Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 26-11-2019 8:41pm
Viết bởi: Khoa Pham
Đa thai là một trong những mối lo ngại lớn nhất khi điều trị IVF vì những nguy cơ mà nó mang lại cho mẹ và bé cũng như tăng chi phí sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh, trong đó sinh non là nguy cơ đáng quan tâm nhất. Nghiên cứu của Tiitinen A (2012) cho thấy, đa thai làm tăng 6 lần nguy cơ sinh non [1]. Những biến chứng trước và sau khi sinh non có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ sau này bao gồm khuyết tật về trí tuệ và thể chất [2]. Chi phí chăm sóc trẻ sinh non cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều rủi ro cho sức khoẻ của mẹ cũng được ghi nhận. Các biến chứng của mẹ bao gồm tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, băng huyết sau sinh,… đã được ghi nhận. Xét về khía cạnh tâm lý, quá trình chăm sóc nhiều hơn một trẻ trong cùng một khoảng thời gian có thể dẫn đến tăng căng thẳng, bất an và gây ra trầm cảm ở cha mẹ.
 

Chuyển đơn phôi là lựa chọn tối ưu nhằm hạn chế đa thai trong IVF và giảm những rủi ro kể trên. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật được nghiên cứu và phát triển nhằm lựa chọn phôi có tiềm năng tốt nhất để chuyển nhưng vẫn đảm bảo được kết cục lâm sàng cao. Các kỹ thuật để lựa chọn phôi hiện nay chủ yếu là nuôi phôi ngày 5 kết hợp theo dõi phôi bằng hệ thống time-lapse, đánh giá di truyền phôi bằng xét nghiệm đánh giá phôi lệch bội tiền làm tổ (PGT-A) hoặc dựa trên cơ chế trao đổi chất của phôi (Metabolomic).

Phương pháp nuôi cấy phôi bằng hệ thống time-lapse

Vào năm 2009, hệ thống nuôi cấy time-lapse ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho phép theo dõi toàn bộ sự kiện phân chia và phát triển của phôi giai đoạn tiền làm tổ [3]. Từ trước đến nay, phôi được lựa chọn bằng cách đánh giá chất lượng phôi dựa trên quan sát hình thái phôi dưới kính hiển vi đảo ngược tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên sự phát triển phôi là một quá trình động học nên đánh giá phôi tại một thời điểm không thể xác định được những bất thường phân chia, đồng thời lấy phôi ra khỏi tủ cấy để đánh giá có thể làm thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, pH…từ đó tác động đến khả năng phát triển của phôi. Hệ thống time-lapse cho phép quan sát và đánh giá tất cả các sự kiện diễn ra trong suốt giai đoạn tiền làm tổ mà vẫn giữ phôi trong điều kiện nuôi cấy tối ưu. Nhiều nghiên cứu ứng dụng các thông số động học phôi time-lapse để đánh giá tiềm năng phát triển thành phôi nang, khả năng làm tổ của phôi hay đặc điểm di truyền của phôi để lựa chọn đơn phôi chuyển đã được công bố. Trong nghiên cứu của Adamson và cs (2016), nhóm tác giả đã cho thấy lựa chọn phôi bằng time-lapse và chuyển đơn phôi giúp tăng tỉ lệ làm tổ lên 15% so với nhóm chứng [4]. Nghiên cứu của Rubio và cs (2014) cho thấy tỉ lệ thai diễn tiến tăng cao ở nhóm lựa chọn phôi chuyển bằng time-lapse [5]. Tuy nhiên nghiên cứu tổng quan của Armstrong và cs (2015) cho rằng vẫn còn thiếu bằng chứng chỉ ra có sự khác biệt trong tỉ lệ sinh sống, tỉ lệ sẩy thai và kết quả thai lâm sàng khi nuôi cấy phôi bằng hệ thống time-lapse và tủ cấy thường [6].

Phương pháp PGT-A

Kỹ thuật PGT-A ra đời, góp một phần không nhỏ trong việc hỗ trợ thêm công cụ lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ tốt nhất để chuyển cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được chỉ định trên nhóm bệnh nhân tiên lượng kém có nguy cơ xuất hiện phôi lệch bội tăng cao như bệnh nhân lớn tuổi hay bệnh nhân trẻ tuổi thất bại làm tổ nhiều lần hoặc sẩy thai liên tiếp [7]. Để thực hiện kỹ thuật này, vật chất di truyền của phôi thường được thu nhận bằng cách sinh thiết thể cực của noãn, phôi bào từ phôi phân chia hay tế bào lớp lá nuôi phôi nang [8]. Tuy nhiên, việc phân tích trên thể cực của noãn chỉ tầm soát được những sai hỏng có nguồn gốc từ mẹ và có quá nhiều bằng chứng cho thấy sinh thiết phôi bào giai đoạn phôi phân chia là kỹ thuật có tính xâm lấn cao, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và làm tổ của phôi [9]. Hiện nay, đa số các trung tâm thụ tinh trong ống ngiệm thực hiện thu nhận vật liệu di truyền bằng sinh thiết tế bào lớp lá nuôi của phôi nang. Số lượng tế bào thu nhận từ phôi nang thường từ 5 đến 10 tế bào. Vì vậy PGT-A trên vật liệu di truyền thu nhận từ phôi nang được xem là kỹ thuật ít xâm lấn nhất và không ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và làm tổ của phôi.

Sau khi biết được đặc điểm di truyền, một phôi nguyên bội sẽ được chọn chuyển cho bệnh nhân. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy chuyển đơn phôi sau PGT-A giúp cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân. Nghiên cứu của Schoolcraft và Katz-Jaffe (2019) đánh giá kết quả giữa nhóm lựa chọn phôi bằng PGT-A và lựa chọn phôi dựa trên hình thái ở bệnh nhân lớn tuổi chuyển đơn phôi nang. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng tỉ lệ thai diễn tiến ở nhóm PGT-A cao hơn nhóm đánh giá dựa trên hình thái một cách đáng kể (60.0% với 43.8%, p < 0.05) [10]. Tương tự, nghiên cứu của Harton (2013) cũng cho thấy tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai diễn tiến không giảm ở nhóm bệnh nhân 35-42 tuổi thực hiện PGT-A khi chuyển đơn phôi [11]. Chang và cộng sự (2019) so sánh giữa chuyển đơn phôi nguyên bội sau PGT-A trong chu kì chuyển phôi trữ với chuyển nhiều phôi không thực hiện PGT-A ở chu kì chuyển phôi tươi trên nhóm bệnh nhân ≥ 43 tuổi. Kết quả cho thấy tỉ lệ làm tổ cao cách biệt (lần lượt là 56.9% với 13.8%, OR 8.9 [95% CI 4.9-16.3]), tỉ lệ thai diễn tiến cao cách biệt (50.0% với 6.9%, OR 14.3 [95% CI 7.3-28.0]); đồng thời tỉ lệ sẩy thai thấp hơn đáng kể (12.1% với 50.0%, OR 0.16 [95% CI 0.06-0.47]) [12].

Phương pháp đánh giá sự trao đổi chất của phôi (Metabolomic)

Trao đổi chất được đề xuất như một phương pháp không xâm lấn đánh giá khả năng làm tổ của phôi. Trao đổi chất được định nghĩa là sự xác định và định lượng tất cả các sản phẩm có trọng lượng phân tử thấp trong quá trình chuyển hoá. Nó phản ánh các sự kiện diễn ra trong quá trình biểu hiện gen và cung cấp thêm các thông tin giá trị về quá trình trao đổi chất trong tế bào. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về phương pháp này.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống thực hiện đánh giá mối tương quan của trao đổi chất với khả năng sinh sản ở nữ giới, đặc biệt là cơ chế chuyển hoá trong dịch nang, môi trường nuôi cấy phôi và dịch nội mạc tử cung. Theo tổng quan này, có một số bằng chứng yếu cho thấy công nghệ metabolomic về môi trường nuôi cấy có thể dự đoán được tiềm năng của phôi để chuyển đơn phôi tốt hơn là đánh giá hình thái phôi. Tuy nhiên nghiên cứu này kết luận là hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy đánh giá các thành phần của quá trình chuyển hoá có thể cải thiện kết quả sinh sản [13]. Tất cả các nghiên cứu RCT về đánh giá sự trao đổi chất của noãn, khả năng phát triển của phôi và sự tiếp nhận của nội mạc tử cung của những phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cũng được phân tích trong tổng quan của Cochrane. Nghiên cứu này cũng đưa ra cùng kết luận rằng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào hỗ trợ hoặc bác bỏ việc sử dụng công nghệ metabolomic trên những phụ nữ điều trị hiếm muộn [14].

Như vậy, chuyển đơn phôi lựa chọn là phương pháp hữu hiệu giảm nguy cơ đa thai mà vẫn duy trì  khả năng điều trị thành công ở mức độ cao. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để đánh giá phôi chuyển trong đó phải kể đến là hệ thống theo dõi phôi time-lapse, PGT-A, đánh giá quá trình trao đổi chất của phôi… Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ưu và nhược điểm cũng như vai trò của các phương pháp này trong việc cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ và bệnh nhân nên là những người vạch ra chiến lược điều trị rõ ràng, lựa chọn phương pháp phù hợp để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh cho mẹ và bé.

CVPH. Lê Thị Bích Phượng- IVFMD Phú Nhuận

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]      Tiitinen A. Prevention of multiple pregnancies in infertility treatment. Best Pract Res Clin Obstet Gynaecol 2012;26:829–40. doi:10.1016/j.bpobgyn.2012.05.011.
[2]      Lu YH, Wang N, Jin F. Long-term follow-up of children conceived through assisted reproductive technology. J Zhejiang Univ Sci B 2013;14:359–71. doi:10.1631/jzus.B1200348.
[3]      Meseguer M. Time-lapse: the remaining questions to be answered. Fertil Steril 2016;105:295–6. doi:10.1016/j.fertnstert.2015.12.126.
[4]      Adamson GD, Abusief ME, Palao L, Witmer J, Palao LM, Gvakharia M. Improved implantation rates of day 3 embryo transfers with the use of an automated time-lapse-enabled test to aid in embryo selection. Fertil Steril 2016;105:369-75.e6. doi:10.1016/j.fertnstert.2015.10.030.
[5]      Rubio I, Galan A, Larreategui Z, Ayerdi F, Bellver J, Herrero J, et al. Clinical validation of embryo culture and selection by morphokinetic analysis: a  randomized, controlled trial of the EmbryoScope. Fertil Steril 2014;102:1287-1294.e5. doi:10.1016/j.fertnstert.2014.07.738.
[6]      Armstrong S, Arroll N, Cree LM, Jordan V, Farquhar C. Time-lapse systems for embryo incubation and assessment in assisted reproduction. Cochrane Database Syst Rev 2015:CD011320. doi:10.1002/14651858.CD011320.pub2.
[7]      Lee CI, Wu CH, Pai YP, Chang YJ, Chen CI, Lee TH, et al. Performance of preimplantation genetic testing for aneuploidy in IVF cycles for patients with advanced maternal age, repeat implantation failure, and idiopathic recurrent miscarriage. Taiwan J Obstet Gynecol 2019;58:239–43. doi:10.1016/j.tjog.2019.01.013.
[8]      Cimadomo D, Capalbo A, Ubaldi FM, Scarica C, Palagiano A, Canipari R, et al. The Impact of Biopsy on Human Embryo Developmental Potential during Preimplantation Genetic Diagnosis. Biomed Res Int 2016;2016. doi:10.1155/2016/7193075.
[9]      Scott RTJ, Upham KM, Forman EJ, Hong KH, Scott KL, Taylor D, et al. Blastocyst biopsy with comprehensive chromosome screening and fresh embryo transfer significantly increases in vitro fertilization implantation and delivery rates: a randomized controlled trial. Fertil Steril 2013;100:697–703. doi:10.1016/j.fertnstert.2013.04.035.
[10]   McCallie BR, Parks JC, Trahan GD, Jones KL, Coate BD, Griffin DK, et al. Compromised global embryonic transcriptome associated with advanced maternal age. J Assist Reprod Genet 2019;36:915–24. doi:10.1007/s10815-019-01438-5.
[11]   Harton GL, Munné S, Surrey M, Grifo J, Kaplan B, McCulloh DH, et al. Diminished effect of maternal age on implantation after preimplantation genetic diagnosis with array comparative genomic hybridization. Fertil Steril 2013;100:1695–703. doi:https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2013.07.2002.
[12]   Chang S, Nazem TG, Sekhon LH, Mukherjee T, Lee JA, Copperman AB. Transfer of a single genetically screened embryo in women >43 results in significantly higher pregnancy rates and lower pregnancy loss rates than transfer of multiple unscreened embryos. Fertil Steril 2019;111:e35. doi:10.1016/j.fertnstert.2019.02.088.
[13]   Bracewell-Milnes T, Saso S, Abdalla H, Nikolau D, Norman-Taylor J, Johnson M, et al. Metabolomics as a tool to identify biomarkers to predict and improve outcomes in  reproductive medicine: a systematic review. Hum Reprod Update 2017;23:723–36. doi:10.1093/humupd/dmx023.
[14]   Siristatidis CS, Sertedaki E, Vaidakis D. Metabolomics for improving pregnancy outcomes in women undergoing assisted reproductive technologies. Cochrane Database Syst Rev 2017;5:CD011872. doi:10.1002/14651858.CD011872.pub2.
Các tin khác cùng chuyên mục:
POSEIDON III, IV: MILD OR ANTAGONIST? - Ngày đăng: 11-11-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK