Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 04-09-2022 4:06am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Nguyễn Thuỳ Linh Trang – Olea Fertility
BS. Hồ Ngọc Anh Vũ – IVFMD Tân Bình

Hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovarian syndrome - PCOS) là rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy vậy, những hiểu biết về hội chứng này hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tiêu chuẩn chẩn đoán đang được sử dụng phổ biến nhất là Rotterdam (2013). PCOS được chia thành 4 loại kiểu hình A, B, C hoặc D tuỳ thuộc vào sự tổ hợp của 3 tiêu chí chẩn đoán. Tuy được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng nhưng tiêu chuẩn vẫn còn nhiều hạn chế như (i) thiếu tính đặc hiệu, (ii) không dựa vào nguồn gốc, sinh lý, di truyền của bệnh, (iii) kiểu hình của một cá thể có thể thay đổi theo thời gian. Để tìm ra giải pháp khắc phục những vấn đề này, Gleicher và cộng sự (2022) đã đề xuất một khuynh hướng mới trong phân loại và chẩn đoán PCOS, dựa trên sự đánh giá 2 tiêu chí: nồng độ androgen và đặc điểm của các loại kiểu hình.
 
Nồng độ androgen
Theo nhóm tác giả, việc tái định nghĩa kiểu hình D thành kiểu hình duy nhất không tăng androgen là chưa chính xác. Khác với ba kiểu hình A, B, C là cường androgen, kiểu hình D có nồng độ androgen thay đổi rõ rệt theo tuổi: trước 35 tuổi nồng độ androgen tăng cao chủ yếu do tuyến thượng thận tăng chế tiết, sau 35 tuổi nồng độ androgen thấp dưới mức bình thường (Hình 1). Việc giảm sản xuất androgen từ tuyến thượng thận ảnh hưởng lên chức năng buồng trứng nhưng có thể bù trừ được bằng androgen ngoại sinh, từ đó “phục hồi” chức năng buồng trứng.
 
Đặc điểm các loại kiểu hình
Kiểu hình D có nhiều điểm khác biệt rõ rệt so với các loại kiểu hình khác trên lâm sàng. Trong khi kiểu hình A, B, C liên quan tới béo phì, rậm lông, mụn trứng cá, thiểu kinh hoặc vô kinh do không phóng noãn thì kiểu hình D thường không có những dấu hiệu này. Bệnh nhân kiểu hình D thường có thể có kinh nguyệt đều và những chu kỳ có phóng noãn. Dưới góc độ kiểu gien, kiểu hình A, B, C có mối quan hệ mật thiết với các hội chứng chuyển hóa, trong khi kiểu hình D có biểu hiện của tăng hoạt hệ miễn dịch, thường đặc trưng bởi các bệnh tự miễn và phản ứng viêm.
 
Dựa vào những sự khác biệt đã nêu ở trên, nhóm nghiên cứu đề nghị phân loại PCOS thành hai nhóm riêng biệt, dựa trên cơ sở sự khác biệt nồng độ androgen trong máu:
  • H-PCOS (hyperandrogenic PCOS): PCOS kiểu cường androgen, thay cho kiểu hình A, B, C hiện tại, đặc trưng bởi nồng độ androgen cao hơn so với mức bình thường và các rối loạn về chuyển hóa.
  • HH-PCOS (hyper-/hypoandrogenic PCOS): PCOS kiểu cường/giảm androgen, với đặc điểm có sự thay đổi về nồng độ androgen theo hướng tăng cao rồi sau đó suy giảm, đại diện cho kiểu hình D theo phân loại hiện tại, đặc trưng bởi sự tăng hoạt hệ thống miễn dịch.

Hình 1. Lược đồ về sự sụt giảm androgen theo tuổi ở phụ nữ PCOS và không PCOS.

Để trả lời cho câu hỏi liệu tình trạng sụt giảm androgen ở nhóm bệnh nhân HH-PCOS trên 35 tuổi có phải là nguyên nhân gây ra thất bại với điều trị hỗ trợ sinh sản hay không, Gleicher và cs. (2022) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc bổ sung androgen trước chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (TTON) cho nhóm đối tượng này. Đây là một nghiên cứu bệnh chứng, dân số nghiên cứu là phụ nữ > 35 tuổi, được chẩn đoán HH-PCOS theo các tiêu chí nghiêm ngặt, đã thất bại với điều trị hiếm muộn phác đồ chuẩn. Nhóm chứng bao gồm những phụ nữ > 35 tuổi, được xác định có giảm androgen máu nhưng không thoả các tiêu chí chẩn đoán HH-PCOS, không có các bệnh lý tự miễn hay phản ứng viêm. Trước khi bắt đầu chu kỳ điều trị TTON, bệnh nhân ở cả 2 nhóm được bổ sung với DHEA (dehydroepiandrosterone), 25mg ba lần một ngày trong ít nhất 6 đến 8 tuần cho tới khi mang thai. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu chỉ tính riêng chu kỳ TTON đầu tiên sau bổ sung DHEA, tỷ lệ hủy chu kỳ, số noãn chọc hút được và số phôi chuyển giữa 2 nhóm không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ thai và tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn cũng không có sự khác biệt (Bảng 1). Nghiên cứu này cung cấp cho các nhà lâm sàng một góc nhìn mới tiềm năng về PCOS: nhóm phụ nữ HH-PCOS trên 35 tuổi có thể được đánh giá chưa đầy đủ, và việc bổ sung androgen là một giải pháp điều trị đơn giản làm tăng hiệu quả của điều trị TTON ở nhóm bệnh nhân này. Hạn chế của nghiên cứu liên quan tới sự phân phối không đồng đều giữa các nhóm bệnh nhân PCOS tới điều trị tại trung tâm, với phần lớn là PCOS kiểu hình D, được giải thích có thể là do tỷ lệ thất bại cao ở nhóm bệnh nhân này ở lần điều trị trước tại các trung tâm khác.

Bảng 1. Kết quả các chu kỳ TTON.
  HH-PCOS
(n = 54)
Nhóm chứng
(n = 50)
p-value/ p hiệu chỉnh theo tuổi
Chu kỳ TTON đầu tiên      
Huỷ chu kỳ (n/%) 8 (14,8) 9 (18,0) 0,7922/0,6392
Số noãn chọc chút được (n) 5,9 ± 6,0 7,8 ± 9,1 0,1990/0,0950
Số phôi chuyển (n) 1,4 ± 1, 3 1,6 ± 1,6 0,4892/0,5779
Tỷ lệ thai lâm sàng (n/%) 8 (14,8) 8 (16,0) 1,0000/0,7349
Số lần sinh sống (n/%) 8 (14,8) 5 (10,0)  
Cộng dồn các chu kỳ TTON (n/%)     0,8253
n = 1 24 (44,4) 27 (54,0)  
n = 2 13 (24,1) 10 (20,0)  
n = 3 7 (13,0) 5 (10,0)  
n = 4+ 10 (18,5) 8 (16,0)  
Ít nhất 1 lần thai lâm sàng (n/%) 12 (22,2) 12 (24,0) 1,000
Ít nhất 1 lần sinh sống (n/%) 11 (20,4) 8 (16,0) 0,6187


Nguồn tham khảo: Gleicher, N.; Darmon, S.; Patrizio, P. Reconsidering the Polycystic Ovary Syndrome (PCOS). Biomedicines 2022, 10, 1505. https://doi.org/10.3390/ biomedicines10071505
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK