Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 01-10-2021 10:39pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Khác
ĐD. Hoàng Thị Thanh - IVFAS

Tổng quan
Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Chứng sa sút trí tuệ chia thành nhiều loại như sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu, sa sút trí tuệ sau chấn thương, sa sút trí tuệ trước tuổi già, sa sút trí tuệ tuổi già, bệnh Alzheimer… Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn những người trẻ. Theo ước tính trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác. Riêng ở Mỹ, ước tính có khoảng 5,8 triệu người từ 65 tuổi trở lên mắc chứng bệnh này. Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng bệnh nặng thậm chí là tử vong cao ở những bệnh nhân là người lớn tuổi và bệnh lý nội khoa cơ bản [1]. Và điều đáng lo ngại là phần lớn người bệnh sa sút trí tuệ thường đi kèm với các bệnh lý nội khoa này nên khi mắc COVID-19 sẽ gây nên hậu quả nặng nề và tồi tệ hơn các nhóm dân số khác [2].
 
Ảnh hưởng của COVID-19 đối với cuộc sống của người sa sút trí tuệ
Những người bị sa sút trí tuệ dễ bị nhiễm và lây lan SARS-CoV-2 vì họ có thể không hiểu, không thực hiện hoặc không thể nhớ một cách đầy đủ bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào để có thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay, cách ho, vệ sinh cá nhân… hay tránh lây nhiễm cho người khác như giữ khoảng cách, giữ gìn vệ sinh chung... [3]. Những người bị sa sút trí tuệ nặng không thể thực hiện các hoạt động cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của họ như tắm rửa, thay quần áo… mà phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Những người sa sút trí tuệ sống ở viện dưỡng lão hoặc các bệnh viện điều dưỡng dễ mắc và lây nhiễm nhiều hơn do sự tập trung đông và khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa kém. Để giảm nguy cơ mắc hoặc lây nhiễm cho người khác thì việc đóng cửa giãn cách là cần thiết. Tuy nhiên, việc này làm cho tinh thần của người sa sút trí tuệ trở nên tồi tệ hơn với các triệu chứng tâm thần kinh và rối loạn hành vi nghiêm trọng [4].
 
Nguy cơ mắc COVID-19 ở người sa sút trí tuệ
Từ những khó khăn trong các cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có thể thấy nhận thấy được nguy cơ cao nhiễm COVID-19 mà người sa sút trí tuệ có thể gặp phải.
Một phân tích hồi cứu tại Hoa Kỳ đến ngày 21 tháng 8 năm 2020 với 61.916.260 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên trong đó có 1.064.960 người mắc chứng sa sút trí tuệ, 15.770 người mắc COVID-19 và 810 người sa sút trí tuệ mắc COVID-19. Trong số 810 bệnh nhân bị sa sút trí tuệ có 260 bệnh nhân bệnh nhân Alzheimer, 70 bệnh nhân sa sút trí tuệ sau chấn thương, 40 với sa sút trí tuệ trước tuổi già, 140 với sa sút trí tuệ tuổi già và 170 với sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu. Kết quả phân tích cho thấy trong nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ thì nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất ở nhóm bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu là 3,17, tiếp đến là sa sút trí tuệ trước tuổi già là 2,62, sa sút trí tuệ tuổi già 1,99, bệnh Alzheimer là 1,86 và sa sút trí tuệ sau chấn thương là 1,67. Một suy đoán cho rằng tổn thương não đã có từ trước, đặc biệt là tổn thương mạch máu có thể cho phép vi rút xâm nhập nhiều hơn vào não gây tổn thương não dẫn đến thiếu oxy và suy các cơ quan khác như tim hoặc phổi. Do đó, so với bệnh nhân không sa sút trí tuệ thì bệnh nhân sa sút trí tuệ có nguy cơ mắc COVID-19 tăng lên đáng kể. Một phát hiện mới trong nghiên cứu này là bệnh nhân bị sa sút trí tuệ người da đen có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao gấp đôi so với người da trắng [1].
 
Hậu quả của người sa sút trí tuệ mắc COVID-19
Mỗi ngày, số người mắc và tử vong do COVID-19 không ngừng tăng lên trên toàn cầu. Nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ mắc COVID-19 có kết quả xấu hơn đáng kể so với bệnh nhân sa sút trí tuệ nhưng không mắc COVID-19 và bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng không sa sút trí tuệ. Nguy cơ nhập viện của nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ cao hơn những nhóm khác. Trong số 810 bệnh nhân mắc COVID-19 có sa sút trí tuệ thì có 480 bệnh nhân phải nhập viện chiếm 59,26%. Trong số 260 bệnh nhân Alzheimer mắc COVID-19 thì có 160 bệnh nhân phải nhập viện chiếm 61,54%. Đặc biệt, tỷ lệ nhập viện của người da đen có sa sút trí tuệ mắc COVID-19 chiếm 73,08% cao hơn so với người da trắng là 53,85% (P<0.01) [1].
 
Bên cạnh đó, các bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp (55%), thoái hóa khớp (38%), trầm cảm (32%), đái tháo đường (26%), và bệnh mạch vành (23%) là năm bệnh đi kèm phổ biến nhất ở bệnh Alzheimer [2]. Chứng sa sút trí tuệ nói chung và bệnh nhân Alzheimer nói riêng thường đi kèm với các bệnh lý trên nên nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân này tăng đáng kể. Trong số 810 bệnh nhân sa sút trí tuệ mắc COVID-19 thì có 170 bệnh nhân tử vong chiếm 20,99%, trong đó, người da đen là 23,08% và người da trắng là 19,23%. Nhóm bệnh nhân Alzheimer có 260 người mắc COVID-19 thì có 50 bệnh nhân tử vong chiếm 19,23%, trong đó, người da đen là 25,00% và người da trắng là 17,65%. Mặc dù, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 tăng đáng kể theo tuổi và nguy cơ tử vong ở nam cao gấp đôi ở nữ nhưng theo nghiên cứu này cho thấy không có sự khác biệt giới tính về nguy cơ COVID-19 ở bệnh nhân sa sút trí tuệ [1].
 
Ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe của người mắc COVID-19
Bên cạnh các biến chứng về phổi thì các vấn đề liên quan đến thần kinh ngày càng được chú ý.
 
Tháng 2 năm 2020, Mao và cộng sự thực hiện nghiên cứu quan sát, phân tích hồi cứu về các biến chứng thần kinh của nhóm bệnh nhân sau mắc COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Các biểu hiện thần kinh được chia thành 3 loại: biểu hiện của hệ thần kinh trung ương (chóng mặt, nhức đầu, suy giảm ý thức, bệnh mạch máu não cấp tính, mất điều hòa và co giật), biểu hiện của hệ thần kinh ngoại vi (suy giảm vị giác, suy giảm khứu giác, suy giảm thị lực và đau dây thần kinh) và các biểu hiện tổn thương cơ xương. Có 214 bệnh nhân được phân tích với độ tuổi trung bình là 52,7 tuổi. Trong đó, nhiễm trùng không nặng là 126 bệnh nhân (58,9%) và nhiễm trùng nặng là 88 bệnh nhân (41,1%). Kết quả cho thấy có 78 bệnh nhân (36,4%) có biểu hiện thần kinh. Bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng có các biểu hiện thần kinh cao hơn nhóm bệnh nhân nhiễm trùng không nặng như bệnh mạch máu não cấp tính (5 [5,7%] so với 1 [0,8%]), suy giảm ý thức (13 [14,8%] so với 3 [2,4%]) và chấn thương cơ xương (17 [19,3%] so với 6 [4,8%]). Như vậy, so với bệnh nhân nhiễm trùng không nặng, thì bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng có nhiều khả năng xuất hiện các biểu hiện thần kinh, đặc biệt là bệnh mạch máu não cấp tính, rối loạn ý thức và tổn thương cơ xương [5].
 
Một nghiên cứu quan sát khác tại Pháp được Helm và cộng sự thực hiện năm 2020. Có 58 bệnh nhân với độ tuổi trung bình là 63 tuổi được điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Kết quả ghi nhận sơ bộ cho thấy có 45 bệnh nhân được xuất viện thì có 15 bệnh nhân (33%) đã mắc hội chứng rối loạn bao gồm mất chú ý, mất phương hướng hoặc các cử động hạn chế [6].
 
Một nghiên cứu khác tại Anh năm 2020 về những biến chứng thần kinh và tâm thần cấp tính do ảnh hưởng của COVID-19. Với 153 bệnh nhân được ghi nhận với độ tuổi trung bình là 71 tuổi thì chỉ có 125 bệnh nhân (82%) được ghi nhận đầy đủ thông tin có biểu hiện tâm thần. Kết quả cho thấy, có 67 bệnh nhân có biến cố mạch máu não (thiếu máu cục bộ, xuất huyết hoặc huyết khối liên quan đến nhu mô não hoặc khoang dưới nhện), 39 bệnh nhân có tình trạng tâm thần thay đổi (nhân cách, hành vi, nhận thức, hoặc ý thức) và 21 bệnh nhân có chẩn đoán mới. Trong 67 bệnh nhân có biến cố mạch máu não có 57 bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, 9 bệnh nhân xuất huyết não và 1 bệnh nhân viêm mạch thần kinh trung ương. Trong 39 bệnh nhân có tình trạng tâm thần thay đổi có 9 bệnh nhân bị bệnh não không xác định, 7 bệnh nhân bị viêm não, 23 bệnh nhân có tình trạng tâm thần thay đổi được bác sĩ tâm thần chẩn đoán. Trong 23 bệnh nhân trên thì có 10 bệnh nhân có rối loạn tâm thần mới khởi phát, 6 bệnh nhân có hội chứng thần kinh giống sa sút trí tuệ và 4 bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc. Điều này cho thấy, một tỷ lệ bệnh nhân sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng có sự suy giảm trí nhớ và điều hành chức năng thần kinh [7].
 
Có những quan sát khác trên những người lớn tuổi mắc bệnh nặng hơn có nguy cơ giảm mức độ ý thức, mê sảng, đột quỵ, hoặc có thể bị viêm nội sọ hoặc sự xâm nhập thần kinh do virus. Tình trạng tổn thương não đã có từ trước, bao gồm thiếu khả năng phục hồi, có thể làm cho những người bị sa sút trí tuệ hoặc bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc các biến chứng thần kinh khác nhau, bao gồm suy giảm chức năng nhận thức, có thể không thể phục hồi [3].
 
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV 2 có thể lây nhiễm tế bào thần kinh và ảnh hưởng đến chức năng não thông qua tình trạng thiếu oxy mãn tính, rối loạn chức năng chuyển hóa, viêm hệ thống và rối loạn điều hòa miễn dịch và mối quan hệ hai chiều giữa nhiễm vi-rút và chứng sa sút trí tuệ. Những người bị sa sút trí tuệ có sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn nên có thể dẫn đến các biến chứng sa sút trí tuệ nặng hơn và tồi tệ hơn có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem nhiễm SARS-CoV 2 sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ hay dẫn đến suy giảm nhận thức lâu dài và gây ra chứng sa sút trí tuệ ở những người bị nhiễm bệnh trong tương lai [1].
 
Kết luận
Bản thân người sa sút trí tuệ đã có rất nhiều bất tiện trong cuộc sống nhất là những người sa sút trí tuệ nặng. Đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết mọi người trên thế giới đặc biệt là người lớn tuổi và người sa sút trí tuệ. Bởi họ chính là những người chịu hậu quả nặng nề nhất cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Họ là những người có nguy cơ cao mắc bệnh, tử vong và gánh chịu hậu quả nặng nề hơn sau khi khỏi bệnh. Từ những giả thuyết ban đầu cho đến những bằng chứng thu được cho thấy, khả năng thiếu hụt nhận thức xảy ra ở bệnh nhân COVID-19 và nguy cơ có thể phát triển thành bệnh Alzheimer như một hậu quả lâu dài sau đại dịch. Đây là một gánh nặng cho gia đình người bệnh và toàn xã hội. Do đó, người lớn tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi có sa sút trí tuệ cần được quan tâm nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 này.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Wang, QuanQiu, et al. "COVID‐19 and dementia: Analyses of risk, disparity, and outcomes from electronic health records in the US.Alzheimer's & Dementia (2021).
  2. Wang, Jen-Hung, et al. "Medical comorbidity in Alzheimer’s disease: a nested case-control study." Journal of Alzheimer's Disease 63.2 (2018): 773-781.
  3. Mok, Vincent CT, et al. "Tackling challenges in care of Alzheimer's disease and other dementias amid the COVID‐19 pandemic, now and in the future." Alzheimer's & Dementia 16.11 (2020): 1571-1581
  4. Numbers, Katya, and Henry Brodaty. "The effects of the COVID-19 pandemic on people with dementia." Nature Reviews Neurology (2021): 1-2.
  5. Mao, Ling, et al. "Neurologic manifestations of hospitalized patients with coronavirus disease 2019 in Wuhan, China." JAMA neurology 77.6 (2020): 683-690
  6. Helms J, Kremer S, Merdji H, Clere-Jehl R, Schenck M, Kummerlen C, et al. “Neurologic features in severe SARS-CoV-2 infection”. N Engl J Med. 2020;382(23):2268–70.
  7. Varatharaj A, Thomas N, Ellul MA, Davies NWS, Pollak TA, Tenorio EL, et al. Neurological and neuropsychiatric complications of COVID-19 in 153 patients: a UK-wide surveillance study. Lancet Psychiatry. 2020;7(10):875–82.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Trầm cảm sau sanh - Ngày đăng: 23-01-2018
Danh nhân Y học - Sản phụ khoa - Ngày đăng: 19-09-2015
Thủy đậu trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2015
Nhiễm Trùng Da Ở Trẻ Sơ Sinh - Ngày đăng: 20-10-2014
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK