Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 08-10-2015 4:59am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng
co-gai-sinh-ra-trong-ong-nghiem-dau-tien-o-viet-nam

Cô bé Lan Thy ngày nào giờ đã thành thiếu nữ xinh đẹp, giỏi giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người đàn ông hồi hộp đứng ngoài phòng đẻ, hướng mắt vào trong và chờ điều kỳ diệu. Anh như vỡ òa trong hạnh phúc và sung sướng khi trông thấy bác sĩ vỗ mông đứa trẻ để bé khóc. 10 năm chờ đợi, cuối cùng vợ chồng anh Phạm Xuân Tài đã chạm tay vào ước mơ khi chào đón đứa con đầu lòng. Bé gái chào đời năm 1998 nặng 3,2 kg là một trong ba trẻ sinh ra từ ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam. Bé được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy thay cho lời cảm ơn hai bác sĩ đã giúp bố mẹ em hoàn thành tâm nguyện.

Trước đó, vợ chồng anh Tài từng chạy chữa khắp nơi để mong có mụn con nhưng đều thất bại. Sau cuộc gặp tình cờ với bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng anh Tài trở thành một trong những cặp đầu tiên được áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Lần cấy phôi đầu tiên, anh chị may mắn thành công. Tuy nhiên sau đó, chị Dung bị chảy máu, dọa sảy và buộc phải nằm viện vài tháng. Suốt 9 tháng mang bầu, gia đình anh Tài hồi hộp, phấp phỏng cho tới ngày ôm con vào lòng.

Vẻ đẹp trong sáng của cô gái sinh ra từ ống nghiệm

Nhắc lại khoảnh khắc trông thấy con yêu ra đời, anh Tài vẫn nguyên cảm xúc dù đã 17 năm trôi qua. "Khi ấy, tôi vui mừng kinh khủng. Sau bao năm lập gia đình, vợ chồng tôi cuối cùng cũng có con. Tôi đã rất xúc động", anh Tài kể.

Vì là ca đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật mới nên một, hai năm đầu, Lan Thy được bố mẹ đưa vào bệnh viện theo dõi. Ngày đó, lạ lẫm với cô bé sinh ra trong ống nghiệm, ai cũng muốn được bế bồng, chạm vào Lan Thy bằng xương bằng thịt. Anh Tài, hiện dạy ở một trường cao đẳng, chia sẻ Lan Thy cũng như bao trẻ sinh ra bằng phương pháp thông thường, cũng ốm sốt, mọc răng, quấy khóc.

"Ngày nhỏ, Lan Thy hay bị bạn bè kỳ thị và chọc ghẹo vì sự ra đời đặc biệt. Con bé rất buồn nên những lúc ấy, vợ chồng tôi phải giải thích cho con hiểu", anh Tài kể.

co-gai-sinh-ra-trong-ong-nghiem-dau-tien-o-viet-nam-1

Lan Thy lúc con nhỏ và ba mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhắc tới con gái, anh Tài cho hay lớn lên, Lan Thy ít chia sẻ với ba mẹ, không như trước đây lúc nào cũng "líu lo". Trong mắt anh, con gái độc lập, tự giác và ham học. Nhiều lúc thấy Lan Thy miệt mài, vợ chồng anh phải nhắc con nghỉ ngơi.

Cô bé Lan Thy ngày nào giờ đã là thiếu nữ xinh đẹp, học giỏi và đa tài của lớp 12B trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. Ngoài thành tích nhiều năm liền học giỏi, Lan Thy còn là thành viên đội văn nghệ của trường và tham gia nghiên cứu khoa học. Cô từng lọt vào top 20 cuộc thi Miss Áo dài toàn quốc. Năm cuối cấp học nặng nhưng Lan Thy luôn cố gắng không gây sức ép cho mình mà vẫn hoạt động phong trào bình thường. Thời gian rảnh, Lan Thy làm mẫu ảnh cho các tờ báo dành cho tuổi teen hoặc đi chơi cùng bạn bè.

Ở trường, cô nổi tiếng trong các hoạt động đoàn thể. Lan Thy tâm sự có "sở thích" tham gia các cuộc thi để ghìm lại "tính hiếu thắng và cái tôi lớn" của mình. Lan Thy khoe năm ngoái gặt hái được nhiều thành quả ngoài mong đợi. Không chỉ đạt học sinh giỏi, Lan Thy còn giành huy chương vàng Olympic môn sử. Mới đây, cô bé cũng vừa dự thi học sinh giỏi cấp thành phố môn học này.

Cởi mở và lễ phép, Lan Thy tự hào chia sẻ về sự ra đời của mình khi có ai hỏi chuyện, nhưng thừa nhận có thời điểm "không muốn nhắc tới chuyện đó". Trước đây, mỗi khi bị người khác gọi "cô bé ống nghiệm", cô thấy ức và tủi thân. "Có lần vượt quá sức chịu đựng, em đã xông vào đánh bạn. Họ nói em sinh ra không có mẹ", Lan Thy tâm sự. 

Trong giờ sinh học về thụ tinh trong ống nghiệm, Lan Thy nghe cô nói tới trường hợp của mình. Khi biết phương pháp đó là gì, em hơi "bất ngờ và không thể tin vào mắt mình". "Ban đầu em thấy phiền toái. Tại sao không gọi em là Lan Thy? Có lẽ như thế quá bình thường, gọi 'ống nghiệm' nghe đặc biệt hơn nên em quen rồi", nữ sinh chia sẻ.

Một ngày của Lan Thy bây giờ "hơi cực" khi sáng đi học, trưa tranh thủ ngủ, tối làm bài tập trên lớp và chuẩn bị tốt cho các cuộc thi. Sở trường các môn khối C và D nhưng Lan Thy lại yêu thích khối B, dù môn sinh, hóa hơi "đuối". "Em phải cố gắng hơn mọi người gấp nhiều lần để không bị coi thường chỉ vì em sinh ra trong ống nghiệm", Lan Thy nói.

Trong tương lai, cô định sẽ làm công việc liên quan tới ngành y. Lan Thy cho biết tiến bộ trong y học đã giúp em đến với cuộc đời này. Nữ sinh hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người, đúng như mong ước của ba mẹ em.

co-gai-sinh-ra-trong-ong-nghiem-dau-tien-o-viet-nam-2

Nữ sinh Lê Hồng Phong thích chụp ảnh và đi ăn vặt cùng bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bình Minh (Vnexpress)

Từ khóa: ống nghiệm
Các tin khác cùng chuyên mục:
Những nguyên nhân gây trễ kinh - Ngày đăng: 15-09-2015
Hút thuốc lá gây liệt dương - Ngày đăng: 10-09-2015
Tiêm phòng trước & trong khi mang thai - Ngày đăng: 09-06-2015
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK