Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-11-2006 7:48am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

Tư vấn về sức khỏe sinh sản (SKSS) chủ đề "Hiếm muộn - vô sinh" là chương trình tư vấn trực tuyến được tổ chức trên Thanhnien Online vào lúc 14h30 đến 16h ngày 23/11/2006, với sự tham gia của BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn và BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM).

BS Hồ Mạnh Tường và
BS Vương Thị Ngọc Lan
Ảnh Ngọc Thọ
* Tôi lập gia đình đã 18 tháng. Từ khi lập gia đình đến nay, tôi đã thụ thai 02 lần, nhưng cứ đến khi thai được 06-08 tuần thì tôi có dấu hiệu đau bụng và khi đi khám bác sĩ báo là thai tử và phải trục ra ngoài; mặc dù trong thời gian thụ thai lần 2 tôi đã chích thuốc dưỡng thai theo yêu cầu của bác sĩ và khi siêu âm trước khi có thai thì mọi việc vẫn bình thường. Xin hỏi tôi phải điều trị như thế nào để có con? (nguyễn lâm thùy trang, 30 tuổi, Nữ, 37 Thái Thị Bôi, TP Đà Nẵng, Kế toán)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Sảy thai hoặc bị thai lưu trong ba tháng đầu của thai kỳ thường do rất nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân thường gặp là bất thường nhiễm sắc thể của phôi thai và nhiễm các loại virus Rubella, CMV... Do đó, chị cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được khám và xét nghiệm tư vấn cho lần mang thai tiếp theo.

* Chào bác sĩ! Em vừa làm TTON xong nhưng đến ngày thứ 16 xét nghiệm HCG trong máu thì kết quả là 0,1mol nhưng mà em chưa thấy ra kinh nguyệt thì có phải dừng đặt thuốc không ạ? Nếu không dừng đặt thuốc thì mấy ngày sau xét nghiệm lại thì liệu máu có lên không và có khả năng có thai không ạ? (Trịnh Thuý, 29 tuổi, Nữ, Hà nội, Văn phòng)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Bình thường với phương pháp miễn dịch men dùng để định lượng HCG trong máu để chuẩn đoán có thai, kết quả được xem là dương tính (có thai) khi kết quả là trên 25 mIU/ml. Nếu kết quả âm tính (dưới 25 đơn vị), bệnh nhân không có thai và sẽ có kinh lại khoảng vài ngày sau. Khi này bệnh nhân có thể ngưng đặt thuốc.

* Tôi kế hoạch từ năm 1993 bằng biện pháp cắt ống dẫn tinh. Nay muốn nối lại ống dẫn tinh để có con. Liệu có còn... kịp không? Chi phí trọn gói cho một ca nối ống dẫn tinh cụ thể khoảng bao nhiêu? (Nguyễn Hoàng Kiệt, 41 tuổi, Nam, tp. Hồ Chí Minh, viết văn)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Anh có thể thực hiện nối ống dẫn tinh để có tinh trùng trở lại. Tuy nhiên, vì thời gian thắt ống dẫn tinh đã quá lâu nên kết quả của nối ống dẫn tinh có thể thấp. Một vài trường hợp sau khi nối ống dẫn tinh, dù có tinh trùng trở lại nhưng chất lượng tinh trùng vẫn không đủ tốt để có thai tự nhiên mà vẫn cần đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việc nối ống dẫn dẫn tinh thường được thực hiện ở các bệnh viện có chuyên khoa niệu. Do vậy, anh cần liên hệ trực tiếp với các bệnh viện này để biết cụ thể hơn về chi phí và quy trình.

Tuy nhiên, trong trường hợp thất bại với nối ống dẫn tinh anh vẫn có thể có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện tại bệnh viện Từ Dũ. Chúng tôi sẽ chọc hút lấy tinh trùng từ mào tinh để thụ tinh với trứng của vợ anh.

* Thưa Bác sĩ Lan, tôi có một cháu gái đã 13 tuổi. Nay tôi muốn sinh cháu thứ 2 nhưng đã 4 năm thả tự do và cũng chữa một số nơi không có kết quả. Tôi muốn hỏi bác sĩ trường hợp như tôi phải chữa trị như thế nào? Các kết quả mà tôi đã chữa là: +/ Chồng tôi tinh trùng chỉ đạt 10% độ di chuyển nhanh. +/ Tôi đã làm các xét nghiệm không làm sao, chỉ có nang noãn nhỏ. Tôi đã uống nhiều thuốc cả đông và tây y. +/ Tôi đã được bác sĩ chỉ định bơm tinh trùng 2 lần rồi. Rất mong nhận được lời chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi xin cảm ơn. (Dao Thanh Lan, 36 tuổi, Nữ, TT 8/3 - P. Quynh Mai - Q. Hai Ba Trung - Ha Noi, Ke toan)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Trường hợp của chị bị vô sinh thứ phát. Tinh trùng di động nhanh 10% trong tinh dịch đồ là bình thường. Chị cần được khảo sát thêm tình trạng vòi trứng. Đôi khi cả hai vợ chồng đều bình thường nhưng vì tuổi của người vợ càng tăng thì khả năng thụ thai tự nhiên càng giảm. Chị nên đi khám lại ở khoa hiếm muộn để được khuyên về phương pháp điều trị phù hợp.

* Đã chuyển phôi (làm TTTON ) mà vẫn không có thai đã thử máu. Nguyên nhân do đâu? Trong thời gian đợi thử máu (14 ngày ) đã chuyển phôi mà máu ra thì làm thế nào để ngăn ngừa? (Nguyễn Ngọc Anh Thư, 31 tuổi, Nữ, Q4, Nhân viên Tín dụng)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Tỷ lệ có thai sau khi làm TTTON bình thường vào khoảng 25-30%. Trường hợp thất bại có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: Phôi không phát triển, Phôi không làm tổ được, Tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ... Trong đa số các trường hợp rất khó xác định nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, theo các thống kê, khoảng 80% bệnh nhân làm TTTON sẽ có thai sau 3 lần điều trị. Do đó, nếu làm TTTON lần đầu thất bại anh/chị có thể sắp xếp để tiếp tục điều trị. Khả năng có thai khi điều trị ở 2-3 chu kỳ sau cũng sẽ tương đương với lần điều trị đầu tiên.

Nói chung, khi thực hiện TTTON khả năng thất bại của 1 lần điều trị thường cao hơn khả năng thành công. Khả năng có thai sẽ tăng lên sau nhiều lần điều trị. Do đó, việc điều trị hiếm muộn cần có sự kiên nhẫn và tuân thủ điều trị của cả bác sĩ và bệnh nhân.

Một số bệnh nhân sau khi chuyển phôi, chưa đến ngày thử thai, có thể xuất hiện tình trạng ra huyết âm đạo ít. Đây là hiện tượng thường xảy ra và không cho biết trước được khả năng có thai hay không. Do đó, nếu có ra huyết âm đạo trong thời gian này, bệnh nhân không nên lo lắng và nên tuân thủ theo các hướng dẫn của nhân viên y tế.

* Tôi lập gia đinh đã 7 tháng, dù không có áp dụng biện pháp kế hoạch nào nhưng vẫn chưa có thai, kinh nguyệt của tôi không đều lắm, xin tư vấn cho tôi phải làm gì? (ngo thi ngoc mai, 31 tuổi, Nữ, 347/162A lê đại hanhP13, nhan vien)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Trường hợp của chị chưa phải là hiếm muộn, vô sinh. Chị đừng nên căng thẳng quá, cứ sinh hoạt bình thường. Chúc chị mau có con!

* Tôi đang điều trị thụ tinh ống nghiệm, đang ở giai đoạn tiêm toa thuốc đầu tiên để ức chế nội tiết. Vậy các bác sĩ có thể cho tôi biết còn bao lâu nữa tôi mới chính thức được hút trứng để làm TTON và chi phí tổng công hết khoảng bao nhiêu vậy? Xin cảm ơn. (Hoa, 31 tuổi, Nữ, Biên Hòa, CNV)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Kích thích buồng trứng trong TTON thường gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 thường kéo dài khoảng 2 tuần với mục đích là ức chế nội tiết nội sinh của cơ thể. Giai đoạn 2 thường kéo dài khoảng 10 - 12 ngày nhằm kích thích sự phát triển nang noãn của buồng trứng. Chi phí cho kích thích buồng trứng cả hai giai đoạn trung bình là 20-25 triệu đồng, thay đổi tùy theo tuổi của người phụ nữ, sự đáp ứng buồng trứng của từng cá nhân một.

* Lần trước tôi có đi thử tinh trùng tại BV Từ Dũ, và lần đầu BS bảo số lượng tinh trùng chết nhiều quá, khó có con. Lần sau, BS bảo tốt. Vậy mật độ tinh trùng hoạt động tốt cho việc sinh con là bao nhiêu %? Và một câu hỏi nữa là trong môi trường sóng di động nhiều quá có ảnh hưởng đến việc sinh con hay không? (Tùng, 25 tuổi, Nam, Đồng Nai, Kỹ sư)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Trong giấy báo kết quả trên dịch đồ thường có kèm theo các giá trị bình thường để bác sĩ và bệnh nhân tham khảo. Đánh giá một tinh dịch đồ người ta thường dựa vào nhiều yếu tố: Mật độ tinh trùng, Số lượng tinh trùng, Độ di động, Tỷ lệ hình dạng bình thường, Tỷ lệ tinh trùng sống... Anh có thể tham khảo các giá trị bình thường đối với các chỉ số trên trong giấy báo cáo kết quả tinh dịch đồ để có khái niệm về chất lượng của mẫu tinh trùng. Đối với một người các số liệu này có thể thay đổi lên xuống do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, nếu kết quả trên tinh dịch đồ bất thường, bác sĩ thường cho kiểm lại lần thứ 2. Bình thường bác sĩ chỉ kết luận là tinh dịch đồ bất thường nếu kết quả cả 2 lần thử đều bất thường.

Một số nghiên cứu cho thấy từ trường có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng. Do đó nếu tiếp xúc lâu ngày với điều kiện từ trường mạnh có thể giảm số lượng và chất lượng tinh trùng dẫn đến khó có con.

* Em noi soi ket qua la voi trung tac ke, buong trung da nang, phai lam IVF. Co cach gi khac de co thao ngoai IVF khong a? Tac ke voi trung la gi, co the thong duoc khong a? (huong thao, 31 tuổi, Nữ, Yen Hoa - Cau Giay - Ha noi, can bo)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Tắc đoạn kẻ vòi trứng là tình trạng tắc sát gốc tử cung của vòi trứng. Nếu chụp phim HSG cho thấy tắc đoạn kẻ vòi trứng, chị có thể mổ nội soi để đánh giá tình trạng tắc vòi trứng có thật hay không. Nếu tắc đoạn kẻ đã được chẩn đoán qua nội soi thì không thể làm thông vòi trứng trở lại được. Trong trường hợp này cần phải làm thụ tinh trong ống nghiệm thì mới có thể có con.

Gần đây bệnh viện có triển khai kỹ thuật nuôi trứng non trong ống nghiệm (IVM) để thay thế kỹ thuật IVF trong điều trị cho những bệnh nhân bị hội chứng buống trứng đa nang mà có chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Kỹ thuật IVM này có những ưu điểm so với IVF ở bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang như giảm chi phí kích thích buồng trứng, an toàn do không bị quá kích buồng trứng. Hiện tại bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật này với tỷ lệ thành công khoảng 30-35%.

* Cần kiêng cử ăn những gì khi đã chuyển phôi? Tinh trùng yếu thì nên ăn những gì? Xin cám ơn. (Nguyễn Ngọc Anh Thư, 31 tuổi, Nữ, Q4, Nhân viên Tín dụng)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Sau khi chuyển phôi, người phụ nữ có thể sinh hoạt và ăn uống bình thường không cần phải kiêng cử.

Đa số các trường hợp bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng đều không tìm được nguyên nhân. Một số thực phẩm được cho là có thể giúp tăng số lượng và chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, cho đến nay về mặt khoa học người ta vẫn chưa chứng minh được loại thực phẩm nào có tác dụng cải thiện chất lượng tinh trùng rõ ràng. Nói chung, nam giới nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... để tránh các ảnh hưởng xấu trên chất lượng tinh trùng.

* Em bi u buong trung da cat 1 mot buong, vay em co kha nang sinh con duoc khong? (thuy, 21 tuổi, Nữ, binh phuoc, lam ruong)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Chị vẫn có khả năng sinh con sau khi bị cắt một buồng trứng. Tuy nhiên, vì chỉ còn một buồng trứng thì khả năng sinh con của chị sẽ thấp hơn so với một người bình thường. Chị nên tranh thủ có con sớm ngay sau khi lập gia đình. Chúc chị may mắn.

* Tôi và vợ cả hai đều bị nhiễm virut siêu vi B. Chúng tôi muốn có con thì cần làm các xét nghiệm gì? Ở đâu? Hiện tôi đang điều trị siêu vi B bằng thuốc tây: Dolix và Larimex. Xin hỏi các loại thuốc này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch có con của chúng tôi không? Xin cảm ơn bác sĩ. (LE VAN DONG, 28 tuổi, Nam, LONG BINH TAN BIEN HOA, KY SU DIEN)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Nếu cả hai vợ chồng đều đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B, anh chị cần đi khám và tư vấn với bác sĩ nội khoa để biết về tình hình diễn tiến của viêm gan siêu vi B. Đa số các trường hợp sau khi nhiễm viêm gan siêu vi một thời gian, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn và có thể có thai bình thường. Do đó, anh chị chỉ nên quyết định có thai khi đã xác định là bệnh đã hồi phục. Ngoài ra, khi mang thai, chị nên đến khám và tư vấn ở các bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn cách theo dõi và dự phòng, tránh lây bệnh viêm gan siêu vi cho thai nhi.

* Những tiến bộ mới nhất trong điều trị hiếm muộn? Ở độ tuổi tôi (nữ 45 tuổi) có nên hy vọng và tiếp tục thử nghiệm tiến bộ mới của khoa học để có con không? (kim thu, 45 tuổi, Nữ, ba đình, HN, cán bộ nhà nước)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Thông thường khả năng có thai giảm rất nhiều khi người phụ nữ trên 35 tuổi. Khả năng có thai tự nhiên ở người phụ nữ 45 tuổi gần như không còn. Khoa học có thể giúp cho những phụ nữ lớn tuổi có con được. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất ở tuổi này là thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người cho. Thông thường người cần trứng sẽ tìm và đưa người cho trứng đến bệnh viện để được thực hiện kỹ thuật. Tiêu chuẩn người cho trứng là dưới 35 tuổi, đã có chồng con, hoàn toàn không mắc bệnh sau khi kiểm tra sức khỏe. Với cách làm như vậy khả năng có thai của những người từ 40-45 tuổi có thể đạt đến 50%.

* Em năm nay 20 tuổi, em có kinh không đều, đi siêu âm thì bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ nói hai buồng trứng dạng đa nang và cho uống thuống DIANE 35. Khi sử dụng thuốc thì em có kinh lại được, còn không sử dụng thì không có. Vậy em có khả năng bị vô sinh không. Nếu không em có nên sử dụng tiếp thuốc đó nữa không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Nguyên, 20 tuổi, Nam, Trảng Bàng - Tây Ninh, Công Nhân)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Những trường hợp bị hội chứng buồng trứng đa nang thường khó có thai do buồng trứng không phóng noãn đều đặn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị hội chứng này vẫn có thể có thai bình thường. Do đó, chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về hiếm muộn nếu sau khi lặp gia đình mà vẫn không có thai.

Thuốc DIANE 35 thường được sử dụng ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang để điều hòa kinh nguyệt và hạn chế một số triệu chứng của hội chứng này như: Mụn trứng cá, Rậm lông. Đây là một thuốc nội tiết có tác dụng ức chế rụng trứng nên không thể được dùng để điều trị hiếm muộn. Cần biết rằng trong thời gian sử dụng DIANE 35 người phụ nữ sẽ không thể có con mặc dù vẫn có chu kỳ kinh.

* Tôi được chuẩn đoán bị dính buồng tử cung, xin hỏi tư vấn trực tuyến SKSS, tôi nên điều trị thế nào và có thể có con được không - tôi đã sinh 1 cháu? (thu hang, 32 tuổi, Nữ, ngoc khanh ha noi, noi tro)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Dính buồng tử cung là nguyên nhân gây vô sinh rất khó điều trị. Thông thường người bệnh sẽ được nội soi để tách dính buồng tử cung, có thể kết hợp với đặt vòng trong buồng tử cung với thời gian vài tháng để tránh dính lại sau mổ. Nếu tình tình trạng buồng tử cung tốt sau mổ, chị có thể có con trở lại. Tuy nhiên, thành công của việc mổ tách dính buồng tử cung là không cao.

* Toi co mot chau gai 20 tuoi, kinh nguyet khong deu (khoang 3 - 5 thang/lan), tu cung co do dai 26 mm, kham benh o BV DH Y - Duoc, bac si cho uong thuoc thi ra kinh, ngung thuoc thi ngung kinh. The chat chau toi binh thuong, nguc, mong phat trien tot, rat nu tinh. Xin hoi: 1- Chau toi co the thu thai binh thuong ko 2- Neu can phai dieu tri thi lien he BV nao 3- Co the chich them hocmon nu de dieu hoa kinh nguyet duoc ko. 4- Kha nang chau toi co bi hiem muon khong? (Nguyen Liem Ngoan, 48 tuổi, Nam, 107 Ngo Quyen,P.6,Q.10, Ky su)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Trường hợp cháu của cô có thể bị rối loạn phóng noãn dẫn đến kinh nguyệt không đều. Nếu chưa lập gia đình, cháu có thể đến các bác sĩ phụ khoa để được uống thuốc điều hòa kinh nguyệt. Nếu đã lập gia đình thì cần đến các bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn để được khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân, nếu cần sẽ được gây phóng noãn bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể có con.

* Tôi muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm, xin bác sỹ cho biết thủ tục, chi phí, thời gian thích hợp để tôi thu xếp được? (Hien Mai, 40 tuổi, Nữ, Thai Thinh -Ha noi, Ke toan ngan hang)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Một cặp vợ chồng hiếm muộn muốn điều trị TTTON cần thực hiện các bước sau:

1. Khám tại cơ sở chuyên khoa để xác định nguyên nhân và xem có thể phù hợp để thực hiện TTTON hay không.

2. Nếu có chỉ định thực hiện TTTON, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và thủ tục để hoàn tất hồ sơ.

3. Bệnh nhân sẽ được hẹn lịch điều trị.

4. Khi đến thời điểm điều trị người vợ sẽ được tiêm thuốc để chuẩn bị buồng trứng và kích thích buồng trứng. Bước này sẽ kéo dài khoảng 4 tuần.

5. Chọc hút trứng và TTTON khi trứng đã trưởng thành.

6. Chuyển phôi vào buồng tử cung: khoảng 2 đến 3 ngày sau khi chọc hút trứng.

7. Thử thai 2 tuần sau khi chuyển phôi để biết kết quả.

Trong suốt thời gian trên bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú, không cần nhập viện. Tổng cộng chi phí cho một lần TTTON hiện nay vào khoảng 30-35 triệu, trong đó viện phí đóng cho bệnh viện khoảng 8-10 triệu. Các chi phí khác là cho thuốc và các xét nghiệm.

* Năm nay tôi 35 tuổi, có gia đình đã 7 năm nhưng chưa có con. Nay tôi lại bị u nang tử cung, kích thước 1,5 x 2cm. Liệu tôi có khả năng có con được không? Tôi phải chữa như thế nào xin bác sĩ chỉ dẫn. Xin cảm ơn. (Thu Hang, 35 tuổi, Nữ, 58 Le Loi, Cong nhan)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: U xơ tử cung với kích thước 1,5 X 2cm là rất nhỏ không có ảnh hưởng gì đáng kể đến việc có con. Trường hợp bị vô sinh đã 7 năm, chị cần đi khám để được làm các xét nghiệm khác như: nội tiết để chẩn đoán hoạt động của buồng trứng, đánh giá tình trạng vòi trứng, xét nghiệm tinh trùng của chồng để tìm ra nguyên nhân và được điều trị sớm.

* Hien nay co nhung co so nao co the thuc hien sinh con trong ong nghiem o Viet Nam? (Vo Minh Chuyen, 44 tuổi, Nam, Da Nang, Giao vien)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Theo chúng tôi được biết, hiện tại ở VN có 7 cơ sở đã thực hiện thành công TTTON: 1. Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM; 2. Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM; 3. Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Hà Nội; 4. Học viện Quân y, Hà Tây; 5. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; 6. Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng; 7. Bệnh viện Phụ sản Quốc tế, TP.HCM.

* Em da bi quai bi cach day khoang 3 nam va co cam giac hai tinh hoan nho di va khong cang nhu truoc mac du khong phai la qua nho.Tuy nhien khi giao hop van thay tinh trung binh thuong nhung co cam giac it han hon truoc. Vay em co so bi vo sinh khong? Co phai la thieu tinh trung thi khong the sinh con khong? Tinh trung co bi yeu di sau khi bi quai bi khong? (Tran Van Thang , 28 tuổi, Nam, Vung Tau, Kinh doanh)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Bệnh quai bị có thể dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn ở một số trường hợp (khoảng 10-15%). Nếu bị viêm tinh hoàn khoảng 30% trường hợp sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh trùng về sau. Tuy nhiên, khả năng sinh tinh chỉ có thể bị ảnh hưởng nếu bị viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi trưởng thành. Anh có thể đi kiểm tra tinh dịch đồ tại các cơ sở chuyên khoa (chi phí khoảng 80.000-100.000 đồng) để biết được chất lượng và số lượng tinh trùng hiện tại.

* Nguyên nhân dẫn đến vô sinh (ở cả nam và nữ)? Hiện nay đã có những biện pháp chữa trị hiệu quả nào? Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu (tăng hay giảm)? Chương trình có khuyến cáo và lời khuyên gì cho lớp trẻ - độ tuổi sắp và chuẩn bị lập gia đình - về vấn đề này? (Lê Vũ Hùng, 26 tuổi, Nam, Vũng Tàu, Kỹ sư XD)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh xảy ra trong khoảng 10% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Tại VN chưa có nghiên cứu dịch tễ học nào về vấn đề này, theo một báo cáo trước đây của Bộ Y tế, vô sinh xảy ra trong khoảng 8-10%. Nguyên nhân gây vô sinh do phía người vợ là khoảng 35%, do chồng khoảng 30%, do cả vợ lẫn chồng là 25% và chưa rõ nguyên nhân là khoảng 10%. Các nguyên nhân gây vô sinh ở người phụ nữ chủ yếu là: tổn thương vòi trứng, rối loạn rụng trứng, lạc nội mạc tử cung... Phía người chồng thường do: giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, hoặc không có tinh trùng.

Hiện nay, việc điều trị vô sinh bằng các phương pháp khoa học ngày càng phát triển ở tại VN. Cho đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị đã và đang có trên thế giới với tỷ lệ thành công tương đương với các nước trên thế giới.

Vô sinh có thể do các nguyên nhân di truyền hay mắc phải. Với nguyên nhân mắc phải như bị viêm nhiễm, dính tắc vòi trứng thì người phụ nữ cần chú ý giữ vệ sinh phụ nữ, tình dục an toàn, tránh việc nạo phá thai trước khi lập gia đình và có con. Về phía nam giới, cũng cần có những biện pháp vệ sinh, sống lành mạnh, để tránh gây viêm tắc ống dẫn tinh, giảm chất lượng tinh trùng.

* Tôi nam giới, 33 tuổi, chuẩn bị lập gia đình. Trước đây chừng 5 năm tôi bị nhiễm bệnh sùi mào gà miệng sáo, đã điều trị bằng cách đốt laser. Sau lần đốt thứ 2 thì triệu chúng bệnh không tái phát nữa. Tôi muốn tìm hiểu xem việc từng mắc bệnh này cũng như đã điều trị như vậy có ảnh hưởng đến khả năng có con sau này của tôi không. Tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ. (Trường Thịnh, 33 tuổi, Nam, TP Hồ Chí Minh, Văn phòng)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Nói chung các bệnh hoa liễu nếu đã được điều trị khỏi hoàn toàn thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau, ngoại trừ một số trường hợp có thể để lại di chứng tắc đường dẫn tinh. Tuy nhiên biến chứng này cũng ít khi gặp. Anh có thể đi kiểm tra tinh dịch đồ để biết trình trạng số lượng và chất lượng tinh trùng hiện tại.

* Thưa bác sĩ, tôi có vài ý cần hỏi như sau: trước đây tôi bị mổ nội soi thai ngoài tử cung, và đã bị cắt 1 tai vòi, còn 1 tai vòi, như vậy có phải là đã bị xem như là hiếm muộn không? Sau này muốn có con tôi phải đến khoa hiếm muộn để kiểm tra đúng không? Xin bác sĩ vui lòng trả lời giúp. Và hướng dẫn cách để có con cho lần sau đựơc an toàn và có kết quả tốt đẹp. (Liên, 30 tuổi, Nữ, Tân Bình, Nhân viên văn phòng)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Chị bị cắt một vòi trứng do đó khả năng có thai của chị sẽ giảm đi. Hơn nữa, theo một số nghiên cứu, khả năng có thai ngoài tử cung trên vòi trứng còn lại cũng cao hơn so với người chưa từng bị thai ngoài tử cung. Nếu muốn có con, chị nên đến khám ở khoa hiếm muộn để được kiểm tra tình trạng vòi trứng còn lại.

* Nếu như trong 1 tháng uống thuốc tránh thai 72 giờ hơn 3 lần sau nay có ảnh hưởng gì đến việc sinh con không ạ? Đã nhiều lần rồi. Có kinh nguyệt không đều có ảnh hưởng không? (MiSa, 23 tuổi, Nữ, Tiền Giang, Nhân Viên)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp quá nhiều lần trong tháng gây rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt không đều thường là do tình trạng rối loạn rụng trứng do đó khả năng có thai khó hơn bình thường. Chị nên chọn lựa một biện pháp tránh thai chủ động để an toàn hơn và tốt hơn cho sức khỏe.

* Tôi lập gia đình được 9 năm và có 1 con trai 5 tuổi. Kinh nguyệt không đều một năm có 1 hoặc 2 lần. Nhưng từ khi có con đến nay thì không có kinh đi khám ở BV Từ Dũ uống thuốc thì có được 1 lần không uống thì không có. BS nói tôi buồng trứng đa nang và khó có con. Bây giờ tôi rất muốn có một đứa nữa vì đứa con đầu của tôi bị bệnh bại não. Vậy xin hỏi BS phải chữa bằng cách nào cho có kinh đều và có thể có con nữa. Xin cảm ơn BS. (NGUYENTHIMYCHAU, 31 tuổi, Nữ, 176/5D HUYNH M DAT, F19, BT, KETOAN)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Có thể chị bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu muốn có con, chị nên đến khám để được sử dụng các biện pháp gây phóng noãn giúp tăng khả năng có thai cho chị.

* Tôi đã một lần mổ thai ngoài tử cung, vậy liệu có em bé được nữa không? Do tính chất công việc nên vợ chồng tôi thường sử dụng thuốc Potinor, vậy xin hỏi bác sĩ liệu có ảnh hưởng đến việc sinh em bé? (lan anh, 27 tuổi, Nữ, 29 Trấn Bình Trọng, Chuyên viên)

- BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Thai ngoài tử cung thường liên quan đến bất thường ở vòi trứng. Ngoài ra, khi mổ thai ngoài tử cung ở vòi trứng bác sĩ thường cắt bỏ vòi trứng bị thai ngoài tử cung. Do đó sau khi mổ, bệnh nhân thường chỉ còn một vòi trứng và có nhiều khả năng vòi trứng còn lại cũng không hoạt động bình thường. Trong trường hợp này, khả năng có thai lại thường giảm và khả năng bị thai ngoài tử cung ở vòi trứng còn lại cũng tăng.

Thuốc Postinor là một thuốc nội tiết dùng để ngừa thai khẩn cấp, thường chỉ dùng trong những trường hợp trước khi giao hợp không có kế hoạch chủ động ngừa thai. Nếu chưa muốn có thai anh chị nên chọn một phương pháp ngừa thai thích hợp. Sử dụng thuốc Postinor thường xuyên có thể gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

* Cách đây hơn 20 năm, tôi có con bình thường (khi cưới được hơn 1 năm vợ tôi đã có bầu) nhưng vì hoàn cảnh vợ tôi đang theo học đại học nên chúng tôi phải làm kế hoạch hóa. Sau 5 năm chúng tôi muốn có con mà không thể (trong giai đoạn này cuộc sống rất kham khổ). Khi đi khám thì kết luận là tôi không có tinh trùng trong tinh dịch. Rất mong muốn có con nhưng vì điều kiện công tác và mặc cảm về tuổi tác nên không đi khám chữa tiếp tục. Tôi và vợ tôi vẫn sinh hoạt bình thường (năm nay vợ tôi 47 tuổi và kinh nguyệt vẫn đều đặn). Nay chúng tôi có điều kiện về kinh tế và muốn có con vì vây tôi muốn xin bác sỹ một tư vẫn một lời khuyên. (Dương Hồng Tấn, 52 tuổi, Nam, Hà Nội, Cán Bộ)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Không có tinh trùng trong tinh dịch thường có hai nhóm nguyên nhân lớn. Thứ nhất là do tắc nghẽn đường dẫn tinh hoặc không có ống dẫn tinh bẩm sinh. Thứ hai là suy tinh hoàn không còn hiện tượng sinh tinh trùng. Anh cần đi khám để được xét nghiệm nội tiết, siêu âm đường dẫn tinh, mổ thám sát hoặc sinh thiết tinh hoàn để biết mình thuộc nhóm nào và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên do vợ anh đã 47 tuổi, khả năng có thai của người phụ nữ ở tuổi này gần như không còn.

Theo Nghị định của Chính phủ về "Sinh con theo phương pháp khoa học" thì không tiến hành điều trị vô sinh cho những người phụ nữ trên 45 tuổi vì những người phụ nữ lớn tuổi mang thai sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe của mẹ và con.

* Cach day 3 thang toi bi chua ngoai da con da phau thuat lieu toi co the co thai tu nhien duoc khong hay phai thu tinh tong ong nghiem? (nguyen huong quynh, 36 tuổi, Nữ, dong tan dong son thanh hoa, giao vien)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Chị vẫn có thể có thai tự nhiên nếu vòi trứng còn lại thông tốt và không bị viêm dính.

* Chúng tôi đã cưới nhau 6 năm, và đã 3 lần sảy thai, lần gần nhất là năm 2003 nhưng đến nay tôi không có thai lại. Cách đây 1 tháng, tôi có đi kiểm tra sức khỏe thì vẫn bình thường: vòi trứng thông, trứng tốt, nhưng kết quả tinh trùng của chồng tôi tiến tới nhanh 2%, tiến tới chậm 20%, không di động 65%, hình dạng bình thường 9%, tỷ lệ sống 39%. Xin hỏi BS Tường và BS Lan là trường hợp như chúng tôi thì hướng điều trị là như thế nào? Thụ tinh nhân tạo, Thụ tinh bằng trứng non hay thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ thành công của vợ chồng chúng tôi là khoảng bao nhiêu? Và chi phí cho trường hợp của tôi là khoảng bao nhiêu tiền để chúng tôi chuẩn bị, xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (NTCH, 31 tuổi, Nữ, Quận Thủ Đức, CBCNV)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Ph chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Xét nghiệm tinh dịch đồ của chồng chị cho thấy chất lượng tinh dịch đồ không được tốt. Trường hợp của chị có thể được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này là 35%, thay đổi tùy theo tuổi của người phụ nữ. Chi phí gồm hai khoản chính là tiêm thuốc kích thích buồng trứng (khoảng 20-25 triệu đồng); và phần thực hiện kỹ thuật (khoảng 8-12 triệu đồng).

* Tôi lấy chồng vào hồi tháng 7/2006. Vợ chồng tôi dự định sang năm 2009 mới có con. Tôi nghe nói nếu như cứ kế hoạch lâu sẽ bị lạnh cổ tử cung và dẫn đến vô sinh. Xin bác sĩ cho biết điều đo có đúng không? Và thời gian lâu như vậy có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh con của tôi sau này không? Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ! (Trương Thị Mỹ Nương, 26 tuổi, Nữ, Sở Tài chính Quảng Ngãi, công chức)

- BS Vương Thị Ngọc Lan - Phó chủ nhiệm khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ: Khả năng có thai của một cặp vợ chồng là cao nhất trong vòng một năm đầu sau khi lập gia đình. Do đó, nếu để ngừa thai quá lâu rồi mới có con thì khả năng có thai sẽ bị giảm. Chị cũng cần chú ý đến mặt tuổi tác, nếu đã lớn tuổi thì nên thu xếp để có con sớm sau lập gia đình.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Mỗ u não không cần gây mê - Ngày đăng: 14-07-2006
Khi quí ông gặp “vấn đề”... - Ngày đăng: 20-06-2006
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK