Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 10-07-2025 4:22am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Huỳnh Cẩm Tú – IVF Tâm Anh

Giới thiệu
Nhau cài răng lược (Placenta accreta spectrum - PAS) là một nhóm bệnh lý đặc trưng bởi sự xâm lấn bất thường của các gai nhau vào lớp cơ tử cung với mức độ khác nhau. Theo phân loại của FIGO (2019), PAS được chia thành 3 mức độ: độ 1 là nhau bám dính, độ 2–3 là nhau xâm lấn vào cơ tử cung. PAS có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sinh non, băng huyết sau sinh, suy tạng, sốc mất máu, đông máu nội mạch lan tỏa, thậm chí tử vong mẹ. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa độ sâu xâm lấn của gai nhau và tiên lượng xấu.
PAS thường liên quan đến bất thường nguyên phát hoặc tổn thương thứ phát ở tử cung. Gần đây, số ca mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (intra cytoplasmic sperm injection - ICSI) ngày càng gia tăng. Một số nghiên cứu cho thấy các kỹ thuật này có thể làm tăng nguy cơ mắc PAS. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa IVF/ICSI và mức độ xâm lấn của nhau thai vẫn chưa rõ ràng. Trong bối cảnh IVF/ICSI ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, việc nghiên cứu ảnh hưởng của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này đến mức độ PAS và kết cục thai kỳ là cần thiết.
Đối tượng và phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu này được thực hiện trên các bệnh nhân PAS sinh mổ tại Khoa Sản – Phụ khoa của Bệnh viện thứ ba trực thuộc Đại học Y Quảng Châu từ ngày 1/1/2018 đến 31/3/2023. Nghiên cứu tuân thủ Tuyên ngôn Helsinki và đã được Ủy ban Đạo đức bệnh viện phê duyệt. Tất cả bệnh nhân đều ký cam kết đồng ý sử dụng dữ liệu lâm sàng cho mục đích nghiên cứu, đồng thời được đảm bảo quyền riêng tư.
Tổng cộng có 1007 bệnh nhân được chẩn đoán PAS và sinh mổ tại bệnh viện. Việc phân loại PAS dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng của FIGO (2019). Các trường hợp có tuổi thai dưới 28 tuần (33 ca) bị loại khỏi nghiên cứu.
Thông tin thu thập bao gồm các đặc điểm lâm sàng (tuổi, BMI, số lần mang thai, số lần sinh, số lần sinh thường và mổ lấy thai, tiền sử phá thai, bệnh lý nền có thể gây PAS, bổ sung progesterone, thai ngoài tử cung vết mổ, vị trí nhau thai, ra máu âm đạo, nhau tiền đạo); kết cục mẹ (mức độ PAS, băng huyết sau sinh, truyền ≥4 đơn vị máu, cắt tử cung); và kết cục sơ sinh (sinh non, cân nặng sơ sinh, nhập NICU).
Phân tích dữ liệu được thực hiện bằng phần mềm SPSS phiên bản 25.0. Dữ liệu định lượng không phân bố chuẩn được biểu diễn bằng trung vị và khoảng tứ phân vị, so sánh bằng kiểm định phi tham số. Dữ liệu định tính được trình bày bằng tần suất và tỷ lệ phần trăm, so sánh bằng kiểm định Chi bình phương hoặc Fisher. Hồi quy logistic có điều kiện được sử dụng để tính toán Odds Ratio (OR) và khoảng tin cậy 95%, nhằm đánh giá ảnh hưởng của IVF/ICSI đến mức độ PAS và các kết cục thai kỳ. Mức ý nghĩa thống kê là P<0,05.
Kết quả
Tổng cộng có 974 bệnh nhân đủ điều kiện được đưa vào nghiên cứu. Trong đó, 820 bệnh nhân (84,2%) thuộc nhóm mang thai tự nhiên và 154 bệnh nhân (15,8%) thuộc nhóm IVF/ICSI. Sau khi áp dụng phương pháp ghép điểm xu hướng, mỗi nhóm còn lại 123 bệnh nhân. Tỷ lệ ghép thành công của nhóm IVF/ICSI đạt 79,87%.
Nhóm IVF/ICSI có tỷ lệ băng huyết sau sinh (18,7% so với 2,4%, P<0,001) và truyền máu ≥4 đơn vị (10,6% so với 4,1%, P=0,044) cao hơn đáng kể. Trong khi đó, không có khác biệt về mức độ PAS, tỷ lệ cắt tử cung, tuổi thai, cân nặng sơ sinh hoặc tỷ lệ nhập NICU giữa hai nhóm (P>0,05).
Phân tích hồi quy logistic có điều kiện cho thấy IVF/ICSI không liên quan đến mức độ PAS (OR=0,76, P=0,290), không làm tăng nguy cơ cắt tử cung, sinh non, trẻ nhẹ cân hay nhập NICU (P>0,05).
Tuy nhiên, IVF/ICSI là yếu tố nguy cơ rõ rệt gây băng huyết sau sinh (OR=9,20, P<0,001) và cần truyền ≥4 đơn vị hồng cầu (OR=3,71, P=0,021), ngay cả sau khi đã hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu.
Thảo luận
Trong 40 năm qua, tỷ lệ PAS trên toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, chủ yếu do các yếu tố can thiệp y tế như mổ lấy thai, can thiệp nội mạc tử cung và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Một nghiên cứu đa trung tâm ở Mỹ cho thấy tỷ lệ PAS tăng theo số lần mổ lấy thai. IVF/ICSI cũng được xác định là yếu tố nguy cơ gây PAS, đặc biệt là trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh có bổ sung nội tiết. Có thể do những thay đổi vi thể ở nội mạc tử cung làm ảnh hưởng đến sự bám của nhau thai.
Tuy nhiên, không phải trường hợp PAS nào cũng dẫn đến kết cục thai kỳ xấu. Mức độ PAS có ảnh hưởng rõ rệt đến các biến chứng như băng huyết hoặc cắt tử cung. Trước đây, việc phân loại PAS chỉ dựa trên mô bệnh học vốn có thể không phản ánh đầy đủ mức độ xâm lấn, nhất là khi không cắt tử cung. Việc áp dụng tiêu chuẩn lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác hơn. Kết quả cho thấy IVF/ICSI không làm tăng mức độ PAS (P=0,290). Dù không có dữ liệu đầy đủ về chu kỳ nội tiết trước khi mang thai, các cơ chế tác động cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.
Nghiên cứu cho thấy IVF/ICSI làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh (OR=9,20) và truyền máu ≥4 đơn vị (OR=3,71). Kết quả phù hợp với một nghiên cứu đoàn hệ khác, ghi nhận tỷ lệ chảy máu nặng sau sinh cao hơn ở nhóm IVF/ICSI.
Mặc dù nghiên cứu đã hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu như tuổi cao, nhau tiền đạo và mức độ PAS, vẫn có những yếu tố chưa được kiểm soát như: thông tin chi tiết về thuốc chống đông hoặc lý do cần IVF (ví dụ: lạc nội mạc tử cung). Ngoài ra, kỹ thuật xử lý bánh nhau khi nhau bám bất thường có thể ảnh hưởng lớn đến lượng máu mất.
Dù bệnh viện tuân thủ quy trình điều trị chuẩn hóa, vẫn có yếu tố thủ thuật chưa kiểm soát được. Vì vậy, IVF/ICSI có thể làm tăng nguy cơ băng huyết và truyền máu mà không nhất thiết làm tăng mức độ PAS. Các bác sĩ nên theo dõi sát nồng độ hemoglobin khi mang thai và chuẩn bị sẵn máu dự trữ cho bệnh nhân IVF/ICSI. Nếu không đủ điều kiện truyền máu, cần chuyển tuyến đến cơ sở có năng lực xử trí.
Dù nghiên cứu mang lại nhiều phát hiện giá trị, vẫn tồn tại một số hạn chế như dữ liệu chỉ thu thập từ một trung tâm đơn lẻ với cỡ mẫu tương đối nhỏ; xử lý yếu tố gây nhiễu chỉ điều chỉnh các yếu tố quan sát được các yếu tố tiềm ẩn chưa ghi nhận có thể vẫn gây sai lệch. Do đó, để xác nhận kết quả, cần có nghiên cứu đa trung tâm, cỡ mẫu lớn, thiết kế tiến cứu.
Kết luận
Tóm lại, IVF/ICSI không làm tăng mức độ xâm lấn của bánh nhau trong các trường hợp PAS nhưng làm gia tăng nguy cơ băng huyết sau sinh và cần truyền máu, tuy nhiên không làm tăng tỷ lệ cắt tử cung hoặc ảnh hưởng xấu đến trẻ sơ sinh.
Trong thực hành lâm sàng, các bác sĩ nên cân nhắc đến kỳ vọng của người bệnh, tiền sử sản phụ khoa, điều kiện quản lý sinh tại địa phương và khả năng hỗ trợ y tế khi đánh giá tiên lượng thai kỳ ở các bệnh nhân mang thai bằng IVF/ICSI.

Tài liệu tham khảo: Hu M, Du L, Zhang L, Lin L, Zhang Y, Gu S, Gu Z, Liang J, Lai S, Liu Y, Huang M, Huang Y, Huang Q, Luo S, Zhang S, Chen D. Impact of IVF/ICSI on grades of placenta accreta spectrum disorders and pregnancy outcomes. Reprod Health. 2025 May 19;22(1):85. doi: 10.1186/s12978-025-02031-z. PMID: 40389956; PMCID: PMC12090606.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...

Năm 2020
Năm 2020

Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK