Việc mổ lấy thai thay cho cuộc “vượt cạn” tự nhiên chỉ nên được quyết định bởi thầy thuốc và nhằm vào mục đích y khoa
Câu hỏi “nên đẻ thường hay đẻ mổ” của một thai phụ gần ngày sinh trên một diễn đàn của phụ nữ được khá nhiều người quan tâm với các ý kiến trái chiều, nhiều thai phụ thích đẻ mổ nhưng cũng có người ngại, lo âu… Tuy nhiên, câu trả lời của các bác sĩ (BS) chuyên khoa là không lý do gì phải đẻ mổ nếu mẹ khỏe, con khỏe!
Chưa chắc an toàn hơn
Theo các BS chuyên khoa, suy nghĩ “đẻ mổ sẽ không đau và an toàn hơn đẻ thường” là hoàn toàn sai lầm. BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ, phân tích: “Cảm giác đau sau khi sinh mổ sẽ tăng gấp đôi, vì sản phụ vừa bị đau ở dạ con giống như sinh thường, vừa bị đau ở vết mổ rạch cơ tử cung. Sản phụ sinh mổ còn có thể đối diện với nhiều nguy cơ khác. Trước hết, để mổ lấy thai phải thực hiện gây mê hoặc gây tê tủy sống. Các công đoạn này dù rất hiếm gặp tai biến nhưng nếu lỡ gặp thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé. Cho dù BV, môi trường phẫu thuật, dụng cụ cực tốt, hoàn hảo thì sản phụ vẫn có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản cao hơn do có sự thông thương giữa ổ bụng, tử cung với môi trường bên ngoài hoặc nhiễm trùng do bị bế sản dịch. Ngoài ra còn có nguy cơ chảy máu trong và ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì sinh mổ để lại sẹo ”.
Thai phụ nên khám thai theo lịch để kịp thời phát hiện những bất thường và chỉ định phương pháp sinh phù hợp
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, lưu ý: Cuộc mổ sanh cũng giống như bất kỳ mọi cuộc phẫu thuật can thiệp ngoại khoa khác, phải trải qua giai đoạn hậu phẫu và cần thời gian để phục hồi. Thời gian phục hồi sau sinh mổ luôn kéo dài hơn so với sinh thường. Sinh mổ cũng chưa chắc an toàn hơn sinh thường, vì nguy cơ của một số dạng tai biến sẽ cao hơn khi sinh mổ, trong đó có thuyên tắc ối do sự trào ngược của nước ối - một tai biến sản khoa rất đáng sợ.
“Một số người chọn sinh mổ vì sợ cuộc sinh thường sẽ làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, âm đạo bị dãn rộng làm ảnh hưởng đến quan hệ tình dục sau này. Thực ra việc này có thể được khắc phục bằng một phẫu thuật rất nhanh chóng, đơn giản. Còn muốn sinh mổ vì lý do chọn ngày, chọn giờ để tốt cho con thì càng không nên, bởi nếu không có bất thường gì thì việc sinh tự nhiên luôn tốt cho em bé”.
Nên áp dụng đúng chỗ
Theo BS Hải, một đứa bé ra đời theo con đường tự nhiên đã là sự quy định của tạo hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của y học giúp chúng ta phát hiện những tình trạng có thể gây trở ngại cho cuộc “vượt cạn” tự nhiên.
BS Thông nhấn mạnh: “Sinh mổ phải được BS chỉ định, vì mục đích y khoa”. Theo BS Thông, những trường hợp cần chỉ định sinh mổ bao gồm sinh khó do khung chậu hẹp, thai to, ngôi thai bất thường, bất xứng đầu - chậu giữa thai nhi và sản phụ; có bất thường ở phần phụ của thai; mẹ có bệnh lý như tim, hen suyễn, cường giáp; trên thân tử cung của thai phụ có sẵn vết mổ do mổ lấy thai lần trước hoặc phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung; thai nhi có bệnh lý không thể trải qua một cuộc sinh thường…
BS Hải liệt kê thêm một số lý do khác khiến biện pháp sinh mổ cực kỳ cần thiết như thai phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược… có thể gây xuất huyết ồ ạt và nguy hiểm đến tính mạng trong lúc sinh; mẹ có các bất thường ở cơ quan sinh dục như khối u ở tử cung, buồng trứng… có thể cản trở đường ra của em bé; em bé bị dị tật, khiếm khuyết…
“Nếu cơ thể không có gì bất thường và bảo đảm cho cuộc vượt cạn, tốt nhất sản phụ nên chọn sinh thường vì nhiều cái lợi: đó là tiến trình phù hợp với tự nhiên, em bé ra đời hô hấp dễ dàng hơn, tử cung mẹ gò tốt hơn nên sẽ cầm máu tốt, ít băng huyết sau sinh, khả năng nuôi con bằng sữa mẹ cao hơn, không để lại sẹo trên cơ thể và trên tử cung, sản dịch sạch nhanh, thời gian phục hồi ngắn hơn, nguy cơ nhiễm trùng rất thấp…” - BS Thông kết luận.
Thai kỳ tiếp theo là thai kỳ nguy cơ! “Nếu đã sinh mổ, những lần mang thai sau chắc chắn được xếp vào dạng thai kỳ nguy cơ, cần được theo dõi sát sao. Thai phụ cũng có nguy cơ bị nứt vết mổ cũ trong những tháng cuối thai kỳ, dẫn đến phải mổ lấy thai sớm” - BS Nguyễn Ngọc Thông cho biết. BS Trần Ngọc Hải thì cảnh báo: “Hiện nay, tỉ lệ nhau bám vào vết mổ cũ, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược ở những sản phụ từng sinh mổ ngày càng tăng cao. Những bất thường về nhau này cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến băng huyết, chảy máu sau sinh, nhiều khi phải cắt tử cung. Các ca nhau cài răng lược, nhau tiền đạo thường dẫn đến một cuộc mổ nhiều rủi ro, dễ tai biến, có thể mất đến 2-4 lít máu dù được chuẩn bị kỹ càng. |
Nguồn: Báo Người Lao Động
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...