Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 28-01-2013 12:45am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

images_12 Hôm nay (26.1), tại TPHCM, báo Lao Động phối hợp với Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) tổ chức hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” với mục đích giới thiệu về một số thành tựu của ngành y tế trong nước, đồng thời thảo luận các vấn đề hướng tới kêu gọi “ Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam”.

Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh tại các BV ở Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ… Tính toán chưa đầy đủ, khoảng trên 1 tỉ USD/năm là chi phí người Việt phải trả cho các dịch vụ y tế nước ngoài. Mỗi người đi chữa bệnh ở nước ngoài không chỉ trả viện phí, mà còn chi phí cho người đi theo chăm sóc, phiên dịch, tái khám, vận chuyển… Trong khi đó,  theo các bác sĩ, các chuyên gia có nhiều loại bệnh không nhất thiết phải ra nước ngoài bởi trong nước có thể chữa trị rất tốt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung Ương nhấn mạnh trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam đã đạt được những thành tựu ngang tầm với y học của khu vực và thế giới. Vừa qua, có 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực vừa được quốc tế ghi nhận là thành tựu y dược nổi bật của riêng Việt Nam như ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương… Ngoài ra, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn Việt Nam để chữa trị bệnh.

Laodong.com.vn xin trích đăng những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, bác sĩ, chuyên gia, nhà quản lý... tại hội thảo:

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM:

Người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn ngày càng tăng

15 năm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đã thành công ở Việt Nam, đến nay cả nước có 15 trung tâm TTTON và hơn 10.0000 trẻ ra đời. Việt Nam là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới.

BS_Nguyen_Thi_Ngoc_Phuong

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng phát biểu tại hội thảo

Theo thống kê chưa đầy đủ từ 3 trung tâm TTTON lớn ở TPHCM là BV An Sinh, BV Vạn Hạnh, BV Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị TTTON và số ca điều trị thành công cao. Xu hướng này tăng qua từng năm.

Các yếu tố giúp TTTON ở Việt Nam thành công là nguồn nhân lực, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ dành cho bệnh nhân, đặc biệt chi phí điều trị TTTON ở Việt Nam thấp chỉ vào khoảng ¼ đến 1/3 so với các nước trong khu vực, so với Mỹ chỉ vào khoảng 1/8 đến 1/6. Đặc biệt, một  số bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị là từ các nước mà TTTON được điều trị gần như miễn phí.

TS.BS Trần Hải Yến - Phó GĐ BV Mắt TPHCM:

“Nguồn nhân lực là quan trọng nhất”

Một trong các yếu tố có vai trò nhất định trong chuỗi các vấn đề cần xem xét là hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Tại Việt Nam, đội ngũ chuyên môn giỏi chỉ tập trung ở một số bệnh viện công tuyến trên. Các bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư thiết bị hiện đại, vẫn vắng bệnh nhân bởi không có bác sĩ giỏi. Đề án 1868 nhằm chia sẻ nguồn lực của tuyến trên cho tuyến dưới của Bộ Y tế vẫn chỉ mang tính tạm thời, chữa cháy.

BS_Tran_Hai_Yen

BS Trần Hải Yến

Có thể xem xét việc một bác sĩ có thể hành nghề nhiều nơi để tuyến dưới, bệnh viện tư nhân có thể mời các chuyên gia giỏi làm việc lâu dài với lịch làm việc phù hợp. Khi có đội ngũ chuyên môn giỏi thì các cơ sở sẽ mạnh dạn đầu tư, trình độ bác sĩ đồng đều thì sẽ giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ Nguyễn Thy Hùng - Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương:

Phải nhìn vào thực tế để có quyết sách

OTHYHUNG

BS Nguyễn Thy Hùng

Hiện nay, người Việt Nam vẫn chọn ra nước ngoài để khám, chữa bệnh mà đối tượng này thường là những người có điều kiện, họ mong muốn nhận được những dịch vụ tốt, xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là hiện điều kiện của chúng ta vẫn còn rất nhiều thiếu thốn: tính chuyên nghiệp chưa có; trình độ bác sĩ nếu phân chia ra thì 20% là tốt, 60% là trung bình, 20% là yếu. Người bệnh cũng chỉ tin vào những bệnh viện có thương hiệu, các bệnh viện tuyến trên nơi tập trung những bác sĩ giỏi… Do đó, công tác đầu tư vào nguồn nhân lực y tế cần phải được chú trọng hơn nữa, muốn thu hút bệnh nhân trước hết chúng ta phải tự thay đổi.

Bộ Y tế nên có những thống kê rõ ràng những cái mà chúng ta làm được, ở đâu làm được, phát huy tinh thần “Tất cả vì người bệnh, đảm bảo công bằng, người nghèo cũng phải được hưởng lợi từ những thành tựu của y học”, có như vậy mới phần nào thu hút được bệnh nhân ở lại Việt Nam.

TS.BS Hoàng Lương- GĐ BV Tai Mũi Họng Sài Gòn:

“Cần quan tâm hơn nữa đến bệnh viện, phòng khám tư”

Để “thất thoát” bệnh nhân ra nước ngoài là điều mà chẳng ai vui, trong khi chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài cao gấp nhiều lần ở Việt Nam, để gây dựng lòng tin và thu hút người Việt Nam chữa bệnh ở Việt Nam thì đầu tư vào y tế là cần thiết nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã đầu tư hợp lý, thực chất chưa? Đặc biệt đối với y tế tư nhân, chúng tôi cần nhà nước có cơ chế hợp lý hơn, công bằng giữa công và tư. Ví dụ như khó khăn ban đầu của chúng tôi là vốn, chật vật vay được vốn, đầu tư vào thì lại quay sang chống chọi với thuế… Chúng tôi mong hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời đổi mới” sẽ góp phần thay đổi chất và lượng của y tế Việt Nam.

PGS.TS-BS Lê Hành- Chủ tịch Hội phẫu thuật thẫm mỹ TPHCM:

“Việt Nam thường chỉ nhận phần hậu phẫu”

Phẫu thuật thẩm mỹ của Việt Nam đi sau các “cường quốc” Thái Lan, Hàn Quốc cho nên muốn người Việt Nam ở lại Việt Nam thì ngoài những thuận lợi như chi phí thấp, không bất đồng ngôn ngữ, có thời gian để phục hồi thì chúng ta phải học hỏi các nước bạn.

olehanh

BS Lê Hành

Ví dụ, Thái Lan cho khách hàng đi du lịch thoải mái mà chi phí đó nằm trong chi phí điều trị, công nghệ thẩm mỹ của Hàn Quốc được quảng bá qua phim ảnh, báo chí giúp cho phẫu thuật thẫm mỹ của Hàn Quốc nổi tiếng khắp thế giới… Ngay cả những người ít tiền của Việt Nam họ vẫn muốn qua Hàn Quốc để “làm đẹp” đến phần hậu phẫu họ lại quay về Việt Nam, hoặc các bệnh viện, cơ sở phẫu thuật thẩm mĩ của Việt Nam chuyên đi giải quyết những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài mang lại.

Bên cạnh đó cần có chủ trương về nhân lực làm việc trong ngành cần được đào tạo quy chuẩn hơn, tránh kiểu mỗi nơi đào tạo một ít.

Trả lời thắc mắc của đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế tham dự hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng để tăng chất lượng y tế, thu hút bệnh nhân chữa trị ở Việt Nam thì việc đầu tư vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và dịch vụ là 3 yếu tố quan trọng. Trong đó ưu tiên hàng đầu cho nguồn nhân lực. Nếu chúng ta thực sự đầu tư đúng, đào tạo tốt thì chúng ta đã có những bác sĩ giỏi hơn.

HTHAO1_copy

Trả lời thắc mắc của các đại biểu tại hội thảo

TS Trần Qúy Tường-Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh đưa ra 8 giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, thu hút bệnh nhân ở lại Việt Nam chữa bệnh như tiến tới việc thu viện phí theo mức 4 là “Tính đủ, thu đủ”, đối tượng người nghèo, diện chính sách sẽ có BHXH chi trả. Bình đẳng công-tư, nâng cao chất lượng, tay nghề đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất xóa bỏ tâm lý “sính ngoại”, “trọng ngoại” của người dân. Trong đó đặc biệt chú ý đến giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, quá tải chỗ nào nâng cao chất lượng chỗ đó, chú trọng phát triển bệnh viện tuyến dưới…

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Việt Tiến cho rằng: “Tuy không có con số chính xác nhưng hằng năm có khoảng 40.000 người Việt Nam sang nước ngoài chữa bệnh dù Việt Nam có rất nhiều bác sĩ giỏi, chữa được nhiều bệnh với kỹ thuật cao, nhiều trung tâm y tế, bệnh viện đạt chuẩn chất lượng y tế, dịch vụ tốt. Một phần do tâm lý “sính ngoại” của người Việt, ngoài những khó khăn khách quan như đã trình bày thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như thông tin truyền thông chưa đầy đủ và độ chính xác chưa cao. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa hợp lý…chính những điều này đã đẩy một bộ phận người Việt ra nước ngoài chữa trị, tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ.

Hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời đổi mới-Người Việt Nam khám, chữa bệnh ở Việt Nam” là một hội thảo không lớn nhưng rất quan trọng và có giá trị.

Nguồn: Báo Lao Động

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Mắc bệnh thủy đậu khi mang thai - Ngày đăng: 21-01-2013
Thuốc tránh thai gây căng thẳng - Ngày đăng: 21-01-2013
Giảm ốm nghén - Ngày đăng: 08-01-2013
Ăn cá tốt cho thai phụ? - Ngày đăng: 08-01-2013
Ngừa cúm cho thai phụ - Ngày đăng: 08-01-2013
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK