Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 06-10-2020 5:44pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Thất bại làm tổ nhiều lần (RIF) là một trong những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến kết cục điều trị của bệnh nhân. Mặc dù có sự khác biệt về định nghĩa RIF dựa trên số lượng phôi chuyển nhưng chất lượng phôi và đặc điểm nội mạc tử cung là yếu tố quyết định cho sự làm tổ. PGT-A là kỹ thuật được thực hiện nhằm lựa chọn phôi nguyên bội chuyển trong trường hợp bệnh nhân RIF. Mặc dù phôi lệch bội là nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ nhưng có đến khoảng 30% phôi nguyên bội không thể làm tổ được, điều này cho thấy sự tiếp nhận của nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm tổ của phôi.


Sự làm tổ bắt đầu bằng việc gắn kết của phôi nang vào lớp biểu mô của nội mạc tử cung. Sự gắn kết này chỉ được diễn ra trong một khoảng thời gian tối ưu khi mà nội mạc tử cung ở trạng thái chấp nhận phôi tốt nhất- được gọi là cửa sổ làm tổ. Sự ra đời của xét nghiệm  đánh giá sự tiếp nhận của nội mạc tử cung (ERA) cho phép đánh giá khách quan khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung dựa trên phân tích biểu hiện của 238 gen. Xét nghiệm này cho phép phát hiện được cửa sổ làm tổ của từng bệnh nhân giúp cá nhân hoá chu kỳ chuyển phôi, kể cả ở những bệnh nhân RIF. Trong nghiên cứu này, Mauro Cozzolino và cộng sự đánh giá tính hiệu quả của sự kết hợp giữa PGT-A và xét nghiệm ERA trên nhóm bệnh nhân RIF.

Nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm trên 2598 bệnh nhân RIF có độ tuổi từ 18-45, thực hiện IVF từ năm 2013 đến năm 2018. Bệnh nhân được phân thành 2 nhóm: M-RIF- thất bại sau hơn 3 lần chuyển đơn phôi; S-RIF: thất bại sau hơn 5 lần chuyển phôi.

Có 2110 bệnh nhân ở nhóm M-RIF và 488 bệnh nhân ở nhóm S-RIF. Ở nhóm M-RIF, bệnh nhân thực hiện chuyển phôi nguyên bội từ PGT-A có tỉ lệ làm tổ cao hơn so với nhóm chứng (45,9% với 35,9%; OR 1,34, 95% CI: 1,17–1,55; P < 0,001). Tỉ lệ làm tổ không có sự cải thiện khi thực hiện xét nghiệm ERA (OR 1,03; 95% CI: 0,85–1,24; P = 0,9926) hay kết hợp ERA với PGT-A (OR 0,94; 95% CI: 0,53–1,65; P = 0,9954) ở nhóm này. Trong nhóm S-RIF, phân tích đa biến không phát hiện sự khác biệt đáng kể nào về tỉ lệ làm tổ khi thực hiện PGT-A, xét nghiệm ERA hoặc kết hợp cả PGT-A và ERA so với nhóm chứng.

Như vậy nghiên cứu này cho thấy PGT-A có lợi cho trường hợp bệnh nhân thất bại làm tổ với <5 lần chuyển phôi và ở mức độ nghiên cứu này thì xét nghiệm ERA dường như không hữu ích về mặt lâm sàng đối với bệnh nhân RIF.

Nguồn: Evaluation of the endometrial receptivity assay and the preimplantation genetic test for aneuploidy in overcoming recurrent implantation failure. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-020-01948-7 2020
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuốc lá và khả năng sinh sản - Ngày đăng: 01-10-2020
Hút thuốc lá và khả năng sinh sản - Ngày đăng: 01-10-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK