Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 08-01-2016 5:49pm
Viết bởi: Administrator
Bs Lê Văn Khánh – BV Mỹ Đức

Theo các bằng chứng đã có, việc duy trì nhiệt độ ổn định trong quá trình chu phẫu mang lại những lợi ích như giảm các biến chứng như: nhiễm trùng vết mổ hậu phẫu, thiếu máu cơ tim, rối loạn đông máu chu phẫu, giảm lượng máu mất và nguy cơ phải truyền máu. Tuy đã có nhiều khuyến cáo về việc duy trì nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân ổn định trước, trong và sau mổ do những lợi ích của nó mang lại nhưng hiện tại những bằng chứng về hiệu quả của can thiệp này đối với những trường hợp mổ lấy thai vẫn chưa được làm rõ. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo của những hội Sản phụ khoa trên thế giới cho vấn đề này.

Nhằm chứng minh cho ảnh hưởng của việc làm ấm giữ ổn định thân nhiệt cho người mẹ lên kết cục của mẹ và con sau mổ lấy thai, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành với những biện pháp, thời gian làm ấm khác nhau, kỹ thuật vô cảm khác nhau, điều kiện nhiệt độ môi trường khác nhau,… nhưng vẫn chưa có đồng thuận cuối cùng cho vấn đề này. Phân tích gộp dưới đây nhằm mục đích đánh quá ảnh hưởng của biện pháp làm ấm (kể cả làm ấm dịch truyền và làm ấm không khí) lên việc thay đổi thân nhiệt của người mẹ và các kết cục khác của mẹ (thân nhiệt ở thời điểm sau cùng của ca phẫu thuật, run rẩy, cảm giác thoải mái về nhiệt độ, hạ thân nhiệt, nôn ói, sử dụng vận mạch) và của bé (thân nhiệt, độ pH dây rốn và chỉ số APGAR sau 1 phút và 5 phút) ở cuộc mổ lấy thai chủ động. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu sức khỏe quốc tế (National Institute of Health Research).


Có 13 nghiên cứu với tổng số bệnh nhân là 789 ca được đưa vào phân tích, trong đó có 416 bệnh nhân ở nhóm được sử dụng biện pháp làm ấm và 373 bệnh nhân ở nhóm chứng. Kết quả phân tích gộp cho thấy, nhìn chung việc làm ấm giúp giảm sự thay đổi thân nhiệt có ý nghĩa thống kê (SMD -1,27oC [-1,86oC - -0,69oC], p=0,00002). Điều này đúng ở cả 2 nhóm được làm ấm bằng biện pháp làm ấm dịch truyền và được làm ấm bằng làm ấm không khí, không có sự khác biệt ở hai nhóm này. Nhiệt độ ở cuối cuộc phẫu thuật cũng cao hơn ở nhóm được sử dụng biện pháp làm ấm (MD 0,43 °C [0,27, 0,59]; P<0.00001). Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng cho thấy lợi điểm của việc làm ấm cho cơ thể người mẹ trong cuộc mổ lấy thai như giảm triệu chứng run rẩy (RR 0,58 [0,43, 0,79]; P=0,0004), giảm sự hạ thân nhiệt (RR 0,66 [0,50, 0,87]; P=0,003) và mang lại cảm giác thoải mái hơn về nhiệt độ của bệnh nhân (SMD 0,90 [0,36, 1,45]; P=0,001).

Đối với thai nhi, kết quả phân tích cho thấy không có sự khác biệt về thân nhiệt của bé lúc sinh cũng như chỉ số APGAR sau 1 phút và 5 phút ở hai nhóm. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy pH máu ở động mạch rốn của thai nhi ở nhóm được làm ấm cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng trung bình 0,02.

Nhìn chung, kết quả của nghiên cứu cho thấy việc làm ấm thai phụ trước, trong và sau cuộc mổ lấy thai chủ động bằng cách làm ấm dịch truyền hay làm ấm không khí mang lại những lợi ích như việc giảm sự thay đổi thân nhiệt chu phẫu, giảm sự hạ thân nhiệt cuối cuộc phẫu thuật, giảm triệu chứng run rẩy và từ đó mang lại cảm giác về nhiệt độ dễ chịu hơn cho bệnh nhân. Đây là một biện pháp không khó thực hiện đối với điều kiện cơ sở vật chất của các phòng mổ hiện nay nhưng chưa được quan tâm nhiều. Hy vọng, bằng chứng từ nghiên cứu sẽ giúp cho các nhà lâm sàng chú trọng hơn việc làm ấm bệnh nhân trong cuộc mổ lấy thai bằng làm ấm dịch truyền hay không khí nhằm cải thiện dự hậu của cuộc mổ.

Từ viết tắt:
SMD: Standardized mean difference
MD: Mean difference
RR: Risk ratio
Nguồn:
British Journal of Anaesthesia (2015) 115 (4):500-510.
doi: 10.1093/bja/aev325
Từ khóa: mổ lấy thai
Các tin khác cùng chuyên mục:
Hở sẹo mổ lấy thai cũ - Ngày đăng: 15-12-2015
Ối vỡ non - Ngày đăng: 15-12-2015
Nôn ói trong thai kì - Ngày đăng: 16-11-2015
Những tiên bộ mới trong tránh thai - Ngày đăng: 03-11-2015
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK