Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-12-2011 12:26pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

image_4Theo số liệu của uỷ ban Quốc tế về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ICMART), mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và đến nay đã có khoảng 4,6 triệu trẻ ra đời từ kỹ thuật này. Tại Việt Nam, đến nay ước tính có trên 10.000 trẻ ra đời từ TTTON, kể từ năm 1998.

Câu hỏi 30 năm đã có lời giải

Số liệu từ các tổ chức chuyên môn cho thấy tại các nước phát triển và có mức sống cao, các trẻ TTTON chiếm khoảng 1,5 – 5% số trẻ mới sinh ra. Người ta cho rằng, hiện nay, nếu vào một lớp tiểu học ở các nước đang phát triển thì sẽ có 1 – 2 trẻ TTTON. Rõ ràng, TTTON ngày càng trở thành một kỹ thuật y khoa quan trọng trong thế giới. Đó cũng là lý do giáo sư Robert Edwards, cha đẻ kỹ thuật TTTON được trao tặng giải thưởng Nobel vào năm 2010 cho phát kiến kỹ thuật này (1978).

Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của TTTON cũng tạo ra mối lo ngại của nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển về sức khoẻ của các trẻ sinh ra từ TTTON. Đây cũng chính là lý do phải mất hơn 30 năm, thành tựu của giáo sư Edwards mới được giới khoa học chính thức công nhận bằng giải Nobel danh giá. Một trong những lập luận quan trọng của hội đồng xét giải thưởng Nobel là liệu các trẻ sinh ra từ kỹ thuật này có thể trưởng thành, sinh sản bình thường và tạo ra các trẻ khoẻ mạnh ở thế hệ tiếp theo? Câu trả lời chỉ đến trong khoảng năm năm trở lại đây, khi hàng loạt trẻ TTTON trưởng thành, có thai tự nhiên và cho ra đời các trẻ khoẻ mạnh.

Dữ liệu khoa học

Mặc dù trong suốt hàng chục năm qua, có nhiều nghiên cứu nhỏ ghi nhận có sự gia tăng nhẹ một số bất thường ở trẻ TTTON, các nghiên cứu trên số lượng lớn đều cho thấy chúng không có sự khác biệt lớn so với trẻ sinh ra tự nhiên.

Báo cáo gần đây nhất công bố trên tạp chí của hội Y học sinh sản Hoa Kỳ (11.2011) cho thấy không có sự khác biệt lớn nào giữa trẻ sinh ra từ TTTON và trẻ bình thường, đối với các trường hợp đơn thai. Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất trên thế giới cho tới thời điểm hiện nay. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, trên tổng cộng hơn 55.000 trẻ bình thường và trẻ sinh ra từ TTTON. Theo số liệu thống kê của ICMART, Nhật là nước có số trường hợp thực hiện TTTON hàng năm lớn nhất thế giới, sau đó là Hoa kỳ.

Tại hội nghị quốc tế diễn ra vào tháng 6 qua tại Tây Ban Nha với chủ đề “Y học sinh sản và các vấn đề liên quan”, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã nhận định, cho đến nay có ít nghiên cứu chuẩn và đủ lớn để đánh giá chính xác về sức khoẻ của trẻ sinh ra từ TTTON. Tuy nhiên, các nghiên cứu uy tín nhất cho thấy kỹ thuật TTTON không ảnh hưởng lên sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ. Một số vấn đề các chuyên gia cũng ghi nhận là tình trạng đa thai và sinh non cao hơn ở nhóm trẻ TTTON, là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của nhóm trẻ này. Do đó, vấn đề chính làm giảm tỷ lệ đa thai trong TTTON.

Kết quả của các nghiên cứu mới nhất này tương tự kết quả một khảo sát mà chúng tôi đã thực hiện tại Việt Nam trên hơn 200 trẻ TTTON (năm 2002), theo đó sự phát triển về tâm thần và vận động của các trẻ từ 1 – 4 tuổi là bình thường đối với trẻ sinh đơn thai và song thai.

Nguy cơ nếu có đến từ bố mẹ

Trẻ sinh ra từ TTTON có thể thừa hưởng những yếu tố nguy cơ từ bố mẹ. Số liệu từ các nghiên cứu lớn đều cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa trẻ TTTON, với các trường hợp sinh đơn thai.

Nói chung, trẻ TTTON được sinh ra từ các cặp vợ chồng có vấn đề về sinh sản. Các bất thường có thể do bệnh lý di truyền hay mắc phải của bố mẹ. Bất thường có thể ở chất lượng trứng, chất lượng tinh trùng, tuổi của bố mẹ lớn, bệnh lý toàn thân gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, các bệnh lý chưa rõ khác… Mặc dù các số liệu mới nhất cho thấy kỹ thuật TTTON không trực tiếp gây nguy cơ cho trẻ, nhưng các yếu tố tiềm tàng của bố mẹ chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ của các trẻ TTTON sau này. Các nhà khoa học cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi và có nhiều nghiên cứu lâu dài để có câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề trên.

Chúng ta cần hiểu rằng, các nguyên nhân và bệnh lý của bố mẹ đều có thể truyền cho con. Do đó, các nhà khoa học tin rằng, các trẻ TTTON có nguy cơ về sức khoẻ cao hơn trẻ sinh ra bình thường, chủ yếu do tiếp nhận các yếu tố nguy cơ có sẵn từ bố mẹ. Các tiến bộ về bệnh học và di truyền học gần đây cho thấy một số bất thường di truyền thường gặp, liên quan khả năng sinh sản của bố mẹ được ghi nhận có thể truyền cho con: bất thường di truyền gây giảm nặng số lượng và chất lượng tinh trùng, bất thường số lượng nhiễm sắc thể ở noãn của người mẹ… Do đó, các cặp vợ chồng có các vấn đề về di truyền trên, hoặc vấn đề tương tự, nên được tư vấn đầy đủ các nguy cơ trước khi thực hiện TTTON.

Tóm lại, TTTON là một thành tựu lớn của nhân loại, giúp đem đến hạnh phúc cho hàng triệu cặp vợ chồng trên thế giới. Trẻ sinh ra từ TTTON có thể thừa hưởng những yếu tố nguy cơ từ bố mẹ. Số liệu từ các nghiên cứu lớn đều cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa trẻ TTTON với các trường hợp sinh đơn thai. Do đó, cần khám thai kỹ và áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh cho các trường hợp có thai từ TTTON. Các biện pháp giảm thiểu tỷ lệ đa thai sau TTTON sẽ giúp giảm các biến chứng có thể có, trong đó chủ yếu là nguy cơ sinh non.

Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Rạn nứt da khi mang thai - Ngày đăng: 07-11-2011
Bồi bổ sau khi sinh - Ngày đăng: 07-11-2011
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK