Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 21-02-2019 8:03am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Mục tiêu chính của IVF là lựa chọn phôi chuyển có chất lượng tốt nhất để cho ra một em bé khỏe mạnh. Trong gần 20 năm, đánh giá và phân loại phôi dựa trên hình thái là phương pháp chính của lựa chọn phôi. Nhờ sự phát triển của các hệ thống nuôi cấy phôi và cải tiến trong kỹ thuật trữ phôi đã giúp nuôi cấy và chuyển phôi nang đang dần trở thành hệ thống nuôi cấy phôi thường quy tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Gardner đã phát triển một hệ thống chấm điểm hình thái phôi nang dựa trên ba thành phần bao gồm đánh giá sự nở rộng khoang phôi, sự phát triển của khối tế bào bên trong (ICM) và lớp tế bào lá nuôi (TE). Cùng với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước làm tổ (PGT), việc áp dụng chiến lược chuyển đơn phôi (SET) cho bệnh nhân có nhiều phôi nguyên bội đang dần phổ biến. Tuy nhiên, không phải phôi nguyên bội nào cũng có khả năng làm tổ. Do đó, hiểu về ảnh hưởng của hình thái phôi nguyên bội đối với kết quả IVF là rất cần thiết. Trong các nghiên cứu trước đây, việc phân tích yếu tố nào trong hình thái phôi có khả năng tiên lượng tỉ lệ thai bị hạn chế do không phân tích toàn bộ nhiễm sắc thể; chuyển nhiều hơn một phôi, hoặc đánh giá dựa trên xếp loại của một trong ba thành phần phôi nang mà không phân tích tổng hợp cả ba thành phần.



Trên cơ sở này, tác giả Taraneh và cộng sự (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định xem liệu việc xếp loại phôi nang theo cả 3 thành phần (độ nở rộng, ICM và TE) sau rã đông và/hoặc một thành phần cụ thể (độ nở rộng, ICM hoặc TE) của phôi nang nguyên bội được sử dụng chuyển phôi đông lạnh đơn phôi (FET) có liên quan đến việc cải thiện kết quả IVF hay không, đặc biệt là tỷ lệ thai diễn tiến (OPR)/trẻ sinh sống (LBR).

Đây là một nghiên cứu đơn trung tâm, đoàn hệ hồi cứu, bao gồm các bệnh nhân vô sinh trải qua các chu kỳ IVF tự thân và FET đơn phôi nang nguyên bội sau đó từ tháng 2 năm 2012 đến tháng 11 năm 2017 (tổng cộng có 2.236 phôi từ 1.629 bệnh nhân). Kỹ thuật PGT được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm hai phương pháp là qPCR và NGS.

Kết quả phôi có ICM loại A so với C có tỷ lệ OPR/LBR cao hơn (55,6% so với 32,3%, P < 0,001). Cụ thể, so với loại C, phôi có ICM loại A có khả năng cho OPR/LBR cao gấp 2 lần, khả năng có thai lâm sàng cao gấp hai lần và nguy cơ sẩy thai sớm thấp hơn đáng kể. Ngược lại, các phôi nang có ICM loại C có khả năng gây sẩy thai sớm cao hơn. Các phôi nang có TE loại A hoặc B so với C có khả năng cho OPR/LBR cao hơn và phôi nang với độ nở rộng là 4 hoặc 5 so với 6 có tỷ lệ OPR/LBR cao hơn. Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy trong số các phôi nguyên bội, hình thái ICM là yếu tố tiên đoán tốt nhất khả năng làm tổ của phôi; tuy nhiên, loại tổng hợp cả ba thành phần có thể cung cấp thêm hướng dẫn bổ sung. Nghiên cứu cho thấy phôi nang có loại hỗn hợp > 4AB có kết quả thai vượt trội so với phôi 6AA.

Nghiên cứu lớn này là nghiên cứu đầu tiên đề xuất một hệ thống dựa trên dữ liệu để lựa chọn phôi nang nguyên bội tối ưu dựa trên hình thái. Tầm quan trọng của loại ICM trong việc lựa chọn phôi tối ưu để chuyển sau khi sàng lọc toàn bộ nhiễm sắc thể đã được chứng minh trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, loại tổng hợp cả 3 thành phần phôi nang, thay vì phân tích riêng biệt các thành phần riêng lẻ, cải thiện việc đánh giá và lựa chọn phôi trong PGT và có thể giúp tối đa hóa khả năng đạt được một thai kỳ khỏe mạnh. Các kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng các tiêu chí về bộ gen và hình thái giúp cung cấp thông tin bổ sung có thể tối ưu hóa kết quả sau chuyển phôi trữ đơn phôi nguyên bội.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có các hạn chế như đây là một nghiên cứu hồi cứu nên không kiểm soát được hoàn toàn yếu tố gây nhiễu; đánh giá chất lượng phôi dựa trên hình thái vẫn tồn tại yếu tố chủ quan; có tới 2 phương pháp PGT được sử dụng, trong đó qPCR có độ nhạy kém với thể khảm.

ThS. Nguyễn Hữu Duy – Chuyên viên phôi học – IVF Vạn Hạnh
 
Nguồn: The correlation between morphology and implantation of euploid human blastocysts. Reproductive BioMedicine Online, Volume 38 , Issue 2 , 169 – 176.
https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2018.10.007.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK