Ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên thực hiện năm 1997 tại TP.HCM, đến nay đã 10 năm. Trong thời gian này, nhóm thực hiện TTTON đã chuyển giao công nghệ cho 10 trung tâm trên cả nước. Khó khăn nhất, gian truân nhất lại rơi vào trung tâm thứ 10 tại Huế, vì thời gian thực hiện “rơi” đúng vào đỉnh lũ!
Ước mơ của Huế
Một TTTON tại Huế là ước mơ không chỉ của lãnh đạo bệnh viện Trung ương Huế mà còn của biết bao bệnh nhân. Thế nhưng quá trình “thai nghén” hình thành Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đã mất 7 năm. Từ năm 2000, bệnh viện trung ương Huế đã cử bác sĩ đến TP Hồ Chí Minh để học về TTTON, nhưng mãi đến năm 2007 mới đủ cả cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai TTTON. Trung tâm nằm ở tầng 7 Trung tâm tim mạch, có sự tài trợ của tổ chức Đông Tây hội ngộ, về nhân lực và công nghệ được sự hỗ trợ của Hội nội tiết và vô sinh TP.HCM (HOSREM). Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, tổng thư ký HOSREM cho biết: “Ngay từ đầu năm 2007, hội đã tạo điều kiện để Trung tâm ra đời; tuy nhiên cũng phải mất 5 tháng để chỉnh sửa cho phù hợp qui trình TTTON và mua một số trang thiết bị, tuy nhỏ nhưng nếu thiếu thì không thể thực hiện được như kính hiển quay cần…”. Vào tháng 10, bắt đầu cho thuốc kích thích buồng trứng (thúc trứng chín). Trong qui trình TTTON, khi đã tiêm thuốc cho bệnh nhân đồng nghĩa với dù khó khăn gì cũng phải vượt qua để chọc hút trứng, vì trứng chín là rụng, không chờ ai! Nhóm hỗ trợ (bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan, Đặng Quang Vinh…) đã gặp hàng loạt khó khăn không thể biết trước mà tránh. Trong đó có... lũ! Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong lũ
Giữa tháng 11.2007, khi nhóm chuyển giao công nghệ của HOSREM chuẩn bị “bay” ra Huế, thì nhận được điện thoại từ BV trung ương Huế báo: "Ngoài này lũ lớn lắm, không thể mua được lương thực thực phẩm, vì vậy, các bạn hãy mang theo... một thùng áo mưa, bánh mì, đồ ăn liền các loại”. Ngay từ phút đầu xuống sân bay, nhóm chuyển giao công nghệ đã phải đương đầu hàng loạt khó khăn do lũ gây ra: nước ngập khắp nơi, có nơi đến ngực. Các bác sĩ phải chuyển chỗ ở gần bệnh viện để dễ đi lại khi nước dâng. Bác sĩ Đặng Quang Vinh phải đề nghị những người ốm dễ bị lũ cuốn cần đi kèm với người mập để có gì còn “trụ" được. Theo những người dân địa phương thì đây là trận lũ lớn nhất trong những năm qua.
Đến ngày chọc hút trứng, có bệnh nhân “báo cáo” với bác sĩ: “Em đi từ sáng, vừa lội nước vừa chèo ghe, chiều mới đến được bệnh viện”. Tuy nhiên, các ca chọc hút trứng thực hiện đạt kết quả tốt. Tinh trùng được các bác sĩ “đưa” vào trứng, sau đó đặt vào tủ cấy. Ngay đêm đó, nhóm chuyển giao công nghệ nhận được điện thoại của bác sĩ trực: “Các thông số trên màn hình tủ cấy tắt ngúm”. Thông thường tủ cấp phải xuất hiện 6 độ CO2, 37 độ C. Các bác sĩ lại chạy vào bệnh viện kiểm tra. Hú hồn, do màn hình bị hư, còn tủ cấy hoạt động bình thường. Ngày 14.11, đang chọc hút ca thứ hai thì bị gẫy con ốc cố định cần mang kim – đây là cần gắn vào đầu dò giúp vào được nang buồng trứng, hệ thống máy siêu âm nào đi với cần đó. Gãy cần đồng nghĩa ngưng mọi công việc, người chịu thiệt là bệnh nhân, mất hàng chục triệu đồng tiền thuốc. “Cái khó ló cái khôn”, ngay lúc ấy bác sĩ Ngọc Lan phát hiện có một sợi dây vô trùng có thể cột được. Nhờ vậy, qui trình chuyển phôi đã diễn ra êm ả. Những thành công bước đầu
Đến nay, nhóm đã thực hiện tổng cộng 34 ca (trong số này BV Huế tự thực hiện 5 ca), có 28 ca chuyển phôi. Đầu tháng 12.2007, các bác sĩ đã thử thai 23 ca, có 10 ca có thai, tỉ lệ "đậu" đạt 43%. Niềm hạnh phúc hiện lên trên từng khuôn mặt những người hiếm muộn. Nhiều bệnh nhân đã tâm sự, nếu như không có Trung tâm ngay tại Huế thì khó mà tìm vào TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để điều trị, vì chi phí đi lại, ăn ở vượt quá khả năng cho phép. Một bệnh nhân sau khi mang thai đã nói với bác sĩ Ngọc Lan: “Nếu không có sự hợp tác giữa TP.HCM và Huế thì cả đời tôi không hy vọng có con”. Một bệnh nhân khác có hoàn cảnh nghiệt ngã: cả gia đình chị để dành được 30 triệu để chị đi làm TTTON với một điều kiện: “nếu không có con sẽ li dị”. Về phía bệnh viện, các bác sĩ tại Trung tâm TTTON Huế lo lắng mất ăn mất ngủ thời gian đầu, vì nếu nhỡ không có ca nào thụ thai thì trung tâm sẽ ra sao, tinh thần của y bác sĩ sẽ xuống dốc… Đến nay, bác sĩ Hồ Mạnh Tường đã có thể hoan hỉ: “Trung tâm TTTON tại Huế là một trong những đơn vị có tỉ lệ thành công cao”. Bài, ảnh : Quốc Sơn |
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...