Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 17-12-2010 12:37pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

thanh tuu

.

Năm 2010 sắp kết thúc, đây là năm được các chuyên gia đánh giá có nhiều thành tựu quan trọng về lĩnh vực y tế.


Sau đây là 10 thành tựu y học nổi bật nhất trong năm 2010 được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn:

1. Thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Antiretroviral là thuốc được dùng để kéo dài cuộc sống của bệnh nhân có HIV. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy, loại thuốc này có thể trở thành vũ khí hữu hiệu chống virus HIV lây truyền cho những người khỏe mạnh.

thanh tuu 1

Ảnh: AFP

Một cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học Mỹ liên quan tới gần 2.500 nam giới đồng tính - nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cho thấy dùng thuốc Antiretroviral đã giúp giảm tới 44% nguy cơ lây nhiễm HIV so với nhóm dùng giả dược. Thậm chí, tỷ lệ này còn có thể tăng lên tới 73% ở nhóm thường xuyên dùng thuốc.

2. Tế bào nhân tạo

Các nhà khoa học tại Viện J.Craig Venter (Mỹ) đã thành công khi tạo được tế bào sống nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Craig Venter làm trưởng nhóm đã dùng một số hóa chất để tổng hợp nên các đoạn ADN, sau đó gắn một đoạn ADN mới vào tế bào và từ đây có thể phân chia liên tục.

thanh tuu 2

Ảnh: Viện J.Craig Venter

Công trình khoa học của Tiến sĩ Venter mở ra cánh cửa giúp loài người có thể tạo ra sự sống nhân tạo vốn chưa từng có trước đây.

3. Xét nghiệm máu phát hiện bệnh Alzheimer

Một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp chẩn đoán được bệnh Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ), qua đó giúp tăng cơ hội phát hiện sớm căn bệnh này. Được biết, Alzheimer là bệnh gây tử vong ở người cao tuổi đứng hàng thứ 4 hiện nay.

thanh tuu 3

Bệnh Alzheimer thường xảy ra ở người có tuổi - Ảnh: Reuters

Thử nghiệm trên các tình nguyện viên, các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) nhận thấy, tỷ lệ thành công trong việc phát hiện những người mắc bệnh Alzheimer là 94%, trong khi đó mức độ chính xác trong việc phân loại những người không bị mắc bệnh này là 84%.

4. FDA chuẩn thuận Botox chữa đau nửa đầu

Giới chức liên bang Mỹ khẳng định Botox, chất được tiêm vào cơ thể để giảm nếp nhăn, có thể trị được bệnh đau nửa đầu.

Dựa trên hai cuộc thử nghiệm lớn liên quan tới hơn 1.000 bệnh nhân, hãng dược Allergan - hãng sản xuất Botox - đã thuyết phục được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) về việc Botox đẩy lùi được bệnh đau nửa đầu.

thanh tuu 4

Ảnh: Shutterstock

Cuối cùng, FDA đã phê chuẩn loại thuốc này cho bệnh nhân bị đau nửa đầu từ 15 ngày trở lên mỗi tháng.

5. Hô hấp nhân tạo mới: Ấn ngực mà không cần thổi ngạt

Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội tim mạch Mỹ, phương pháp hô hấp nhân tạo mới (cardiopulmonary resuscitation - CPR) chỉ ấn mạnh vào ngực (mà không cần thổi ngạt bằng miệng) cũng giúp tăng khả năng sống sót ở các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim với tỷ lệ tương tự như phương pháp hô hấp nhân tạo thông thường (cả ấn ngực lẫn thổi ngạt).

thanh tuu 5

Ảnh: AFP

Điểm đặc biệt ở phương pháp chỉ ấn ngực này là ai cũng có thể thực hiện được và tiết kiệm nhiều thời gian, qua đó tăng khả năng sống sót của nạn nhân.

Các phương pháp hô hấp nhân tạo truyền thống thường mất nhiều thời gian do nhân viên y tế phải ngừng ấn ngực lúc thổi ngạt khi cấp cứu tại chỗ và không có dụng cụ y tế.

6. FDA hạn chế dùng thuốc trị tiểu đường Avandia

Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra thông cáo hạn chế sử dụng thuốc trị tiểu đường Avandia do lo ngại thuốc này làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ khi bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian dài.

Trong một thông cáo được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, FDA cho biết thuốc Avandia (do công ty dược GlaxoSmithKline của Anh sản xuất) chỉ được kê cho bệnh nhân tiểu đường típ 2 nếu họ không thể kiểm soát được lượng đường glucose trong máu sau khi đã thử dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.

thanh tuu 6

Ảnh: AFP

Ngoài ra, FDA cũng nhấn mạnh rằng, các bệnh nhân chỉ buộc phải dùng Avandia khi đã biết về những nguy cơ tác hại do thuốc này mang lại.

7. Phát hiện sớm bệnh tim nhờ xét nghiệm máu

Các nhà khoa học đã xác định được 23 gien tượng trưng cho protein trong máu, qua đó giúp phát hiện chính xác tới 83% tình trạng bị nghẽn mạch máu, triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch.

thanh tuu 7

Ảnh: Getty Images

Khi dùng biện pháp xét nghiệm máu để tìm hiểu liệu bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim cao hay thấp, các chuyên gia nhận thấy liệu pháp mới này tăng khả năng phát hiện bệnh lên 16% so với các phương pháp truyền thống.

Nhờ giúp phát hiện bệnh tim ngay từ khi cơ thể hoàn toàn chưa có biểu hiện gì, liệu pháp xét nghiệm máu có thể giúp cứu sống được hàng ngàn người mỗi năm.

8. Dự đoán tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm

Các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã tìm ra cách dự đoán chính xác hơn tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Dùng máy quay theo dõi sự phát triển của trứng đã thụ tinh có thể giúp cung cấp thông tin cụ thể những phôi có cơ hội sống tốt nhất, sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào cơ thể người mẹ.

thanh tuu 8

Ảnh: AFP

Phương pháp mới sử dụng công nghệ hình ảnh để quan sát và phân tích sự phát triển của phôi trong những ngày đầu tiên, có thể giúp lựa chọn được phôi tốt nhất từ giai đoạn sớm hơn, qua đó giúp tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến IVF để có con.

9. Buồng trứng nhân tạo

Thêm tin vui cho những chị em bị vô sinh, các nhà khoa học thuộc Đại học Brown (Mỹ) cho biết đã thành công trong việc tạo ra buồng trứng nhân tạo, giúp nuôi dưỡng trứng bên ngoài cơ thể.

Phát hiện này có thể giúp hàng ngàn phụ nữ bị tổn thương ở buồng trứng thực hiện được thiên chức của mình: làm mẹ.

thanh tuu 9

Nhờ buồng trứng nhân tạo, trong tương lai, nhiều phụ nữ có thể chạm tới giấc mơ làm mẹ của mình - Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, theo các chuyên gia, những phụ nữ sắp trải qua các đợt hóa trị liệu hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư… cũng không phải quá lo lắng khi buồng trứng nhân tạo giúp tăng khả năng có con của họ.

10. Nuôi cấy tế bào gốc an toàn hơn

Nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ) đã tìm ra phương pháp nuôi cấy tế bào gốc đa năng (iPS) mới an toàn và nhanh chóng hơn.

Hiện nay, để tạo ra các tế bào iPS từ tế bào da, các nhà khoa học cần phải cho những tế bào da này tiếp xúc với cả virus và gien gây bệnh ung thư để lập trình lại chúng ở tình trạng giống như phôi.

thanh tuu 10

Tế bào gốc iPS có thể phát triển thành các bộ phận khác nhau của cơ thể như cơ bắp, mô thần kinh và sụn - Ảnh: AFP

Mới đây, các chuyên gia thuộc Bệnh viện Nhi đồng Boston đã sử dụng thành công một hình thức gien bổ sung khác, được gọi là RNA, giúp loại bỏ các tác nhân gây nguy hiểm từ các virus cũng như gien gây bệnh ung thư.

Và phương pháp tạo iPS mới giúp tăng tính hiệu quả lên tới khoảng gấp 100 lần so với phương pháp truyền thống. Đây là bước tiến lớn trong việc ứng dụng tế bào iPS để chữa bệnh.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
10 cách vượt qua stress khi mang thai - Ngày đăng: 06-03-2011
Ngừa hen phế quản ở thai phụ - Ngày đăng: 04-05-2013
Nguy cơ ăn thiếu chất ở thai phụ - Ngày đăng: 23-02-2011
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK