Ước tính hơn 5% nam giới nói chung có bất thường về tinh dịch đồ. Nhiều báo cáo gần đây trên thế giới cho thấy ít nhất 50% trường hợp hiếm muộn có liên quan đến bất thường tinh trùng. Mặc dù nguyên nhân của vấn đề đến nay chưa được hiểu rõ, 30 – 80% trường hợp được cho là do các gốc ôxy hoá (reactive oxygen species – ROS) tăng quá cao trong tinh dịch làm tổn thương các tế bào tinh trùng.
Số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần
Thế giới: Một báo cáo trên tạp chí Human Reproduction tháng 2.2013, khảo sát 26.609 tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng có vợ bị tắc vòi trứng (số liệu lấy từ 126 trung tâm, từ năm 1989 – 2005), cho thấy số lượng tinh trùng trung bình của nam giới giảm khoảng 1,9% mỗi năm, từ 73,6 triệu/ml năm 1989 xuống còn 49,9 triệu/ml năm 2005 (Rolland và cộng sự, 2013). Trước đó, nhiều báo cáo lớn trên thế giới cũng ghi nhận kết quả tương tự. Carlsen và cộng sự (1992) công bố một tổng quan 61 báo cáo về tinh dịch đồ từ năm 1938 – 1991, tổng kết 1.497 kết quả tinh dịch đồ tại các bệnh viện, cho thấy chất lượng tinh trùng người giảm khoảng 1%/năm trong 50 năm qua. Một báo cáo khác của Swan và cộng sự (2000) với một phân tích tổng hợp trên 101 báo cáo trên khắp thế giới về tinh dịch đồ công bố trên y văn từ 1934 – 1996 cũng cho thấy số lượng tinh trùng người giảm 1,5 – 3%/năm trong suốt 60 năm, tuỳ khu vực.
Tại Việt Nam: Năm 2002, chúng tôi phân tích 396 tinh dịch đồ các cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn tại bệnh viện, dựa theo tiêu chuẩn cẩm nang của tổ chức Y tế thế giới 2009 (WHO 1999), kết quả cho thấy 78% tinh dịch đồ dưới ngưỡng tham khảo. Năm 2010, tinh dịch theo tiêu chuẩn WHO 2010 bắt đầu được sử dụng ở Việt Nam để đánh giá tinh dịch đồ. Trong tiêu chuẩn này, đa số các chỉ số tham khảo đều giảm so với tiêu chuẩn cũ, nhưng một loạt ba báo cáo lớn về kết quả tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng hiếm muộn, theo tiêu chuẩn WHO 2010 cho thấy tỷ lệ bất thường lại cao hơn số liệu hơn mười năm trước. Lê Hoàng Anh và cộng sự (CGRH) tổng kết 4.060 tinh dịch đồ các cặp vợ chồng hiếm muộn cho thấy 85,4% tinh dịch đồ có các trị số dưới ngưỡng tham khảo. Lại Văn Tầm và cộng sự (bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) tổng kết 10.506 tinh dịch đồ cho thấy 94,9% tinh dịch đồ có các trị số dưới ngưỡng tham khảo. Lâm Sơn Bích Trâm và cộng sự (bệnh viện Hùng Vương TP.HCM) tổng kết 752 tinh dịch đồ và báo cáo tỷ lệ tinh dịch đồ dưới ngưỡng tham khảo là 90,3%. Các kết quả trên cho thấy bất thường tinh dịch đồ ở nam giới đi khám hiếm muộn ở Việt Nam khá cao và có khuynh hướng tăng. Với tỷ lệ bất thường tinh trùng như trên, chúng ta có thể có khoảng 1 triệu nam giới bị hiếm muộn liên quan đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Nhân quả ROS-OS
Nhiều nghiên cứu cho rằng ROS là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần trong vài chục năm qua.
Sự gia tăng ROS có thể do nhiều nguyên nhân: nhiệt độ, môi trường sống, từ trường, phóng xạ, ô nhiễm, thuốc trừ sâu, rượu, thuốc lá, căng thẳng tinh thần, béo phì, chế độ ăn không hợp lý, nhiễm trùng, miễn dịch và các bệnh mạn tính… Tăng ROS có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hoá (oxidative stress – OS). OS gây vô sinh nam theo hai cơ chế: gây tổn thương màng tinh trùng, do đó làm giảm khả năng di động và khả năng thụ tinh của tinh trùng; gây tổn thương DNA của tinh trùng dẫn đến giảm khả năng thụ tinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi sau khi thụ tinh. Qua đó, tăng ROS có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi và thai nhi sau này.
Tại Việt Nam, với sự biến đổi của lối sống, môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí và vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, ROS có thể là tác nhân hàng đầu trong cơ chế gây hiếm muộn nam giới.
Đã đo được ROS
Việc đo ROS đã trở thành một biện pháp hữu ích trong việc đánh giá ban đầu và theo dõi hiếm muộn nam giới. Một phương pháp đo gián tiếp hàm lượng ROS được sử dụng phổ biến hiện nay là phương pháp đo huỳnh quang, sử dụng đầu dò luminol hay lucigen. Phương pháp đo huỳnh quang này định lượng được toàn bộ hàm lượng ROS trong điều kiện sinh lý học và dễ sử dụng. Việc tìm ra phương pháp tối ưu để đo hàm lượng ROS đã mở ra hướng nghiên cứu đi tìm mối liên quan của ROS với các bất thường ở tinh trùng.
Năm 2007, Moein và cộng sự so sánh hàm lượng ROS ở tinh dịch của người đàn ông sinh sản bình thường và người đàn ông vô sinh. Kết quả cho thấy hàm lượng ROS ở bệnh nhân vô sinh cao gấp gần mười lần so với người bình thường. Một kết quả tương tự được tác giả Fingerova và cộng sự đưa ra hai năm sau đó.
Năm 2012, CGRH và phòng thí nghiệm tế bào gốc (đại học Khoa học tự nhiên) thuộc đại học Quốc gia TP.HCM đã triển khai nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nhằm thiết lập quy trình định lượng ROS trong tinh dịch và tinh trùng sau lọc rửa bằng phương pháp đo huỳnh quang (Nguyễn Thị Hồng Vinh và cộng sự, 2013). Nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về ROS cũng tìm ra mối tương quan rõ rệt giữa tăng ROS và chất lượng tinh trùng.
Sau khi xây dựng được quy trình kỹ thuật định lượng ROS ở Việt Nam, CGRH tiếp tục thực hiện một nghiên cứu khác, đánh giá ROS trong tinh dịch trên 600 trường hợp đi khám hiếm muộn để có cơ sở bước đầu định lượng ROS trong điều kiện lâm sàng ở Việt Nam. Kết quả phân tích bước đầu cho thấy có 20 – 30% tăng ROS, dựa theo ngưỡng đề nghị của Desai và cộng sự, 2008; đồng thời nồng độ ROS trong tinh dịch cũng có mối tương quan có ý nghĩa thống kê với các chỉ số trong tinh dịch. Ngoài ý nghĩa về mặt kỹ thuật, kết quả nghiên cứu của CGRH bước đầu xác định vai trò của ROS trong nguyên nhân và cơ chế gây hiếm muộn do nam giới ở Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các phương tiện chẩn đoán và phát triển các phác đồ điều trị hiệu quả cho hiếm muộn nam giới có liên quan tới ROS. Trong năm 2013, CGRH bắt đầu chuyển giao công nghệ định lượng ROS trong tinh dịch cho một số bệnh viện chuyên khoa tại TP.HCM và Cần Thơ.
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...