Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 22-04-2024 5:52am
Viết bởi: Khoa Pham
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh
IVFMD – Bệnh viện Mỹ Đức
 
Ngày nay, công nghiệp hóa diễn ra trên toàn cầu, bên cạnh phát triển kinh tế đồng thời dẫn đến tăng lượng khí đốt nhiên liệu hóa thạch, tăng lượng khí nhà kính là những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cùng với nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến hạn hán, cháy rừng, ô nhiễm không khí kéo theo các kiểu thời tiết khó lường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tổ chức Y tế Thế giới (W.H.O) ước tính sẽ có thêm 250.000 ca tử vong do các bệnh nhạy cảm với khí hậu trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2050.
 
Trong những năm gần đây, nhiều thảm họa khí hậu và môi trường nghiêm trọng đã xảy ra. Chỉ riêng năm 2020 đã xảy ra 132 thiên tai lũ lụt, bão, hạn hán, ảnh hưởng đến 51,6 triệu người và khiến 3.000 người thiệt mạng. Hơn nữa, hiện tượng nóng lên toàn cầu và lũ lụt làm tăng khả năng lây truyền các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh sốt rét và virus Corona 2019 (Covid-19). Những tác động này tác động nghiêm trọng đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ đang phát triển.
 
Đây là bài tổng quan về tác động của biến đổi khí hậu đến khả năng sinh sản cũng như kết quả mang thai. Nhằm cung cấp thêm thông tin để áp dụng các chiến lược giảm thiểu nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu cũng như cải thiện kết quả và sức khỏe sinh sản trên toàn cầu.
 
Ô nhiễm không khí
Trên toàn cầu, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ô nhiễm không khí chủ yếu bao gồm nitơ dioxide, carbon monoxide (CO), ozone (O3), sulfur dioxide (SO2), PM2.5 và PM10, cũng như một số hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC). Phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong thai kỳ có ảnh hưởng tình trạng sức khoẻ của trẻ như hen suyễn, chỉ số thông minh thấp hơn, giảm khả năng chú ý và trí nhớ thị giác (1). Ngay cả mức độ ô nhiễm không khí xung quanh ở mức độ vừa phải cũng có liên quan đến những thay đổi chức năng của nhau thai (2). 
 
Liên quan đến khả năng sinh sản, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều hơn sẽ kéo dài thời gian mang thai. Một nghiên cứu ở Cộng hòa Séc cho thấy rằng mỗi lần tăng 10 mg/m3 PM2,5 sẽ làm giảm khả năng sinh sản xuống 22% (khoảng tin cậy 95% [CI], 6%–35%). Phụ nữ sống cách đường lớn <200 m có nguy cơ vô sinh cao hơn (tỷ lệ rủi ro, 1,11; KTC 95%, 1,02–1,20) so với phụ nữ sống cách xa >200m. Trong số các cặp vợ chồng trong Nghiên cứu Điều tra Dài hạn về Khả năng Sinh sản và Môi trường, khả năng mang thai tăng 3% cho mỗi 200 m xa đường lớn hơn (3). Các nghiên cứu trên động vật cũng đã chứng minh tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đối với khả năng sinh sản, sinh lý buồng noãn và sự phát triển của phôi.
 
Nhiệt độ
Các đợt nắng nóng trên khắp thế giới đang gia tăng ở mức đáng báo động. Theo nghiên cứu Gaskin và cộng sự (4), nhiệt độ tối đa trung bình tăng 1oC trong 90 ngày trước khi xét nghiệm dự trữ buồng trứng có liên quan đến kết quả AFC thấp hơn. Mặc dù nhiệt độ không liên quan đến thời tiết nhưng đã có tài liệu rõ ràng rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian đủ lâu có thể làm giảm đáng kể các thông số tinh dịch của nam giới và dẫn đến vô sinh. Một nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles cho thấy nhiệt độ >80oF (khoảng 26,7oC) gây ra sự sụt giảm lớn về tỷ lệ sinh 8–10 tháng sau đó (5).
 
Các nghiên cứu trên động vật đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tác động của nhiệt đối với khả năng sinh sản và đã chứng minh khả năng sinh sản của nam và nữ giảm khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. Hầu hết các động vật có vú đều có tinh hoàn bên ngoài khoang bụng để có nhiệt độ thấp hơn, cần thiết cho quá trình sinh tinh bình thường. Các thông số tinh trùng trở về mức cơ bản khoảng 8 tuần sau khi kết thúc tiếp xúc với nhiệt. Để kiểm tra tác động của nhiệt đối với quá trình sinh tinh, những con chuột được gây mê đã cho tinh hoàn tiếp xúc với nhiệt độ 42oC trong 30 phút, dẫn đến giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng, giảm tính toàn vẹn DNA và khả năng sinh sản.
 
Ở nữ giới, khả năng hoạt động của tế bào noãn cũng bị ảnh hưởng tương tự bởi stress nhiệt, được định nghĩa là môi trường khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức quy định. Ở bò sữa, nhiệt độ cao có liên quan đến khả năng sinh sản giảm; suy giảm sự trưởng thành của tế bào noãn và sự phát triển của phôi như tỷ lệ phân chia, phôi dâu và phôi nang thấp hơn; và giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung; gây sẩy thai.
 
Phụ nữ mang thai đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự thay đổi nhiệt độ do những thay đổi sinh lý khi mang thai, quá trình trao đổi chất tăng cao và tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên khối lượng giảm. Phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có xu hướng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động chân tay khác cho đến cuối thai kỳ, khiến họ phải đối mặt với căng thẳng cao hơn do các đợt nắng nóng.
 
Lũ lụt
Do biến đổi khí hậu, các tảng băng tan chảy làm tăng mực nước biển và nhiệt độ, tảo và vi khuẩn có hại có thể mở rộng khu vực phát triển của chúng. Tác động của lũ lụt đến khả năng sinh sản phần lớn phản ánh các động lực kinh tế xã hội, mặc dù các bệnh lây truyền qua đường nước có nguy cơ cao và đặc biệt là sự lây lan của bệnh tiêu chảy và dịch tả ở các nước thu nhập thấp dẫn đến tình trạng mất nước có thể ảnh hưởng đến kết quả mang thai.
 
Thiên tai gây ra căng thẳng ở các bà mẹ khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau sinh. Phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt Iớn năm 2008 và trận lũ lụt ở Queensland năm 2011 lần lượt có trẻ mới biết đi bị căng thẳng cao hơn (6) và chậm phát triển vận động khi được 6 tháng tuổi cao hơn. Ngoài ra, với mực nước biển dâng cao, độ mặn trong nước uống được dự đoán sẽ tăng lên, điều này có liên quan đến sự phát triển của tiền sản giật (OR, 3,30; 95% CI, 2,00–5,51). 
 
Bệnh truyền nhiễm
Các loại vi-rút do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết, chikungunya và vi rút Zika đã trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển. Là một tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm sẽ gia tăng khả năng lây truyền khi khí hậu trở nên ấm hơn. Ví dụ, muỗi Aedes aegypti mang vi rút Zika có khả năng sống sót và lây truyền tối ưu ở nhiệt độ 29oC.
 
Vào năm 2015, hiện tượng El Nino đã gây ra một số đợt nhiệt độ ấm nhất ở Nam Mỹ, làm giảm thời gian ủ bệnh và khiến muỗi cái đốt nhiều hơn. Ngoài ra, hạn hán đi kèm đã tạo môi trường cho muỗi sinh sống trong các thùng chứa tích trữ nước. Bão và gió mùa ở các khu vực ven biển, chẳng hạn như Bangladesh, có nguy cơ cao khiến hàng triệu người phải di dời và lây lan các bệnh đường ruột qua đường nước, khiến 1,4–1,9 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Sự lây lan của bệnh tiêu chảy và bệnh tả, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp, có khả năng gia tăng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất nước đe dọa tính mạng, đặc biệt là khi mang thai.
 
Hóa chất độc hại và kim loại nặng
Hóa chất gây rối loạn nội tiết là những hóa chất có thể tác động ngay hay lâu dài trong suốt cuộc đời. Chúng có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và một số là thành phần gây ô nhiễm không khí (ví dụ: CO2, PAH, Cu, Ph và Zn trong PM từ khí thải diesel). Nhiệt độ tăng có thể làm tăng mức độ phơi nhiễm EDC và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể dẫn đến việc giải phóng tập trung hóa chất.
 
Nhiệt độ cao làm tăng sự giải phóng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, sau đó có thể tích lũy trong đất và thực phẩm, dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cũng có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn, gây độc cho con người. Thông qua ô nhiễm đại dương, con người tiếp xúc với thủy ngân, sự cố tràn dầu, hạt vi nhựa và thuốc trừ sâu. Điều này có thể dẫn đến bệnh tật cho con người nhưng cũng có thể làm suy giảm trữ lượng cá và phá hủy môi trường sống cũng như rạn san hô.
 
Nhóm dân số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu và các tác động tiếp theo của nó ảnh hưởng đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có tình trạng kinh tế kém, phụ nữ mang thai và trẻ đang phát triển, người già, người khuyết tật và trẻ nhỏ. Ước tính có khoảng 70% trong số 1,3 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ là phụ nữ. Phụ nữ là người chính trong chăm sóc gia đình, họ thường phải chịu gánh nặng trong việc quản lý chi tiêu và sinh hoạt quan trọng của gia đình, chẳng hạn như cung cấp nước, năng lượng để nấu ăn, sưởi ấm, chuẩn bị và bảo đảm thực phẩm. Các vấn đề như bất bình đẳng giới, địa vị chính trị và kinh tế, hưởng chế độ giáo dục càng trở nên trầm trọng hơn trong các cuộc khủng hoảng môi trường.
 
Các chuẩn mực văn hóa xã hội và trách nhiệm gia đình có thể ngăn cản phụ nữ di cư từ các khu vực có nguy cơ cao, khiến họ dễ bị tổn thương trong thời kỳ xã hội tan vỡ hoặc cấu trúc gia đình suy thoái. Phụ nữ phải đối mặt với bạo lực giới và bạo lực gia đình, đe dọa tình dục, buôn bán người và cưỡng hiếp ngày càng tăng và có nguy cơ tử vong cao hơn nam giới trong các thảm họa 14 lần.
 
Kết luận
Biến đổi khí hậu gây ra những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Điều này rõ ràng ở những nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở khu vực thành thị và thu nhập thấp. Việc kìm hãm làn sóng biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe con người, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu giữa các cá nhân và tổ chức đa ngành cũng như sự tham gia của người dân và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
 
Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần nhận ra nhiều khía cạnh của biến đổi khí hậu và tác động của nó đến khả năng sinh sản, sự phát triển của thai nhi và kết quả sản khoa. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai cần tập trung vào các cộng đồng dễ bị tổn thương và cung cấp các giải pháp nhằm giải quyết sự bất bình đẳng đang diễn ra.
 
Tài liệu tham khảo
  1. Breton CV, Mack WJ, Yao J, Berhane K, Amadeus M, Lurmann F, et al. Pre- natal air pollution exposure and early cardiovascular phenotypes in young adults. PLoS One 2016;11:e0150825.
  2. Saenen ND, Martens DS, Neven KY, Alfano R, Bove H, Janssen BG, et al. Air pollution-induced placental alterations: an interplay of oxidative stress, epi- genetics, and the aging phenotype? Clin Epigenetics 2019;11:124.
  3. Mendola P, Sundaram R, Louis GMB, Sun L, Wallace ME, Smarr MM, et al. Proximity to major roadways and prospectively-measured time-to-preg- nancy and infertility. Sci Total Environ 2017;576:172–7.
  4. Gaskins AJ, Mínguez-Alarcon L, VoPham T, Hart JE, Chavarro JE, Schwartz J, et al. Impact of ambient temperature on ovarian reserve. Fertil Steril 2021;116:1052–60.
  5. Barreca A, Deschenes O, Guldi M. Maybe next month? Temperature shocks and dynamic adjustments in birth rates. Demography 2018;55: 1269–93.
  6. Yong Ping E, Laplante DP, Elgbeili G, Hillerer KM, Brunet A, O'Hara MW, et al. Prenatal maternal stress predicts stress reactivity at 21⁄2 years of age: the Iowa Flood Study. Psychoneuroendocrinology 2015;56:62–78.
  7.  
Các tin khác cùng chuyên mục:
Herpes sinh dục trong thai kỳ - Ngày đăng: 26-03-2021
Tiêm chủng và thai kỳ - Ngày đăng: 19-11-2020
Suy giáp và thai kỳ - Ngày đăng: 19-11-2020
Chảy máu cam trong thai kỳ - Ngày đăng: 25-09-2020
Táo bón trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-06-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK