Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 27-12-2019 2:20pm
Viết bởi: Administrator

CVPH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận


Kỹ thuật trữ lạnh noãn đã bắt đầu từ năm 1970 và cho đến nay đã được cải tiến rất nhiều. Trữ lạnh noãn là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng khi chồng không lấy được tinh trùng hay tinh trùng không đủ để thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn tạo phôi, tránh những lo ngại về đạo đức và pháp lý liên quan đến việc lưu trữ phôi…. Bên cạnh đó, trữ lạnh noãn còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn khả năng sinh sản của nữ giới với nhiều lý do khác nhau: các phụ nữ mắc bệnh lý như ung thư cần xạ trị, hoá trị hay trữ noãn vì mục đích xã hội cho các phụ nữ độc thân chưa muốn lập gia đình.

Sơ lược về trữ lạnh noãn

Trữ lạnh noãn là một quá trình bảo quản noãn trong điều kiện nhiệt độ thấp (-196°C nitơ lỏng) để duy trì khả năng tồn tại của noãn cho việc sử dụng trong tương lai. Trong quá trình đó noãn sẽ được tiếp xúc với chất bảo đông lạnh (CPA) trước khi đưa vào nitơ lỏng. Quá trình trữ và rã gây nên những tổn thương cho noãn do tiến trình thay đổi nhiệt độ khi đông lạnh và khi rã đông. Có hai phương pháp trữ lạnh noãn được thực hiện phổ biến là đông lạnh chậm (slow freezing) và thuỷ tinh hoá (vitrification). Đã có nhiều báo cáo so sánh hiệu quả trữ lạnh của hai phương pháp này. Theo bài phân tích cộng gộp năm 2011, thuỷ tinh hoá là một phương pháp hiệu quả để trữ noãn, mặc dù cần các RCT với cỡ mẫu lớn hơn để củng cố kết luận này [1]. Hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam phổ biến dùng kỹ thuật thuỷ tinh hoá để trữ lạnh noãn. Kỹ thuật trữ-rã noãn đã được chứng minh là hiệu quả và an toàn qua kết cục thai kỳ và chu sinh của các trẻ từ các noãn trữ cũng tương tự so với các noãn tươi của một nghiên cứu với cỡ mẫu lớn khoảng 2.000 trẻ [2].

Sự tác động của quá trình trữ -rã lên noãn

Quá trình trữ - rã làm noãn phải chịu nhiều thay đổi sinh lý hóa (thay đổi áp suất thẩm thấu, khử loại nước thay thế bằng chất bảo quản đông, tái hấp thu nước loại chất bảo quản đông). Các thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các sức sống của noãn. Nhiều nghiên cứu noãn người và các đông vật có vú khác cho thấy độc tính của CPA sẽ ảnh hưởng đến các siêu cấu trúc noãn trữ-rã như màng trong suốt, vi sợi actin, thoi vô sắc giảm phân, ti thể. Hơn nữa, đông lạnh chậm và thủy tinh hóa tác động xấu đến sự biểu hiện của các gen tham gia điều hòa cấu trúc DNA, chu trình tế bào, cân bằng ti thể nội bào và sản xuất năng lượng ở noãn trữ. Nohales-Córcoles và cộng sự (2016) cho rằng thủy tinh hóa cũng ảnh hưởng đến trạng thái oxi hóa khử của noãn [3].

Sự tác động của quá trình trữ -rã lên phôi

Bên cạnh đó, cũng có giả thuyết cho rằng những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của phôi. Chính vì thế, tầm ảnh hưởng của kỹ thuật trữ-rã noãn đối với các tiềm năng phát triển của phôi có nguồn gốc từ noãn trữ-rã cũng đã được quan tâm nghiên cứu. Tiềm năng phát triển của phôi được đánh giá bằng hình thái phôi, động học phân chia phát triển, cách thức phân chia phôi bào, khả năng phát triển lên phôi nang, tiềm năng làm tổ… Một phân tích cộng gộp của Cobo và Diaz (2011) gồm 5 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) với 4.282 noãn được trữ bằng thủy tinh hóa, 361 noãn trữ bằng đông lạnh chậm và 3.524 noãn tươi, đã cho thấy tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi ngày 3, phôi tốt ngày 3 và tỷ lệ thai diễn tiến không khác nhau giữa các nhóm noãn trữ và noãn tươi [1]. Kết quả cũng tương tự như trong nghiên cứu tiến cứu chia đôi noãn (n=124 noãn mỗi nhóm) của Rienzi và cộng sự (2011), cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi ngày 2, tỉ lệ phôi tốt ngày 2 sau ICSI giữa phôi có nguồn gốc từ noãn trữ và noãn tươi [4]. Những nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác đều sử dụng đánh giá chất lượng phôi bằng hình thái học.

Sự ra đời và phát triển của hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (TLM: time-lapse monitoring) cho phép đánh giá chi tiết hình thái phôi, phản ánh chính xác các thông số động học phát triển phôi. Đến năm 2015, động học phát triển của phôi có nguồn gốc từ noãn trữ đã được nghiên cứu và thấy rằng có sự khác biệt về động học của phôi giai đoạn phôi phân chia từ lúc ICSI đến 44h giữa nhóm noãn tươi và noãn trữ- rã. Kết quả cho thấy rằng các thông số thời điểm xuất hiện 2 tiền nhân (tC), biến mất tiền nhân (tPNf) thời điểm 2, 3, 4, phôi bào (t2, t3, t4) của phôi từ noãn trữ lạnh khác biệt có ý nghĩa thống kê so với phôi từ noãn tươi (p<0,05); còn thời điểm tống xuất thể cực thứ 2 (tPB2), xuất hiện tiền nhân (tPNa) không khác biệt [5]. Trong khi đó, nghiên cứu chia đôi noãn (32 noãn mỗi nhóm) của de Munck và cộng sự (2015) không tìm thấy sự khác biệt của các thông số động học của phôi khi nuôi đến ngày 3 giữa nhóm noãn tươi và noãn trữ- rã [6]. Các thông số động học của phôi cũng bị chậm trễ từ noãn trữ-rã cho đến giai đoạn phôi nang. Như theo nghiên cứu hồi cứu năm 2016 với cỡ mẫu lớn, nhóm noãn trữ (n= 631 chu kỳ ; n= 3,794 phôi) và noãn tươi (n= 1.359 chu kỳ, n= 9.935 phôi), các phôi được nuôi cấy bằng TLM 5-6 ngày (120-144h). Kết quả cho thấy rằng phôi từ noãn trữ lạnh có các thông số thời điểm 2, 3, 4, 5 phôi bào (t2, t3, t4, t5), thời điểm phôi dâu (tM), thời điểm phôi có khoang (tB) đều trễ hơn 1h có ý nghĩa thống kê so với phôi từ noãn tươi (p<0,05); còn thời điểm phôi khoang nở rộng, phôi bắt đầu thoát màng (tEB, tHB), cc2 (t3-t2) không khác biệt giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, chất lượng phôi và tỉ lệ làm tổ thì không bị ảnh hưởng [7]. Theo một nghiên cứu mới nhất vào năm 2019, tiến cứu chia đôi noãn: noãn tươi (n = 220) cho 36 người nhận; noãn trữ-rã (n = 252) cho 31 người nhận khác. Kết quả phân tích động học phát triển cho thấy sự trì hoãn đáng kể chung về tốc độ phân cắt từ thời điểm biến mất tiền nhân (tPNf) cho đến thời điểm bắt đầu có khoang phôi (tSB) trong noãn trữ so với noãn tươi. Tỉ lệ phôi ngày 5 ở nhóm phôi từ noãn tươi cao hơn đáng kể so với phôi từ noãn trữ [lần lượt là 53,2% (84/158) so với 40,0% (64/160); P = 0,0244]. Tỷ lệ phôi hữu dụng tại thời điểm trữ phôi và tỉ lệ thai là tương tự ở cả hai nhóm. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn hạn chế vì không có tính ngẫu nhiên, cỡ mẫu nhỏ và không đủ độ mạnh để phát hiện sự khác biệt trong kết cục lâm sàng [8].

Kết luận

Như vậy, trữ lạnh noãn là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và bảo quản khả năng sinh sản của nữ giới mà không tác động đến tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi giai đoạn phân chia theo các nghiên cứu đánh giá phôi bằng hình thái. Tuy nhiên, tỉ lệ phôi nang ngày 5 và tốc độ phát triển từ giai đoạn phân chia đến phôi nang bị trì hoãn đáng kể theo một số nghiên cứu động học hình thái phôi quan sát bằng hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp camera quan sát. Mặt khác thì sự trì hoãn phát triển này vẫn không làm giảm kết cục lâm sàng khi chuyển các phôi có nguồn gốc từ noãn trữ. Cần thêm các nghiên cứu tiến cứu ngẫu nhiên chia đôi noãn với cỡ mẫu lớn hơn, để đủ bằng chứng khẳng định tầm ảnh hưởng của kỹ thuật trữ- rã noãn đối với tiềm năng phát triển của phôi có nguồn gốc từ noãn trữ-rã.

Tài liệu tham khảo

[1]      A. Cobo and C. Diaz, “Clinical application of oocyte vitrification: A systematic review and meta- analysis of randomized controlled trials,” Fertil. Steril., 2011.
[2]      A. Cobo et al., “Obstetric and perinatal outcome of babies born from vitrified oocytes,” Fertil Steril, 2014.
[3]      Nohales-Córcoles et al., “Impact of vitrification on the mitochondrial activity and redox homeostasis of human oocyte,” Hum. Reprod., 2016.
[4]      L. Rienzi et al., “Embryo development of fresh ‘versus’ vitrified metaphase II oocytes after ICSI: A prospective randomized sibling-oocyte study,” Hum. Reprod., 2010.
[5]      S. Chamayou et al., “Oocyte vitrification modifies nucleolar remodeling and zygote kinetics-a sibling study,” J. Assist. Reprod. Genet., 2015.
[6]      N. de Munck et al., “Chromosomal meiotic segregation, embryonic developmental kinetics and DNA (hydroxy)methylation analysis consolidate the safety of human oocyte vitrification,” Mol. Hum. Reprod., 2015.
[7]      A. Cobo et al., “Effect of oocyte vitrification on embryo quality : time-lapse analysis and morphokinetic evaluation,” Fertil. Steril., 2017.
[8]      S. De Gheselle, et al., “In vitro development of embryos derived from vitrified-warmed oocytes is delayed compared to embryos derived from fresh oocytes: a time-lapse sibling oocyte study,” Reprod. Biomed. Online, 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
POSEIDON III, IV: MILD OR ANTAGONIST? - Ngày đăng: 11-11-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK