Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 11-10-2010 7:44am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

Edwards va cs1Ngày 4.10.2010, thông tin viện hàn lâm Thuỵ Điển trao giải Nobel Y - sinh học 2010 cho GS Robert Geoffrey Edwards – nhà khoa học người Anh, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đã làm nức lòng giới khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực này. Như vậy, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, sau hơn 30 năm đã chính thức được công nhận như một kỹ thuật điều trị hiệu quả, an toàn và mang lại lợi ích cho con người như tiêu chí của giải thưởng Nobel.

Bác sĩ Luca Gianaroli, chủ tịch Hiệp hội sinh sản người và phôi học châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology – ESHRE) đã nói: “Hôm nay là một ngày tự hào của EHSRE và giải thưởng hoàn toàn xứng đáng cho GS Edwards, người đã đi tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Ông đã phải đương đầu với sự chống đối kịch liệt và những nỗ lực của ông góp phần mang đến niềm vui cho rất nhiều gia đình”. ESHRE cũng là hiệp hội do GS Edwards sáng lập và là chủ tịch đầu tiên năm 1985, hiện đây là hội nghề nghiệp lớn nhất, đưa ra những hướng dẫn quan trọng trong thực hành thụ tinh trong ống nghiệm cho toàn thế giới.

Edwards va cs

Giáo sư Robert Geoffrey Edwards (đầu tiên bên trái) và cô Louis Brown (thứ ba từ trái sang) – người đầu tiên trên thế giới chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: AFP

...

Những bước đi đầu tiên

GS Edwards bắt đầu nghiên cứu TTTON trên người từ cuối thập niên 1950. Đến năm 1966, ông đến Mỹ và cùng một nhóm nhà khoa học Mỹ, đứng đầu là GS Howard Jones, lần đầu tiên công bố trường hợp lấy được noãn người qua phẫu thuật nội soi tại Mỹ. Trong thời gian này, nhiều nhóm nghiên cứu khác ở Anh, Mỹ và Úc cũng đã tiến hành thực hiện TTTON ở người. Năm 1971, bác sĩ Steptoe và GS Edwards lần đầu tiên báo cáo nuôi cấy được phôi nang người (blastocyst) trong ống nghiệm và chuyển các phôi này vào buồng tử cung của người phụ nữ. Tuy nhiên, những trường hợp này đã không có thai vì các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung chưa được nghiên cứu kỹ, các nhà khoa học cũng đã phạm phải nhiều sai lầm trong sử dụng nội tiết tố để chuẩn bị nội mạc tử cung. Mãi đến năm 1976, sau hàng trăm trường hợp thất bại, bác sĩ Steptoe và GS Edwards đã công bố trường hợp có thai đầu tiên từ TTTON ở người trên thế giới tại một bệnh viện nhỏ Oldham ở Lancashire, Anh. Nhưng thật đáng tiếc, đây lại là một trường hợp thai ngoài tử cung.

Sau đó, ngày 25.7.1978, em bé đầu tiên từ TTTON đã ra đời tại Anh, đánh dấu sự phát triển bước đầu của chuyên ngành TTTON trên người. Cô bé được đặt tên Louis Brown, sinh ra từ một bà mẹ vô sinh do tổn thương hai vòi trứng, từng điều trị bằng phẫu thuật nhưng không hiệu quả. Công trình được công bố trên tạp chí khoa học Lancet, với tác giả là GS Edwards và bác sĩ Steptoe. Trong thực tế, GS Edwards và BS Steptoe đã thất bại hàng trăm lần để có được thành công vang dội này. Sau một vài thành công ban đầu, chương trình TTTON tại Oldham tạm gián đoạn, cho đến năm 1980, mới có thể tiếp tục lại tại bệnh viện Bourn Hall (Anh). Chương trình này tiếp tục gặt hái thành công và bệnh viện Bourn Hall được xem là cái nôi của TTTON trên thế giới. Thời gian đầu, các nhà khoa học tiên phong như Edwards và Steptoe đã bị chỉ trích và phản ứng kịch liệt không chỉ từ dư luận, tôn giáo mà còn từ một số lớn các nhà khoa học đương thời.

Kỹ thuật điều trị vô sinh phổ biến nhất

...

Ấn tượng về hai lần gặp GS R.G Edwards

Chúng tôi may mắn có hai lần được gặp gỡ và nói chuyện với GS Edwards. Lần đầu tiên vào năm 2001, tại Lausanne, Thụy Sĩ, khi Việt Nam lần đầu tiên có báo cáo về kỹ thuật xin noãn - TTTON được trình bày tại hội nghị thường niên của ESHRE. Khi biết Việt Nam cũng đã thực hiện thành công TTTON, GS Edwards rất vui mừng vì nghiên cứu của ông đã được ứng dụng rộng rãi khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Lần thứ hai, chúng tôi được gặp GS Edwards ở Changsha, Trung Quốc trong hội nghị của hội nội tiết Sinh sản Châu Á – Thái Bình Dương (ASPIRE). Giáo sư đã quan tâm rất nhiều đến các vấn đề đạo đức y học trong lĩnh vực TTTON – hỗ trợ sinh sản, khi mà sự phát triển của lĩnh vực này quá nhanh.

Sau sự kiện em bé TTTON đầu tiên chào đời, hàng loạt các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã áp dụng kỹ thuật này vào điều trị vô sinh cho con người. Năm 1980, trung tâm Monash ở Úc được xem là nơi thứ hai trên thế giới thực hiện thành công TTTON, với sự chào đời của em bé thứ tư (ba trường hợp đầu diễn ra ở Bourn Hall, Anh). Do trung tâm TTTON đầu tiên ở Anh tạm ngưng hoạt động, nên người ta ghi nhận 12 trong số 15 em bé TTTON đầu tiên trên thế giới được ra đời từ trung tâm Monash ở Úc. Cho đến nay, trung tâm Monash vẫn giữ vai trò là một trong những trung tâm đi đầu về TTTON trên thế giới. Sau đó, TTTON tiếp tục phát triển và lần lượt được báo cáo thành công tại nhiều nước, như ở Mỹ vào năm 1981 và ở các nước Châu Âu khác trong những năm đầu của thập niên 80.

Tại châu Á, TTTON đã thành công đầu tiên vào năm 1983 ở Singapore, tiếp sau đó là các nước khác như Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong suốt những năm của thập niên 80. Và cứ như thế, TTTON được nhân rộng khắp nơi trên thế giới, trở thành kỹ thuật điều trị phổ biến nhất cho các cặp vợ chồng vô sinh hiện nay. Ước tính hằng năm, cả thế giới có khoảng 1,5 trường hợp TTTON được thực hiện, trong đó nhiều nhất là ở khu vực châu Âu. Hàng năm cả thế giới có khoảng 300.000 em bé chào đời bằng phương pháp TTTON. Sau Louise Brown, đến nay thế giới đã có khoảng 4,3 triệu em bé chào đời từ TTTON (theo báo cáo của ESHRE, đến tháng 9/2010).

Bên cạnh phát triển về chiều rộng, nghĩa là số quốc gia và số trường hợp TTTON thực hiện được, TTTON còn phát triển về chiều sâu, nghĩa là các loại kỹ thuật thực hiện được và tỉ lệ thành công không ngừng cải thiện. Ban đầu, các bác sĩ chỉ chọc hút lấy được noãn qua nội soi trên những buồng trứng phát triển tự nhiên, nên thường chỉ lấy được một noãn từ một phụ nữ và do đó, tỉ lệ thành công thường rất thấp. Khi TTTON phát triển rộng rãi, việc sử dụng nội tiết tố để kích thích buồng trứng ngày càng phổ biến. Nhờ kích thích buồng trứng, người ta có thể lấy được trung bình khoảng 10 noãn ở một người phụ nữ để thực hiện TTTON. Điều này giúp tăng số phôi có được và các nhà khoa học có thể chọn lựa những phôi có chất lượng tốt để chuyển vào buồng tử cung, làm tăng đáng kể tỉ lệ thành công của TTTON.

bs Lan

Ths.BS Vương Thị Ngọc Lan (thứ hai, từ trái sang) tại buổi tư vấn trực tuyến bệnh vô sinh và phụ khoa ngày 20.8.2009 tại báo SGTT. Ảnh: H.T

...

Từ năm 1983, siêu âm đầu dò âm đạo được đưa vào ứng dụng trong phụ khoa. Kỹ thuật chọc hút noãn qua ngả âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo được áp dụng lần đầu tiên và sau đó, thay thế hoàn toàn việc chọc hút noãn qua nội soi vừa tốn kém, vừa nguy hiểm và kém hiệu quả. Thành tựu này làm thay đổi đáng kể bộ mặt của kỹ thuật TTTON, biến TTTON thành một kỹ thuật đơn giản và ít xâm lấn. Năm 1984, em bé đầu tiên ra đời từ trường hợp một phụ nữ không còn buồng trứng, được thực hiện xin noãn-TTTON tại Úc. Đây là lần đầu tiên, một phụ nữ có thể có con với noãn của một người phụ nữ khác. Cũng trong năm này, nhóm nghiên cứu của Alan Trounson ở Monash (Úc) đã tiếp tục công bố trường hợp em bé đầu tiên sinh ra từ phôi người đông lạnh và rã đông. Từ đó, trên nền cơ bản của TTTON, các kỹ thuật xin noãn-TTTON và trữ lạnh phôi đã phát triển, góp phần đáng kể vào việc tăng hiệu quả của kỹ thuật TTTON. Trong một bước đột phá của TTTON, năm 1997, trường hợp có thai ở phụ nữ 63 tuổi với kỹ thuật xin noãn - IVF được báo cáo ở Mỹ. Điều này chứng tỏ chức năng mang thai của tử cung vẫn có thể duy trì được khá lâu sau khi mãn kinh, nếu được bổ sung đủ nội tiết. Tuy nhiên, đa số các nước đều giới hạn tuổi của người xin noãn, thường dao động từ 45 đến 55 tuổi. Năm 2005, một thành tựu ấn tượng của kỹ thuật trữ lạnh đã được báo cáo với sự thành công của cấy ghép tự thân mô buồng trứng đông lạnh do các nhà khoa học ở Israel thực hiện. Cho đến năm 2010, thế giới đã có ít nhất 9 trường hợp trẻ sinh sống với noãn từ mô buồng trứng đông lạnh.

Sau một thời gian đầu, TTTON được chỉ định chủ yếu cho vô sinh nữ. Dần dần, TTTON được mở rộng áp dụng cho các trường hợp vô sinh nam. Tuy nhiên, các thử nghiệm áp dụng TTTON cho vô sinh nam trong thời gian đầu này cho kết quả khá thất vọng với tỉ lệ thụ tinh giữa noãn và tinh trùng rất thấp, nhiều trường hợp hoàn toàn không có thụ tinh. Để cải thiện tình trạng này, nhiều kỹ thuật vi thao tác (micromanipulation) đã được nghiên cứu để hỗ trợ cho thụ tinh giữa noãn và tinh trùng trong các trường hợp thiểu năng tinh trùng. Trong các kỹ thuật vi thao tác, người ta dùng các kim bằng thủy tinh cực nhỏ để thao tác trên noãn và tinh trùng dưới kính hiển vi đảo ngược. Đến năm 1992, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) được báo cáo thành công lần đầu tiên tại Bỉ bởi Palermo và cộng sự. Trong kỹ thuật này, các tác giả đã tiêm trực tiếp một tinh trùng vào noãn để hỗ trợ thụ tinh. Các thử nghiệm đầu tiên cho thấy sau khi tiêm tinh trùng vào noãn, tế bào noãn vẫn có thể hồi phục, thụ tinh diễn ra và phôi sau đó phát triển khá tốt. Tỉ lệ có thai của kỹ thuật ICSI được ghi nhận luôn cao hơn so với kỹ thuật IVF cổ điển, mặc dù chất lượng và số lượng tinh trùng kém hơn. Sự thành công này thực sự là một cuộc cách mạng trong điều trị vô sinh nam. Nếu như trong sinh lý tự nhiên, người đàn ông cần sản xuất ra hàng chục triệu đến hàng trăm triệu tinh trùng trong một lần phóng tinh để có thể thụ tinh được một noãn trong vòi trứng, thì với kỹ thuật ICSI, sự thụ tinh có thể diễn ra giữa duy nhất một tinh trùng với một noãn. Cho đến nay, do vấn đề vô sinh nam ngày càng phổ biến đi kèm với hiệu quả của kỹ thuật ICSI được cải thiện không ngừng, ICSI đã dần dần trở thành kỹ thuật được thực hiện nhiều nhất tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Kỹ thuật ICSI ra đời đã tạo một bước ngoặt lớn trong điều trị vô sinh do không có tinh trùng. Năm 1994, các trường hợp MESA-ICSI (hút tinh trùng từ mào tinh qua vi phẫu và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) đầu tiên được báo cáo. Năm 1995, kỹ thuật PESA-ICSI (chọc hút tinh trùng từ mào tinh xuyên da và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) được giới thiệu đã giúp đơn giản hóa việc điều trị không có tinh trùng do bế tắc. Trong kỹ thuật PESA, không cần phải mở bao tinh hoàn mà chỉ cần chọc kim sinh thiết vào mào tinh và hút tinh trùng. Với những thành công trên, kỹ thuật TESE-ICSI (phân lập tinh trùng từ tinh hoàn ở những trường hợp giảm sinh tinh tại tinh hoàn và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) cũng đã được báo cáo thành công vào năm 1995. Ở các trường hợp này, tinh hoàn bị suy yếu, giảm sản xuất tinh trùng nghiêm trọng, đến mức không thể tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch. Kích thước tinh hoàn thường nhỏ hoặc chỉ còn một bên hoạt động, chức năng sản xuất nội tiết tố nam của tinh hoàn cũng giảm. Trong hầu hết các trường hợp, các tổn thương này là không hồi phục và không điều trị được. Tỉ lệ thành công của TESE-ICSI cũng đạt gần tương đương với tỉ lệ thành công chung của TTTON. Với sự thành công của kỹ thuật này, vấn đề vô sinh nam gần như đã được giải quyết triệt để. Có thể nói, để điều trị vô sinh nam hiện nay, chỉ cần trả lới câu hỏi “Có thể tìm được vài tinh trùng hay không?”.

Một tiến bộ nữa trên nền tảng của TTTON là kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM). Trường hợp có thai đầu tiên với noãn non được trưởng thành trong ống nghiệm đã được báo cáo vào năm 1991. Trong kỹ thuật này, noãn non được chọc hút từ những nang nhỏ của buồng trứng không sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Những noãn này sau đó được nuôi cấy với môi trường đặc biệt để gây trưởng thành bên ngoài cơ thể. Một tỉ lệ lớn noãn có thể trưởng thành và được hỗ trợ thụ tinh với tinh trùng bằng phương pháp ICSI. Kỹ thuật trên đã tạo ra một hướng mới trong TTTON, trong đó, các bác sĩ không cần sử dụng nhiều nội tiết tố để kích thích buồng trứng nhưng vẫn có thể có một số lượng noãn vừa phải, đảm bảo cho sự thành công của TTTON. Do đó, kỹ thuật IVM giúp giảm chi phí điều trị và tránh các biến chứng có thể có của kích thích buồng trứng.

Sự phát triển rộng và sâu của TTTON trong hơn 30 năm, sau nghiên cứu thành công đầu tiên của GS. RG Edwards đã đưa đến sự thành lập của một chuyên ngành khoa học mới chuyên nghiên cứu về sinh sản người và hỗ trợ sinh sản, với hàng nghìn trung tâm và hàng trăm nghìn nhà khoa học tham gia làm việc, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng triệu gia đình.

Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự về nội tiết học và phôi học, nhóm nghiên cứu ở bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, đứng đầu là GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đã triển khai thực hiện TTTON đầu tiên, sau khi được bộ Y tế cho phép vào ngày 19.8.1997. Đây là cột mốc đánh dấu khởi đầu của chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam. Tiếp đó, ngày 30.4.1998, sau thế giới 20 năm, ba em bé TTTON thành công đầu tiên ở Việt nam đã chào đời.

tre em trong ong nghiem

Một này hội của các bé a đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Ảnh: Tư liệu SGTT

. ...

Khởi đầu của thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Kỹ thuật này lúc đó, được xem như là một loại “cao lương mỹ vị” trong bữa ăn của một gia đình mà vốn dĩ việc đảm bảo đủ các món cơ bản cơm, canh, mặn cũng đã là khó khăn. Vì vậy, thụ tinh trong ống nghiệm thời đó cũng không tránh khỏi những lo ngại, hoài nghi, thậm chí chỉ trích về tính khả thi của nó trong điều kiện Việt Nam.

Hơn nữa, vì kỹ thuật còn quá mới ở Việt Nam, các thuốc men, dụng cụ, môi trường nuôi cấy phôi cần sử dụng chưa có nơi nào nhập về. Chúng tôi đi học ở nước ngoài, khi trở về, phải bỏ lại hết đồ đạc cá nhân để gom góp, mang về các dụng cụ và môi trường cần sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân. Đến bây giờ, đã hơn 13 năm, chúng tôi vẫn không quên được những tâm trạng, cảm xúc ở những ngày đầu thực hiện TTTON mà cả nhóm y bác sĩ đã cùng bệnh nhân trải qua.

Hiện nay, thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đã rất phát triển và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong vòng 10 năm từ 1997 đến 2007, TTTON ở Việt nam đã phát triển rất nhanh về các kỹ thuật chuyên sâu thực hiện được và số lượng trung tâm TTTON. Đến năm 2007, Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật có liên quan đến IVF và trở thành một trong những nước thực hiện số trường hợp IVF hàng năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến giữa năm 2010, Việt Nam đã có 13 trung tâm TTTON đang hoạt động (năm trung tâm ở TP.HCM; ba trung tâm ở Hà nội; Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế, Bình Dương, Cần Thơ mỗi nơi có một trung tâm), với tổng số chu kỳ thực hiện hàng năm khoảng 6000 và số em bé đã ra đời là 10.000. Ngoài ra, chúng ta cũng phần nào tự hào vì TTTON Việt Nam đã có thể hội nhập với khu vực và thế giới. Các chuyên gia của Việt Nam thường xuyên được mời báo cáo trong các hội nghị khoa học trong khu vực và thế giới, tham gia giảng dạy trong các khóa đào tạo về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại các nước trong khu vực. Từ năm 2008, các chuyên gia TTTON của Việt Nam cũng đã đăng được các bài báo trên tạp chí khoa học uy tín của thế giới về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như Reproductive BioMedicine Online,…Hàng năm, chúng ta cũng nhận nhiều học viên từ các nước trong khu vực đến tham quan và học tập.

Điểm lại một chặng đường đã qua của TTTON để thấy những đóng góp của GS Edwards rất vĩ đại. Là người tiên phong, ông đã chấp nhận muôn vàn khó khăn để tạo ra một công trình nghiên cứu mà ứng dụng của nó hiện nay là vô cùng rộng rãi và thiết thực cho con người.

.....

Những trang nhật ký

Chúng tôi vẫn tự xem mình là những thầy thuốc gặp thất bại nhiều hơn thành công, bởi vì, khi nói rằng TTTON đạt được tỉ lệ thành công là 30 – 40%, nghĩa là trong 10 bệnh nhân điều trị, hết 6 – 7 người là thất bại và chỉ có 3 – 4 người là thành công. Những câu chuyện thành công – thất bại cứ luôn ám ảnh và theo đuổi chúng tôi trong suốt hành trình của mình.

Còn nhớ một cặp vợ chồng từ Lạng Sơn vào điều trị, khi được hỏi chừng nào quay về nhà, người vợ trả lời chỉ về khi nào có con, nếu không họ bị buôn làng xem như là ma làng và đuổi đi. Hay như một ngày nhận được tin nhắn tâm sự của một bệnh nhân: “ Chị à, vợ chồng em từ một huyện miền núi xa xôi vào tận thành phố để làm TTTON, nhưng chưa có kết quả. Gia tài bây giờ chỉ còn một căn nhà, cũng muốn bán đi để điều trị tiếp tục nhưng không biết có được không?”, chúng tôi cảm thấy vô cùng áy náy và day dứt như mình có lỗi với bệnh nhân.

Lật giở lại những trang nhật ký TTTON (thói quen viết nhật ký của những chuyên gia TTTON, để ghi lại những gì diễn ra hàng ngày trong phòng TTTON, nhằm rút kinh nghiệm khi mà kết quả của ca điều trị chỉ có được vào năm tuần sau đó), chúng tôi nhớ lại từng trường hợp một. Những dòng viết ngắn gọn, nhắn nhủ nhau trong công việc như: “Cố lên mọi người ơi! Đây là cơ hội cuối cùng của chị N. với người chồng Mỹ này vì ông ta đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, ông muốn được biết tin vui trước khi ra đi…” hay như kỷ niệm trong lần đi hỗ trợ bệnh viện Trung ương Huế thực hiện TTTON vào cuối năm 2007: “Hôm nay là đỉnh lũ ở Huế, lội nước ngập đến thắt lưng để đi làm, lạnh, mệt,… nhưng niềm tin, hy vọng của bệnh nhân, sự vượt khó của bệnh nhân khi chèo ghe đi tiêm thuốc đã làm cả êkíp như được tiếp thêm sức lực để làm tốt nhất công việc của mình”.

Và niềm vui cũng đến với những chuyên gia TTTON chúng tôi khi bệnh nhân có thai. Một trường hợp bệnh nhân là một chuyên gia đầu ngành của thế giới về TTTON, nhưng bản thân ông và vợ cũng bị hiếm muộn. Cặp vợ chồng này đã điều trị ở một số nước khác nhưng chưa thành công và họ quyết định thực hiện lần cuối cùng tại Việt Nam vì người vợ là người Việt Nam. May mắn thay, họ đã thành công trong lần này. Ngày em bé chào đời, chúng tôi nhận được những dòng tin từ phương xa: “Chúng tôi vô cùng vui mừng thông báo sự chào đời của bé Ewan Michael Alexander vào ngày 23.7.2008 - 30 năm sau ngày em bé TTTON đầu tiên trên thế giới chào đời. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu vĩ đại, cho phép những “điều kỳ diệu” xảy ra trong đời thường, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, bè bạn và cộng đồng những người làm TTTON…”. Chúng tôi cũng hạnh phúc biết bao khi đọc những dòng thư tâm sự của một bệnh nhân TTTON đã sinh con: “Con chúng tôi giờ đã 4,5 tháng. Chưa lúc nào chúng tôi lại cảm thấy tin tưởng và biết ơn khoa học như lúc này. Chính khoa học và những người làm khoa học đã đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng tôi. Giờ đây, gia đình tôi rất hạnh phúc bên thiên thần bé bỏng, tình cảm vợ chồng chúng tôi tốt đẹp hơn rất nhiều so với lúc chưa có con…”.

Vẫn còn rất nhiều những câu chuyện, những dòng thư, những tâm sự của bệnh nhân trong hơn 13 năm với hơn 15.000 trường hợp TTTON mà chúng tôi tham gia thực hiện. Đây cũng là những điều thôi thúc chúng tôi ngày càng hoàn thiện kỹ thuật và qui trình TTTON để góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn những mong mỏi và nhu cầu của bệnh nhân.

Xin cám ơn GS. RG Edwards, người đã đi tiên phong trong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, để hôm nay, chúng tôi có được bệ phóng vững chắc cho những nghiên cứu của mình. Cám ơn các bệnh nhân đã đặt niềm tin vào khoa học và đã đồng hành cùng chúng tôi để chúng tôi vững tin tiếp tục hành trình ươm mầm hạnh phúc

.....

BS. Vương Thị Ngọc Lan

Nguồn: Báo Sài gòn tiếp thị online


Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK