Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 30-11-2011 1:31pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

tiem ngua cho treTheo các chuyên gia, số ca mắc Rubella bẩm sinh hiện ở mức đáng báo động. Mẹ mắc Rubella, con bị tật bẩm sinh.

 


Tại hội nghị khoa học thường niên của Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM lần VII ngày 25-11, các chuyên gia về sơ sinh kiến nghị Bộ Y tế cần có giải pháp để mọi trẻ gái được tiêm vaccine ngừa bệnh Rubella, ít nhất là BHYT chi trả 50%-100%, tốt hơn nữa, đưa nó vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Số ca mắc Rubella bẩm sinh đang tăng

PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ, cho biết các năm trước, mỗi năm chỉ có vài ca Rubella bẩm sinh. Tuy nhiên, trong hai ba năm nay, mỗi năm có khoảng 40-50 ca. Bên bệnh viện nhi còn nhiều hơn, lý do có thể liên quan đến vấn đề tiêm chủng chưa đầy đủ.

Theo PGS Xuân, Tổ chức Y tế Thế giới cũng thấy có sự gia tăng Rubella bẩm sinh tại Việt Nam và đã làm việc với BV Từ Dũ và BV Nhi đồng để tìm cách giảm vì khi các bé mắc Rubella bẩm sinh thì gần như tử vong và tàn tật 100%, không thể điều trị được. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phòng ngừa chứ không phải điều trị. “Chích một mũi đã bảo vệ 95%, nếu có điều kiện tiêm nhắc lại thì chắc chắn hơn” - PGS Xuân khẳng định.

BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng 1, cũng cho biết năm 2010-2011, bệnh viện tiếp nhận vài chục ca, tuần nào cũng có trẻ nhập viện. “Chúng tôi đang thống kê số liệu. Trẻ nhập viện nhiều nhất là bị tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, mù, suy dinh dưỡng, nhẹ ký… do biến chứng từ Rubella” - BS Mậu nói.

tiem ngua cho tre1

Cần đưa Rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để giảm thiểu tác hại của loại bệnh này cho trẻ em. Ảnh: DUY TÍNH

Cần đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia

Bên lề hội nghị, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm với GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Theo GS Phượng, lý do bà đưa ra đề nghị cần đưa Rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì đó là điều cần thiết. Trước đây, bà từng đề nghị vấn đề tiêm chủng mở rộng viêm gan siêu vi B nhưng có dư luận cho rằng làm vậy để các công ty kinh doanh vaccine hưởng lợi. Tuy nhiên, sau này Nhà nước đã quyết định đưa nó vào chương trình. “Thật tình tôi chẳng hưởng lợi gì từ việc vận động đưa chủng ngừa siêu vi B vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Với tâm niệm làm việc tất cả vì sức khỏe nhân dân, tôi cũng sẽ cố gắng đưa Rubella vào chương trình vì nó rất nặng nề nếu nhiễm sơ sinh” - GS Phượng quả quyết.

“Đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì càng tốt. Nếu chưa thực hiện được ngay thì Bộ Y tế cần hỗ trợ ít nhất 50%, phần còn lại do BHYT lo để trẻ dưới sáu tuổi được tiêm miễn phí vaccine ngừa bệnh Rubella” - GS Phượng đề nghị thêm.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân cho rằng với gia đình giàu thì có thể tiêm ngừa cho con nhưng người nghèo không có tiền lại không có nhận thức để đưa con đi tiêm ngừa. Nếu vaccine này được đưa vào bắt buộc hoặc BHYT chi trả 50%-100% sẽ thực hiện tiêm ngừa cho trẻ gái trong chương trình y tế học đường.


Mẹ mắc Rubella, con bị tật bẩm sinh

Rubella còn gọi là sởi Đức (vì lần đầu tiên được phân biệt với sởi thường tại Đức giữa thế kỷ XVIII), đây là một bệnh lý nhiễm siêu vi nhẹ ở người bình thường. Nhưng nếu nhiễm ở người mang thai sẽ gây nhiều tác hại cho thai nhi và sơ sinh: sẩy thai và nhiều khuyết tật bẩm sinh nặng.

Hội chứng Rubella bẩm sinh gồm những biểu hiện lâm sàng của sơ sinh do đã nhiễm virus Rubella từ khi còn là bào thai nằm trong tử cung (nếu mẹ nhiễm Rubella). Biểu hiện nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thời điểm người mẹ nhiễm Rubella khi mang thai. 90% thai bị khuyết tật nếu mẹ nhiễm Rubella trước tuần 11, 30% từ tuần 11-12, 11% từ tuần 13-14, 24% từ tuần 15-16 và 0% sau tuần thai kỳ thứ 16, tuy bào thai có thể bị chậm phát triển.

Sản phụ nhiễm Rubella trong 16 tuần đầu của thai kỳ, nếu không phát hiện và để sinh con thì trẻ ra đời có một hoặc nhiều khuyết tật. Dị tật mắt: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, nhãn cầu nhỏ và dị tật khác; dị tật tim: tồn tại ống động mạch, thông liên thất hay liên nhĩ, thậm chí cả hai, hẹp động mạch phổi…; tai điếc do thần kinh; dị tật thần kinh trung ương như đầu nhỏ hay thoái hóa não, có thể đưa đến viêm não, màng não; chậm phát triển thể lực, tâm thần; thiếu máu và giảm tiểu cầu; gan lách to, vàng da nặng; tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn… Hầu hết những khuyết tật này chỉ xuất hiện sau khi sinh hoặc chỉ là những khuyết tật chức năng nên không thể phát hiện bằng cách theo dõi qua siêu âm thai.

GS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG,
nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM

Tại Nhật Bản, năm 1986 có gần 50.000 ca Rubella, trong đó 120 ca bẩm sinh. Năm 1995, họ đưa Rubella vào chương trình tiêm chủng và từ năm 2000 đến nay, Nhật Bản không còn ca nào. Tại Mỹ, từ năm 2002 đã hết Rubella bẩm sinh.

Hiện tại không còn vaccine Rubella đơn giá mà chỉ có vaccine ba trong một ngừa sởi - quai bị - Rubella, giá 130.000 đồng. Đối với trẻ em, nên tiêm 15-18 tháng tuổi, nếu có điều kiện thì tiêm nhắc lại sau đó sáu tháng hoặc lúc trẻ 4-6 tuổi. Phụ nữ đến tuổi sinh đẻ, sắp kết hôn nên đi tiêm, người chồng nên tiêm để tránh lây cho vợ.

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ
,
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Nguồn: Tạp Chí Pháp Luật



Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Rạn nứt da khi mang thai - Ngày đăng: 07-11-2011
Bồi bổ sau khi sinh - Ngày đăng: 07-11-2011
Để thụ thai thành công... - Ngày đăng: 07-11-2011
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK