Tin tức
on Monday 05-10-2015 8:35pm
Danh mục: Tin cộng đồng
“Phương pháp nuôi cấy blastocyst và PGS để chọn lựa phôi, tăng tỉ lệ thành công IVF lên 70% !!!” Có thật không?
Gần đây, rất nhiều cặp vợ chồng đến tư vấn về các thông tin trên và chúng tôi cũng đã gặp và giải thích cho nhiều cặp vợ chồng thất bại sau khi đã tiêu tốn từ nhiều trăm triệu đến gần cả tỉ đồng, để đi làm IVF ở nước ngoài. Chúng tôi thấy rằng các cặp vợ chồng Việt Nam cần được tư vấn rõ hơn và tìm hiểu kỹ hơn trước khi quyết định chọn lựa điều trị. Đây là mục đích của bài viết này.
Cần biết là khi làm IVF, tuổi càng lớn, khả năng thành công càng giảm, không thể nào thay đổi được điều này. Ở các nước phát triển như Mỹ và các nước Châu Âu, tỉ lệ thành công trung bình, với phụ nữ khoảng 35 tuổi, khi đi làm IVF (sau khi chuyển hết phôi) khoảng 40-50%. Đây là tỉ lệ thành công chung trên thế giới hiện nay. Nếu phụ nữ lớn tuổi, tỉ lệ có thai sẽ thấp hơn.
Tỉ lệ có thai là một phân số. Tử số là số trường hợp có thai, mẫu số là số trường hợp được chuyển phôi. Khi không thể tăng được tử số, để làm giá trị phân số này tăng lên, ta cần làm giảm mẫu số. Cái này thì ai cũng biết. Và các trung tâm IVF ở nước ngoài đã làm cách này để có con số cao hơn và dùng cho quảng cáo, thu hút bệnh nhân thiếu hiểu biết.
Giả sử có 100 phụ nữ đi làm IVF, tuổi trung bình vào khoảng 35 tuổi. Trung bình, các phụ nữ này sẽ chọc hút được khoảng 10 trứng, trung bình sẽ có khoảng 5-6 phôi ngày 2, nếu nuôi cấy tiếp sẽ có khoảng 4-5 phôi ngày 3 và khoảng 2-3 phôi blastocyst. Một số phụ nữ do chất lượng phôi không tốt, sẽ không có phôi khi nuôi cấy càng dài ngày. Chất lượng phôi càng tốt thì sẽ có nhiều phôi còn sống khi nuôi cấy dài ngày và ngược lại.
Như vậy, trong 100 người, sẽ có 95-100% người sẽ có phôi ngày 2; 90% sẽ có được phôi ngày 3; 50-60% sẽ có phôi đến blastocyst. Phải hiểu rằng không phải tất cả bệnh nhân đều có được phôi blastocyst. Đây là tỉ lệ tự nhiên không làm tăng hơn được. Hầu hết các trung tâm IVF ở Việt Nam đều có đủ điều kiện để nuôi phôi đến giai đoạn blastocyst. Thật ra, đơn giản là chỉ cần nuôi cấy phôi tiếp tục trong tủ cấy như đã làm, thêm vài ngày nữa.
Nếu nuôi cấy đến phôi ngày 3, đa số phụ nữ sẽ còn đủ số phôi để chuyển phôi 2 lần (mỗi lần chuyển khoảng 2 phôi). Mỗi lần chuyển phôi, khả năng có thai là khoảng 35%. Nghĩa là, sau lần chuyển phôi đầu tiên , có khoảng 35 người sẽ có thai. Đa số đều còn có thể chuyển phôi lần 2 do còn dư phôi. Trong số 65 người thất bại sau chuyển phôi lần đầu, khoảng 50 người sẽ còn phôi dư và tiếp tục chuyển phôi đông lạnh và sẽ có thể khoảng 15 người nữa có thai . Như vậy trong 100 người làm IVF, cuối cùng sẽ có khoảng 50 người có thai, tỉ lệ chung là 50%. Trong đó, mỗi lần chuyển phôi (phôi ngày 3), tỉ lệ có thai là 35%. Đây là tỉ lệ mà các trung tâm thường tư vấn cho phụ nữ trước chuyển phôi.
Nếu nuôi cấy phôi đến giai đoạn blastocyst, thực tế sẽ chỉ có khoảng 50-60 người có được phôi blastocyst và số phôi đi đến được giai đoạn blastocyst trung bình của mỗi người vào khoảng 2-3 phôi. Một số người không có phôi chuyển vì phôi ngưng phát triển trước khi đến giai đoạn blastocyst, hoặc phải ngưng nuôi cấy để chuyển phôi sớm hơn vì còn ít phôi tốt, không đủ để nuôi cấy tiếp. Như vậy, trong 100 người ban đầu, chúng ta có 60 người có phôi blastocyst, nếu chuyển phôi một lần khoảng 1-2 phôi blastocyst, ta sẽ có tỉ lệ có thai khoảng 50-60% trên một lần chuyển phôi. Như vậy, sẽ có khoảng 40 người có thai và 20 người không có thai. Khoảng 10 người, trong số 20 người không có thai sau chuyển phôi blastocyst lần đầu có thể còn phôi dư để chuyển phôi tiếp. Sau đó, có thể có thêm 5 người nữa có thai. Như vậy, nếu 100 người nuôi cấy phôi blastocyst, chúng ta sẽ có khoảng 45 người có thai, tỉ lệ chung là 45%. Nhưng nếu tính tỉ lệ có thai sau 1 lần chuyển phôi, tỉ lệ có thai có thể lên đến 50-60%. Và người ta thường dùng con số này để quảng cáo cho chuyển phôi blastocyst có tỉ lệ có thai cao hơn.
Thực tế, 100 người ở độ tuổi khoảng 35 tuổi, đi làm IVF, thì cho dù nuôi cấy phôi giai đoạn nào thì tỉ lệ có thai cuối cùng sau khi chuyển hết phôi có được cũng vào khoảng 50%. Nếu nuôi cấy kéo dài thì số phôi còn lại ít hơn, nhưng tỉ lệ có thai khi chuyển phôi sẽ cao hơn vì số số phôi kém đã bị loại đi trong qua trình nuôi cấy. Bản thân việc nuôi cấy phôi dài ngày không làm phôi tốt hơn mà chỉ giúp loại đi các phôi yếu.
Gần đây, một số trung tâm ở nước ngoài còn quảng cáo kỹ thuật PGS để chọn lọc phôi không bị bất thường nhiễm sắc thể. Bản chất kỹ thuật này là lấy đi một số tế bào của phôi để làm xét nghiệm di truyền, nếu phôi bất thường sẽ loại đi, phôi có số nhiễm sắc thể bình thường sẽ được cấy vào tử cung. Kỹ thuật này giúp tiếp tục loại đi một số phôi nữa. Tỉ lệ phôi blastocyst bị loại sau khi làm PGS là gần 50%. Như vậy, nếu làm thêm kỹ thuật PGS, số người còn phôi để chuyển chỉ còn khoảng 45 người (từ 100 người ban đầu) và số phôi còn lại của mỗi người chỉ còn khoảng 1-2 phôi blastocyst (sau PGS). Tuy nhiên, vì đây là phôi blastocyst, đã kiểm tra số lượng nhiễm sắc thể, nên tỉ lệ có thai sau 1 lần chuyển phôi rất cao. Nếu chuyển từ 1-2 phôi, tỉ lệ có thai có thể lên tới 70-80%. Nếu dùng tỉ lệ này để quảng cáo tỉ lệ thành công khi có thai khi làm IVF thì càng “khủng” hơn. Trên thực tế, với cách làm này, 100 người đi làm IVF, sẽ có 45-50 người còn phôi để chuyển và gần 40 người sẽ có thai.
Bảng tóm tắt ước tính khả năng thành công của 100 cặp vợ chồng (tuổi trung bình khoảng 35 tuổi) khi đi làm IVF với các cách chọn lựa chuyển phôi khác nhau
Cách chọn lựa phôi để CP | Số phụ nữ đi điều trị | Số phụ nữ được CP | Tỉ lệ có thai sau 1 lần CP | Số lần được CP | Số phụ nữ có thai (*) |
CP ngày 3 | 100 | 90-95 | 35-40% | 2-3 | 50-55 |
CP blastocyst | 100 | 60-65 | 50-60% | 1-2 | 45-50 |
CP blastocyst và làm PGS | 100 | 50-55 | 70-75% | 1 | 40 |
CP: viết tắt của chuyển phôi
(*) Sau khi đã sử dụng hết phôi có được khi làm IVF
Nhìn vào bảng tóm tắt trên, chúng ta sẽ hiểu được, các trung tâm IVF ở nước ngoài dựa vào đâu để quảng cáo tỉ lệ thành công của IVF. Họ dựa vào tỉ lệ có thai sau 1 lần CP của những người có được phôi tốt nhất sau khi đã chọn lọc. Cơ hội có thai thật sự, sau khi sử dụng hết phôi, của một lần làm IVF của người phụ nữ không hề tăng, thậm chí là ngược lại. Thật sự, đây cũng chỉ là con số họ dùng cho quảng cáo, bạn không thể nào biết được thật sự tỉ lệ có phải như vậy không.
Như vậy, càng nuôi cấy phôi dài ngày và làm thêm các kỹ thuật chọ lựa phôi thì tỉ lệ có thai cuối cùng có xu hướng giảm. Tại sao? Và tại sao người ta vẫn làm.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy càng nuôi cấy phôi dài ngày thì tỉ lệ có thai cộng dồn cuối cùng cho một lần làm IVF càng giảm là do sức sống của phôi nói chung sẽ bị ảnh hưởng khi để trong môi trường nhân tạo bên ngoài cơ thể càng lâu. Một số phôi trung bình/yếu khi nuôi bên ngoài cơ thể có thể bị ngưng hay suy yếu, nhưng khi cấy vào tử cung có thể sống tốt hơn và phát triển thành thai.
Bên cạnh đó, phôi khi thực hiện kỹ thuật sinh thiết để làm PGS (đem phôi ra ngoài và lấy đi một số tế bào trong phôi) cũng có thể làm phôi suy yếu đi. Do đó, phôi vượt qua được quá trình nuôi cấy dài ngày trong môi trường nhân tạo và vẫn sống sau khi bị lấy đi một số tế bào, là phôi có sức sống tốt nên khả năng phát triển thành thai cao và ít sẩy thai hơn.
Ưu điểm của kỹ thuật nuôi cấy blastocyst và PGS là phụ nữ có thể có thai với số lần chuyển phôi ít hơn và ít bị sẩy thai hơn, do phôi được chọn lọc kỹ hơn. Nhược điểm là tỉ lệ có thai nói chung, sau khi chuyển hết phôi còn lại, thấp hơn và chi phí cao hơn rất nhiều. Do đó, phương pháp điều trị này sẽ phù hợp với người trẻ tuổi, có rất nhiều phôi tốt, đến được giai đoạn blastocyst, ít bị ngưng giữa chừng vì phôi kém; đồng thời có điều kiện về tài chính để nuôi phôi đến blastocyst và làm xét nghiệm di truyền phôi (PGS). Riêng chi phí cho sinh thiết các phôi và làm tầm soát số lượng nhiễm sắc thể, PGS, có thể tương đương với một lần làm IVF, tuỳ theo số phôi xét nghiệm.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế chủ trương không phổ biến kỹ thuật PGS vì đây là kỹ thuật không phù hợp với đa số người Việt Nam do thật sự không làm tăng tỉ lệ có thai, trong khi chi phí lại quá đắt. Ngoài ra, một số người có thể lạm dụng kỹ thuật này để xác định giới tính của phôi. Trên thực tế, kỹ thuật PGS hiện nay cũng đã có ở Việt Nam, nhưng không phổ biến và không quảng cáo thoải mái như các trung tâm nước ngoài được.
Ở nước ngoài, các trung tâm IVF ít được Bộ Y tế sở tại kiểm soát và chịu nhiều áp lực cạnh tranh, phải lôi kéo bệnh nhân. Họ thường vi phạm pháp luật để làm các kỹ thuật bị cấm (mang thai hộ, chọn lựa giới tính) hoặc quảng cáo quá mức, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh để có thêm bệnh nhân. Một số người Việt Nam hiện cũng đang tiếp tay với các trung tâm IVF ở nước ngoài để quảng cáo quá mức, lôi kéo bệnh nhân đi ngước ngoài điều trị, để nhận hoa hồng trên chi phí người bệnh phải trả.
Chi phí trung bình một lần IVF, cho đến khi chuyển hết số phôi có được ở Việt Nam là vào khoảng 70 triệu. Chi phí làm IVF ở các nước trong khu vực cao hơn khoảng 3-4 lần, chi phí làm IVF kết hợp PGS cao hơn tổng cộng khoảng 6-7 lần, cộng thêm chi phí đi lại, ăn ở sẽ cao hơn làm IVF ở Việt Nam khoảng 8-10 lần. Tại các hội nghị khoa học trong khu vực, kết quả có thai và trình độ chuyên môn của IVF ở Việt Nam thường được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực.
Các cặp vợ chồng cần tìm hiểu và tham khảo kỹ các thông tin trước khi quyết định phù hợp. Không nên chỉ dựa vào thông tin của các “đại lý” ở Việt Nam hoặc một vài người điều trị thành công ở nước ngoài. Đa số những trường hợp thất bại thường không kể với bạn bè, người quen. Thật ra, bệnh nhân không bao giờ biết được tỉ lệ có thai sau chuyển phôi mà họ quảng cáo là có thật hay không và trung tâm IVF đó cũng không chịu trách nhiệm về kết quả có thai quảng cáo.
Độc giả có thể tham khảo them dưới đây kết quả một nghiên cứu phân tích gộp (meta-analysis) được công bố gần đây trên thư viện Cochrane, đây là những bằng chứng y học đáng tin cậy nhất hiện nay về hiệu quả của chuyển phôi giai đoạn ngày 2-3 (cleavage) so với giai đoạn ngày 5-6 (blastocyst). Kết quả phân tích cập nhật nhất cho thấy tỉ lệ có thai dồn sau một lần IVF cao hơn khoảng 1,58 lần, nếu chuyển phôi giai đoạn ngày 2-3 so với chuyển phôi ngày 5-6. Chuyển phôi blastocyst chỉ nên dành cho các trường hợp trẻ tuổi, nhiều phôi tốt, dễ có thai.
Glujovsky D, Blake D, Farquhar C, Bardach A. Cleavage stage versus blastocyst stage embryo transfer in assisted reproductive technology.
Cochrane Database Syst Rev. 2012 Jul 11;7:CD002118. doi:10.1002/14651858.CD002118.pub4.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22786480
Từ khóa: IVF
Các tin khác cùng chuyên mục:
Quy tắc ăn uống cho phụ nữ mãn kinh - Ngày đăng: 30-09-2015
Những nguyên nhân gây trễ kinh - Ngày đăng: 15-09-2015
Hút thuốc lá gây liệt dương - Ngày đăng: 10-09-2015
Phụ nữ tuổi 40 trở đi dễ bị bệnh tuyến giáp - Ngày đăng: 15-08-2015
9 điều nên và không nên làm để giảm nguy cơ mắc ung thư - Ngày đăng: 20-07-2015
Điều cần biết về bệnh nấm âm đạo - Ngày đăng: 08-07-2015
6 thực phẩm cần cho phụ nữ mãn kinh - Ngày đăng: 08-07-2015
Hội nghị sản phụ khoa Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 24 - cuộc gặp gỡ của những người đồng hương - Ngày đăng: 10-06-2015
10 lý do người Việt không nên đi làm thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ngoài - Ngày đăng: 09-06-2015
Tiêm phòng trước & trong khi mang thai - Ngày đăng: 09-06-2015
Những điều nên làm trong ba tháng đầu mang thai - Ngày đăng: 09-06-2015
Xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư buồng trứng - Ngày đăng: 05-05-2015
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK