Tin tức
on Friday 03-09-2021 8:37am
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận
Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) lần đầu tiên được giới thiệu tại Bỉ bởi Palermo và cộng sự vào năm 1992. Từ đó đến nay, ICSI trở thành kỹ thuật được thực hiện phổ biến và thường quy tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, chỉ định thực hiện ICSI tăng từ 36% vào năm 1996 lên đến 76% vào năm 2012. Trong những năm đầu được áp dụng, kỹ thuật này chỉ được chỉ định cho những trường hợp vô sinh do yếu tố nam giới. Nhưng cho đến nay, ICSI được chỉ định cho mọi nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn. Tại các quốc gia thuộc vùng Trung Đông, kỹ thuật ICSI gần như chiếm 100% ở các chu kỳ thực hiện hỗ trợ sinh sản. So với kỹ thuật IVF cổ điển, tỉ lệ thất bại thụ tinh hoàn toàn ở những chu kỳ ICSI thấp hơn hẳn và đây cũng là một trong những lý do giúp kỹ thuật ICSI được chỉ định nhiều hơn. Thất bại thụ tinh hoàn toàn trong các chu kỳ IVF cổ điển dao động từ 5 - 20%, và tỉ lệ này gây nhiều khó khăn cho bác sĩ cũng như bệnh nhân. Mặc dù với những lợi ích mà ICSI mang lại, việc chỉ định rộng rãi kỹ thuật này cho các cặp đôi vô sinh không do yếu tố nam giới vẫn còn gây nhiều tranh cãi.Trong số những chiến lược có khả năng hữu ích trong việc thúc đẩy chỉ định thực hiện IVF cổ điển là rescue ICSI (r.ICSI). r.ICSI là kỹ thuật thực hiện ICSI từ 2 đến 24 giờ kể từ khi noãn được thụ tinh bằng kỹ thuật IVF cổ điển và không có dấu hiệu thụ tinh. Kỹ thuật này có thể tiềm năng đối với các chu kỳ có tỉ lệ thụ tinh thấp hay thất bại thụ tinh hoàn toàn. Những báo cáo trước đây cho thấy, tỉ lệ thụ tinh thành công thấp trong những chu kỳ thực hiện r.ICSI sau 24 giờ (r.ICSI trễ). Nguyên nhân có thể là do noãn đã giảm chất lượng cũng như không có sự đồng bộ giữa sự phát triển của nội mạc tử cung với sự phát triển của phôi. Để hạn chế những tác động trên, r.ICSI sớm thường được thực hiện khoảng 4 - 8 giờ sau thụ tinh bằng IVF cổ điển, cho tỉ lệ thụ tinh cao hơn. Gần đây, một số nghiên cứu báo cáo rằng kết quả thai của các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh bằng kỹ thuật r.ICSI muộn có cải thiện hơn. Quy trình đông lạnh rã đông cho phép khắc phục được những vấn đề kỹ thuật và sinh học của phương pháp r.ICSI muộn, cho phép quy trình này được sử dụng thường xuyên hơn giúp hạn chế nguy cơ thất bại thụ tinh hoàn toàn ở các chu kỳ IVF cổ điển. Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp này được thực hiện nhằm đánh giá xem liệu chuyển phôi r.ICSI đông lạnh có giúp tăng tỉ lệ thành công ở những chu kỳ thất bại thụ tinh hoàn toàn khi thực hiện IVF cổ điển hay không.
Số liệu được thu nhận từ các nghiên cứu đăng tải trên hệ thống Pubmed và Embase với các từ khoá “rescue ICSI” (hoặc r.ICSI), hoặc “ICSI trễ (delayed ICSI)”. Tổng cộng có 22 nghiên cứu đủ tiêu chuẩn, với 1.686 chu kỳ r.ICSI muộn và 12.945 noãn được tiêm. r.ICSI được thực hiện trong khoảng 15 - 24 giờ kể từ lúc thực hiện IVF cổ điển. Số ca có thai lâm sàng sau r.ICSI trong chu kỳ chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ tương ứng là 83 và 149 ca với số ca có thai diễn tiến/ số ca sinh tương ứng là 65 và 121 ca.
Trong 8 báo cáo trường hợp, có tổng cộng 9 chu kỳ với 71 noãn được r.ICSI > 18 giờ sau IVF cổ điển. Tuổi của bệnh nhân trong nghiên cứu dao động từ 28 - 42 tuổi. Tỉ lệ thụ tinh 2PN cộng dồn là 63,4% (CI 95%: 52– 74%), tỉ lệ làm tổ là 56% (CI 95%: 34– 75%). Các trường hợp sinh ít nhất một bé đã được báo cáo trong 5 nghiên cứu, tất cả trẻ sinh đều khoẻ mạnh và không mang dị tật. Có 2 nghiên cứu báo cáo chuyển phôi đông lạnh thành công và sinh ra 2 trẻ khoẻ mạnh.
Trong 14 nghiên cứu hồi cứu, tổng cộng có 1.677 chu kỳ với 12.874 noãn được r.ICSI từ 15-24 giờ sau IVF cổ điển. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân từ 31,1- 36,7 tuổi. Tỉ lệ 2PN trong các nghiên cứu dao động từ 30 - 92% với tỉ lệ cộng dồn là 54% (CI 95%: 48– 60%). Tỉ lệ thụ tinh bất thường được báo cáo trong 5 nghiên cứu dao động từ 5 - 9%. Trong phần lớn các nghiên cứu, noãn được r.ICSI bằng tinh trùng đã lọc rửa vào ngày hôm trước. Có 1 nghiên cứu cho thấy tỉ lệ 2PN cao hơn đáng kể khi sử dụng mẫu tinh trùng mới được lọc rửa vào ngày r.ICSI. Có 12 nghiên cứu báo cáo về kết quả thai với tỉ lệ làm tổ dao động từ 0 - 11%. 76 trường hợp thai lâm sàng được báo cáo tương ứng với tỉ lệ thai lâm sàng trên chu kỳ r.ICSI dao động từ 0 - 17% (CI 95%: 7–15%).
Trong số 53 trẻ sinh ra từ các chu kỳ chuyển phôi tươi từ r.ICSI, không có dị tật trên trẻ nào được báo cáo. Có khoảng 38% bệnh nhân không có phôi hữu dụng trong các chu kỳ r.ICSI trễ. 5 nghiên cứu báo cáo về kết quả chuyển phôi đông lạnh từ các chu kỳ r.ICSI. Tỉ lệ cộng dồn của các chu kỳ có phôi đông lạnh là 34% (CI 95%: 32 – 37%). Tỉ lệ bệnh nhân có phôi nguyên bội trong những chu kỳ đông lạnh phôi bằng phương pháp thuỷ tinh hoá kết hợp với PGT là 25% (CI 95%: 9- 53%). Trong một nghiên cứu khác, tỉ lệ bệnh nhân có phôi hữu dụng từ r.ICSI là 65% (CI 95%: 61- 69%).
Trong 406 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh có tổng cộng 781 phôi được chuyển có tỉ lệ làm tổ dao động từ 13,3% đến 23,7%. Tỉ lệ thai lâm sàng dao động từ 25%- 50%. Tổng hợp định lượng cho thấy tỉ lệ làm tổ khoảng 18% (CI 95%: 11 - 27%) và tỉ lệ thai trên số chu kỳ chuyển phôi đông lạnh từ r.ICSI là 36% (CI: 31- 41%). Trong số 126 trẻ được sinh ra từ phôi r.ICSI đông lạnh, có một trường hợp trẻ dị tật tai nhỏ bẩm sinh (microtia) được ghi nhận.
Như vậy, kết quả của nghiên cứu này ủng hộ cho quan điểm r.ICSI kết hợp với chuyển phôi đông lạnh có thể khắc phục được các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và đặc điểm sinh học của phôi và sự tiếp nhận của nội mạc tử cung trong các chu kỳ chuyển phôi tươi từ r.ICSI trễ. Do đó, quan điểm này có thể có hiệu quả cho những trường hợp thụ tinh kém hay thất bại thụ tinh hoàn toàn ở những bệnh nhân thực hiện kỹ thuật IVF cổ điển.
Nguồn: Alessio Paffoni và cs., 2021. Should rescue ICSI be re-evaluated considering the deferred transfer of cryopreserved embryos in in-vitro fertilization cycles? A systematic review and meta-analysis. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00784-3
Các tin khác cùng chuyên mục:
Số lượng noãn hoặc phôi cần để tối ưu hoá tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ sinh sống cộng dồn trong các chu kỳ IVF kích thích buồng trứng nhẹ - Ngày đăng: 03-09-2021
Mối tương quan giữa kết quả thụ tinh bất thường trong ICSI và các thông số tinh dịch đồ bất thường: một nghiên cứu quan sát hồi cứu trên 1855 trường hợp - Ngày đăng: 03-09-2021
Kết quả ICSI trên 117 bệnh nhân có bất thường tinh trùng đuôi ngắn nghiêm trọng trong một nghiên cứu quan sát hồi cứu - Ngày đăng: 02-09-2021
Kết quả IVF cộng dồn sau khi thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn: chúng ta có nên sử dụng tinh trùng bất động cho ICSI? - Ngày đăng: 02-09-2021
TINH TRÙNG ĐẦU KIM VÀ KẾT QUẢ TIÊM TINH TRÙNG VÀO BÀO TƯƠNG NOÃN (ICSI) - Ngày đăng: 30-08-2021
Ảnh hưởng của giai đoạn phát triển của phôi, phân loại hình thái và trạng thái nhiễm sắc thể lên tỷ lệ trẻ sinh sống trong chu kỳ chuyển đơn phôi nang đông lạnh - Ngày đăng: 28-08-2021
Các yếu tố độc hại trong dịch nang ảnh hưởng bất lợi đến khả năng mang thai và trẻ sinh sống ở phụ nữ thực hiện IVF - Ngày đăng: 28-08-2021
Ảnh hưởng của hình thái phôi nang và tốc độ phát triển đối với chiến lược chuyển phôi nang loại “C” trong chu kì chuyển phôi đông lạnh - Ngày đăng: 28-08-2021
Hiệu quả lâm sàng của việc kết hợp các kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trên những bệnh nhân beta-thalasemia/hemoglobin e. Nghiên cứu hồi cứu đơn trung tâm - Ngày đăng: 28-08-2021
Mười một trường hợp trẻ sinh sống khỏe mạnh: Kết quả của kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phôi lệch bội kết hợp chẩn đoán đồng thời bệnh α- và β-thalassemia - Ngày đăng: 28-08-2021
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK