Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-07-2016 1:43pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản TP.HCM cho biết, với các tiến bộ về chẩn đoán và điều trị vô sinh nam hiện nay ở Việt Nam, 70% các trường hợp được chẩn đoán vô tinh vẫn có thể có con của chính mình, thậm chí có nhiều con.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, không có tinh trùng hay còn gọi là vô tinh là thuật ngữ chuyên môn để mô tả các trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch sau ít nhất 2 lần xét nghiệm tinh dịch đồ, cách nhau ít nhất 2 tuần.
 
Không có tinh trùng có thể do cơ thể không sản xuất tinh trùng hay do tinh trùng vẫn được sinh ra nhưng không đi ra được bên ngoài.
 
Nếu hai tinh hoàn vẫn sinh tinh nhưng tinh trùng không ra được tinh dịch, bác sĩ phải làm thủ thuật (tiểu phẫu) để lấy tinh trùng và thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm). Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một số phẫu thuật phục hồi đường dẫn tinh hay phục hồi khả năng sinh tinh.
 
Thực tế, đa số nam giới khi đi thử tinh dịch đồ nhận được kết quả là “không có tinh trùng” rất lo sợ vì nghĩ rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể có con được. Song với các tiến bộ hiện nay của y học ở Việt Nam, khoảng 70% trường hợp được chẩn đoán là vô tinh vẫn có thể có con của chính mình với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Một số ít trường hợp đặc biệt (khoảng 1-2%) có thể điều trị hồi phục bằng phẫu thuật và có thai tự nhiên. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho các trường hợp người vợ trẻ tuổi, có khả năng sinh sản tốt.
hiem-muon.jpg
Chỉ cần có 1 ít tinh trùng được tìm thấy, nam giới có thể có con của chính mình
Một trong số các phương pháp điều trị vô sinh cho các trường hợp không có tinh trùng hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng lấy được từ mào tinh hoặc tinh hoàn.
 
Một số ít trường hợp có thể điều trị bằng nội tiết nếu nguyên nhân vô tinh là do thiếu nội tiết tuyến yên. Các trường hợp có thể điều trị bằng phẫu thuật như thông nối hay mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh có khả năng thành công thấp, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp người vợ trẻ tuổi, dễ có thai.
 
Hiện nay, đa số trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đã có thể thực hiện đông lạnh và lưu trữ tinh trùng lấy từ mào tinh và tinh hoàn để sử dụng điều trị sau đó. Do đó, ngay khi chẩn đoán là có tinh trùng trong mào tinh và tinh hoàn, các tinh trùng này có thể được lấy và đông lạnh ngay. Sau đó, các tinh trùng này có thể được sử dụng để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà bệnh nhân không phải làm thủ thuật hay mổ lại để lấy tinh trùng. Tuy nhiên, để làm được điều này, bệnh nhân cần đến khám tại các trung tâm có khả năng trữ lạnh mô tinh hoàn và tinh trùng hút từ mào tinh.
 
Trong các nhóm nguyên nhân gây vô tinh ở nam giới, chỉ có những trường hợp suy tinh hoàn hoàn toàn là không thể có con của chính mình. Bởi vì nếu nam giới bị suy tinh hoàn, các ống sinh tinh trong tinh hoàn sẽ không sản xuất được tinh trùng. Tình trạng này có thể là do ở các ống sinh tinh không có loại tế bào để tạo tinh trùng hay quá trình sinh tinh bị gián đoạn nửa chừng, không sản xuất được tinh trùng trưởng thành. Những trường hợp này nếu muốn có con, cần phải xin tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng.
 
Một điều quan trọng khác là dù nguyên nhân vô sinh chính trong các trường hợp này là do nam giới, nhưng sự thành công khi điều trị phụ thuộc rất lớn vào khả năng sinh sản của người vợ. Nếu người vợ lớn tuổi (trên 35 tuổi) hay có những nguyên nhân hiếm muộn khác, thì khả năng thành công khi điều trị sẽ giảm nhiều. Do đó, phải lưu ý đến các yếu tố thuộc về người vợ khi quyết định điều trị, không điều trị vô sinh chỉ dựa trên người chồng và tinh trùng.
 Hải Minh

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sàng lọc sơ sinh - Ngày đăng: 04-03-2016
Những sự cố thai kỳ thường gặp - Ngày đăng: 23-02-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK