Cấn thai có nhiều triệu chứng báo hiệu, kể cả điềm lành lẫn điềm xấu…
Thai bình thường
Có thể nói, mỗi phụ nữ cảm nhận một cách khác nhau khi mang thai, có người nhạy cảm nhận biết mình đang mang thai trước khi có xét nghiệm chính xác, nhưng cũng có người không hề hay biết gì.
Khi cấn thai, giờ ăn ngủ cũng xáo trộn, có chị thích ngủ tầm 9g sáng, có chị thích ngủ đầu giờ chiều… Đó là lúc cơ thể đòi nghỉ ngơi để phục vụ nhân vật quan trọng mà thôi.
Khi thai làm tổ tại tử cung, dịch âm đạo thường tiết nhiều hơn, đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường nhằm đẩy hết các tạp khuẩn ra khỏi “căn nhà” của bé.
Đến ngày "đèn đỏ" nhưng lại thấy chỉ ra chút máu - tình trạng này được các cụ gọi là “máu báo” (máu báo hiệu mang thai). Máu báo thường xuất hiện sau khi trứng làm tổ vào tử cung gây chảy máu một ít chứ không nhiều.
Khi cấn thai, nội tiết tố thay đổi khiến bà bầu non tháng thường cảm thấy nóng bức, thích mặc quần áo thoáng mát. Các giác quan trở nên nhạy bén hơn, chỉ cần cách cả chục mét đã ngửi thấy mùi khó chịu hoặc bị nôn khan. Sự gia tăng nội tiết tố cũng làm cho nhũ hoa sậm màu, căng cứng hơn bình thường. Có người còn cho rằng món ăn khi ốm nghén quyết định sinh con trai hay con gái. Điều này khiến nhiều bà bầu sau khi phát hiện mang thai lại cứ thích ăn chua hoặc ăn ngọt theo giới tính con mình mong muốn. Thực tế, trai hay gái đã hình thành ngay khi tinh trùng gặp trứng tạo thành phôi. Vì thế ăn chua hay ngọt không hề báo cho biết là con trai hay gái.
Cuối cùng là cấn thai giả. Đã có không ít trường hợp mong con đến mức ai có triệu chứng gì thì mình có nấy, chẳng hạn như nghén, nôn ói vào buổi sáng… nhưng thực tế không hề có thai. Để biết đích xác mình có thai hay không nên dùng que thử thai ngay khi thấy mất kinh, hoặc có quan hệ tình dục nhưng không dùng dụng cụ tránh thai từ 7-10 ngày.
Thai bất thường
Nếu ra máu sau khi trễ kinh cần theo dõi kỹ lượng máu, số ngày ra máu. Bởi, khi thai làm tổ cũng khiến mẹ ra huyết nhưng không thể ra nhiều như thời kỳ “đèn đỏ”. Nếu thấy có hiện tượng ra máu, máu sẫm màu hoặc thâm đen kèm đau bụng, cơn đau tăng dần, cần đi khám sức khỏe tại chuyên khoa sản và không được dùng thuốc giảm đau. Sự giảm đau của thuốc chỉ ngăn chặn luồng dẫn truyền thần kinh gây đau chứ thực chất cơn đau vẫn còn và có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, thai ngoài tử cung, trong quá trình di chuyển do tắc nghẽn vòi trứng, phôi không thể đi tiếp, phát triển tại vòi trứng có thể làm vỡ, xuất huyết, gây đau bụng dữ dội… Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra huyết như: kinh nguyệt thay đổi, thay đổi về thuốc tránh thai, “bị thương” khi giao hợp… cần đi khám để điều trị nguyên nhân.
Thai trứng: Đi kèm với phôi còn có nhau và túi ối, thai trứng xảy ra khi có sự phát triển bất thường của tế bào nuôi khiến gai nhau phình to, chứa dịch nhìn như chùm trứng nên gọi là thai trứng. Nếu còn phôi thì gọi là thai trứng bán phần, không còn phôi là thai trứng toàn phần. Thai trứng cũng gây trễ kinh, ốm nghén, mệt mỏi, xanh xao… xuất huyết âm đạo nhưng là dạng rong kinh kéo dài. Vì vậy, khi thấy máu báo dài ngày cần đi khám bác sĩ để điều trị.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Online
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...