Trường hợp khác, một phụ nữ bị buồng trứng đa nang người Bỉ đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Chị từng thụ tinh trong ống nghiệm để chữa vô sinh thất bại tại Bỉ, nỗi ám ảnh đau đớn do quá kích buồng trứng vẫn chưa nguôi. Khi biết đến kỹ thuật nuôi cấy trứng non “không gây quá kích buồng trứng”, chị tìm hiểu thông tin rồi quyết định gửi niềm tin vào các bác sĩ hiếm muộn Việt Nam.
“Lần đầu tiên chuyển phôi tươi không có thai nhưng do đã được tư vấn kỹ, lại đáp ứng nhu cầu lớn nhất là không quá kích buồng trứng nên bệnh nhân rất vui vẻ. Sau khi quay lại chuyển phôi trữ thành công, bệnh nhân mang thai và hạ sinh bé trai”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Các chuyên viên phôi học đang phân lập trứng non từ dịch nang. Ảnh: IVFMD. |
Hiện nay trên toàn thế giới chỉ có khoảng 50 trung tâm triển khai kỹ thuật nuôi cấy trứng non (In vitro maturation - IVM) để điều trị vô sinh. Là nơi duy nhất ở Đông Nam Á triển khai thành công, các chuyên gia Việt Nam được đại diện châu Á đi báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm tại các hội nghị quốc tế. Các nước như Singapore, Thái Lan... đã cử đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên qua học hỏi quy trình.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, Khoa Y ĐH Quốc gia TP HCM kiêm Tổng Thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, cho biết nuôi cấy trứng non có thể nói là một thành công vượt bậc của ngành hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam. Đây là kỹ thuật tương đối phức tạp, hầu hết các quy trình thường quy trong lâm sàng và labo đều được nghiên cứu cải tiến để tăng hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Kỹ thuật này hiện được thực hiện thường quy tại một số trung tâm lớn có thụ tinh trong ống nghiệm như Bệnh viện Từ Dũ, Mỹ Đức, An Sinh, Vạn Hạnh...
"Hiện nay, Việt Nam được xem như là một trong những nước thực hiện kỹ thuật nuôi trứng non thành công nhất trên thế giới. Mặc dù phát triển sau hơn 20 năm nhưng chuyên ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã có thể phát triển những kỹ thuật chuyên sâu ở trình độ thế giới", ông Tường chia sẻ.
Theo bác sĩ Đặng Quang Vinh, nuôi trứng non và thụ tinh trong ống nghiệm về cơ bản khá giống nhau, bao gồm lấy trứng ra ngoài, tạo thành phôi, nuôi phôi rồi chuyển vào tử cung. Vấn đề khác biệt là thụ tinh ống nghiệm phải tốn thời gian tiêm thuốc kích thích trứng lớn lên rồi mới lấy trứng đã trưởng thành ở cơ thể ra ngoài. Với kỹ thuật nuôi trứng non, chỉ tiêm “mồi” 3 ngày thuốc với liều lượng thấp. Trứng còn non sau khi lấy ra ngoài được nuôi cho trưởng thành trong ống nghiệm, sau đó mới tiến hành quy trình thụ tinh thường quy. Do không tiêm thuốc kích thích trứng nên loại trừ hẳn 100% nguy cơ quá kích buồng trứng.
Trước đây, những người bị buồng trứng đa nang khi thụ tinh ống nghiệm thường có nguy cơ quá kích buồng trứng rất nặng. Thai phụ thường phình căng bụng do tràn dịch ra bên ngoài. Bụng căng gây chèn ép dẫn đến khó thở, đi tiểu ít, trường hợp nặng phải bỏ thai, chấm dứt thai kỳ. Thậm chí trong tài liệu y khoa, đã có trường hợp tử vong vì quá kích buồng trứng được ghi nhận.
Về mặt chỉ định kỹ thuật, nuôi trứng non có thể được áp dụng cho nhiều đối tượng. Sau một thời gian nghiên cứu triển khai, các bác sĩ Việt Nam tổng kết thấy kỹ thuật này đem lại thành công cao nhất ở nhóm buồng trứng đa nang. Tỷ lệ thai lâm sàng ở bệnh nhân điều trị bằng kỹ thuật nuôi trứng non cũng tương tự với thụ tinh trong ống nghiệm, vào khoảng 40-45%. Trong khi đó, tổng chi phí chưa đến 2/3 so với thụ tinh trong ống nghiệm thường quy. Bên cạnh đó, nuôi trứng non cũng đem lại sự thuận tiện hơn cho bệnh nhân vì chỉ cần tiêm 3 mũi thuốc (so với 16-17 mũi tiêm của thụ tinh trong ống nghiệm thường quy) và tiết kiệm thời gian đi lại vì giảm được số lần cần tái khám.
Mày mò sang Hàn Quốc và Nhật Bản để học kỹ thuật này vào năm 2006, sau khi về nước các bác sĩ Việt Nam phải tự xây dựng, hoàn thiện phác đồ điều trị phù hợp với quy trình kỹ thuật trong nước. Trước kia, thời gian nuôi trứng non trong ống nghiệm được cố định một khoảng nhất định. Sau đó nhận thấy thời gian trưởng thành của mỗi trứng khác nhau nên các kỹ thuật viên theo dõi liên tục, canh trứng vừa trưởng thành thì lấy ra. Nhờ vậy, kết quả phôi tốt hơn. Đến nay, “trường phái nuôi trứng non Việt Nam” đã mang đến niềm hạnh phúc cho hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trong và ngoài nước.
“Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và tỉ mỉ. Do buồng trứng không được kích thích nên có kích thước rất nhỏ, khâu hút trứng đòi hỏi phải khéo léo mới hút được nhiều. Trong ống nghiệm cũng đòi hỏi phải tuân thủ điều kiện hết sức nghiêm ngặt và tốn thời gian theo dõi thường xuyên hơn”, bác sĩ Vinh phân tích.
Lê Phương
Nguồn: vnexpress.net
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...