàn hệ, các chu kỳ chuyển phôi trữ có thể vẫn bị nhiễu do bệnh nhân lớn tuổi hơn và có tiên lượng kém hơn. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ bao gồm các chu kỳ trong đó có phôi nang có thể trữ được vào ngày 6, do đó kết quả không thể được áp dụng cho những người bắt buộc chuyển phôi ngày 5 mà không có phôi trữ lại.

Như vậy, việc chuyển phôi tươi các phôi nang bắt đầu nở (độ I và II) vào ngày 5 cho kết quả tương tự với việc chuyển phôi trữ ngày 6 các phôi nang nở rộng hoàn toàn có nguồn gốc từ cùng một đoàn hệ. Tuy nhiên, trong các trường hợp chỉ có phôi dâu/phôi đang nén vào ngày 5, việc tiếp tục nuôi cấy cho đến khi đạt được phôi nang nở rộng hoàn toàn vào ngày 6 và sau đó chuyển phôi trữ ở chu kỳ tiếp theo sẽ dẫn đến tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống cao hơn đáng kể.

Nguồn: Fresh transfer of Day 5 slow-growing embryos versus deferred transfer of vitrified, fully expanded Day 6 blastocysts: which is the optimal approach? Human Reproduction, Volume 34, Issue 1, 1 January 2019, Pages 44–51.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK