Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 28-02-2014 9:25am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

New_Picture_2 Trên 50% phụ nữ bị trĩ trong thời gian mang thai và sau sinh. Dù không gây nguy hiểm tính mạng nhưng bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.

 


Dễ viêm nhiễm, gia tăng thiếu máu cho mẹ

ThS-BS Trần Anh Trứ - Khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện An Sinh cho biết, khi mang thai, tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên, khiến các tĩnh mạch giãn nỡ. Thai càng lớn, sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch càng cao, tĩnh mạch phần dưới trực tràng càng giãn to khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, do thai phụ thay đổi nội tiết, bổ sung nhiều canxi và sắt hơn thường ngày, ít vận động... sẽ dẫn đến táo bón. Việc gắng sức khi rặn để tống phân ra ngoài có thể tạo sức ép làm các tĩnh mạch bị giãn và dẫn đến trĩ.

Trong quá trình sinh, việc rặn không đúng, tử cung mở to làm tăng áp lực lên khoang chậu khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài, gây bệnh trĩ. Hoặc sau khi sinh, do kiêng khem nên khẩu phần ăn thường ít rau, ít nước, nhiều thịt; nhiều kiêng cữ khi di chuyển, vận động… cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.

Ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện triệu chứng, hoặc người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng như cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Sản phụ có thể bị trĩ nội hoặc trĩ ngoại. Trĩ ngoại dễ phát hiện hơn do có thể sờ thấy. Trĩ ngoại có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm và sinh ra các biến chứng như trĩ tắc mạch, huyết khối hoặc trĩ tắc mạch hoại tử và xuất huyết. Với trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, hoại tử hay nhiễm trùng búi trĩ.

Nhìn chung, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con nhưng gây khó chịu trong sinh hoạt và gia tăng sự thiếu máu cho người mẹ. Nếu mắc trĩ khi mang thai, việc rặn đẻ có thể làm bệnh nặng thêm, khiến sản phụ đau đớn và phải đối mặt với nhiều khó khăn sau sinh hoặc bệnh sẽ tăng nặng hơn do viêm nhiễm, tắc mạch, sa búi trĩ, áp xe… Ngoài ra, do kết cấu sinh lý khác nam, phụ nữ bị chảy máu do trĩ có thể gây viêm nhiễm âm đạo, gây hàng loạt các bệnh phụ khoa. Với phụ nữ mang thai, lượng estrogen tăng mạnh, vùng kín càng ẩm ướt càng dễ viêm nhiễm.

Chỉ điều trị sau khi sinh

Không ít thai phụ vì khó chịu đã tự ý đắp thuốc để làm mát, lưu thông máu và cầm máu nhưng bệnh không hết mà vết thương còn gây đau trong nhiều tuần, thậm chí cả tháng do thuốc tác dụng lên vùng niêm mạc rất nhạy cảm của hậu môn. Trĩ có thể gây hẹp hậu môn, để lại biến chứng nặng nề và quá trình điều trị rất khó khăn. ThS-BS Trần Anh Trứ cho biết, bệnh trĩ thường phối hợp với một số bệnh lý kèm theo như polyp, da thừa hậu môn, nứt hậu môn, rò hậu môn... Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, điều kiện của bệnh nhân.

Ở giai đoạn đầu, có thể điều trị bằng cải thiện chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, vệ sinh hợp lý. Rất ít thuốc chữa bệnh trĩ cho thai phụ, tuy nhiên, với các trường hợp trĩ gây khó chịu nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng kem, mỡ, thuốc bôi chống viêm tại chỗ, thuốc nhét hậu môn… kết hợp với tắm nước ấm hằng ngày để giảm triệu chứng mà vẫn an toàn. Một số trường hợp đặc biệt như trĩ tắc mạch đau nhiều, có thể gây tê tại chỗ để rạch xẻ lấy máu tụ, giúp bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi cơn đau. Các phương pháp uống thuốc, dùng các thủ thuật thắt trĩ, chích xơ búi trĩ; mổ trĩ nội lớn độ III, độ IV hay trĩ có biến chứng như chảy máu, trĩ tắc mạch… chỉ được tiến hành sau khi sinh.

Tắm nước ấm và ngâm mình trong nước ấm giúp bệnh trĩ thuyên giảm đáng kể do máu được kích thích lưu thông dễ dàng. Hoặc có thể dùng túi đá lạnh chườm lên vùng hậu môn hằng ngày để giảm cảm giác đau do sưng tấy.

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ là đừng để táo bón. Thai phụ cần tăng cường chất xơ như rau xanh, củ, quả; uống từ 2 - 2,5 lít nước/ngày; không ăn nhiều muối hoặc thực phẩm mặn, thức ăn quá nhiều gia vị; dù đã sinh hoặc chưa sinh, cần luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc vận động tại chỗ. Tránh tăng cân quá nhiều, vì sẽ tăng nguy cơ bị bệnh trĩ. Nếu bị táo bón kéo dài có thể sử dụng các chất xơ hòa tan.

Tránh ngồi, đứng quá lâu, ngủ nên nằm nghiêng, không nằm ngửa để giảm áp lực lên thành bụng. Không được nín, nhịn, hãy đi tiêu đều đặn. Rửa hậu môn bằng nước sạch rồi lau khô sau mỗi lần đi vệ sinh.

Nguồn: Báo Phụ Nữ Online

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Những điều ít biết về tinh trùng - Ngày đăng: 16-01-2014
Tránh đầy hơi ở thai phụ - Ngày đăng: 07-01-2014
Thai phụ có nên ăn đậu phộng ? - Ngày đăng: 07-01-2014
Cấn thai - Ngày đăng: 13-12-2013
Tăng sức đề kháng ở nam giới - Ngày đăng: 13-12-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK