Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 19-11-2020 4:43pm
Viết bởi: Administrator

NHS Trần Thị Diểm Hân
IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức

MỞ ĐẦU

Mang thai là hành trình kỳ diệu mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn trải qua, đặc biệt đối với những phụ nữ hiếm muộn thì điều này lại càng thiêng liêng. Thời điểm chuẩn bị mang thai là thời điểm mà việc tích cực chuẩn bị và chăm sóc cho bản thân để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé là cần thiết nhất. Chính vì lẽ đó, để sẵn sàng cho thiên chức cao cả này, người phụ nữ cần phải được tiêm một số loại vaccine. Mục đích là để ngăn ngừa các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của bé. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin liên quan đến việc tiêm ngừa cho thai kỳ khoẻ mạnh.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIỮ GÌN SỔ TIÊM NGỪA

Việc lưu giữ thông tin liên quan đến việc chủng ngừa là rất quan trọng. Các thông tin này cần được chia sẻ cho nhân viên y tế nhằm xác định loại vaccine nào cần được chủng ngừa cho người phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong tình huống bệnh nhân không còn giữ sổ tiêm ngừa, các vấn đề có thể được tiến hành bào gồm: (i) khai thác thông tin từ bố mẹ của bệnh nhân về các lần tiêm chủng đã từng được thực hiện trước đó hay các bệnh lý mà bệnh nhân đã từng mắc phải khi còn nhỏ; (ii) tư vấn bệnh nhân liên hệ lại cơ quan y tế nơi bệnh nhân đã từng đến để tiêm ngừa (trung tâm y tế dự phòng, phòng tiêm vaccine, bệnh viện…). Nhân viên y tế có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn, nhắc nhở và hỗ trợ bệnh nhân trong việc kiểm tra xem các mũi tiêm ngừa trước đây của bệnh nhân đã đạt yêu cầu hay còn giá trị bảo vệ với bệnh nhân hay không (CDC, 2016).

CÁC LOẠI VACCINE NÊN TIÊM NGỪA KHI DỰ ĐỊNH MANG THAI

Việc tiến hành tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, sởi, quai bị, Rubella và thuỷ đậu nên được xem xét làm một phần quan trọng của chăm sóc tiền mang thai. Khi tiền sử liên quan đến lây nhiễm hoặc chủng ngừa không rõ ràng, xét nghiệm đánh giá kháng thể cần được sử dụng khả năng miễn nhiễm với các bệnh lý trên (Wiley và cs., 2017).

Rubella

Rubella còn được gọi là sởi Đức, là bệnh lý do virus gây ra. Biểu hiện bệnh thường nhẹ với các triệu chứng như sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết và đau đầu. Cần đặc biệt phòng ngừa Rubella cho phụ nữ mang thai do các nguy cơ dị tật cho thai nhi như: điếc, mù, vấn đề về tim mạch, tổn thương não (khoảng 9 trong số 10 bé có mẹ bị nhiễm Rubella trong 10 tuần đầu của thai kỳ sẽ có một hoặc nhiều bệnh lý như trên kèm theo (Lazar và cs., 2016)). Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, qua giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Vì vậy, nếu đang có kế hoạch sinh con, bạn nên làm xét nghiệm để kiểm tra xem bạn đã có đủ kháng thể miễn dịch để bảo vệ bạn và em bé chưa. Nếu chưa thì cách hiệu quả nhất để phòng ngừa Rubella là tiêm phòng bằng mũi tiêm MMR (Measles, Mumps, Rubella – Sởi, Quai bị, Rubella). Tiêm phòng Rubella được khuyến nghị cho bất cứ ai muốn tự bảo vệ mình khỏi rubella, việc mang thai có thể được diễn ra sau khi tiêm ngừa một tháng (CDC, 2020).

Viêm gan B

Viêm gan B là bệnh lý về gan phổ biến tại Việt Nam, do virus viêm gan B gây ra. Thông thường là ở trạng thái không hoạt động. Viêm gan B có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi và lây truyền qua các đường dịch thể (máu, quan hệ không an toàn, mẹ sang con). Để phòng bệnh, tiêm phòng là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ người mẹ (CDC, 2020). Ngoài ra, không có nhiều dữ liệu ghi nhận có bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào lên thai nhi nếu người mẹ tiêm vaccine viêm gan B khi đã thụ thai (CDC, 2006).

Thuỷ đậu

Đây là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Người mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Sau đó phát ban đỏ ngứa và mụn nước sẽ dần xuất hiện từ đầu, bụng, ngực, lưng và cuối cùng là lan toàn thân. Các triệu chứng thường bắt đầu vào khoảng hai tuần sau khi bị thuỷ đậu. Thuỷ đậu rất dễ lây lan, lây truyền từ người này sang người khác khi có sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước hoặc khi hít phải dịch tiết lúc người bệnh ho hay hắt hơi. Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải, đặc biệt phụ nữ đang mang thai thường sẽ có biến chứng nghiêm trọng hơn người khác, một số trường hợp bệnh sẽ truyền sang cho thai nhi. Trẻ sinh ra có thể mắc bệnh thuỷ đậu bẩm sinh hoặc tổn thương ở da, tay chân, mắt hoặc hệ thần kinh. Phụ nữ sau khi tiêm ngừa thuỷ đậu nên ngừa thai trong thời gian một tháng. Phụ nữ có thai không nên tiêm ngừa loại vaccine này (CDC, 2020).

CÁC LOẠI VACCINE TIÊM NGỪA TRONG KHI MANG THAI

Khi mẹ được tiêm vaccine thì kháng thể bảo vệ cũng sẽ được truyền qua nhau thai cho bé và đồng thời bảo vệ chúng trong những tháng đầu sau sinh. Mức độ bảo vệ của các kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian.

Cúm

Cúm do là bệnh do virus cúm gây ra. Có nhiều chủng virus khác nhau và các chủng này có thể biến đổi hằng năm. Cúm có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh hoặc chạm vào bề mặt có nhiễm virus cúm. Nhiễm cúm ở phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh thường sẽ nguy hiểm, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong do các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và viêm phổi. Các chủng cúm liên tục thay đổi, do đó bất kỳ ai cũng cần phải tiêm vaccine mỗi năm, thường là cuối tháng Mười, để đảm bảo cơ thể được bảo vệ trước thời điểm virus cúm hoạt động mạnh. Việc tiêm phòng là cách bảo vệ tốt nhất để dự phòng cúm đặc biệt đối với phụ nữ khi mang thai và đồng thời có thể bảo vệ em bé trong các tháng đầu sau sinh. Việc tiêm phòng cúm có thể được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ (CDC, 2020).

Ho gà

Ho gà là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Nó ảnh hưởng đến đường hô hấp. Bệnh lý này gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là trên trẻ sơ sinh. Cứ 10 ca tử vong do ho gà, có 7 ca là ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi. Ho gà có thể gây các biến chứng nghiêm trọng bao gồm tổn thương não, viêm phổi và thậm chí tử vong. Bệnh ho gà rất dễ lây, nó lây khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và người khác hít phải giọt bắn. Trẻ dưới 6 tuần tuổi còn quá nhỏ để được tiêm vaccine phòng bệnh. Cách hiệu quả nhất để bảo vệ bé khỏi mắc bệnh là tiêm vaccine ho gà khi mang thai. Tiêm phòng khi mang thai làm giảm tỷ lệ bệnh ho gà ở trẻ  dưới 3 tháng tuổi lên đến 90%. Để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa, vaccine ho gà được khuyến cáo tiêm một liều duy nhất khi thai trong khoảng từ tuần 27 đến 36 của thai kỳ (CDC, 2020).

Uốn ván

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong cao, gây ra bởi một độc tố do vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra. Nó gây nên tình trạng co thắt cơ nghiêm trọng đặc biệt là ở vùng cổ và hàm, có thể dẫn đến nghẹt thở, viêm phổi, đau tim, huyết áp rất cao hoặc rất thấp. Bào tử của vi khuẩn gây bệnh uốn ván được tìm thấy trong đất, bụi và chất thải động vật. Khi các bào tử xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt hoặc vết loét, chúng sẽ phát triển thành vi khuẩn tạo ra độc tố rất mạnh. Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván, do các nguy cơ trong khi chuyển dạ sinh hoặc lúc trẻ sơ sinh được cắt dây rốn dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn hoặc qua vết thương hở ngoài da. Nếu người phụ nữ mang thai trước đó chưa được tiêm phòng hoặc chưa rõ tình trạng tiêm chủng, thì nên tiêm hai liều vaccine phòng độc tố uốn ván (TT-CV) cách nhau một tháng và liều thứ hai được tiêm trước khi sinh ít nhất hai tuần. Hai liều thuốc bảo vệ chống lại nhiễm trùng uốn ván trong 1-3 năm ở hầu hết mọi người. Liều thứ ba được khuyến cáo sáu tháng sau liều thứ hai, liều này sẽ kéo dài thời gian bảo vệ ít nhất là năm năm (Bộ Y tế, 2020; WHO, 2016).

KẾT LUẬN

Tiêm phòng khi mang thai là một chiến lược hiệu quả để bảo vệ mẹ và thai nhi trong giai đoạn họ rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, tiêm phòng trước sinh cũng có thể bảo vệ trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời, trước khi trẻ nhận được đợt vaccine đầu tiên thời thơ ấu. Việc chủng ngừa vì vậy có vai trò hết sức quan trọng nhằm mang đến một thai kỳ an lành cho mẹ cũng như những tháng đầu đời khoẻ mạnh cho em bé.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bộ Y tế Việt Nam. Lịch tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng [online], truy cập ngày 02 tháng 9, 2020, nguồn: https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/lich-tiem-chung-thuong-xuyen-trong-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong?inheritRedirect=false
  2. Centers for Disease Control and prevention. Guidelines for Vaccinating Pregnant Women [online], viewed on 02 September, 2020, available from:< https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/guidelines.html>
  3. CDC. A comprehensive immunization strategy to eliminate transmission of hepatitis B virus infection in the United States: recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP) part 2: immunization of adults. MMWR. 2006; 55 (No. RR-16): 13.
  4. Lazar M, Abernathy E, Chen MH, Icenogle J, Janta D, Stanescu A, Pistol A, Santibanez S, Mankertz A, Hübschen JM, Mihaescu G, Necula G, Lupulescu E. Epidemiological and molecular investigation of a rubella outbreak, Romania, 2011 to 2012. Euro Surveill. 2016 Sep 22;21(38).
  5. WHO Reproductive Health Library. WHO recommendation on tetanus toxoid vaccination for pregnant women. (December 2016). The WHO Reproductive Health Library; Geneva: World Health Organization.
  6. Wiley K, Regan A, McIntyre P. Immunisation and pregnancy: who, what, when and why? Aust Prescr. 2017 Aug 1;40(4):122–4.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Suy giáp và thai kỳ - Ngày đăng: 19-11-2020
Chảy máu cam trong thai kỳ - Ngày đăng: 25-09-2020
Táo bón trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-06-2020
Toxoplasmosis và thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK