Tài liệu tải xuống:
Ngày 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 9 chương, 91 điều quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề KBCB và cơ sở y tế; Điều kiện đối với người hành nghề KBCB; Sai sót trong chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám, chữa bệnh... Luật có hiệu lực từ 1/1/2011. Nhân dịp này, đại diện cơ quan quản lý và các cơ sở khám chữa bệnh đã có ý kiến chia sẻ với báo SK&ĐS.
|
TS.BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: “Giúp công tác quản lý cụ thể và hiệu quả hơn”
Đây là luật đầu tiên về KBCB, một vấn đề then chốt trong hoạt động y tế nhằm mục đích đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, nâng cao chất lượng KBCB, giảm phiền hà cho người bệnh. Luật KBCB được xây dựng về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra và là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ giữa người bệnh với người hành nghề và với cơ sở KBCB. Luật KBCB ra đời sẽ đáp ứng đầy đủ và chi tiết hơn so với các quy định về KBCB trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân được ban hành từ năm 1989 còn chung chung, mang tính nguyên tắc nên hiệu lực pháp luật không cao. Bên cạnh đó, việc ra đời luật này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong hoạt động KBCB. Luật KBCB cũng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý của Bộ Y tế trong thực tiễn có hiệu quả.
|
TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, Hà Nội: “Quyền lợi của thầy thuốc và người bệnh được bảo đảm bằng tính pháp lý”
Luật KBCB tạo cơ hội cho ngành y tế nói chung và cơ sở khám chữa bệnh trong đó có BV Việt Đức nói riêng phát huy những điều kiện vốn có và trang bị thêm những điều kiện khác để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Điều đáng chú ý nhất của luật này khi ra đời là quyền lợi cho người bệnh cũng như của cơ sở y tế và thầy thuốc được bảo đảm bằng tính pháp lý. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, chắc chắn sẽ có những vấn đề trong luật cần phải điều chỉnh liên tục để bắt kịp với thực tế diễn ra hàng ngày. Về phía BV Việt Đức, tôi cho rằng Luật KBCB là hết sức cần thiết và đáp ứng được những nhu cầu của công tác KBCB hiện nay.
|
ThS. Lương Đức Sơn, Giám đốc BVĐK tỉnh Điện Biên: “Tạo sự ganh đua công bằng giữa BV công và BV tư”
Thời gian qua, báo chí và đặc biệt là báo SK&ĐS đã đưa tin rất chi tiết về các phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Luật KBCB. Khi Quốc hội thông qua với số phiếu đồng thuận khá cao, chúng tôi là những cán bộ y tế cơ sở rất hoan nghênh. Bởi lẽ, Luật KBCB là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao chất lượng KCB và hoạt động quản lý KCB được nâng cao hơn. Là cán bộ làm công tác quản lý y tế ở địa phương vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, điều tôi quan tâm ở luật là việc Luật đã quy định rõ, cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở KCB tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân, điều này tạo ra sự ganh đua công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viên tư, qua đó thúc đẩy mỗi loại hình khám chữa bệnh cần phải nâng cao tay nghề cho thầy thuốc, bổ sung các trang thiết bị mới đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân. Việc phát triển của cơ sở KCB tư nhân cũng sẽ sẻ chia gánh nặng đầu tư của Nhà nước dành cho y tế, giảm bớt sự quá tải của các bệnh viện công lập.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...